Sign In

Cần thiết sửa đổi Điều 57 Luật Thi hành án dân sự về ủy thác thi hành án

17/07/2021

Khoản 1 Điều 57 Luật Thi hành án dân sự quy định:
"1. Trước khi ủy thác, cơ quan thi hành án dân sự phải xử lý xong tài sản tạm giữ, thu giữ, tài sản kê biên tại địa bàn có liên quan đến khoản ủy thác. Trường hợp Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định thi hành án nhưng xét thấy cần ủy thác thì phải ra quyết định thu hồi một phần hoặc toàn bộ quyết định thi hành án và ra quyết định ủy thác cho nơi có điều kiện thi hành."
Như vậy, trường hợp người phải thi hành án có tài sản ở nhiều nơi thì cơ quan thi hành án dân sự chỉ được ủy thác cho cơ quan thi hành án khác khi đã xử lý xong các tài sản tạm giữ, thu giữ, kê biên trên địa bàn có liên quan đến việc ủy thác. Quy định này dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện
Thực tế có những trường hợp người phải thi hành án phải thi hành khoản nghĩa vụ lớn hoặc rất lớn, có tài sản ở nhiều nơi (đặc biệt, có trường hợp tài sản ở nơi khác đó đã được bản án tuyên kê biên, phong tỏa hoặc xử lý tài sản để đảm bảo thi hành án), cơ quan thi hành án dân sự có căn cứ xác định tài sản trên địa bàn không đủ để thi hành án hoặc có những trường hợp xử lý toàn bộ các tài sản của người phải thi hành án cũng sẽ không đủ để đảm bảo thi hành án nhưng căn cứ vào quy định tại Điều 57 Luật Thi hành án dân sự thì cơ quan thi hành án dân sự vẫn không được phép ủy thác ngay mà phải xử lý xong toàn bộ các tài sản trên địa bàn (bao gồm tài sản đã được Tòa án kê biên và các tài sản khác do cơ quan Thi hành án dân sự xác minh) mới thực hiện được việc ủy thác.
Như vậy, theo quy định tại Điều 57 Luật THADS thời gian tổ chức thi hành xong một việc thi hành án sẽ bằng tổng thời gian tổ chức thi hành ở tất cả các địa phương nơi người phải thi hành án có tài sản. Ví dụ: thời gian một cơ quan THADS xử lý tài sản thông thường trên địa bàn kéo dài khoảng 6 tháng (nếu chỉ xử lý một hoặc một vài tài sản, tài sản không phức tạp và không gặp khó khăn, vướng mắc)1 và tài sản có ở 4 địa bàn khác nhau thì thời gian tổ chức thi hành án đã kéo dài gấp 4 lần (là 2 năm)2.
Tuy nhiên, trên thực tế quá trình tổ chức thi hành án còn thường xuyên gặp những khó khăn, vướng mắc làm kéo dài thời gian tổ chức thi hành án3. Có những việc thi hành án trên một địa bàn đã/sẽ kéo dài nhiều năm vẫn chưa thi hành xong thì tổng thời gian để tổ chức thi hành xong đối với vụ việc người phải thi hành án có tài sản ở nhiều nơi sẽ còn kéo dài nhiều hơn rất nhiều.
Trường hợp người phải thi hành án có nhiều tài sản ở nhiều nơi là không ít (đặc biệt là những việc thi hành trong các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng; các vụ việc dân sự, kinh tế nhưng giá trị thi hành lớn) nhưng số việc ủy thác thi hành án hàng năm lại chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Liên quan đến việc ủy thác thi hành án, theo báo cáo thống kê, trong năm 2020, cơ quan THADS đã thực hiện việc ủy thác 13.660 việc (chỉ chiếm gần 2% so với tổng số có điều kiện thi hành)4. Trong 9 tháng đầu năm 2021 (từ ngày 01/10/2020 đến ngày 30/6/2021), cơ quan THADS đã thực hiện việc ủy thác 8.615 việc (chỉ chiếm 1,5% so với tổng số có điều kiện thi hành)5.Một trong những lý do khiến số việc ủy thác không nhiều là do vướng quy định tại Điều 57 Luật Thi hành án dân sự, theo đó, phải xử lý xong tài sản trên địa bàn thì cơ quan thi hành án dân sự mới được ủy thác cho cơ quan thi hành án dân sự nơi khác để tiếp tục xử lý tài sản của người phải thi hành án.
Quy định phải xử lý xong tài sản trên địa bàn mới được thực hiện việc ủy thác sẽ gây ách tắc rất lớn, kéo dài quá trình tổ chức thi hành án (có thể kéo dài nhiều năm) dẫn đến: chậm thu hồi tiền, tài sản cho ngân sách nhà nước; ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án khác; có nguy cơ cao gây giảm giá trị, mất mát, hư hỏng tài sản; tiềm ẩn nguy cơ tẩu tán tài sản để trốn tránh việc thi hành án; tốn kém thời gian và chi phí của quá trình tổ chức thi hành án, làm giảm hiệu lực của hệ thống Thi hành án dân sự; phát sinh thêm khoản tiền lãi chậm thi hành án mà người phải thi hành án sẽ phải chịu.
Do đó, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 57 Luật THADS nhằm xác định cách thức xử lý đối với trường hợp người phải thi hành án có tài sản ở nhiều nơi, tạo điều kiện tăng tỷ lệ thi hành án về tiền, rút ngắn thời gian và xử lý có hiệu quả tài sản thi hành án, đặc biệt trong trường hợp thu hồi tiền, tài sản cho ngân sách nhà nước trong các vụ án về kinh tế, tham nhũng. Cụ thể:
- Cơ bản giữ nguyên tắc chung của Điều 57 Luật THADS hiện hành về việc ra quyết định thu hồi một phần hoặc toàn bộ quyết định thi hành án trước khi ra quyết định ủy thác; thời hạn ra quyết định thi hành án và việc không được trả lại quyết định ủy thác, trừ trường hợp có nhầm lẫn, sai sót.
- Hướng dẫn chi tiết những trường hợp và cách thức xử lý trong trường hợp phải ủy thác từng phần theo quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật THADS trong trường hợp người phải thi hành án có tài sản ở nhiều nơi. Đảm bảo rút ngắn thời gian tổ chức thi hành án nhưng không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự, theo hướng:
+ Quy định rõ những trường hợp thực hiện việc ủy thác hoặc không ủy thác:
(i) Chưa thực hiện việc ủy thác nếu xác định việc xử lý tài sản trên địa bàn đủ để thi hành án;
(ii) Ủy thác đến nơi có tài sản trong trường hợp bản án, quyết định tuyên kê biên, phong tỏa tài sản hoặc tuyên xử lý tài sản bảo đảm để thi hành án; trường hợp tài sản trên địa bàn đã được tòa án thụ lý để giải quyết tranh chấp.
(iii) Chấp hành viên phải tiến hành xác minh để tham khảo giá của cơ quan chuyên môn tại nơi có tài sản, ấn định thời hạn để người phải thi hành án lựa chọn tài sản để xử lý và chỉ ủy thác để xử lý tài sản đủ để thi hành án.
+ Quy định thủ tục và các vấn đề pháp lý có liên quan đến việc ủy thác: Trường hợp ủy thác để xử lý tài sản, cơ quan thi hành án nơi ủy thác là cơ quan có trách nhiệm chủ trì trong việc thanh toán tiền thi hành án và phải thông báo ngay cho cơ quan thi hành án dân sự nơi nhận ủy thác để dừng việc xử lý tài sản khi người phải thi hành án đã thi hành xong nghĩa vụ.  

 
Hoàng Thu Thủy
Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng cục THADS

1Do cơ quan THADS phải tiến hành việc thi hành án theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật (ra các quyết định thi hành án; thông báo văn bản về thi hành án cho đương sự; áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án; bán đấu giá tài sản; giao tài sản cho người mua trúng đấu giá; cho các đương sự thỏa thuận trong quá trình xử lý tài sản như: thỏa thuận về giá trị tài sản, thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá, tổ chức bán đấu giá, thỏa thức mức giảm giá tài sản và các thỏa thuận khác; thanh toán tiền thi hành án…)
2Trong thời gian gần đây, các vụ án kinh tế tham nhũng thuộc diện Ban chỉ đạo TW về PCTN theo dõi, chỉ đạo với số tiền phải thi hành án đều lên tới hàng nghìn hoặc chục nghìn tỷ đồng như:
+ Vụ Giang Kim Đạt tài sản là hàng chục tài sản trên 04 địa bàn (Hà Nội, Hải Phòng, Khánh Hòa, Tp HCM);  + + Vụ Dương Thanh Cường tài sản THA gồm hàng chục bất động sản trên 3 địa bàn (Tp HCM, Lâm Đồng. Bắc Kan);
+ Vụ Phan Sào Nam tài sản có ở Hà Nội, Đà Nẵng, Tp HCM, Singapore… với tổng giá trị tài sản ước đạt gần 30 nghìn tỷ đồng
+ Vụ Huỳnh Thị Huyền Như: Tài sản đảm bảo thi hành ở 5 địa phương (An Giang, TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Quảng Nam, Long An)
+ Vụ Trần Phương Bình: Tòa án tuyên kê biên 05 tài sản để đảm bảo thi hành án, trong đó có 3 tài sản ở Thành phố Hồ Chí Minh, 1 tài sản ở Nam Định và 1 tài sản ở Đà Nẵng.
+ Vụ Hứa Thị Phấn: Tòa án tuyên kê biên để đảm bảo thi hành án đối với 114 quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, trong đó có 89 tài sản ở thành phố Hồ Chí Minh, 8 tài sản ở Đồng Tháp và 17 tài sản ở Bình Dương.
3Ví dụ như: người phải thi hành án chống đối quyết liệt; phải có thời gian chờ phán quyết của Tòa để xác định phần của người phải thi hành án trong khối tài sản chung với người khác; tài sản của người phải thi hành án là nhà đất được mua bán bằng giấy tay, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng; diện tích nhà đất mà cơ quan điều tra kê biên không phù hợp với diện tích thực tế; một số nằm trong diện bị giải tỏa nhưng chưa có quyết định thu hồi đất nên phát mãi không có người mua; một số chưa được cấp giấy tờ sở hữu, sử dụng nên cơ quan Thi hành án gặp khó khăn trong việc cung cấp giấy tờ liên quan để các cơ quan chuyên môn có cơ sở kiểm tra bản vẽ hiện trạng, vị trí nhà đất phục vụ cho việc thẩm định giá, phát mãi theo quy định của pháp luật; tài sản do người phải thi hành án mua trả góp, mới chỉ thanh toán được một phần tiền mua tài sản; tài sản có tranh chấp đang được Tòa án thụ lý giải quyết…Nhiều trường hợp các bên đương sự lợi dụng việc khiếu tại, tố cáo hoặc tạo ra các tranh chấp liên quan đến tài sản mà Cơ quan thi hành án đang xử lý để nhằm trì hoãn, kéo dài việc xử lý tài sản, gây khó khăn cho việc xử lý tài sản....
4với tổng số tiền 27.371 tỷ đồng (chiếm 20% so với tổng số có điều kiện thi hành)
5với tổng số tiền 10.682 tỷ đồng (chiếm 7% so với tổng số có điều kiện thi hành)


Theo cổng thông tin điện tử tổng cục thi hành án dân sự

Các tin đã đưa ngày: