Sign In

Những khó khăn, vướng mắc trong xác định, phân chia, xử lý tài sản chung để thi hành án

07/10/2020

Thực tiễn công tác thi hành án dân sự cho thấy, việc kê biên xử lý tài sản chung của người phải thi hành án với người khác để thi hành án thường rất khó khăn, phức tạp. Đây cũng là vấn đề dễ phát sinh khiếu nại, tố cáo.
Có thể thấy, các quy định pháp luật hiện hành đã quy định tương đối đầy đủ và rõ ràng về hướng xử lý và trách nhiệm của các bên liên quan trong vấn đề xác định tài sản thuộc sở hữu chung, đồng thời, quy định về quyền ưu tiên mua phần tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản thuộc sở hữu chung. Tuy nhiên, thực tiễn xử lý tài sản chung của người phải thi hành án với người khác để đảm bảo thi hành án còn phát sinh một số vấn đề khó khăn, vướng mắc như sau:
Thứ nhât, việc xác định tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung còn khó khăn
Việc phân chia tài sản chung của vợ chồng và hộ gia đình đòi hỏi phải tuân thủ theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình và các luật có liên quan. Đặc biệt, các quy định về chế độ tài sản chung, riêng của vợ, chồng đối với tài sản là bất động sản rất phức tạp nên việc xác minh làm rõ về nguồn gốc tài sản là rất khó khăn.
Ví dụ: Trường hợp của vợ chồng Dương Quốc Chính, bà Đỗ Thị Huệ (TDP Bình Minh, phường Bách Quang, thành phố Sông Công) phải thi hành án khoản án phí và trả nợ cho nhiều người. Quá trình xác minh điều kiện thi hành án cho thấy ông Dương Quốc Chính có tài sản là quyền sử dụng đất (đất lúa) tại phường Bách Quang, thành phố Sông Công. Vợ chồng ông cho rằng, đây là tài sản riêng của ông Chính vì được thừa kế riêng (trên văn bản thừa kế ghi ông Dương Quốc Chính được thừa kế thửa ruộng này) nhưng Chi cục THADS xác định, đây là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân của vợ chồng vì khi làm thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất này, hai vợ chồng ông Chính đều ký vào đơn để nghị, chứng tỏ đã xác lập tài sản thừa kế vào tài sản chung của vợ, chồng.
Trong quá trình thi hành án gặp nhiều khó khăn như thủ tục thông báo cho các đồng sở hữu chung và xác định là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân đối với những cặp vợ chồng lớn tuổi, đăng ký kết hôn đã lâu năm. Trong trường hợp trên ông Dương Quốc Chính đang chấp hành án phạt tù tại Trại giam Phú Sơn 4, Chấp hành viên phải mất nhiều thời gian và thủ tục để thông báo và làm việc trực tiếp. Bên cạnh đó, để xác định tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân, Chấp hành viên phải xác minh giấy đăng ký kết hôn (hai vợ chồng ông kết hôn từ năm 1987 tại xã Tân Quang nên việc tra cứu rất khó khăn vì hiện nay xã đã tách ra thành phường Bách Quang và xã Tân Quang, cả hai phường xã đều không lưu trữ được giấy đăng ký kết hôn từ những năm 1987).
Thứ hai, Đối với quy định trường hợp vợ, chồng hoặc cá nhân trong hộ gia đình khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo hợp lệ, thì trên thực tế không hiệu quả do đa phần đương sự không thực hiện việc khởi kiện ra Tòa án. Bởi vì, người phải thi hành án thì không muốn thi hành hoặc tìm mọi cách để kéo dài thời gian thi hành án, còn những người còn lại thì cho rằng đó không phải là việc của họ vì họ không có tranh chấp gì với người phải thi hành án
Ví dụ: vụ bà Nguyễn Thị Từ (tổ 4, phường Mỏ Chè, thành phố Sông Công) phải thi hành án trả ông Dương Văn Thiệp (tổ 4, Mỏ Chè, Sông Công) số tiền 190.400.000đ. Quá trình xác minh điều kiện thi hành án, thấy hộ gia đình bà Từ có tài sản là quyền sử dụng đất tại phường Mỏ Chè, thành phố Sông Công. Chấp hành viên đã ban hành thông báo đề nghị bà Nguyễn Thị Vinh (con gái bà Từ) có quyền khởi kiện ra tòa theo quy định tại Điều 75 Luật THADS năm 2014, nhưng hết thời hạn quy định, bà Nguyễn Thị Vinh không khởi kiện.
Thứ ba, quy định thời hạn được nêu tại khoản 1 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự là quá dài, bởi lẽ, việc khởi kiện để phân chia tài sản không chỉ là quyền lợi mà còn là trách nhiệm của các đồng sở hữu, vì vậy, nên xem xét rút ngắn thời gian khởi kiện này. Mặt khác, sau khi Tòa án thụ lý lại phải mất một thời gian dài để Tòa án giải quyết việc phân chia tài sản dẫn đến kéo dài thời gian tổ chức thi hành án.
Do vậy, Chi cục THADS nhận thấy trong thời gian tới các cơ quan có thẩm quyền cần sửa đổi, bổ sung các quy định về việc xác định, phân chia tài sản thuộc sở hữu chung để thi hành án nhằm rút ngắn thời gian tổ chức thi hành án và nâng cao hiệu quả kê biên, xử lý tài sản chung của người phải thi hành án trong thực tế.


Theo Chi cục THADS TP Sông Công

Các tin đã đưa ngày: