Sign In

Chặng đường gần 20 năm gắn bó với vùng cao

28/07/2015

Chặng đường gần 20 năm gắn bó với vùng cao
Sinh ra và lớn lên tại huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa trong một gia đình có truyền thống về ngành tư pháp. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành pháp lý Trường Chính trị tỉnh anh Bùi Đình Bình - Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Quan Hóa đã tình nguyện lên công tác ở các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa.
Điểm đến đầu tiên của anh là Đội thi hành án dân sự huyện Thường Xuân. Sau một thời gian ngắn công tác, khi huyện Quan Hóa chia tách thành ba huyện (Quan Hóa, Quan Sơn và Mường Lát), nhân sự ở Đội thi hành án các huyện này thiếu nhiều. Chấp hành sự điều động của cấp trên, như có duyên với vùng cao thân yêu, anh đã lên đường nhận nhiệm vụ tại Đội Thi hành án dân sự huyện Quan Hóa.
Nhớ lại những ngày đầu lên đơn vị anh chia sẻ: Quan Hóa là một trong những huyện miền núi cao nghèo nhất của tỉnh, tình hình tội phạm khá phức tạp, trong đó chủ yếu là tội phạm ma túy, trộm cắp. Đối tượng phải thi hành án nhiều người không biết chữ, dân trí thấp, điều kiện hết sức khó khăn. Đơn vị chỉ có 3 cán bộ nên công tác thi hành án luôn là một thách thức. Bên cạnh đó, địa bàn đồi núi chia cắt, đặc biệt là đường vào các làng, bản dốc cao, vừa lầy, vừa trơn, luôn thử thách bản lĩnh người cầm lái bằng những cú trượt dốc, bùn đất cuốn chặt hai bánh xe và biết bao khó khăn về điều kiện làm việc, sinh hoạt, giao tiếp không dễ vượt qua đối với một thanh niên miền xuôi mới đặt chân lên huyện vùng cao xa xôi.
 Bằng nghị lực, sức trẻ và nhiệt tình công việc, chàng thanh niên Bùi Đình Bình vừa khắc phục khó khăn, thiếu thốn, vừa trăn trở tham mưu cho lãnh đạo đơn vị thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Anh nhớ mãi việc thi hành đối với vụ án ma túy của Lục Văn Tuất và đồng bọn ở xã Hiền Kiệt, huyện Quan Hóa. Đối tượng Lục Văn Tuất là một kẻ rất ranh ma, khi vào trại giam đã có thời kỳ giả điên hòng trốn tội, mặc dù có điều kiện thi hành nhưng Tuất và gia đình đã tìm mọi cách trì hoãn không chấp hành án trong nhiều năm. Trước thực trạng vụ án của Lục Văn Tuất và nhiều vụ việc khó khăn khác, anh đã tham mưu cho lãnh đạo cơ quan đề nghị Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo sâu sát về công tác thi hành án dân sự, tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các xã, thị trấn trong huyện kiên trì tuyên truyền, giải thích, đôn đốc việc thi hành án. Riêng với Lục Văn Tuất, anh tham mưu cho lãnh đạo cơ quan phối hợp với lãnh đạo Trại giam nơi Tuất đang chấp hành án để đôn đốc thi hành xong phần nghĩa vụ dân sự. Với cách làm này, nhiều vụ việc thi hành án khó khăn, phức tạp, kéo dài nhiều năm trên địa bàn huyện Quan Hóa đã được giải quyết dứt điểm. Với sự cố gắng của bản thân và những thành tích đạt được, năm 2011 anh được bổ nhiệm phó Chi cục trưởng, đến năm 2013 được giao phụ trách đơn vị và bổ nhiệm Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Quan Hóa. Đây là trọng trách mà anh xứng đáng được giao và gánh vác.
 

 
Phát huy thành tích đã đạt được, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện uỷ, UBND huyện và sự chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Cục thi hành án dân sự tỉnh Thanh Hóa, công tác thi hành án dân sự trên địa bàn huyện Quan Hóa đã đạt được được những kết quả quan trọng. Đội ngũ cán bộ Chi cục được tăng cường cả về số lượng và chất lượng; cơ sở vật chất được đầu tư; hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thi hành án dân sự được chú trọng; công tác phối hợp với các cơ quan hữu quan trong thi hành án dân sự thường xuyên, chặt chẽ và hiệu quả hơn; tỉ lệ giải quyết án tăng về việc, về tiền, án tồn chuyển kỳ sau giảm, nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài đã được giải quyết dứt điểm, góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị, thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn huyện. Từ khi Luật thi hành án dân sự năm 2008 có hiệu lực, kết quả công tác của đơn vị liên tục tiến bộ. Chỉ tính riêng năm 2014, đơn vị thụ lý 76 việc/314.940.151đ, trong đó, số có điều kiện giải quyết là 67 việc/189.310.151đ, đã giải quyết xong 100% số việc và tiền có điều kiện. 9 tháng đầu năm 2015, trong bối cảnh thực sự khó khăn, kết quả thi hành án dân sự toàn quốc và của tỉnh thấp, đơn vị thụ lý 67 việc/569.402.996đ, phân loại số có điều kiện giải quyết là 55 việc/201.973.000đ, trong số có điều kiện đã giải quyết xong 47 việc/144.193.000, đạt tỷ lệ 85% về việc và 71% về tiền. Với những thành tích đã đạt được, năm 2014 Chi cục thi hành án dân sự huyện Quan Hóa được Bộ trưởng Bộ Tư pháp công nhận Tập thể lao động xuất sắc và tặng Bằng khen. Cá nhân anh Bùi Đình Bình vinh dự được Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác thi hành án dân sự.
Khi được hỏi về kinh nghiệm thi hành án dân sự, anh Bùi Đình Bình chia sẻ: Công tác thi hành án dân sự ngày càng được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự, có hiệu lực từ ngày 01-7-2015. Điều này cho thấy vị trí, vai trò của công tác THADS ngày càng được nhìn nhận đầy đủ hơn, toàn diện hơn. Để công tác thi hành án dân sự ngày càng đạt kết quả cao rất cần có các giải pháp, kinh nghiệm thực tiễn trong việc tổ chức thi hành các vụ việc, cụ thể như:
- Thứ nhất, cơ quan thi hành cần tranh thủ sự quan tâm, lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc tổ chức thi hành án, đặc biệt là các vụ việc khó khăn, phức tạp. Có thể nói, việc sát sao, vào cuộc của cấp ủy và chính quyền địa phương quyết định đến thành công trong việc tổ chức thi hành dân sự.
- Thứ hai, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong thi hành án dân sự. Mỗi đương sự trong vụ việc thi hành án đều có những ràng buộc với một cơ quan, hay một tổ chức nhất định. Để giải quyết một vụ việc thi hành án dân sự cần nắm bắt rất nhiều thông tin của đương sự như: Nơi cư trú, làm việc, nhân thân, điều kiện kinh tế, gia đình, dòng tộc, các mối quan hệ xã hội…. Vì vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan để nắm bắt thông tin kịp thời và chính xác, có biện pháp tác động đúng mức để giải quyết việc thi hành án được nhanh gọn, hiệu quả. Đặc biệt, cần phát huy vai trò chủ động, linh hoạt, kiên quyết của cơ quan Thi hành án dân sự và Chấp hành viên trong công tác phối hợp thi hành án dân sự.
- Thứ ba, tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về thi hành án dân sự. Việc hiểu biết pháp luật về thi hành án dân sự của nhân dân nói chung và từng đương sự nói riêng là một trong những yếu tố thuận lợi trong công tác thi hành án dân sự. Có nhiều vụ việc do không hiểu biết quy định của pháp luật về thi hành án dân sự nên đương sự thường thắc mắc, khiếu nại vô cớ, thậm chí chống đối đến cùng, làm ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả giải quyết án. Vì vậy, cần chú trọng việc tuyên truyền pháp luật về thi hành án bằng những việc làm cụ thể như: Qua các buổi làm việc trực tiếp với đương sự hoặc thân nhân của đương sự, những lúc tiến hành xác minh điều kiện thi hành án; trong phối hợp, làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan để tranh thủ sự đồng thuận cùng tuyên truyền, giải thích pháp luật thi hành án dân sự tới người dân. Từ đó yêu cầu cán bộ làm công tác thi hành án cần thực hành tốt kỹ năng vận động thuyết phục đương sự và thân nhân của họ. Thực tế cho thấy không ít đương sự từ chỗ chây ỳ, chống đối đã thay đổi nhận thức và tự nguyện thi hành. Và cũng không ít trường hợp đương sự đang phải chấp hành hình phạt tù không có điều kiện thi hành nhưng thân nhân của họ tự nguyện thi hành xong phần nghĩa vụ dân sự của họ theo quy định.
Chia tay với anh, chia tay với vùng đất kỳ vĩ khi thời tiết đã bắt đầu chuyển sang mùa ít nắng, nhiều mưa, nơi nằm trong trong hành trình con sông Mã trở về đất Việt sau khi uốn lượn cả trăm cây số trên đất Thượng Lào, tôi cứ mãi vấn vương với hình ảnh rắn rỏi và nụ cười gần gũi của người cán bộ thi hành án đã gắn bó nhiều năm với vùng cao Thanh Hóa. Mong rằng, trong tương lai anh sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa và luôn là tấm gương sáng trong công tác thi hành án dân sự của tỉnh nhà.
          Nguyễn Xuân Tuấn
          Ban Chính sách - Pháp luật
          LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa

Các tin đã đưa ngày: