Tham dự Hội nghị có đồng chí Cục trưởng Ngô Thanh Cường và các đồng chí Phó cục trưởng. Tại cuộc họp đã trao đổi thống nhất các nội dung bị bất cập, không phù hợp cần phải sửa đổi, tổng hợp các ý kiến tham gia của các Chi cục. Qua đó, đã thống nhất tham gia góp ý các điều luật về hệ thống tổ chức THADS và Chấp hành viên (các quy định từ Điều 13 đến Điều 25 Luật THADS), Về thủ tục THADS (các quy định từ Điều 26 đến Điều 65 Luật THADS), Thi hành án trong một số trường hợp cụ thể (từ Điều 122 đến Điều 139 Luật THADS), Khiếu nại, tố cáo và kháng nghị về THADS (từ Điều 140 đến Điều 161 Luật THADS), Xử lý vi phạm (từ Điều 162 đến Điều 165 Luật THADS), Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức trong THADS (từ Điều 166 đến Điều 180 Luật THADS), THADS có yếu tố nước ngoài và Các nội dung khác. Qua đó đã đề xuất, kiến nghị về những định hướng, chính sách hoặc những quy định mới để hoàn thiện Luật THADS, như:
- Cơ quan THADS nhận ủy thác chỉ cần gửi QĐ thi hành án để thông báo cho cơ quan THADS nơi ủy thác đi biết đã nhận và đã ra quyết định đối với vụ việc ủy thác để lưu hồ sơ. Giúp tiết kiệm thời gian, tiền bạc đối với cơ quan THADS nhận ủy thác.
Đương sự tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu THA bằng một trong các phương thức:
+ Nộp đơn trực tiếp hoặc trình bày trực tiếp tại cơ quan THADS;
+ Gửi đơn đến cơ quan THADS theo đường dịch vụ bưu chính;
+ Gửi trực tuyến qua cổng thông tin điện tử của cơ quan THADS.
Ngày yêu cầu THA được tính từ ngày người yêu cầu nộp đơn tại cơ quan THADS hoặc ngày được ghi trên dấu của tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi. Trường hợp người yêu cầu gửi đơn bằng phương thức gửi trực tuyến qua cổng thông tin điện tử thì ngày yêu cầu là ngày gửi đơn.
- Trong trường hợp chưa xác định được phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để thi hành án mà Chấp hành viên đã thông báo cho người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất để họ tự phân chia hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết. Tuy nhiên, người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung không phân chia và không yêu cầu Tòa án giải quyết thì nên ra quyết định hoãn thi hành án đối với trường hợp này.
- Sửa đổi điều 30 Luật THADS theo hướng rút ngắn thời hiệu từ 5 năm xuống còn 3 năm, lý do nhằm đảm bảo việc đương sự đã tẩu tán tài sản, tài sản đảm bảo thi hành án không còn giá trị do thời gian quá dài dẫn đến việc không thu hồi được…
- Sửa đổi tăng thời hạn ký hợp đồng dịch vụ thẩm định giá từ 5 ngày lên thành 10 ngày.
- Sửa đổi thời hạn bán tài sản là Bất động sản là 45 ngày kể từ ngày ký hợp đồng rút ngằn thành 25 ngày nhằm tạo điều kiện để Chấp hành viên giải quyết nhanh vụ việc.
- Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và quy định thêm vào Luật Thi hành án dân sự trách nhiệm, chế tài đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án mà không cung cấp thông tin khi cơ quan thi hành án yêu cầu.
- Theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Luật THADS: “Việc niêm yết công khai văn bản thông báo thi hành án chỉ được thực hiện khi không rõ địa chỉ của người được thông báo…”. Cần quy định đối với trường hợp không rõ địa chỉ thì áp dụng hai biện pháp song song để giảm bớt thời gian tổ chức thi hành án của Chấp hành viên.
- Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 48 Luật THADS: “Đương sự đồng ý hoãn thi hành án; việc đồng ý hoãn THA phải lập bằng văn bản ghi rõ thời hạn hoãn, có chữ ký của đương sự…” Cần quy định người được thi hành án đồng ý hoãn thì đủ điều kiện để hoãn thi hành án.
- Theo quy định tại khoản 6, Điều 19 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai quy định: “không cấp Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất có điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng đã có thông báo hoặc quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Cần quy định thống nhất tránh trường hợp áp dụng chồng chéo Luật.
- Cần có quy định riêng đối với trường hợp giao quyết định thi hành án theo yêu cầu khi người yêu cầu thi hành án đồng thời là người được thi hành án.
- Cần có quy định rõ hơn về kê biên phần vốn góp để tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan THADS khi áp dụng điều luật này như: Quy định cụ thể cơ quan nào là cơ quan có thẩm quyền để xác định phần vốn góp. Có ý kiến để sửa đổi lại quy định về chuyển nhượng cổ phần doanh nghiệp trong trường hợp cơ quan THADS cưỡng chế kê biên phần vốn góp.
- Cần quy định cụ thể đối với quyết định, hành vi Chấp hành viên mà đương sự có quyền khiếu nại, quy định cụ thể đối với việc khiếu nại, tố cáo về thi hành án không đúng nhằm tránh trường hợp đương sự lợi dụng việc khiếu nại để trì hoãn việc thi hành án làm kéo dài thời gian thi hành án.
- Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và quy định thêm vào Luật Thi hành án dân sự trách nhiệm, chế tài đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án mà không cung cấp thông tin khi cơ quan thi hành án yêu cầu.
- Nghiên cứu bổ sung quy định về xử lý tài sản của người phải thi hành án ở nước ngoài.
- Cần có quy định về hậu quả pháp lý trong trường hợp không xác định được địa chỉ liên lạc của người được thi hành án.
Văn phòng Cục THADS tỉnh Thừa Thiên Huế.