Sign In

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành án dân sự

28/09/2020

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành án dân sự
Công tác thi hành án dân sự là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là nhiệm vụ thường xuyên cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện, gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, trật tự ở địa phương là một trong những nhiệm vụ được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên xác định tại Chỉ thị số 33-CT/TU ngày 25.9.2020 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh.
Chuyển biến tích cực
Ngày 4.1.2011, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên đã ban hành Chỉ thị số 01-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh. Đánh giá về 10 năm thực hiện Chỉ thị này, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Xuân Tùng cho biết, Chỉ thị số 01-CT/TU đã tạo bước chuyển biến tích cực, quan trọng trong công tác thi hành án dân sự trên địa bàn. Các cấp ủy Đảng đã chú trọng, quan tâm đến công tác lãnh đạo các cơ quan thi hành án dân sự, đặc biệt là trong lãnh đạo hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, củng cố, kiện toàn các tổ chức Đảng, đoàn thể trong các cơ quan thi hành án dân sự, giáo dục chính trị tư tưởng, quản lý và kiện toàn công chức lãnh đạo của các đơn vị.
Trong bối cảnh tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp và khối lượng công việc ngày càng tăng, tổng số việc và tiền thụ lý năm sau luôn tăng so với năm trước nhưng kết quả thi hành án hàng năm đều đạt và vượt các chỉ tiêu được giao. Công tác xác minh, phân loại án được chú trọng, bảo đảm chính xác, đúng pháp luật. Công tác theo dõi thi hành án hành chính tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo nghiêm túc. Việc thi hành các vụ việc liên quan đến thu hồi tiền, tài sản cho ngân sách nhà nước, các vụ việc phức tạp, kéo dài, các vụ việc trọng điểm, các vụ việc liên quan đến các khoản nợ của các tổ chức tín dụng được tập trung chỉ đạo giải quyết; kỷ cương, kỷ luật hành chính được tăng cường.
Theo Báo cáo 10 năm thực hiện Chỉ thị 01-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên, năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm của một bộ phận công chức, chấp hành viên, kể cả cán bộ lãnh đạo quản lý của cơ quan thi hành án dân sự còn chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ. Số việc và tiền thụ lý mới ngày càng nhiều và liên tục tăng cao so với năm trước, trong khi thực hiện chủ trương cắt giảm biên chế, tạo áp lực lớn cho hoạt động thi hành án dân sự trên địa bàn. Theo đó, năm 2017, cơ quan thi hành án dân sự tỉnh đã giải quyết gần 8.000 việc và trên 71 tỷ đồng; năm 2018 đã thi hành xong gần 9.000 việc tương ứng với trên 95 tỷ đồng; năm 2019 đã thi hành xong trên 8.600 việc tương ứng với trên 97 tỷ đồng.
Đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn
Chỉ thị 01-CT/TU đã được ban hành từ năm 2011, việc tổ chức triển khai thực hiện đã được gần 10 năm. Trong khi đó, bối cảnh kinh tế - xã hội của tỉnh và những yêu cầu nhiệm vụ của công tác THADS đã có những thách thức mới. Luật Thi hành án dân sự năm 2008 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014 với nhiều quy định quan trọng, đặc biệt là trách nhiệm của Nhà nước trong xác minh điều kiện thi hành án, bảo đảm tính chính xác, công khai kết quả phân loại án, tăng cường sự giám sát của xã hội đối với công tác thi hành án.
Cùng với đó, tại địa phương, các yêu cầu trong tình hình mới như bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh của tỉnh, công tác thu hồi nợ xấu nhằm khơi thông tác nguồn lực tài chính, công tác phòng, chống tham nhũng nói chung và thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát của vụ án tham nhũng - kinh tế nói riêng đang đòi hỏi tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với công tác thi hành án dân sự trong giai đoạn mới.
Trong khi đó, thực tiễn công tác THADS trong những năm qua đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc cần kịp thời khắc phục như việc tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự hai cấp, đặc biệt ở cấp huyện trong công tác phối hợp liên ngành và chỉ đạo thi hành đối với một số vụ việc phức tạp có ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại địa phương; một số cấp ủy và UBND cấp xã còn thiếu tích cực phối hợp xác minh điều kiện thi hành án; công tác giám sát của một số HĐND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện hiệu quả chưa cao; trách nhiệm phối hợp của một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh trong việc thực hiện các nhiệm vụ được Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao chưa cụ thể như trong công tác thẩm định giá, đấu giá tài sản kê biên...
Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 01-CT/TU, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên xác định tại Chỉ thị số 33-CT/TU ngày 25.9.2020 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh. Trong đó đã xác định nhiều nhiệm vụ trọng tâm như, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo nâng cao chất lượng hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thi hành án dân sự, phát huy vai trò hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự các cấp; Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị tăng cường lãnh đạo, giám sát đối với công tác này, với trọng tâm là giám sát việc chấp hành pháp luật, đạo đức nghề nghiệp của chấp hành viên…
Nguyễn Minh-Báo Daibieunhandan


Theo https://www.daibieunhandan.vn/

Các tin đã đưa ngày: