Sign In

Hoàn thiện quy định về chi trả, thanh toán tiền thi hành án

24/05/2021

(PLVN) -Chi trả, thanh toán tiền thi hành án là một trong những tác nghiệp quan trọng của chấp hành viên trong quá trình tổ chức thi hành án, tuy nhiên thủ tục chi trả, thanh toán tiền trong thi hành án dân sự hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện.

Số tiền nhỏ, đương sự không muốn nhận

Thủ tục chi trả, thanh toán tiền, trả tài sản thi hành án được quy định tại Điều 47, Điều 126, Điều 129 Luật THADS; Điều 6 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC; Theo các quy định trên thì phương thức thanh toán tiền thi hành án được ưu tiên là đương sự trực tiếp đến nhận tiền (hoặc ủy quyền cho người khác đến nhận thay) tại cơ quan THADS (trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 49 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP:  “Trường hợp người được thi hành án là doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế xã hội thì việc chi trả tiền thi hành án thực hiện bằng chuyển khoản).

Theo đó, việc thanh toán chủ yếu được thực hiện bằng chi trả tiền mặt. Điều này dẫn đến nhiều khó khăn khi thực hiện, đặc biệt là các trường hợp người phải thi hành án ở xa trụ ở cơ quan THADS, số tiền được nhận lại quá nhỏ (ví dụ như các khoản tạm ứng án phí được trả lại trong các việc Dân sự, Hôn nhân - Gia đình có giá trị chỉ từ 150.000đ đến 300.000đ) khiến đương sự không muốn đến cơ quan THADS để nhận tiền mặt trực tiếp. 

Theo quy định hiện hành, việc thanh toán tiền bằng phương thức chuyển tiền qua bưu điện hoặc chuyển khoản chỉ được thực hiện khi “người được nhận tiền cung cấp tài khoản và yêu cầu chuyển khoản thì cơ quan THADS làm thủ tục chuyển khoản”. Điều này phần nào hạn chế sự chủ động của cơ quan THADS và trong một số trường hợp cũng dẫn đến khó khăn, kéo dài thời gian thanh toán tiền thi hành án. Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển và việc thanh toán qua Internet Banking phát triển như hiện nay, cần xem xét mở rộng hơn nữa các hình thức thanh toán tiền thi hành án bằng chuyển khoản .Việc thanh toán tiền qua tài khoản sẽ giảm bớt thời gian thanh toán tiền thi hành án và kiểm soát chặt chẽ được tiền, tài sản trong thi hành án dân sự. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về thi hành án dân sự theo hướng tăng cường, khuyến khích thanh toán tiền thi hành án bằng hình thức chuyển khoản là cần thiết, giảm thiểu chi phí và rút ngắn thời gian thi hành án.

Về thủ tục thông báo cho đương sự đến nhận tiền, tài sản, theo quy định tại Điều 49 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 33/2020/NĐ-CP và  Điều 17 Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp về hướng dẫn thực hiện một số thủ tục về quản lý hành chính và biểu mẫu nghiệp vụ trong thi hành án dân sự. đối với khoản tiền chi trả cho người được nhận là cá nhân, cơ quan thi hành án dân sự thông báo bằng văn bản yêu cầu người được nhận đến nhận. Chấp hành viên thông báo cho đương sự đến nhận tiền, tài sản. Thông báo đến nhận tiền, tài sản cần ghi rõ: yêu cầu đương sự khi đến nhận tiền, tài sản phải mang theo một trong các giấy tờ sau đây: căn cước công dân; chứng minh nhân dân; hộ chiếu; giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để đối chiếu (các giấy tờ trên phải là bản chính).

Xem xét mở rộng thêm hình thức thông báo

Theo quy định hiện hành, các hình thức thông báo về thi hành án hiện nay bao gồm: Thông báo trực tiếp hoặc qua cơ quan, tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật; niêm yết công khai; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng; trường hợp do đường sá xa xôi, giao thông không thuận tiện; người được thông báo có nhiều địa chỉ liên lạc, nơi ở không cố định, thường xuyên vắng mặt ở nhà vào giờ hành chính; đương sự đang bị giam, tạm giam; người được thi hành án chưa yêu cầu thi hành án quy định tại khoản 1 Điều 49 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP và các trường hợp khác mà việc thông báo trực tiếp có khó khăn thì việc thông báo được thực hiện qua dịch vụ bưu chính bằng thư bảo đảm. Tuy nhiên, trong điều kiện việc ứng dụng công nghệ thông tin đang được phát triển mạnh mẽ (đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay), phần lớn người dân đã sử dụng mạng internet, máy tính, điện thoại thông minh và các chức năng sẵn có của điện thoại,...thì có thể mở rộng thêm hình thức thông báo khác đối với trường hợp thông báo cho đương sự đến nhận tiền, tài sản như việc thông báo qua điện thoại, Zalo….sẽ thuận lợi hơn cho cơ quan Thi hành án Dân sự. 

Theo quy định tại Điều 17 Thông tư số 01/2016/TT-BTP, trường hợp đương sự đề nghị chuyển tiền qua bưu điện hoặc chuyển khoản, đương sự phải có đơn đề nghị chuyển tiền qua bưu điện hoặc chuyển khoản. Đơn đề nghị ghi rõ tên, địa chỉ của người nhận tiền, số tài khoản (trong trường hợp chuyển khoản), được gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện. Tuy nhiên , đa số ý kiến cho rằng  về việc cung cấp số tài khoản, đương sự cũng có thể cung cấp số tài khoản qua các phương tiện liên lạc như điện thoại, tin nhắn…. chứ không nhất thiết phải làm đơn  đề nghị  thì cơ quan THADS có thể thực hiện chuyển khoản để chi trả tiền cho đương sự, sau đó lưu chứng từ chuyển khoản vào hồ sơ thi hành án. Việc này sẽ giảm bớt rất nhiều các thủ tục thi hành án liên quan, giảm tải cho Chấp hành viên và cơ quan thi hành án dân sự, đồng thời góp phần rút ngắn thời gian tổ chức thi hành án.  

ThS. Hoàng Thanh Hoa


Theo báo pháp luật việt nam

Các tin đã đưa ngày: