Năm 2014, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh là tập trung tổ chức thi hành các vụ việc thi hành án liên quan đến các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng để thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu. Đồng thời cũng là giải pháp chủ yếu để thực hiện chỉ tiêu nhiệm vụ công tác được Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự giao.
Ngày 22/01/2014 vừa qua, Cục Thi hành án thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch thi hành án các vụ việc thi hành án liên quan đến các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng. Tham dự Hội nghị có Ban Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự, Chấp hành viên, Thư ký Thi hành án của của toàn ngành cùng 194 người là Lãnh đạo, nhân viên các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố.
Tại Hội nghị, ngoài việc triển khai những nội dung trọng tâm của Kế hoạch thi hành các vụ việc thi hành án liên quan đến các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng và những nội dung cơ bản Nghị định số 125/2013/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự thì phần lớn thời gian, hội nghị tập trung trao đổi, thảo luận, đối thoại giữa cư quan Thi hành án dân sự với các đại biểu của các ngân hàng, tổ chức tín dụng dưới sự chủ trì của đồng chí Cục trưởng Nguyễn Văn Lực.
Các ý kiến thảo luận, trao đổi chủ yếu xoay quanh những vướng mắc, khó khăn của cơ quan Thi hành án dân sự và ngân hàng, tổ chức tín dụng gặp phải trong quá trình tổ chức thi hành các bản án, đồng thời đưa ra các cách thức, giải pháp tháo gỡ cũng như các kiến nghị, đề xuất.
Trên tinh thần thẳng thắn, cầu thị và đi thẳng vào các vấn đề còn vướng mắc để tìm ra biện pháp phối hợp giải quyết có hiệu quả, nhất là tình hình số lượng việc, tiền thụ lý tăng đột biến. Đồng chí Cục trưởng Nguyễn Văn Lực nhấn mạnh: ngoài sự phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau giữa giữa cơ quan thi hành án và ngân hàng để hoàn thành nhiệm vụ của mỗi ngành, mỗi đơn vị, cũng phải kể đến vai trò của Thừa phát lại trong việc giải quyết các vụ việc thi hành án liên quan đến tổ chức, tín dụng ngân hàng. Theo đó, trong phạm vi quyền hạn của Thừa phát lại thì các ngân hàng có thể yêu cầu Thừa phát lại xác minh cũng như trực tổ chức thi hành các vụ việc này để giảm tải, giảm áp lực công việc và tạo điều kiện cho cơ quan thi hành án giải quyết án đảm bảo đúng tiến độ, quy định pháp luật.
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Lực- Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố thông báo:
Để triển khai Kế hoạch thi hành án các vụ việc thi hành án liên quan đến các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng đạt hiệu quả, Cục Thi hành án dân sự thành phố đã thành lập Tổ công tác chỉ đạo thi hành án trực tiếp theo dõi, đôn đốc và kịp thời nắm bắt những vướng mắc phát sinh cũng như các ý kiến phản hồi từ các ngân hàng và tổ chức tín dụng. Đồng thời cung cấp công khai số điện thoại đường dây nóng, số điện thoại cá nhân và địa chỉ email của Cục để kịp thời tiếp nhận những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án. Cục trưởng cũng nhấn mạnh, cần tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa cơ quan Thi hành án dân sự với các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng và các Văn phòng Thừa phát lại trong hoạt động thi hành án dân sự.