Sign In

Ban hành Quy chế làm việc của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tuyên Quang

07/05/2024

Ban hành Quy chế làm việc của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tuyên Quang
Ngày 04/5/2024,  Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Quy chế làm việc của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tuyên Quang  (kèm theo Quyết định số 82/QĐ-CTHADS ngày 04/5/2024)
 
Căn cứ Thông tư số 09/2015/TT-BTP ngày 26 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Quy định việc phân cấp quản lý công chức, viên chức, người lao động thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự và các cơ quan thi hành án dân sự; Quyết định số 1239/QĐ-TCTHADS ngày 05 tháng 12 năm 2016 của Tổng cục Thi hành án dân sự ban hành mẫu Quy chế làm việc của Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Quy chế làm việc của Chi cục Thi hành án dân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;Quyết định số 469/QĐ-TCTHADS ngày 15 tháng 06 năm 2020 của Tổng cục Thi hành án dân sự về việc ban hành Quy chế làm việc của Tổng cục Thi hành án dân sự; Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Quy chế làm việc của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tuyên Quang

Quy chế làm việc gồm 08 chương, 34 điều. Quy chế  quy định nguyên tắc làm việc; trách nhiệm, phạm vi, cách thức và quy trình giải quyết công việc; mối quan hệ công tác; xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch công tác; chế độ thông tin, báo cáo và một số hoạt động khác của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tuyên Quang. Lãnh đạo, công chức, người lao động của Cục và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có quan hệ công tác với Cục chịu sự điều chỉnh của Quy chế này. Nguyên tắc làm việc của Cục được quy định rõ ràng, cụ thể:
1. Mọi hoạt động của Cục phải tuân thủ quy định của pháp luật, của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; đề cao trách nhiệm cá nhân và nêu gương của Cục trưởng, Phó Cục trưởng và Trưởng phòng, Phó trưởng phòng

2. Một người, một phòng được giao thực hiện nhiều nhiệm vụ nhưng mỗi nhiệm vụ chỉ giao cho một phòng, một người chủ trì thực hiện. Nhiệm vụ được giao cho phòng nào thì Trưởng phòng đó phải chịu trách nhiệm trước Lãnh đạo Cục và trước pháp luật về nhiệm vụ được giao.
3. Lãnh đạo, công chức, người lao động chủ động giải quyết công việc theo đúng phạm vi, thẩm quyền và trách nhiệm được phân công; tuân thủ trình tự, thủ tục và thời hạn giải quyết công việc theo đúng quy định của pháp luật, chương trình, kế hoạch công tác và Quy chế này (trừ trường hợp đột xuất hoặc có yêu cầu của cơ quan cấp trên).

4. Bảo đảm phân công công việc hợp lý, phát huy năng lực và sở trường của công chức, người lao động và yêu cầu phối hợp công tác, trao đổi thông tin trong giải quyết công việc và trong mọi hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định.
5. Bảo đảm nguyên tắc tập trung thống nhất trong quản lý ngành dọc, sự thống nhất, thông suốt, liên tục trong toàn Hệ thống; tuân thủ tính thứ bậc; thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính; cấp dưới phục tùng sự lãnh đạo, chỉ đạo, phân công của cấp trên.

6. Bảo đảm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan, đơn vị. Bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, chất lượng và hiệu quả trong mọi hoạt động; thực hiện nền hành chính thống nhất, thông suốt, liên tục, dân chủ, hiện đại, liêm chính, hiệu lực, hiệu quả  phục vụ Nhân dân và chịu sự kiểm tra, giám sát của Nhân dân.
Ngoài quy định chung, Quy chế quy định trách nhiệm, phạm vi, cách thức giải quyết công việc của Cục trưởng, Phó Cục trưởng, Trưởng phòng, phó Trưởng phòng Chấp hành viên, Thẩm tra viên, Thư ký thi hành án, công chức, lao động hợp đồng; Mối quan hệ công tác giữa Cục với Tổng cục, các đơn vị thuộc Tổng cục và các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp; giữa Cục với Tỉnh uỷ và Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh; giữa Cục với sở, ban, ngành cấp tỉnh; giữa Lãnh đạo Cục với Ban Chấp hành Chi bộ và các tổ chức chính trị - xã hội thuộc Cục; giữa Lãnh đạo Cục và các đơn vị trực thuộc.

Theo đó, Quy chế còn quy định về xây dựng chương trình, kế hoạch công tác và tổ chức thực hiện; Trách nhiệm quy trình giải quyết công việc; Chế độ thông tin, báo cáo; quản lý công chức, người lao động; quản lý tài chính, tài sản, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng; tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc chức năng, nhiệm vụ của Cục.

Quy chế được ban hành, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc đảm bảo trách nhiệm của công chức, người lao động trong việc thực hiện nhiệm vụ, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, phòng ngừa và chống các hành vi tham nhũng, quan liêu, góp phần xây dựng cơ quan Thi hành án dân sự luôn luôn trong sạch, vững mạnh.
 
Nguyễn Thị Thu Hà - Chánh Văn phòng

Các tin khác
Các tin đã đưa ngày: