Sign In

Hiện thực hóa “khát vọng Việt Nam” theo tư tưởng Hồ Chí Minh

25/12/2020

Hiện thực hóa “khát vọng Việt Nam” theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến cả cuộc đời mình để thực hiện khát vọng giải phóng dân tộc, xây dựng một đất nước giàu mạnh, phồn vinh, nhân dân hạnh phúc. Khát vọng của Người cũng chính là khát vọng của toàn thể dân tộc Việt Nam. Đi theo ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân làm nên nhiều kỳ tích, đất nước ngày càng đổi mới, giàu mạnh, văn minh. Trong Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, một lần nữa khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Khát vọng Việt Nam được đề cập đến như một tuyên bố chính trị có sức thu hút mãnh liệt.

Ngay từ những năm 1920, khát vọng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”. Đó cũng là lẽ sống, là lý tưởng phấn đấu hy sinh mà Người và Đảng Cộng sản Việt Nam kiên định trong gần một thế kỷ qua. Suốt chặng đường ấy, với quyết tâm không gì lay chuyển nổi về độc lập tự do và thống nhất đất nước, dân tộc ta đã làm nên thắng lợi của cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945; Kháng chiến chống Thực dân Pháp 1954 và chống Đế quốc Mỹ 1975, tiếp tục bảo vệ và xây dựng đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Khát vọng về một Việt Nam phồn vinh được thể hiện ngay sau ngày đất nước được khai sinh, trong Thư gửi các cháu học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt mong muốn và niềm tin vào thế hệ trẻ: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với cường quốc năm châu được hay không, chính nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Niềm tin ấy đã khơi dậy trong các em ước mơ, khát vọng về một đất nước giàu mạnh, hùng cường. Khát vọng đó cũng được thể hiện trong chủ trương, đường lối của Đảng về việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để có đủ sức mạnh phát triển đất nước. Xây dựng và phát huy nguồn lực con người là yếu tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, cũng là một việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi có sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị. Một trong 3 đột phá chiến lược nêu trong Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng là “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực có các lĩnh vực then chốt” thể hiện quan điểm thống nhất: muốn đất nước phồn vinh, hội nhập và phát triển, không thể không quan tâm đến nguồn nhân lực.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, hạnh phúc cho nhân dân là một mục tiêu quan trọng. Người từng khẳng định: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cưm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Hạnh phúc cho nhân dân trong tư tưởng của Người rất đỗi giản dị và thấm đậm tinh thần nhân văn sâu sắc: “Nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Theo Người, trách nhiệm của Chính phủ là phải chăm lo hạnh phúc cho nhân dân. Hiện thực hóa tư tưởng của Người, Đảng chủ trương phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Thực tế chặng đường 35 năm đổi mới đất nước, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhận định: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ to lớn, vai trò và vị thế cao như ngày nay. Điều đó chứng tỏ chúng ta đang hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước như mong mỏi của Bác Hồ vĩ đại. Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng đề cập đến “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” là một điểm nhấn quan trọng, thể hiện bản chất của nhà nước của dân, do dân, vì dân. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, hạnh phúc của nhân dân luôn là một mục tiêu mà Người hướng tới.

Bác Hồ thăm đình Tân Trào (tháng 3-1961). Ảnh : Tư liệu

Khát vọng về đất nước phồn vinh gắn với tầm nhìn chiến lược ngay trong chủ đề Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Khát vọng ấy là nhiệm vụ của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, là động lực khơi dậy sức mạnh tiềm tàng của dân tộc. Khát vọng Việt Nam là khát vọng độc lập, tự chủ tự cường, là hiện thực hóa tâm nguyện và ý chí của Hồ Chí Minh. Với mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, đến năm 2030 là nước đang phát triển, cơ bản có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao là mục tiêu lớn, thể hiện khát vọng tự cường dân tộc, là ý Đảng hợp lòng dân. Khát vọng đó sẽ tạo động lực cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh chính là khơi dậy khát vọng cống hiến của mỗi người dân Việt Nam, để hiện thực hóa tư tưởng của Người về xây dựng một đất nước “hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Tuyết Nhung

Các tin đã đưa ngày: