Sign In

Kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng Thừa Thiên Huế (26/3/1975 - 26/3/2017)

23/03/2017

Kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng Thừa Thiên Huế (26/3/1975 - 26/3/2017)
Chúng ta đang sống trong những ngày tháng ba lịch sử của tỉnh nhà, 42 mùa xuân đã trôi qua nhưng trong tiềm thức của mỗi người dân xứ Huế về mùa xuân năm ấy vẫn còn đọnglại trong tim của từng người – mùa xuân của của độc lập tự do, tự chủ, mùa xuân của một thời đại mới, thời đại Hồ Chí Minh. Ngày 26/3/1975 người dân Thừa Thiên Huế đã xuống đường mừng chiến thắng của toàn quân và toàn dân trong cuộc kháng chiến chống đề quốc Mỹ và bọn tay sai, đánh dấu một bước tiến lớn trong công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà và cũng là dấu hiệu cho sự sụp đổ hoàn toàn của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa và bè lũ tay sai.
     Suốt 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế nói chung và thành phố Huế nói riêng đã trải qua những chặng đường gay go, ác liệt, những mất mát hy sinh to lớn. Song với lòng trung thành vô hạn với Đảng và Bác Hồ kính yêu; Đảng bộ, quân và dân thành phố Huế đã quyết chí bền gan, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, lập nên những chiến công oanh liệt, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc tấn công và nổi dậy mùa xuân 1975.
     * Đặc điểm vùng đất và truyền thống cách mạng của Thừa Thiên Huế
     Thừa Thiên Huế - vùng đất chiến lược nối giữa hai miền Bắc - Nam, “phên dậu thứ tư về phương Nam” của Đại Việt; từng là thủ phủ của xứ Đàng Trong, kinh đô của đất nước dưới thời Quang Trung - Nguyễn Huệ và triều Nguyễn (1802 - 1945); là miền đất địa linh nhân kiệt gắn liền với những tên tuổi lớn trong lịch sử dân tộc... những yếu tố đó hình thành nên một Thừa Thiên Huế có bề dày về văn hoá, có chiều sâu về lịch sử, có truyền thống đáng tự hào về tinh thần yêu nước oanh liệt và đấu tranh cách mạng vẻ vang trong quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
     Dưới ngọn cờ hiệu triệu của Đảng Cộng sản Việt Nam, quân và dân Thừa Thiên Huế đã nhất tề nổi dậy lật đổ chế độ phong kiến; đập tan xiềng xích đô hộ của thực dân và phát xít, giành chính quyền về tay nhân dân, góp phần quyết định vào thắng lợi chung của Cách mạng tháng Tám năm 1945.
     Với vị trí địa lý đặc biệt của mình, trong kháng chiến chống Mỹ, Thừa Thiên Huế là địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, quân sự và ngoại giao. Đặc biệt, thành phố Huế - một trong hai đô thị lớn nhất miền Nam lúc bấy giờ là trung tâm chính trị đầu não của chính quyền Mỹ - ngụy ở Bắc Trung phần; là lá chắn bảo vệ và ngăn chặn sự chi viện của quân và dân ta từ hậu phương lớn miền Bắc vào, đồng thời là hậu cứ tiền phương của địch, nơi chỉ huy, tổ chức các cuộc hành quân càn quét, đánh phá ra chiến trường Trị Thiên và miền Bắc. Chính vì vậy, mất Huế đồng nghĩa với mất miền Trung, là nguy cơ lớn đối với miền Nam. Do đó Mỹ - ngụy quyết tâm tăng cường các lực lượng hùng hậu, tinh nhuệ nhất với đủ mọi sắc lính, lựa chọn những tên tay sai ác ôn khét tiếng tung ra chiến trường Trị Thiên Huế. Đây là nơi chúng xây dựng các căn cứ, thiết lập các phòng tuyến, vành đai quân sự, đồn bốt kiên cố nhiều lớp, nhiều tầng nhằm ngăn chặn bước tiến của của quân và dân ta.
     * Bối cảnh và diễn biến chiến dịch giải phóng Thừa Thiên Huế
     Tại Thừa Thiên Huế, địch tập trung lực lượng hùng hậu khoảng 51.300 tên (33.300 quân chủ lực, 18.000 địa phương quân) ngoài ra còn có lực lượng phòng vệ dân sự với 18.000 tên, 3 tiểu đoàn cảnh sát (5.500 tên) gồm những đơn vị thiện chiến nhất của quân khu I và Vùng I chiến thuật. Với lực lượng trên, địch liên tục mở các cuộc hành quân đánh chiếm vùng giải phóng của ta. Đánh chiếm đến đâu, địch lập các "tuyến phòng thủ, tuyến ngăn chặn" đến đó. Trước tình hình ấy, Tỉnh ủy chủ trương vừa đấu tranh thi hành Hiệp định Paris 1973, vừa kiên quyết đánh trả các cuộc hành quân lấn chiếm của địch. Thực hiện Nghị quyết 21 của Trung ương Đảng (7/1973) "Con đường thắng lợi của cách mạng miền Nam là con đường bạo lực cách mạng", Tỉnh ủy đã ra Nghị quyết về tiến công địch ở vùng giáp ranh và đẩy mạnh phong trào ở nông thôn, thành thị nhằm tạo thế và lực mới cho cách mạng. Qua hai năm đấu tranh buộc địch thi hành Hiệp định Paris, hình thái giữa ta và địch trên chiến trường đã xuất hiện thời cơ ngày càng có lợi cho ta. Tháng 10/1974, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp đánh giá tình hình miền Nam và ra Nghị quyết lịch sử "Quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976". Ngoài kế hoạch cơ bản trên, Bộ Chính trị còn dự kiến một phương án: nếu thời cơ đến thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975.
     Thực hiện chủ trương của Trung ương và Khu ủy, Tỉnh ủy đã bàn phương châm tác chiến, kế hoạch, chỉ tiêu, các hướng tiến công, tranh thủ giành dân, giành quyền làm chủ ở địa bàn nông thôn một cách cụ thể.
     Mọi công tác chuẩn bị cho chiến dịch hết sức gấp rút, sôi động với tinh thần "một ngày bằng 20 năm". Đến đầu tháng 3/1975, toàn bộ lực lượng đã vào vị trí đợi lệnh xuất kích. Hướng tiến công chính là đồng bằng và giáp ranh. Chiến dịch mùa Xuân 1975 - giải phóng Thừa Thiên Huế diễn ra trong 2 đợt, đợt 1 từ 05/3 đến 14/3/1975 đợt 2 từ 21/3 đến 26/3/1975.
     Ngày 05/3/1975, tiếng súng tiến công của quân và dân ta đồng loạt nổ ra trên khắp chiến trường Thừa Thiên Huế chính thức mở màn chiến dịch.
     Cuộc tiến công và nổi dậy của quân và dân ta trên chiến trường Trị Thiên Huế là đòn đánh phủ đầu cùng phối hợp với mặt trận Tây Nguyên đã đẩy quân địch vào thế bị động lúng túng, không phán đoán được ý đồ chiến lược của ta. Cùng với những diễn biến nhanh chóng trên toàn cục, kết quả đợt 1 tiến công và nổi dậy đã làm cho địch ở Trị Thiên hoang mang, dao động mạnh và thời cơ mới đã xuất hiện.
     Đến ngày 14/3/1975, đợt I kết thúc cũng là lúc toàn bộ quân địch ở Tây Nguyên bắt đầu rút chạy tán loạn. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã kịp thời chỉ đạo Mặt trận Trị Thiên Huế chớp lấy thời cơ, nhanh chóng chuyển hướng tấn công, tiêu diệt toàn bộ quân địch không cho chúng rút chạy khỏi Trị Thiên Huế, giải phóng Huế và toàn bộ Trị Thiên. Đêm 18 rạng ngày 19/3, lực lượng vũ trang của ta ở hướng Bắc bất ngờ đồng loạt tấn công giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị. Địch hốt hoảng bỏ chạy vào tuyến phòng ngự nam sông Mỹ Chánh.
     5 giờ sáng ngày 21/3/1975, tiếng súng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta giải phóng Thừa Thiên Huế đợt II đồng loạt khai hỏa. Từ ba hướng: Bắc, Tây và Nam, các lực lượng vũ trang Quân khu Trị Thiên và Quân đoàn II đã liên tục tấn công đập tan các tuyến phòng thủ của địch trên tuyến giáp ranh, cùng lực lượng vũ trang địa phương cắt đứt hoàn toàn đường số 1, chặn đứng đường rút chạy của địch vào Đà Nẵng, hình thành thế chia cắt, bao vây gọng kìm ép sát Huế, đánh thiệt hại nặng Sư đoàn 1 bộ binh và Lữ đoàn 147 thủy quân lục chiến ngụy, chính thức mở màn chiến dịch Huế - Đà Nẵng, một trong ba chiến dịch quyết định thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 lịch sử.
     Ngày 23/3/1975, các mũi tấn công của quân ta từ 3 hướng, hình thành nhiều mũi bao vây kẹp chặt Huế. Ngày 24/3/1975, vòng vây của quân giải phóng từ ba cánh Bắc, Nam và Tây đã chia cắt hoàn toàn quân địch. Ngày 25/3/1975, các cánh quân của ta từ nhiều hướng đã hợp vây tiến vào giải phóng thành phố Huế, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch. Một cánh quân ta ở phía bắc được tự vệ và biệt động thành Huế dẫn đường đã dùng xe lam, xe đò, hon đa... nhanh chóng tiến công vào cửa An Hòa, tràn qua Tây Lộc, tiến thẳng vào Ngọ Môn.
  
  
       Sáng ngày 26/3/1975, lá cờ giải phóng rộng 8m dài 12m chính thức tung bay trên đỉnh cột cờ Phu Văn Lâu, đánh dấu mốc lịch sử Thừa Thiên Huế hoàn toàn giải phóng. Qua 2 đợt tấn công và nổi dậy, quân và dân Thừa Thiên Huế đã tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch (số địch bị bắt và ra trình diện là 58.772 tên và 14.000 nhân viên ngụy quyền kể cả từ mặt trận Quảng Trị), thu hồi toàn bộ vũ khí và phương tiện chiến tranh của chúng. Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế đã được Quân ủy Trung ương điện khen "Việc đánh chiếm và giải phóng thành phố Huế là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược và chính trị rất lớn. Chiến công đó đã làm cho nhân dân cả nước nức lòng phấn khởi, làm cho địch suy yếu thêm một bước hết sức nghiêm trọng. Các đồng chí đã góp phần làm rạng rỡ truyền thống đấu tranh anh dũng của quân và dân cả nước".
     * Ý nghĩa thắng lợi của chiến dịch giải phóng Thừa Thiên Huế
     Thừa Thiên Huế được hoàn toàn giải phóng đã cổ vũ mạnh mẽ đối với quân và dân cả nước. Đây là thắng lợi lớn nhất, rực rỡ nhất của quân và dân tỉnh nhà trong suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với thắng lợi oanh liệt đó, quân và dân Thừa Thiên Huế đã đập tan tấm lá chắn mạnh nhất của địch ở phía bắc Quân khu I và Vùng I chiến thuật; giáng một đòn mạnh vào âm mưu co cụm chiến lược của địch ở ven biển miền Trung, đẩy quân ngụy vào thế khốn đốn, suy sụp không gì cứu vãn nổi; tạo điều kiện và làm hậu phương vững chắc cho các đơn vị chủ lực tiến vào Đà Nẵng và giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc.
     Trong những ngày tháng ba đầy hào hùng này chúng ta mãi mãi ghi nhớ, biết ơn sâu sắc đến Trung ương Đảng và Bác Hồ, sự đóng góp xương máu và chiến công của đồng bào, cán bộ chiến sĩ và nhân dân cả nước, quân và dân tỉnh nhà đã làm nên một Thừa Thiên Huế anh hùng.
     Hiểu rõ được những chân giá trị đó để tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng bất khuất của ông cha ta để phát huy những thuận lợi, khắc phục khó khăn, tích cực rèn đức luyện tài, nâng cao trình độ chuyên môn để cùng chung tay với tỉnh nhà tiếp tục viết nên những trang sử mới trong công cuộc xây dựng một Thừa Thiên Huế giàu mạnh về kinh tế, đa dạng về văn hóa, ổn định về an ninh quốc phòng an ninh, góp phần đưa đất nước chúng ta trở thành một nước công nghiệp giàu mạnh, sánh ngang cùng các cường quốc năm châu./.
 
                                                                     VĂN PHÒNG CỤC

Các tin đã đưa ngày: