Ðộng viên, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án được coi là giải pháp "một mũi tên trúng nhiều đích" được cán bộ, chấp hành viên của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên) vận dụng sáng tạo, qua đó giải quyết nhanh chóng và hạn chế các vụ việc phải tiến hành cưỡng chế phức tạp, kéo dài ảnh hưởng phát triển kinh tế-xã hội, tình hình an ninh chính trị tại địa phương.
Viện kiểm sát nhân dân huyện Phú Bình đã công bố Quyết định trực tiếp kiểm sát hoạt động thi hành án dân sự đối với Chi cục thi hành án dân sự huyện. Ảnh: thads.moj.gov.vn
Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phú Bình là đơn vị cấp huyện, có lượng việc phải giải quyết đứng thứ 2 toàn tỉnh. Trong thời gian qua, bên cạnh việc áp dụng đồng bộ các giải pháp về chuyên môn, nghiệp vụ, Chi cục đã áp dụng hiệu quả công tác dân vận để tuyên truyền, vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án, góp phần giải quyết nhanh chóng, dứt điểm nhiều vụ việc.
Ðể có được kết quả đó, Chi cục triển khai đồng bộ và thực hiện các đề án giai đoạn 2021-2025 của Ban chấp hành Ðảng bộ tỉnh trong hoạt động thi hành án dân sự, trong đó đặc biệt là Ðề án "Tăng cường công tác dân vận của Ðảng bộ tỉnh Thái Nguyên".
Công tác dân vận luôn giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong việc vận động các cá nhân, tổ chức thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước nói chung, pháp luật về thi hành án dân sự nói riêng. Thực tiễn cho thấy, việc vận động, giáo dục, thuyết phục quyết định lớn hiệu quả trong hoạt động thi hành án; tận dụng được mọi điều kiện của đương sự, thân nhân của đương sự... tự nguyện thi hành; tránh việc cố tình chây ỳ, chống đối không thi hành và khiếu nại, tố cáo kéo dài... không thi hành được. Sự nỗ lực, khéo léo, kiên trì của các cán bộ, chấp hành viên trong công tác vận động, thuyết phục đã làm thay đổi từ không hợp tác sang thái độ tự nguyện của đương sự, không chỉ giúp đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ mà còn đem lại hiệu ứng xã hội, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Chi cục chủ động phối hợp tốt với các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND huyện; phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở, trưởng xóm, những người có uy tín đối với người phải thi hành án (kể cả các chức sắc tôn giáo)... trong việc tuyên truyền đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước bằng nhiều biện pháp tác động về mặt tinh thần, tư tưởng, nhằm nêu cao ý thức chấp hành pháp luật, làm cho đương sự, gia đình và người thân đương sự nhận thức được quyền, nghĩa vụ của mình và tự nguyện thi hành án.
Ðối với cán bộ, chấp hành viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thường xuyên tuyên truyền các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, đất đai, hôn nhân và gia đình... đến với cán bộ và người dân, kiên trì tuyên truyền, vận động đương sự tự nguyện thi hành án. Nhờ đó, thời gian qua, nhiều vụ việc thi hành án phức tạp, phải chuẩn bị đến phương án cưỡng chế nhưng nhờ vào sự phối hợp giữa cơ quan thi hành án và các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương vận động, thuyết phục nên người dân đã tự nguyện chấp hành. Cụ thể như vụ hai đương sự ở xóm Vôi, xã Hà Châu phải thanh toán nợ cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) tổng số tiền hơn 1,7 tỷ đồng. Cơ quan Thi hành án dân sự huyện Phú Bình đã phối hợp Công an huyện Phú Bình và đại diện chính quyền xã Hà Châu tuyên truyền, vận động được người phải thi hành án tự nguyện giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá. Vụ việc kết thúc không có khiếu nại, tố cáo.
Nhiều vụ việc tuy số tiền không lớn, nhưng lại rất khó khăn và phức tạp như: Giao đất; giao mốc giới, giao con... Chi cục chủ động, kiên trì trong việc tổ chức giải quyết, đồng thời nhiều lần phối hợp UBND xã Thanh Ninh, các cơ quan, ban, ngành của huyện giải thích quy định của pháp luật, tiến hành vận động, thuyết phục, động viên các đương sự. Nhờ sự kiên trì đôn đốc, thuyết phục, các bên hiểu được quyền, nghĩa vụ của mình và giao lại thửa đất theo quy định. Chủ tịch UBND xã Thanh Ninh Nguyễn Văn Tạc cho biết: Vụ việc thi hành án tại xã Thanh Ninh về giao đất trong thời gian qua có một số vụ việc, có tính chất phức tạp, nhưng với sự nỗ lực của chấp hành viên, cán bộ xã đã nhiều lần đến tận nhà tuyên truyền chính sách pháp luật cho nên đương sự đã tự nguyện thi hành án. Vụ việc tại xã Thanh Ninh không phải tập trung lực lượng chức năng để cưỡng chế thi hành án, bảo đảm an ninh trật tự, uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương và danh dự của các cá nhân liên quan.
Chi cục trưởng Thi hành án dân sự huyện Phú Bình Lê Thị Luyến cho biết: Ðể công tác vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án hoặc người nhà của đương sự hiểu và tự nguyện thi hành án đòi hỏi cán bộ, chấp hành viên phải nghiên cứu kỹ bản án, quyết định của tòa án, tìm hiểu thông tin, nhân thân và các mối quan hệ của đương sự để có thể tìm ra biện pháp thi hành án phù hợp, tìm ra hướng động viên, thuyết phục hiệu quả, tránh áp dụng các biện pháp cưỡng chế làm phát sinh các tình huống phức tạp hoặc đơn thư kéo dài vụ việc.
Trong những năm gần đây, cán bộ, chấp hành viên làm công tác thi hành án là những tuyên truyền viên, thường xuyên trong các buổi làm việc với đương sự, với người nhà đương sự sẽ tuyên truyền các quy định của pháp luật, cụ thể là Luật Thi hành án dân sự, Luật Ðất đai, Luật Hôn nhân và gia đình... Theo số liệu báo cáo, 6 tháng đầu năm 2022, chấp hành viên Chi cục đã thực hiện động viên, thuyết phục các đương sự tự nguyện thi hành án nên đã thu được kết quả đáng khích lệ, chỉ tiêu 6 tháng đã đạt 74,88% về việc và 44,18% về tiền trên tổng số việc và tiền có điều kiện thi hành.
Từ tháng 10/2019 đến hết tháng 3/2022, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phú Bình thi hành xong 2.045 việc tương ứng với số tiền 19,42 tỷ đồng; đạt 93,08% về việc và 73,04% về tiền/tổng số việc, số tiền có điều kiện thi hành. Nhiều vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài đã được giải quyết dứt điểm; thu ngân sách cho địa phương đạt hơn 9,6 tỷ đồng; số vụ việc đương sự tự nguyện ngày càng tăng, số việc phải tổ chức cưỡng chế giảm (92 việc phải cưỡng chế/2045 việc thi hành xong, chiếm tỷ lệ 4,4%). |
Theo https://nhandan.vn/