Xuất phát từ tình huống giả định là những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong lớp học, đội tuyên truyền phổ biến GDPL đã xây dựng kịch bản về tội “ Cố ý gây thương tích” trong học đường. Dù là phiên tòa giả định nhưng tình huống được thực hiện sát với thực tế, qua đó giúp các em học sinh hiểu thêm về diễn biến tại một phiên tòa cũng như quy định của pháp luật liên quan đến hành vi, cách cư xử giữa bạn bè với nhau trong môi trường học đường. Sau phiên tòa giả định, ban tổ chức đã tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các em học sinh thông qua các câu hỏi tương tác trực tiếp. Ngoài việc giải đáp thắc mắc về các nội dung liên quan đến pháp luật, ban tổ chức cũng dành nhiều thời gian trao đổi với các em học sinh về một số vấn đề pháp luật khác như về trách nhiệm dân sự trong bản án hình sự; các hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội…
Có thể nói, phiên tòa giả định mang tính trực quan không chỉ phản ánh những hành vi phạm tội trên thực tế diễn ra hiện nay, các quy định pháp luật nghiêm cấm và mức án được áp dụng, mà còn giúp học sinh hiểu rõ hơn hoạt động của những người cầm cân nẩy mực, giúp người xem biết được ranh giới giữa cái đúng và cái sai, tính nghiêm minh của pháp luật và tính "hướng thiện" trong chính sách hình sự của nước ta đối với những người đã phạm tội thông qua mức án được tuyên xử. Đồng thời, thông qua những phiên tòa giả định cũng giúp các em học sinh có nhận thức tự rèn luyện bản thân, trau dồi khả năng tranh tụng, phát biểu trước khi bước vào một phiên tòa công lý thực sự.
Tin bài: Hoài Linh, Ủy viên BCH Chi đoàn