Sign In

Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo trong THADS thuộc thẩm quyền của Cục THADS tỉnh Thanh Hóa

17/05/2024

Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo trong THADS thuộc thẩm quyền của Cục THADS tỉnh Thanh Hóa
Thực tiễn công tác giải quyết KNTC trong lĩnh vực THADS thời gian qua cho thấy đang từng bước đi vào nền nếp và đã có nhiều chuyển biến tích cực: Các văn bản pháp luật tạo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết KNTC ngày càng đầy đủ; đội ngũ cán bộ chuyên trách có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giúp thủ trưởng cơ quan THADS về công tác giải quyết KNTC từng bước được hình thành; công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức thực hiện và thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về giải quyết KNTC, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức làm công tác giải quyết KNTC và tiếp công dân ngày càng được quan tâm, chú trọng.
Thời gian qua, Cục THADS tỉnh Thanh Hóa và các cơ quan THADS tại địa phương đã thực hiện tốt công tác dân vận, xác định công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, cơ quan, đơn vị; thường xuyên theo dõi, nắm bắt và dự báo sát tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân nhằm kịp thời ngăn chặn, chấn chỉnh, khắc phục những thiếu sót trong quá trình tổ chức thi hành án cũng đã góp phần hạn chế các khiếu nại, tố cáo phát sinh.
1. Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo
Từ năm 2019 đến hết năm 2023, Cục THADS tỉnh Thanh Hóa và các Chi cục địa phương đã tiếp nhận tổng số 191 đơn gồm: 145 đơn/145 việc khiếu nại; 46 đơn/ 46 việc tố cáo (trong đó: 63 đơn/63 việc khiếu nại thuộc thẩm quyền của Cục THADS tỉnh; 82 đơn/ 82 việc khiếu nại thuộc thẩm quyền của Chi cục THADS địa phương; 22 đơn/22 việc tố cáo thuộc thẩm quyền của Cục THADS tỉnh; 24 đơn/ 24 việc tố cáo thuộc thẩm quyền của Chi cục THADS địa phương). Đã giải quyết tổng số 145 đơn /145 việc , trong đó, đã ban hành quyết định giải quyết khiếu nại đối với 133 việc; đình chỉ 12 việc và ban hành kết luận giải quyết tố cáo đối với 44 việc; đình chỉ 02 việc.
2. Kết quả thực hiện yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị trong giải quyết khiếu nại, tố cáo
Từ năm 2019 đến hết năm 2023, Cục THADS tỉnh Thanh Hóa và các Chi cục địa phương có 04 kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân hai cấp (02 cấp tỉnh và 02 cấp huyện). Các lỗi vi phạm được nêu trong các kiến nghị như: Vi phạm trong việc chậm thụ lý giải quyết đơn, chậm ra quyết định giải quyết khiếu nại, chậm gửi Thông báo thụ lý giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại, chậm gửi Kết luận tố cáo cho Viện kiểm sát, không có báo cáo kết quả xác minh nội dung khiếu nại. Sau khi nhận được các kiến nghị của Viện Kiểm sát, Lãnh đạo Cục và các Chi cục THADS địa phương đã triển khai, quán triệt và yêu cầu cán bộ làm công tác tham mưu giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo của đơn vị nghiêm túc tiếp thu, rút kinh nghiệm, kịp thời khắc phục những vi phạm, thiếu sót đã nêu trong các kiến nghị, kết luận của Viện kiểm sát. Đồng thời cũng đã có văn bản báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị của Viện kiểm sát đối với từng Kiến nghị, Kết luận của Viện kiểm sát theo quy định.
3. Hạn chế, tồn tại, nguyên nhân công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
3.1. Hạn chế, tồn tại
Bên cạnh những mục tiêu đã đạt được, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo THADS trên điạ bàn tỉnh vẫn còn tồn tại một số hạn chế sau:
Thứ nhất, việc phân loại, thụ lý đơn KNTC ở một số cơ quan THADS địa phương còn có sai sót, hạn chế; kỹ năng xử lý đơn thư đầu vào của cán bộ làm công tác chuyên trách còn lúng túng như: Đơn KNTC nhưng lại được phân loại thành đơn kiến nghị, phản ánh dẫn đến số liệu thống kê về tình hình xử lý đơn thư, giải quyết KNTC chưa chính xác; có trường hợp đơn có nội dung tố cáo nhưng do phân loại sai nên giải quyết theo trình tự giải quyết khiếu nại.
Thứ hai, một số cơ quan THADS địa phương áp dụng chưa đầy đủ quy định về trình, tự thủ tục giải quyết KNTC dẫn đến một số đơn thư KNTC kéo dài.
Thứ ba, một số thủ trưởng cơ quan THADS địa phương trong công tác giải quyết KNTC chưa thực hiện tốt việc tổ chức đối thoại trực tiếp với người KNTC, người bị KNTC để làm rõ nội dung KNTC, làm cơ sở giải quyết dứt điểm, đúng quy định. 
3.2. Nguyên nhân
Nguyên nhân chủ quan
Thứ nhất, nhận thức của một số thủ trưởng cơ quan THADS địa phương, Chấp hành viên, cán bộ công chức THADS về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác giải quyết KNTC còn chưa đầy đủ.
Thứ hai, kỹ năng giải quyết khiếu nại tố cáo của một số cán bộ tham mưu giải quyết chưa cao; một số cán bộ chưa dành nhiều thời gian để chủ động nghiên cứu các quy định về giải quyết KNTC.
Thứ ba, công tác tuyên truyền pháp luật THADS nói chung, pháp luật về KNTC và giải quyết KNTC trong THADS tại một số đơn vị trong tỉnh có lúc còn hình thức.
Nguyên nhân khách quan
Thứ nhất, các quy định của pháp luật về KNTC và giải quyết KNTC trong THADS vẫn còn nhiều bất cập, cụ thể như: Chưa quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết KNTC đối với các trường hợp người bị KNTC đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác; chưa quy định, cụ thể về người quyền lợi, nghĩa vụ liên quan...
Thứ hai, một số Chi cục có lượng vụ việc thi hành án nhiều, địa bàn phức tạp nên Chấp hành viên, cán bộ thi hành án rơi vào tình trạng quá tải công việc, dẫn đến chậm trễ trong việc tổ chức thi hành án, phát sinh KNTC.
Thứ ba, ở một số Chi cục, cán bộ, công chức làm công tác tiếp dân còn kiêm nhiệm nên quá trình thụ lý, xác minh, tham mưu giải quyết KNTC chưa đúng yêu cầu. Lực lượng cán bộ trực tiếp tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo trong toàn toàn tỉnh còn mỏng.
4. Phương hướng, giải pháp
Để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết KNTC trong THADS; nâng cao hiệu quả thực hiện các yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị trong giải quyết KNTC, Cục THADS tỉnh Thanh Hóa đề xuất một số giải pháp, phương hướng thực hiện như sau:
Thứ nhất, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giải quyết KNTC trong THADS như: Tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra về giải quyết KNTC trong THADS; chú trọng công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm về giải quyết KNTC trong hệ thống THADS; thực hiện thường xuyên công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ giải quyết KNTC về THADS; đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về giải quyết KNTC trong THADS; tăng cường kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ trong nội bộ hệ thống THADS về công tác quản lý giải quyết KNTC, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý giải quyết KNTC.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về THADS nói chung, về giải quyết KNTC trong THADS nói riêng. Trước mắt cần hoàn thiện quy định về những vấn đề pháp luật về giải quyết KNTC chưa được quy định rõ ràng, gắn với hoàn thiện thể chế về công tác THADS và đổi mới quy trình giải quyết KNTC.
Thứ ba, thực hiện thường xuyên công tác bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, trau dồi bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp cho thủ trưởng, chấp hành viên THADS và đặc biệt là đội ngũ công chức trực tiếp tham mưu giải quyết KNTC trong THADS.
Thứ tư, nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết KNTC, phải chú trọng ngay từ khâu tiếp công dân để tiếp nhận đơn thư KNTC. Trong quá trình giải quyết KNTC, người làm công tác giải quyết KNTC phải thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ khách quan, làm cơ sở cho việc kết luận, từ đó ra quyết định giải quyết KNTC phù hợp, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của người KNTC, người bị KNTC. Đồng thời, cần làm rõ nguyên nhân phát sinh KNTC để có biện pháp xử lý phù hợp, tránh trường hợp KNTC kéo dài.
Bên cạnh đó, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cấp ủy đảng và chính quyền địa phương vào công tác giải quyết KNTC trong THADS.
Tác giả: Hoài Linh, Phòng Kiểm tra và giải quyết KNTC




 

Các tin khác
Các tin đã đưa ngày: