Sign In

Bài học kinh nghiệm trong công tác thi hành án dân sự tại thành phố Hồ Chí Minh

31/08/2015

Thành phố Hồ Chí Minh luôn là địa phưuong có số lượng việc và tiền phải thi hành chiếm tỷ lệ lớn của ngành thi hành án dân sự của cả nước. Năm 2012, tình hình kinh tế - xã hội đất nước có nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng lớn tới hoạt động thi hành án dân sự. Tuy nhiên, tập thể Lãnh đạo và cán bộ ngành thi hành án dân sự thành phố đã nỗ lực, phấn đấu, bằng nhiều biện pháp tích cực đã đem lại hiệu quả cao trong công tác, đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu do Bộ Tư Pháp giao. Kết quả và bài học kinh nghiệm của ngành Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh năm 2012 là bài học để Lãnh đạo và cán bộ các cơ quan Thi hành án dân sự học vận dụng có hiệu quả tại đơn vị.
TỔNG CỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ                           CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
  CỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ                                                   Độc lập- Tự do- Hạnh phúc
  THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
 

                                                
                                                                       Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 27  tháng 12 năm 2012
 
 
THAM LUẬN
Về việc phân loại án và kết quả thi hành án dân sự năm 2012
 

Đầu năm 2012, cuộc khủng hoảng tài chính thế giới vẫn còn tác động, cộng với những khó khăn nội tại nên tình hình kinh tế trong nước vẫn chưa ổn định, lạm phát còn cao, môi trường sản xuất - kinh doanh rất khó khăn, dẫn đến thu nhập của tổ chức, cá nhân trong xã hội bị giảm sút, nhiều doanh nghiệp ngưng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng; nhiều tranh chấp dân sự, kinh tế phát sinh dẫn đến số việc và số tiền phải thi hành án thụ lý mới của các cơ quan Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh gia tăng. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu do Bộ Tư pháp giao năm 2012 cao hơn nhiều so với năm 2011. Tất cả các yếu tố trên đã thách thức rất lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh.
Song, với quyết tâm thi đua hoàn thành tất cả chỉ tiêu được giao, Ban Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể triển khai các biện pháp tích cực để động viên toàn thể lực lượng cán bộ, công chức toàn thành phố nhất là lực lượng Chấp hành viên, Thư ký thi hành án tích cực giải quyết việc thi hành án với tinh thần quyết liệt, năng động, sáng tạo để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án, thông qua các đợt thi đua cao điểm, thi đua nước rút, tăng cường lực lượng hỗ trợ các Chi cục có lượng án tồn nhiều. Bên cạnh đó, Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh cũng đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự, Lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố và sự phối hợp có hiệu quả của các cơ quan hữu quan… Nhờ vậy, năm 2012, các cơ quan Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu về thi hành án do Bộ Tư pháp giao.
Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Thi hành án dân sự, Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh xây dựng Tham luận về việc phân loại án và kết quả thi hành án dân sự với những nội dung sau:
 
 
I/. Việc rà soát, phân loại án và kết quả thi hành án năm 2012
1/. Việc rà soát, phân loại án
Rà soát, phân loại việc, tiền thi hành án dân sự (sau đây gọi chung là phân loại án) là việc Chấp hành viên tiến hành xem xét, tổng kết, đánh giá hiện trạng số lượng việc, tiền thuộc trách nhiệm tổ chức thi hành của mình trong các kỳ báo cáo, năm báo cáo nhằm mục đích: xác định số lượng việc, tiền phải thi hành của Chấp hành viên trong một kỳ báo cáo, một năm báo cáo; đánh giá tình hình tổ chức thi hành đối với số lượng việc, tiền do Chấp hành viên được phân công thực hiện: số lượng, việc tiền đã thi hành được, số chưa thi hành được, hiện trạng của số việc, tiền chưa thi hành được và nguyên nhân... Hồ sơ thi hành án của từng Chấp hành viên là căn cứ cơ bản, là trung tâm của việc rà soát, phân loại và xử lý việc thi hành án dân sự. Việc phân loại án chính xác giúp Chấp hành viên xác định đúng khả năng thi hành án đối với từng vụ việc cụ thể, xây dựng được kế hoạch tổ chức thi hành án hợp lý nhằm xử lý số việc, tiền chưa thi hành trong các kỳ báo cáo, năm báo cáo. Việc phân loại án chính xác đảm bảo đánh giá đúng tình hình, đánh giá đúng chất lượng công việc của Chấp hành viên.
Năm 2012 là năm đầu tiên Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự giao chỉ tiêu về phân loại việc, tiền thi hành án với yêu cầu các cơ quan Thi hành án dân sự và Chấp hành viên phân loại việc, tiền có điều kiện, chưa có điều kiện giải quyết chính xác 100%.
Chấp hành sự chỉ đạo và giao chỉ tiêu của cấp trên, Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc rà soát, phân loại án. Thông qua các cuộc họp giao ban hằng tháng, Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên quán triệt mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của việc rà soát, phân loại án. Đồng thời, ban hành các văn bản chỉ đạo cụ thể và có kế hoạch kiểm tra việc phân loại án ở từng đơn vị; giao trách nhiệm cho Thủ trưởng các đơn vị trực tiếp chịu trách nhiệm về việc phân loại án ở đơn vị do mình phụ trách với yêu cầu phải phân loại đầy đủ, chính xác và kịp thời. Vì vậy, các Chấp hành viên phải thường xuyên xác minh, rà soát, phân loại từng hồ sơ thi hành án.
Các cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên bám sát chỉ tiêu phân loại án được giao và nghiêm túc thực hiện. Chính vì vậy, việc phân loại án ngày càng đi vào thực chất, tỷ lệ có điều kiện thi hành hàng năm đều tăng. Cụ thể:
Năm 2010, số việc có điều kiện chiếm tỷ lệ 60,8%; năm 2011 là 65,1% (tăng 4,3% so với năm 2010); năm 2012 là 69,3% (tăng 4,2% so với năm 2011).
Do đặc thù của công tác thi hành án dân sự tại thành phố Hồ Chí Minh như: số thụ lý mới năm 2012 tăng đột biến (tăng 23% so với năm 2011); nhiều vụ việc có giá trị thi hành lớn phải thu cho ngân sách hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng nhưng qua nhiều năm chưa có điều kiện thi hành (ví dụ: Vụ Ngân hàng Việt Hoa với số tiền 1.398 tỷ đồng; vụ công ty Tamexco với số tiền 114 tỷ đồng; vụ công ty Tân Trường Sanh với số tiền 867 tỷ đồng; vụ công ty Đông Nam - Nguyễn Gia Thiều với số tiền 246,8 tỷ đồng) nên số tiền chưa có điều kiện thi hành tại thành phố Hồ Chí Minh còn nhiều. Tuy nhiên, Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh đã quyết liệt trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc phân loại án nên tỷ lệ tiền có điều kiện thi hành cũng đã tăng lên đáng kể. Nếu năm 2010, số tiền có điều kiện chiếm tỷ lệ 26,9% thì đến năm 2012 số tiền có điều kiện thi hành đã tăng lên 30%.
 
2/. Kết quả công tác thi hành án dân sự năm 2012
- Về công tác tổ chức, cán bộ:
Trong năm 2012, Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức 02 đợt thi tuyển công chức, tuyển dụng được trên 100 công chức mới. Đến nay, Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện được 637/663 biên chế (kể cả 66 trường hợp đang chờ phê duyệt kết quả thi tuyển).
Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh cũng đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ Chấp hành viên để tiếp tục tăng cường lực lượng giải quyết án. Năm 2012, toàn thành phố có 72 Chấp hành viên sơ cấp được bổ nhiệm mới, nâng tổng số Chấp hành viên toàn thành phố lên 280 người (gồm: 01 Chấp hành viên cao cấp, 63 Chấp hành viên trung cấp và 216 Chấp hành viên sơ cấp).
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ công chức cũng được lãnh đạo Cục quan tâm, chú trọng. Trong năm 2012, Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức bồi dưỡng về nghiệp vụ thi hành án dân sự cho 370 Chấp hành viên và Thư ký thi hành án. Đặc biệt, đã tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án dân sự và công tác phối hợp trong thi hành án dân sự giữa cơ quan thi hành án và các ngân hàng thương mại; kế hoạch thực hiện thí điểm để ngân hàng lựa chọn Chấp hành viên tổ chức thi hành án và bước đầu đã mang lại hiệu quả.
Kết quả thi hành án:
Năm 2012, các cơ quan Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về thi hành án do Bộ Tư pháp,Tổng cục Thi hành án dân sự giao, cụ thể:
+ Về việc: đã thi hành xong 44.992 việc/51.576 việc có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 87,2% (tăng hơn năm trước 0,6%). So với chỉ tiêu 85% thi hành xong về việc do Bộ Tư pháp giao, thành phố Hồ Chí Minh vượt 2,2%.
+ Về tiền: đã thi hành xong 3.493/4.601 tỷ đồng có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 76% (tăng hơn năm trước 0,4%). So với chỉ tiêu 70% thi hành xong về giá trị do Bộ Tư pháp giao, thành phố Hồ Chí Minh vượt 6%.
+ Giảm số việc chuyển kỳ sau được 4.466 việc, tương đương 14%. So với chỉ tiêu giảm 12% số việc chuyển kỳ sau do Bộ Tư pháp giao, thành phố Hồ Chí Minh vượt 2%.
- Về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo: 
Tổng số việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền phải giải quyết là 408 việc (397 việc khiếu nại, 11 việc tố cáo), tăng 92 đơn (tương đương 29%) so với cùng kỳ năm trước; đã giải quyết 380/408 việc khiếu nại, tố cáo, đạt tỷ lệ 93% (tăng 03% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó: giải quyết khiếu nại 370/397 việc; giải quyết tố cáo 10/11 việc. Số việc khiếu nại, tố cáo còn lại đang đang xác minh giải quyết.
 
- Về thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh: 
Trong năm 2012, lãnh đạo Cục đã có nhiều biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp hoạt động với các Văn phòng Thừa phát lại. Vì vậy, công tác phối hợp đã có chuyển biến tốt, tình hình chuyển giao văn bản cho Thừa phát lại tống đạt tại thành phố đã tăng lên rõ rệt. Từ ngày 01/10/2011 đến ngày 30/9/2012 các cơ quan Thi hành án dân sự đã chuyển giao cho các Văn phòng Thừa phát lại tống đạt 29.511 văn bản với số chi phí phải thanh toán là 1.584.137.000 đồng.
Việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại đã có những tác động tích cực đối với xã hội trong lĩnh vực dân sự. Đồng thời góp phần quan trọng làm giảm một phần áp lực công việc đối với các cơ quan Thi hành án dân sự, tạo điều kiện cho Chấp hành viên có điều kiện về tập trung nghiên cứu hồ sơ và tổ chức thi hành các vụ việc thi hành án có hiệu quả, đúng pháp luật.
- Công tác đôn đốc thi hành án hành chính: 
Đây là một nhiệm vụ mới được giao cho cơ quan Thi hành án dân sự nhưng đã được triên khai thực hiện bước đầu mang lại hiệu quả. Tổng số việc đôn đốc án hành chính được các cơ quan Thi hành án dân sự của Thành phố thụ lý là 24 vụ việc. Đã thực hiện đôn đốc và hoàn thành được 17 việc; còn 07 việc đang tiếp tục đôn đốc thi hành.
Một số mặt công tác khác: 
Ngoài việc thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác trọng tâm trên, trong năm 2012, các mặt công tác khác cũng được các cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn thành phố thực hiện có hiệu quả như: Trên cơ sở tham mưu của cơ quan Thi hành án dân sự, các Ban chỉ đạo thi hành án dân sự đã được kiện toàn và hoạt động giúp nâng cao mối quan hệ phối hợp giữa các đơn vị có liên quan, phục vụ hiệu quả công tác tổ chức thi hành án dân sự trên địa bàn thành phố. Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh cũng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong khối Nội chính như Tòa án, Viện kiểm sát, Công an và Cấp ủy, Ủy ban nhân dân các quận, huyện trong quản lý, chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ công tác thi hành án dân sự trên địa bàn thành phố, bảo đảm đáp ứng yêu nhiệm vụ chuyên môn của ngành và nhiệm vụ chính trị của địa phương.
 
          II/. Bài học kinh nghiệm
Kết quả công tác trên đây là kết quả nỗ lực phấn đấu, là kết quả của sự đoàn kết gắn bó, phát huy các sáng kiến, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ của tập thể cán bộ công chức các cơ quan Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh. Qua thực tế thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2012, Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh đã xác định những nguyên nhân cơ bản và cũng là những bài học kinh nghiệm trong thực tiễn công tác thi hành án dân sự như sau:
 
Thứ nhất: Phải tranh thủ được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự và Lãnh đạo chính quyền địa phương.
 
Đầu tháng 8 năm 2012, tập thể Lãnh đạo Tổng cục, Lãnh đạo các Vụ chuyên môn thuộc Tổng cục đã có một buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của Cục, các Chi cục Thi hành án dân sự tại thành phố Hồ Chí Minh. Buổi làm việc còn có sự tham gia chỉ đạo trực tiếp của Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Buổi làm việc này đã kịp thời tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh, là một “cú hích” để các cơ quan Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh tăng tốc hoàn thành các chỉ tiêu thi hành án được giao năm 2012.
Đồng thời, trong năm 2012, Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh cũng tham mưu lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố hỗ trợ khó khăn với mức 1 triệu đồng/tháng cho tất cả cán bộ công chức làm công tác thi hành án, hỗ trợ kinh phí phục vụ công tác xác minh, giải quyết án, tiếp tục thực hiện Đề án hợp đồng sinh viên làm việc tại các cơ quan Thi hành án dân sự do Ủy ban nhân dân thành phố trả lương.
 
Thứ hai: Phải chủ động, thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp.
Có thể nói, một trong những đặc thù của công tác thi hành án dân sự là phối hợp trách nhiệm giữa cơ quan Thi hành án dân sự với các cơ quan, ban ngành có liên quan. Để hoạt động công tác nói chung, hoạt động tổ chức thi hành án dân sự nói riêng đạt được kết quả cao thì lãnh đạo cơ quan Thi hành án dân sự phải thực hiện tốt vai trò Phó Ban thường trực Ban chỉ đạo thi hành án dân sự, tăng cường công tác phối hợp trách nhiệm với các cơ quan trong khối Nội chính và Cấp ủy, Ủy ban nhân dân các cấp.
Các Chấp hành viên và công chức được phân công trực tiếp giải quyết việc thi hành án ngoài việc phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng tác nghiệp thì còn phải thường xuyên xây dựng mối quan phối hợp với cán bộ các ngành hữu quan và cán bộ ở cấp cở sở nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình tác nghiệp cũng như tạo sức mạnh tổng hợp trong việc tác động đương sự tự nguyện thi hành án.
 
Thứ ba: Trong quản lý, lãnh đạo phải quyết liệt, đeo bám, sát thực tiễn và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh. 
 
Lãnh đạo đơn vị phải nắm vững chủ trương, chính sách liên quan đến công tác quản lý ngành, lĩnh vực chuyên môn được phân công; am hiểu nội dung, thủ tục nghiệp vụ thi hành án; nhạy bén và kịp thời nhận định, phân tích, xử lý các vấn đề có liên quan đến chức trách nhiệm vụ được giao; thường xuyên bám sát thực tiễn để dự báo tình hình và từ đó định hướng công tác lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị.
Hoạt động quản lý điều hành đòi hỏi phải thường xuyên sâu sát với thực tiễn công việc nhưng quan trọng là phải kịp thời phát hiện những điểm nghẽn để có biện pháp tháo gỡ. Thực tiễn công tác cho thấy, nếu tồn tại những vướng mắc cản trở việc thực hiện một nhiệm vụ công tác trọng tâm không được kịp thời tháo gỡ thì sẽ làm ảnh hưởng đến toàn bộ các mặt công tác. Những vướng mắc này được coi là những “điểm nghẽn” cần được khai thông để việc thực hiện nhiệm vụ công tác được thống nhất, nhịp nhàng, xuyên suốt từ cấp trên xuống cấp dưới và giữa các đơn vị, giữa các nhiệm vụ công tác với nhau.
Trong năm 2012, Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh đã thành công trong việc chỉ đạo tăng cường phân loại vụ việc thi hành án theo hướng phân loại từng khoản phải thi hành để hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ thi hành xong về việc, về tiền và thực hiện Kế hoạch tăng cường lực lượng giải quyết án cho những đơn vị có lượng án lớn những thiếu nhân lực; thực hiện kế hoạch phối hợp xử lý vật chứng để hoàn thành chỉ tiêu giảm số lượng vụ việc chuyển kỳ sau.
 
Thứ tư: Phải tăng cường công tác kiểm tra, bảo đảm các hoạt động nghiệp vụ được tiến hành đúng trình tự, thủ tục tránh gián đoạn trong tổ chức thi hành án. 
Hoạt động nghiệp vụ thi hành án dân sự phải được tiến hành thường xuyên trong đó xác minh, rà soát, phân loại án là hoạt động hết sức quan trọng, là cơ sở để Chấp hành viên xây dựng kế hoạch tổ chức thi hành án hợp lý, quyết định phương thức tổ chức thi hành đối với từng vụ việc cũng như sắp xếp công việc trong giải quyết hàng loạt vụ việc.
Việc xác minh, phân loại án không chỉ được tiến hành giữa các vụ việc thi hành án với nhau mà còn phân loại ngay trong cùng một vụ việc thi hành án. Đối với những vụ việc lớn, phức tạp, có nhiều khoản phải thi hành thì cần phải phân loại để xác định khoản nào có điều kiện, khoản nào chưa có điều kiện để đưa ra phương thức, thời điểm thích hợp tổ chức thi hành án.
Kinh nghiệm cho thấy nếu không xác minh, rà soát, phân loại án chính xác thì các Chấp hành viên dễ rơi vào tình trạng dàn trải trong công việc hoặc chạy theo sự vụ dẫn đến hiệu quả công tác không cao. Đồng thời nếu hoạt động nghiệp vụ và tổ chức thi hành án được thực hiện theo kiểu “phong trào” thì dễ dẫn đến tâm lý “xả hơi” vào thời điểm sau đó và việc vi phạm về thời hạn thực hiện trình tự, thủ tục rất dễ xảy ra.
 
III/. Một số kiến nghị
Năm công tác 2012 đã đi qua với một số thuận lợi nhưng có rất nhiều khó khăn, thách thức. Với mong muốn tiếp tục thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị do Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự và Cấp ủy, Chính quyền địa phương giao trong năm 2013 và những năm tiếp theo, Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh mạnh dạn đề xuất một số kiến nghị như sau:
1/. Kiến nghị lãnh đạo Bộ Tư pháp, lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự báo cáo Ban chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương để xây dựng mô hình cơ quan Thi hành án dân sự phù hợp với mô hình Tòa án khu vực theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW của Ban chấp  hành Trung ương về chiến lược cải cách Tư pháp.
2/. Kiến nghị Bộ Tư pháp sớm ban hành Thông tư thay thế Quyết định 02/2006/QĐ-BTP ngày 14/4/2006 quy định về chế độ thống kê thi hành án dân sự theo hướng giản lược các biễu mẫu cũng như khắc phục những khiếm khuyết trong tiêu chí phân loại án. Cụ thể:
- Cần xác định những vụ việc vì lý do khách quan mà cơ quan Thi hành án dân sự chưa thể tổ chức thi hành được thì được xếp loại chưa có điều kiện thi hành (tại thời điểm báo cáo thống kê). Ví dụ: Tài sản kê biên bán đấu giá nhưng chưa có người đăng ký mua; chính sách của nhà nước tạo điều kiện hoãn thi hành án để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thời điểm khủng hoảng kinh tế ...
- Xác định việc ủy thác thi hành án và trả đơn yêu cầu thi hành án vào kết quả đã giải quyết xong để phản ánh đúng kết quả hoạt động tác nghiệp của Chấp hành viên.
Về lâu dài, việc giao chỉ tiêu thực hiện nhiệm vụ thi hành án dân sự cho các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương chỉ nên tập trung ở các chỉ tiêu sau:
+ Chỉ tiêu thi hành xong về việc và về tiền trong số việc, tiền có điều kiện thi hành.
+ Chỉ tiêu phân loại việc, tiền thi hành án.
Đây là các chỉ tiêu cơ bản, là căn cứ xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ của  các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương. Đồng thời, kiến nghị không giao chỉ tiêu giảm số việc và số tiền chuyển kỳ sau và loại bỏ các chỉ tiêu này trong hệ thống chi tiêu thi đua năm. Trường hợp chỉ tiêu giảm số việc và số tiền chuyển kỳ sau vẫn tiếp tục được duy trì thì cần xác định các chỉ tiêu này là căn cứ để xét đạt thành tích cao cuối năm thi đua. Việc quyết toán kinh phí chi tăng thu nhập tương ứng với tỷ lệ % việc hoàn thành nhiệm vụ (ví dụ: Hoàn thành 100% các chỉ tiêu cơ bản được quyết toán kinh phí chi tăng thu nhập 100%, hoàn thành 90% các chỉ tiêu cơ bản được quyết toán kinh phí chi tăng thu nhập 90%).
3/. Kiến nghị Tổng cục Thi hành án dân sự đề xuất Bộ Tư pháp sớm ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện Điều 128 Luật Thi hành án dân sự 2008 về việc Giám thị trại giam, Trại tạm giam nơi người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù thu các khoản tiền, tài sản mà người phải thi hành án, nhân thân của người phải thi hành án nộp để thi hành án; sớm hoàn thiện và ban hành Đề án về việc xử lý việc thi hành án dân sự tồn đọng để từng bước xóa bỏ “việc không có điều kiện thi hành” nhằm giảm số lượng vụ việc thi hành còn tồn nhưng không thể tổ chức thi hành.
4/. Kiến nghị lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự chỉ đạo sớm ban hành văn bản hướng dẫn tháo gỡ khó khăn được coi là “điểm nghẽn” lớn trong hoạt động nghiệp vụ thi hành án dân sự hiện nay. Đó là hướng dẫn thực hiện Điều 104 Luật Thi hành án dân sự để tháo gỡ khó khăn trong việc xác định thế nào là “Bán đấu giá không thành”.
5/. Kiến nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Tòa án nhân dân Tối cao và Viện kiểm sát nhân dân Tối cao có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các Tòa án địa phương thực hiện thống nhất một số vấn đề sau:
+ Không thụ lý giải quyết khiếu kiện quyết định, hành vi của Chấp hành viên cơ quan Thi hành án dân sự trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự. Bởi vì, căn cứ quy định tại Điều 3 Luật tố tụng hành chính được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011 thì quyết định, hành vi của Chấp hành viên cơ quan Thi hành án dân sự trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự không phải là quyết định hành chính, hành vi hành chính. Do đó, việc khiếu nại quyết định, hành vi của Chấp hành viên không thuộc những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án được quy định tại Điều 28 của Luật này. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, vẫn có Tòa án thụ lý giải quyết khiếu kiện quyết định, hành vi của Chấp hành viên trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự, gây tâm lý không an tâm cho các Chấp hành viên cơ quan Thi hành án dân sự. 
+ Hướng dẫn các Tòa án địa phương thụ lý giải quyết các tranh chấp, yêu cầu như: tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự; tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, thanh toán phí tổn đăng ký mua tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự; yêu cầu xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản; phân chia tài sản chung để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự theo đúng quy định tại Điều 25 và Điều 26 Luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi bổ sung năm 2011, có hiệu lực thi hành từ 01/01/2012 và quy định tại Điều 74 Luật thi hành án dân sự.
6/. Kiến nghị Tổng cục Thi hành án dân sự thường xuyên chỉ đạo nghiệp vụ theo hướng trực tiếp, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về nghiệp vụ, nhất là các trường hợp có xung đột pháp luật hoặc có nhiều cách hiểu khác nhau về cùng một quy định. Đối với những vụ việc khó khăn, phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành thì Tổng cục Thi hành án dân sự cần trực tiếp tham gia từ giai đoạn đầu tiên để cùng địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức thi hành án có hiệu quả.
7/. Kiến nghị Tổng cục Thi hành án dân sự đề xuất Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Nội vụ sửa đổi các quy định về Thẩm tra viên theo hướng có các chế độ đãi ngộ tương đương như Chấp hành viên (về phụ cấp trách nhiệm, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo…), đồng thời, có cơ chế cho Thẩm tra viên được chuyển sang ngạch Chấp hành viên mà không phải thông qua thi tuyển; quan tâm xây dựng các chế độ đãi ngộ đối với công chức khác làm việc trong cơ quan Thi hành án dân sự, như Kế toán, Thủ quỹ, Thủ kho… hoặc có cơ chế để Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự được sử dụng phí thi hành án để hỗ trợ thu nhập cho các đối tượng này
8/. Kiến nghị các cấp lãnh đạo quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng về trình độ quản lý Nhà nước, trình độ lý luận chính trị cho các đối tượng là lãnh đạo, quy hoạch lãnh đạo các cơ quan Thi hành án (hiện còn 75% cán bộ trong diện quy hoạch chưa đủ chuẩn về trình độ lý luận chính trị và quản lý Nhà nước). Cụ thể: Kiến nghị Bộ Tư pháp phối hợp với các cơ sở đào tạo mở lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cơ quan thi hành án, đề nghị Ban Tổ chức Thành ủy, Sở Nội vụ tăng các chỉ tiêu về đào tạo, bồi dưỡng cho cơ quan thi hành án; mở rộng đối tượng cán bộ để luân chuyển, những người thuộc diện quy hoạch Phó vụ trưởng thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự về Cục Thi hành án dân sự địa phương để giúp các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương thực hiện nhiệm vụ, đồng thời cũng đào tạo kiến thức thực tiễn cho nguồn cán bộ công tác tại Tổng cục.
 
 
Trên đây Tham luận của Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh tại Hội nghị triển khai nghiệm vụ công tác năm 2013 của Tổng cục Thi hành án dân  sự. Rất mong nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự và ý kiến đóng góp, trao đổi kinh nghiệm của các cơ quan Thi hành án dân sự trên toàn quốc nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự năm 2013 và các năm tiếp theo./.
 
                                          


Theo CỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ TP. HỒ CHI MINH

Các tin đã đưa ngày: