Sign In

THỰC TIỄN THI HÀNH PHÁN QUYẾT TRỌNG TÀI NƯỚC NGOÀI VÀ VỤ VIỆC THI HÀNH ÁN CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI TẠI ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

27/12/2018

THỰC TIỄN THI HÀNH PHÁN QUYẾT TRỌNG TÀI NƯỚC NGOÀI VÀ VỤ VIỆC THI HÀNH ÁN CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI TẠI ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Thi hành án dân sự (THADS) có vai trò quan trọng trong hoạt động tố tụng nói chung và quá trình giải quyết vụ án nói riêng. Đây là công đoạn cuối cùng của hoạt động tố tụng, bảo đảm cho bản án, quyết định của Tòa án được chấp hành nghiêm chỉnh, góp phần tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước, qua đó góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước. Trong đó, việc thi hành các vụ việc có yếu tố nước ngoài tại các cơ quan THADS hàng năm đều tăng nhanh và đang có nhiều khó khăn, tồn tại nhất định.
Trong những năm qua trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh số việc phải thi hành án liên quan đến phán quyết của Trọng tài nước ngoài không nhiều, cụ thể từ năm 2012 đến nay Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh đã thụ lý giải quyết 17 việc thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài. Nhìn chung giá trị phải thi hành các Phán quyết của Trọng tài nước ngoài thường có giá trị tương đối lớn, đồng thời trong mỗi phán quyết lại thường quy định các loại ngoại tệ khác nhau. Do các nguyên nhân khách quan, người phải thi hành các phán quyết Trọng tài nước ngoài thường không có điều kiện thi hành án vì vậy kết quả thi hành án đối với các phán quyết Trọng tài nước ngoài trong những năm qua tại Thành phố Hồ Chí Minh đạt được không cao
Khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thi hành các pháp quyết của Trọng tài nước ngoài được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam:
Hầu hết các pháp quyết của Trọng tài nước ngoài được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam thì người phải thi hành án là pháp nhân Việt Nam có hoạt động thương mại ở nước ngoài hoặc với pháp nhân nước ngoài. Có thể thấy là hầu hết các pháp nhân Việt Nam khi tham gia các hoạt động thương mại có yếu tố nước ngoài thường có ý thức chấp hành pháp luật khá tốt. Do vậy, việc để xảy ra các tranh chấp dẫn đến phải bồi thường hợp đồng hay phải thanh toán tiền hàng… thường là những trường hợp bất khả kháng, khi mà trên thực tế Doanh nghiệp không còn khả năng tài chính để tiếp tục thực hiện hợp đồng. Vì vậy, đến giai đoạn phải thi hành phán quyết của Trọng tài thì họ không còn tài sản để thi hành án.
Hiện nay, pháp luật về tố tụng dân sự của Việt Nam mới chỉ quy định về thủ tục để yêu cầu Bộ Tư pháp, Tòa án công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài và thủ tục tạm đình chỉ thi hành, hủy quyết định công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài, (Điều 451 BLTTDS năm 2015; Điều 463 BLTTDS năm 2015 về tạm đình chỉ thi hành, hủy quyết định công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài). Đối với văn bản đính chính, sửa đổi, bổ sung, giải thích của Phán quyết của Trọng tài nước ngoài đã được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam thì pháp luật của chúng ta chưa có quy định có phải thực hiện thủ tục công nhận và cho thi hành các loại văn bản đó không hay giá trị pháp lý như thế nào. Do vậy, trên thực tế có những vụ việc Phán quyết của Trọng tài không chính xác, khó thi hành hoặc có sửa đổi bổ sung thì thủ tục yêu cầu đính chính, giải thích và giá trị pháp lý của các văn bản này còn chưa rõ nên khó khăn cho công tác tổ chức thi hành án.
Thực tiễn thi hành vụ việc thi hành án có yếu tố nước ngoài tại địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Trong những năm qua trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh việc thi hành án có yếu tố nước ngoài ngày càng có xu hướng tăng cao. Hiện nay, theo quy định tại điểm i khoản 2 Điều 35 Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì các bản án, quyết định quy định tại khoản 1 Điều 36 mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải uỷ thác tư pháp về thi hành án sẽ thuộc thẩm quyền tổ chức thi hành của cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh.
Như vậy, có thể hiểu việc thi hành án có yếu tố nước ngoài sẽ thuộc thẩm quyền thi hành của Cục THADS. Tuy nhiên, việc thi hành án có yếu tố nước ngoài (Theo quy quy định của pháp luật dân sự cũng như hình sự và Pháp luật về thi hành án dân sự vẫn chưa có một định nghĩa nào về “bản án, quyết định có yếu tố nước ngoài”) chưa hẳn Bản án, quyết định của Toà án đã có yếu tố nước ngoài vì trong quá trình tổ chức thi hành án có thể phát sinh yếu tố nước ngoài do đương sự xuất cảnh ra nước ngoài hoặc phát hiện tài sản ở nước ngoài… và ngược lại có những Bản án, quyết định của Toà án có yếu tố nước ngoài, nhưng trong giai đoạn thi hành án lại không có yếu tố nước ngoài.
Hiện nay, pháp luật về thi hành án dân sự chưa có quy định rõ ràng về thẩm quyền thi hành án đối với các Bản án, quyết định có yếu tố nước ngoài, ngoài quy định về vấn đề uỷ thác thi hành án tại điểm a, Khoản 1, Điều 56 Luật THADS Cơ quan THADS cấp tỉnh ủy thác cho cơ quan THADS cấp tỉnh nơi khác thi hành các bản án, quyết định có yếu tố nước ngoài. Đồng thời cũng chưa có định, nghĩa, giải thích thế nào là “việc thi hành án có yếu tố nước ngoài” và cũng chưa có tiêu chí để phân loại đối với loại việc này, do vậy rất khó để có một số liệu thống kê chính xác. Tại thành phố Hồ Chí Minh hiện nay có khoảng 100 vụ việc có yếu tố nước ngoài đã và đang thực hiện thủ tục uỷ thác tư pháp để thông báo cho đương sự biết quyền và nghĩa vụ của mình trong việc thi hành án.
Nhiều khó khăn vướng mắc cần được tháo gỡ
 Hiện nay Luật THADS vẫn đang quy định rất chung về vấn đề thi hành án có yếu tố nước ngoài và việc tương trợ tư pháp về dân sự trong thi hành án. Bên cạnh đó, các quy định về ủy thác tư pháp còn phức tạp, mất nhiều thời gian do vậy, việc tổ chức thi hành án dân sự có yếu tố nước ngoài còn gặp phải rất nhiều khó khăn.
Thứ nhất: Việc thông báo về thi hành án cho đương sự ở nước ngoài mất quá nhiều thời gian. Tính trung bình chỉ riêng về thủ tục thông báo bằng con đường uỷ thác tư pháp cho đương sự ở nước ngoài thì đã hết khoảng 12 tháng (tính từ khi lập hồ sơ uỷ thác tư pháp lần 01 cho đến khi hoàn thành thông báo lần 02) dẫn đến việc thi hành án bị kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự và hiệu quả của công tác thi hành án.
Thứ hai: quy định về thông báo (uỷ thác tư pháp) tại Điều 50 Nghị định 62 chưa rõ ràng, khó thực hiện, cụ thể:
Tại điểm a khoản 3 quy định: Sau khi nhận được đủ kết quả ủy thác tư pháp theo đúng nội dung yêu cầu, cơ quan thi hành án dân sự thực hiện việc thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự;
Điểm c khoản 3 cũng quy định: Trường hợp sau 03 tháng, kể từ ngày Bộ Tư pháp gửi hồ sơ ủy thác tư pháp hợp lệ lần thứ hai mà cơ quan thi hành án dân sự không nhận được thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp thì cơ quan thi hành án dân sự căn cứ vào những tài liệu đã có để giải quyết việc thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự;
Đồng thời quy định thêm: Kể từ thời điểm này, nếu cần yêu cầu tương trợ tư pháp đối với cùng một đương sự trong cùng một việc thi hành án thì thời hạn quy định tại Điểm b Khoản này là 03 tháng; thời hạn quy định tại Điểm c Khoản này là 01 tháng.
Như vậy, sau khi thông báo hợp lệ cho đương sự (uỷ thác tư pháp) mà đương sự không có ý kiến gì, thì các tác nghiệp tiếp theo, các văn bản quyết định về thi hành án ban hành sau khi uỷ thác tư pháp thì CHV có phải tiếp tục thông báo cho đương sự nữa không? Vì theo quy định tại Điều 39 thì các văn bản quyết định về thi hành án đều phải thông báo cho đương sự. Đồng thời trường hợp “nếu cần yêu cầu tương trợ tư pháp đối với cùng một đương sự trong cùng một việc thi hành ánlà những trường hợp nào?
Do các quy định chưa rõ ràng như trên, nên hiện nay các Chấp hành viên rất lúng túng trong việc thực hiện uỷ thác tư pháp. Nếu không tiếp tục thông báo cho đương sự thì sợ sau này đương sự khiếu nại vì họ cho rằng việc thi hành án ảnh hưởng đến quyền lợi của họ nên “cần yêu cầu tương trợ tư pháp đối với cùng một đương sự trong cùng một việc thi hành án.  Còn nếu tiếp tục thực hiện việc uỷ thác tư pháp thì không biết bao giờ mới giải quyết xong hồ sơ thi hành án. Hơn nữa, trong quá trình tổ chức xử lý tài sản sẽ xảy ra xung đột giữ các quy định về thời hạn trong tổ chức thi hành án. Ví dụ: trong quá trình kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá đều cho đương sự thời hạn thỏa thuận tương đối ngắn. Do vậy, nếu đương sự ở nước ngoài thì việc thực hiện thông báo rõ ràng sẽ vượt quá thời hạn cho phép đối với các thủ tục trên.
Thứ ba: việc uỷ thác tư pháp trong lĩnh vực xác minh điều kiện thi hành án và xử lý tài sản của đương sự ở nước ngoài hiện nay chưa có quy định. Do vậy, cơ quan thi hành án dân sự không có căn cứ để thực hiện. Vì vậy, một số trường hợp người phải thi hành án là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì cơ quan thi hành án không thể xác minh điều kiện thi hành án và xử lý tài sản của đương sự ở nước ngoài được. Do vậy, nếu họ không có tài sản tại Việt Nam thì có đưa vào diện chưa có điều kiện thi hành án được không?
Thứ tư: khó khăn trong việc trả giấy tờ tài sản:
Khoản 3 Điều 126 Luật THADS quy định đối với giấy tờ liên quan đến tài sản, nhân thân của đương sự thì hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày thông báo nếu đương sự không đến nhận, Chấp hành viên làm thủ tục chuyển giao cho cơ quan đã ban hành giấy tờ đó xử lý theo quy định. Tuy nhiên, pháp luật về thi hành án dân sự  chưa quy định trường hợp cơ quan ban hành giấy tờ có trụ sở ở nước ngoài thì thực hiện trả lại giấy tờ như thế nào.
Ngoài ra, còn có một số tình huống khác, như:
- Trường hợp người nước ngoài phạm tội bị bắt, khi đưa vụ án ra xét xử, Tòa án tuyên vô tội và họ đã hồi hương, nhưng tang vật vụ án mà họ được nhận lại vẫn đang bảo quản tại kho cơ quan Điều tra hoặc kho cơ quan THADS sẽ khó được xử lý vì nhiều lý do. Như vậy, những vụ việc này chắc chắn tồn đọng lâu dài tại cơ quan THADS nhưng chưa có hướng giải quyết.
- Một số trường hợp hoàn trả lại khoản tiền tạm ứng án phí cho các Công ty nước ngoài không thể thực hiện được. Lý do là khi tham gia quá trình xét xử các công ty này ủy quyền cho Luật sư ở Việt Nam, nhưng khi xét xử xong thì họ đã thanh lý hợp đồng với Luật sư. Do vậy, khi cơ quan thi hành án thụ lý ra quyết định thi hành trả lại các khoản tạm ứng án phí thì không còn người đại diện của công ty ở Việt Nam. Lúc này Chấp hành viên lại phải thực hiện thủ tục ủy thác tư pháp và hầu như chắc chắn là không một công ty nào lại cử người từ nước ngoài qua VN để nhận lại khoản tạm ứng án phí này. Vì thế những vụ việc loại này vừa không thi hành được vừa tốn kém về kinh tế.

Các tin đã đưa ngày: