Có thể nói, 72 năm qua, Hệ thống Thi hành án dân sự đã đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm công lý được thực thi. Điều này được thể hiện qua kết quả Thi hành án dân sự các năm, nhất là từ khi có
Luật Thi hành án dân sự 2008 đến nay; kết quả thi hành án xong về việc, về tiền năm sau cao hơn năm trước và ngày càng thực chất, bền vững. Góp phần quan trọng duy trì ổn định trật tự, kỷ cương xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. Công tác Thi hành án dân sự ngày càng nhận được sự quan tâm và ghi nhận của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Trong thành tựu chung của Hệ thống 72 năm qua, có sự đóng góp quan trọng của các cơ quan Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh. Có thể khẳng định, Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố lớn nhất nước xét về quy mô dân số và mức độ đô thị hóa, đồng thời cũng là trung tâm tài chính, văn hóa – du lịch, giáo dục – khoa học kỹ thuật – y tế của cả nước, là đầu tàu kinh tế phát triển năng động. Về công tác THADS, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có số lượng việc và tiền phải thi hành hàng năm đứng đầu cả nước, chiếm trên 11% về việc, trên 46% về tiền của toàn quốc
(từ 2011 đến 2018, trung bình các năm phải thi hành gần 85 ngàn việc, gần 30 ngàn tỷ đồng/năm; năm 2015 là trên 90 ngàn việc, trên 48 ngàn tỷ đồng). và 9 tháng đầu năm 2018 tổng số thụ lý là hơn
92.107 vụ việc tăng 4.13%, về tiền tổng số thụ lý là hơn
57.939 tỷ đồng tỷ đồng, tăng (37,51%) so với cùng kỳ năm 2017. Đặc biệt, Thành phố Hồ Chí Minh là Thành phố có nhiều vụ án phải thi hành với giá trị đặc biệt lớn, với tính chất rất phức tạp.
Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song trong những năm qua, hoạt động của các cơ quan THADS trên địa bàn Thành phố ngày càng đi vào nề nếp, đạt được nhiều kết quả quan trọng, cụ thể như: kết quả THADS luôn đạt cao, cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ do Quốc hội, Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS giao; là đơn vị đi đầu trong đổi mới, có nhiều giải pháp, kinh nghiệm hay, tấm gương để các cơ quan THADS trong cả nước học tập; bộ máy các cơ quan THADS của thành phố tiếp tục được kiện toàn và hoạt động ổn định, hiệu quả; công tác lãnh đạo điều hành có sự quyết liệt, sâu sát, hiệu quả hơn; hoạt động phối hợp với cấp ủy, chính quyền các quận/huyện và các cơ quan, ban ngành hữu quan ngày càng chặt chẽ, thống nhất... Những kết quả nêu trên đã được Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Lãnh đạo Tổng cục THADS ghi nhận thông qua xếp hạng các cơ quan THADS Thành phố trong 3 năm gần đây (hạng A); nhiều tập thể, cá nhân của Cục và các chi cục trực thuộc được khen thưởng, tặng thưởng nhiều danh hiệu
Tại thành phố Hồ Chí Minh, căn cứ Quyết định số 2468/QĐ-BTP ngày 06 tháng 11 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc thành lập Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh, ngày 28/11/2009, Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân thành phố đã phối hợp tổ chức Lễ công bố quyết định thành lập Cục Thi hành án dân sự thành phố và 24 Chi cục Thi hành án dân sự quận, huyện trực thuộc. Qua 25 năm hoạt động, chặng đường xây dựng và phát triển với biết bao thăng trầm, khó khăn, thiếu thốn, hệ thống Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh ngày càng trưởng thành và thu được những kết quả rất đáng tự hào.
Về tổ chức bộ máy, cán bộ:
Năm 1993, khi tiếp nhận từ cơ quan Tòa án với 95 cán bộ công chức phân bổ cho Phòng Thi hành án và 18 Đội Thi hành án tại các quận, huyện, đến nay hệ thống THADS Thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức với cơ cấu gồm 06 Phòng chuyên môn và 24 Chi cục THADS quận, huyện trực thuộc. Tổng số biên chế năm 2018 được Tổng cục THADS giao là 643 biên chế, trong đó tại Cục là 125 biên chế, các Chi cục là 510 biên chế Về cơ cấu lãnh đạo: Ban lãnh đạo Cục gồm 01 đ/c Cục trưởng và 03 đ/c Phó cục trưởng; Lãnh đạo các Chi cục có 23 Chi cục trưởng và 62 Phó Chi cục trưởng. Về cơ cấu cán bộ: Toàn bộ hệ thống Thi hành án dân sự TP. Hồ Chí Minh có 47 Chấp hành viên trung cấp, 284 Chấp hành viên sơ cấp
(số lượng Chấp hành viên chiếm 44,6% so với tổng số công chức), 04 Thẩm tra viên chính, 25 Thẩm tra viên, 111 Thư ký thi hành án, 05 Thư ký trung cấp thi hành án; 34 Kế toán viên, 12 Kế toán viên cao đẳng, 18 Kế toán viên trung cấp, 39 chức danh còn lại.
Về kết quả thi hành án
Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, nên hoạt động thi hành án dân sự cũng sôi động và phức tạp hơn. So với 62 tỉnh, thành phố khác, công tác thi hành án dân sự tại TP. Hồ Chí Minh luôn có tổng số thụ lý phải thi hành về việc và về tiền chiếm tỷ trọng lớn so với toàn quốc. Với đặc thù “
Án nhiều-Án lớn-Án phức tạp”, số lượng thụ lý hàng năm luôn có xu hướng tăng đột biến nhưng nhờ sự đổi mới về thể chế, sự nỗ lực và phấn đấu không ngừng của đội ngũ cán bộ, công chức, các cơ quan THADS thành phố luôn có kết quả thi hành án dân sự năm sau luôn cao hơn năm trước, số lượng án tồn đọng giảm đáng kể, các vụ việc khiếu kiện bức xúc, kéo dài từ nhiều năm nay đã được giải quyết dứt điểm, cụ thể: Trong giai đoạn 10 năm từ 1993 đến 2003 tổng số thi hành xong là 221.663 việc với 4.227 tỷ đồng thì trong thời gian 05 năm, giai đoạn 2004 đến 2009 đã thi hành xong đã giải quyết xong 197.406 việc, với số tiền 7.432 tỷ đồng; Từ năm 2009 đến nay tổng số vụ việc đã thi hành xong là: 411,496 việc với hơn 56.741 tỷ đồng. Kết quả thi hành án hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu của Bộ Tư pháp được giao, nhiều năm liên tiếp được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Về cơ sở vật chất
Ban đầu mới thành lập, các cơ quan thi hành án của thành phố có trụ sở làm việc phần lớn là nhà tạm sử dụng của các cơ quan, đơn vị khác với diện tích làm việc chật hẹp, xuống cấp, kinh phí và phương tiện làm việc rất hạn chế. Được sự quan tâm của Bộ Tư pháp và Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố đến nay đã có 22/25 đơn vị có trụ sở chính thức; có 16/25 đơn vị có kho vật chứng hoặc địa điểm xây dựng kho vật chứng. Tuy còn những khó khăn nhất định nhưng được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, những đơn vị chưa được xây dựng trụ sở, kho vậy chứng đã được bố trí những công trình trụ sở để làm việc, thể hiện vị trí, vai trò của cơ quan thi hành án dân sự trong hệ thống chính trị tại địa phương.
Công tác quản lý hành chính tiếp tục được hoàn thiện cả về hiệu quả và cơ chế quản lý. Những năm qua, Cục Thi hành án dân sự thành phố đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các quận, huyện thực hiện nhiều giải pháp nhằm củng cố, kiện toàn bộ máy, nâng cao kỷ cương hành chính và hiệu quả công tác tại các Chi cục Thi hành án dân sự.
Công tác ứng dụng công nghệ thông tin:
Lãnh đạo Cục thường xuyên quán triệt, chỉ đạo các đơn vị tăng cường mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành; tăng cường sử dụng văn bản điện tử, hạn chế sử dụng văn bản giấy; chủ động xây dựng và đưa vào sử dụng các phần mềm, ứng dụng tin học có hiệu quả; khai thác triệt để các phần mềm ứng dụng do Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự xây dựng, mang lại nhiều hiệu quả trong công tác như phần mềm quản lý văn bản, phần mềm quản lý cán bộ công chức, các phần mềm kế toán, phần mềm lưu trữ.
Việc Chính phủ công nhận ngày 19/7 hàng năm là Ngày truyền thống của Hệ thống Thi hành án dân sự là sự ghi nhận, tin tưởng của Đảng và Nhà nước với Hệ thống Thi hành án dân sự, là niềm vinh dự của toàn thể cán bộ, công chức, người lao động. Bên cạnh đó, trong bối cảnh Chính phủ đang chuyển mình, với tinh thần xây dựng:
Chính phủ kiến tạo phát triển và phục vụ nhân dân, đòi hỏi Hệ thống Thi hành án dân sự nói chung và các cơ quan Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh nói riêng phải nỗ lực hơn, năng động hơn, đoàn kết hơn, sáng tạo hơn trong thực hiện nhiệm vụ, khắc phục những tồn tại, hạn chế, thiếu sót trong các lĩnh vực công tác của mình.
Với truyền thống vẻ vang và những kinh nghiệm đã tích lũy qua 72 năm xây dựng, trưởng thành, cùng với sự quyết tâm, đoàn kết, sáng tạo, tình yêu ngành, yêu nghề của mỗi cán bộ, công chức, người lao động. Cục THADS Tp HCM tiếp tục phát huy truyền thống, triển khai quyết liệt các giải pháp đồng bộ phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu được giao về việc và tiền, xứng đáng 72 năm vinh quang một chặng đường; tập trung thi hành các vụ việcthi hành án dấn sự trong hình sự, thu hồi tài sản nhà nước; các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng; tổ chức giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài không để phát sinh vụ việc mới; Tăng cường kỷ cương, kỷ luật; Tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên quá trình thi hành án của các chi cục; Nâng cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu;đẩy mạnh tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ quản lý, chỉ đạo, điều hành, phục vụ nhân dân. Tiếp tục thực hiện hiệu quả việc thí điểm hỗ trợ trực tuyến yêu cầu thi hành án theo Quyết định số 718 và 719/QĐ-TCTHADS của Tổng cục Thi hành án dân sự ngày 30/6/2016. Tăng cường công khai, minh bạch thông tin về thi hành án để các cơ quan, nhân dân hiểu và chia sẻ;
Cẩm Tú