Sign In

Nghiên cứu, xác định đúng bản chất của biện pháp bảo đảm thi hành án là biện pháp có tính chất khẩn cấp và tạm thời. Đề xuất hoàn thiện quy định về khái niệm, trình tự, thủ tục thực hiện các biện pháp bảo đảm thi hành án

19/02/2024

Hiện nay, nước ta đang xây dựng và phát triển một nền kinh tế thị trường lành mạnh có sự hội nhập sâu, rộng với nền kinh tế thế giới, các giao dịch thương mại, dân sự ngày càng đa dạng và sôi động. Quá trình chuyển dịch tài sản diễn ra rất nhanh chóng đôi khi chỉ là cái “nhấp chuột” và không bó hẹp trong phạm vi lãnh thổ quốc gia, do đó, để giám sát được quá trình này cũng là vấn đề khá phức tạp. Mặt khác, các đương sự trong vụ việc thi hành án thường không tự nguyện thi hành án, có tâm lý chây ỳ, trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định nên rất dễ dẫn đến những hành vi tẩu tán, huỷ hoại tài sản nhằm làm mất đi điều kiện thi hành án. Để ngăn chặn, cơ quan thi hành án dân sự cần áp dụng các biện pháp phù hợp, có thể là biện pháp bảo đảm thi hành án cũng có thể là biện pháp cưỡng chế thi hành án. 
Trong thực tiễn thi hành án dân sự, khi người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì sẽ bị Chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự. Tuy nhiên, để áp dụng được biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự thì Chấp hành viên phải tuân thủ một quy trình, thủ tục rất chặt chẽ với sự phối hợp của nhiều cơ quan liên quan, đòi hỏi phải giải quyết nhiều về vấn đề và mất thời gian, chính đây là thời gian mà đương sự có thể lợi dụng để thực hiện việc tẩu tán, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án. Do đó, thực tiễn đòi hỏi khi chưa thực hiện ngay được biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự thì pháp luật phải có quy định để Chấp hành viên có cơ chế ngăn chặn việc tẩu tán, định đoạt tài sản của người phải thi hành án thông qua đó có thể bảo toàn điều kiện thi hành án của đương sự. Biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự được quy định là cần thiết, có ý nghĩa quan trọng, vừa góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự vừa góp phần giáo dục nâng cao ý thức pháp luật của họ và đảm bảo được tính nghiêm minh của pháp luật trong công tác thi hành án dân sự. Biện pháp bảo đảm thi hành án và những nội dung liên quan trong quá trình ban hành và tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm thi hành án được quy định tại nhiều điều, khoản của Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014. Như vậy, biện pháp bảo đảm thi hành án có tính chất “khẩn cấp” và có tính “tạm thời”, là bước đệm để cơ quan thi hành án dân sự thực hiện “cưỡng chế” tiếp theo. Tuy nhiên, thông qua thực tiễn công tác áp dụng quy định về biện pháp bảo đảm thi hành án cho thấy, quy định của pháp luật thi hành án dân sự chưa xác định đúng bản chất của biện pháp bảo đảm thi hành án là biện pháp có tính chất khẩn cấp và tạm thời. Do đó, trong phạm vi nghiên cứu của bài viết này, tác giả xin đưa ra, phân tích một số nội dung lý luận nhằm đề xuất hoàn thiện quy định pháp luật về biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự trong thời gian tới.
1. Khái niệm biện pháp bảo đảm thi hành án
Theo từ điển Tiếng việt thì “biện pháp” được hiểu là “cách làm, cách giải quyết một vấn đề cụ thể”;  “bảo đảm” là “làm cho chắc chắn thực hiện được, giữ gìn được, hoặc có đầy đủ những gì cần thiết hoặc là sự bảo đảm thực hiện được hoặc giữ được” và thi hành là “làm cho thành có hiệu lực điều đã được chính thức quyết định”. Như vậy, có thể hiểu biện pháp bảo đảm thi hành án là những biện pháp cụ thể mà cơ quan thi hành án dân sự tự mình hoặc theo yêu cầu của đương sự áp dụng nhằm bảo toàn tình trạng tài sản, ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án làm cho quá trình thi hành án được thực hiện một cách chắc chắn hơn, đạt kết quả cao hơn. Các biện pháp bảo đảm thi hành án giữ vai trò hỗ trợ đắc lực cho quá trình thi hành án, góp phần bảo vệ các quyền và nghĩa vụ dân sự được ghi nhận trong bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Ý nghĩa của biện pháp bảo đảm thi hành án
Với vai trò đảm bảo điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự có ý nghĩa hết sức to lớn, đóng vai trò quan trọng đối với kết quả tổ chức thi hành các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, cụ thể như sau:
Về phía cơ quan thi hành án dân sự: do người phải thi hành án tìm cách tẩu tán, hủy hoại tài sản gây khó khăn cho hoạt động thi hành án, việc Chấp hành viên áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc bảo đảm khả năng thực thi của bản án, quyết định của Tòa án trên thực tế. Biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự đã góp phần đẩy nhanh quá trình thi hành   án, làm giảm thiểu các chi phí không đáng có.
Về phía đương sự: việc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án đúng và phù hợp sẽ bảo vệ được lợi ích của đương sự trong trường hợp cần thiết. Đồng thời, góp phần nâng cao ý thức của đương sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành án.
3. Đặc điểm, bản chất của các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự
Thứ nhất, biện pháp bảo đảm thi hành án “phải” có tính chất đặc thù là “khẩn cấp” bởi:  Tính khẩn cấp trong quá trình tổ chức thi hành án của việc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án đòi hỏi Chấp hành viên phải xem xét ra quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự một cách linh hoạt, tại nhiều thời điểm, nhiều địa điểm khác nhau trong quá trình thi hành án nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại, trốn tránh việc thi hành án. Biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự có thể được áp dụng ngay tại thời điểm ra quyết định thi hành án và trong thời hạn tự nguyện thi hành án và cũng có thể được áp dụng tại thời điểm trước hoặc trong quá trình cưỡng chế thi hành án nếu xét thấy cần phải ngăn chặn ngay hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản hoặc trốn tránh việc thi hành án của đương sự. Biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự có thể được Chấp hành viên áp dụng trong trường hợp ủy thác thi hành nghĩa vụ liên đới.
Thứ hai, biện pháp bảo đảm thi hành án “phải” có tính chất đặc thù là “tạm thời” bởi: Tính tạm thời của biện pháp bảo đảm thi hành án thể hiện ở chỗ, biện pháp bảo đảm chỉ được áp dụng trong một khoảng thời gian nhất định có tính thời điểm. Quyết định bảo đảm thi hành án không phải là quyết định cuối cùng để xử lý tài sản, bởi sau thời hạn nhất định tùy thuộc vào biện pháp bảo đảm được áp dụng, Chấp hành viên phải áp dụng biện pháp cưỡng chế hoặc ra quyết định chấm dứt việc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án đối với tài sản, giấy tờ, tài khoản.
Thứ ba, đối tượng bị áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự là tài sản, giấy tờ, tài khoản: Để việc thi hành án được thuận lợi, biện pháp bảo đảm thi hành án được Chấp hành viên áp dụng đối với đối tượng là các tài sản, tài khoản được cho là của người phải thi hành án. Tài sản đó có thể đang do người phải thi hành án hoặc do người khác chiếm giữ.
Thứ tư, biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự được thực hiện với trình tự, thủ tục linh hoạt, gọn nhẹ, ít tốn kém, có thời gian áp dụng ngắn, có tác dụng thúc đẩy nhanh việc thi hành án. Việc áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự được thực hiện một cách khá linh hoạt, xuất phát từ yêu cầu của người được thi hành án hoặc do Chấp hành viên chủ động áp dụng trong trường hợp cần thiết. Việc áp dụng biện pháp bảo đảm chỉ nhằm để ngăn chặn hành vi tẩu tán, thay đổi hiện trạng, chuyển dịch hoặc hủy hoại tài sản của người phải thi hành án mà chưa cần phải huy động lực lượng để thực hiện việc cưỡng chế nên thời gian thực hiện nhanh gọn, ít tốn kém kinh phí.
Thứ năm, biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự khi được áp dụng chưa làm thay đổi, chuyển dịch về quyền sở hữu, sử dụng tài sản của chủ sở hữu, chủ sử dụng. Với mục đích ngăn chặn người phải thi hành án thực hiện hành vi tẩu tán, thay đổi hiện trạng hoặc hủy hoại tài sản, nhằm bảo toàn tài sản đó, đảm bảo điều kiện thi hành án, biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự chưa làm mất đi quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của chủ sở hữu, chủ sử dụng mà mới chỉ làm hạn chế quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản đó của chủ sở hữu, chủ sử dụng tài sản.
Thứ sáu, khi áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự, Chấp hành viên không bắt buộc phải thực hiện việc xác minh và thông báo trước cho đương sự. Để đảm bảo tính nhanh chóng, kịp thời, linh hoạt, nhằm ngăn chặn đương sự tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án thì Chấp hành viên không cần thực hiện việc xác minh và thông báo trước cho đương sự biết. Tùy theo từng loại tài sản mà Chấp hành viên sẽ ban hành quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự tương ứng.
Thứ bảy, biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự có thể được Chấp hành viên tự mình ra quyết định áp dụng hoặc ra quyết định áp dụng theo yêu cầu bằng văn bản của đương sự. Trường hợp đương sự yêu cầu áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường. Trường hợp Chấp hành viên tự mình áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự không đúng hoặc Chấp hành viên ra quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự vượt quá, không đúng theo yêu cầu của đương sự mà gây ra thiệt hại thì Chấp hành viên có trách nhiệm phải bồi thường.
Thứ tám, khiếu nại đối với quyết định áp dụng biện pháp bảo thi hành án dân sự được giải quyết một lần và có hiệu lực thi hành Quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự có tác dụng làm hạn chế quyền sở hữu, sử dụng tài sản mà không có tính chất làm thay đổi, chuyển dịch về quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản đó. Vì vậy, khiếu nại đối với quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự chỉ được xem xét, giải quyết một lần và có hiệu lực thi hành.
4. Các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự
Pháp luật thi hành án dân sự hiện hành đang quy định Chấp hành viên áp dụng 03 biện pháp bảo đảm thi hành án, cụ thể: (1) Biện pháp phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ (Điều 67 Luật Thi hành án dân sự); (2) Biện pháp tạm giữ tài sản, giấy tờ (Điều 68 Luật Thi hành án dân sự); (3) Biện pháp tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản: (Điều 69 Luật Thi hành án dân sự).
Việc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án được thực hiện theo nguyên tắc:
- Chấp hành viên căn cứ vào nội dung bản án, quyết định; quyết định thi hành án; tính chất, mức độ, nghĩa vụ thi hành án; điều kiện của người phải thi hành án; yêu cầu bằng văn bản của đương sự và tình hình thực tế của địa phương để lựa chọn việc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án
- Việc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án phải tương ứng với nghĩa vụ của người phải thi hành án và các chi phí cần thiết, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP
-Theo quy định tại khoản 1 Điều 66 Luật thi hành án dân sự thì khi áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, Chấp hành viên không phải thông báo trước cho đương sự. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 39 Luật Thi hành án dân sự thì quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án vẫn cần được thông báo cho đương sự trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra văn bản trừ trường hợp cần ngăn chặn đương sự tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án.
5. Một số vấn đề cần đặt ra khi nghiên cứu hoàn thiện quy định pháp luật thi hành án dân sự về biện pháp bảo đảm thi hành án
Thứ nhất, từ những nhận định về khái niệm, đặc điểm, ý nghĩa của biện pháp bảo đảm thi hành án nêu trên, có thể thấy, pháp luật thi hành án dân sự chưa xác định đúng bản chất của biện pháp bảo đảm thi hành án là biện pháp có tính chất khẩn cấp và tạm thời. Ví dụ, đối với biện pháp phong tỏa tài khoản của đương sự, tại khoản 2 Điều 67 Luật và khoản 1 Điều 20 Nghị định 62/2015/NĐ-CP thì biện pháp này được áp dụng khi người phải thi hành án có nghĩa vụ trả tiền và trong tài khoản của người phải thi hành án phải có tiền, và quyết định phong tỏa tài khoản phải xác định rõ số tiền, tài sản bị phong tỏa. Theo tác giả, trong trường hợp xác minh hoặc Chấp hành viên nắm  bắt được người phải thi hành án có tài khoản thì cần thực hiện việc lập biên bản hoặc ban hành quyết định phong tỏa tài khoản luôn mà không cần xác minh cụ thể số tiền trong tài khoản của người phải thi hành án, bởi, người phải thi hành án có thể tẩu tán ngay tiền trong tài khoản. Quy định như vậy sẽ không đảm bảo tính khẩn cấp của biện pháp bảo đảm thi hành án và không thực sự đạt được hiệu quả trong việc bảo toàn tình trạng tài sản bảo đảm cho việc thi hành án.
Thứ hai, các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự hiện hành chưa bao quát, ngăn chặn được toàn diện các hành vi tẩu tán tài sản. Có thể nghiên cứu theo hướng áp dụng tương tự trong thủ tục Tố tụng dân sự. Cụ thể, từ tính chất đặc thù là «khẩn cấp» và «tạm thời», có thể thấy, việc Chấp hành viên áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự cũng tương tự như việc Tòa án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong giai đoạn xét xử. Trên thực tiễn, ngoài các biện pháp phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ; biện pháp tạm giữ tài sản, giấy tờ; biện pháp tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản, Chấp hành viên cần thực hiện nhiều biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự có tính chất khẩn cấp, tạm thời nhằm ngăn chặn và đảm bảo đương sự thực hiện nghĩa vụ cả về tiền, tài sản và các nghĩa vụ khác như: tạm hoãn xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề; tạm dừng đóng thầu và các hoạt động có liên quan đến việc đấu thầu; buộc thực hiện biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án và các cơ quan có thẩm quyền...
Thứ ba, pháp luật hiện hành chưa có cơ chế quy định cụ thể về việc cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên trong việc tạm giữ tài sản, giấy tờ. Chưa có cơ chế quy định về bồi thường thiệt hại khi áp dụng sai: Việc Chấp hành viên có quyền tự mình hoặc theo yêu cầu bằng văn bản của đương sự để áp dụng ngay biện bảo đảm nhằm ngăn chặn việc tẩu tán tài sản, hủy hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án trong quá trình thi hành án. Theo quy định tại khoản 2 Điều 66 Luật THADS thì: Người yêu cầu Chấp hành viên áp dụng biện pháp bảo đảm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình. Tuy nhiên, chưa có quy định để đảm bảo cho việc bồi thường thiệt hại trong trường hợp đương sự yêu cầu áp dụng biện pháp bảo đảm không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp bảo đảm hoặc cho người thứ ba, dẫn đến khó khăn, gây phức tạp, kéo dài vụ việc.
6. Đề xuất hoàn thiện
- Xác định đúng bản chất của các biện pháp bảo đảm chính là biện khẩn cấp tạm thời; Chấp hành viên áp dụng các biện pháp này theo yêu cầu của đương sự và chỉ chủ động áp dụng trong một số trường hợp nhất định. Xác định kê biên tài sản là biện pháp khẩn cấp tạm thời để đảm bảo tương thích, đồng bộ với Bộ luật Tố tụng dân sự và đảm bảo đúng bản chất của loại biện pháp này. Đồng thời, bổ sung một số biện pháp khẩn cấp tạm thời khác[1]; bổ sung một số các quy định liên quan đến việc thay đổi nêu trên[2].
- Sửa đổi, bổ sung về các biện pháp bảo đảm thi hành án và các biện pháp cưỡng chế thi hành án. Theo đó, sẽ quy định các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong thi hành án dân sự như: Kê biên tài sản đang tranh chấp; Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp; Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp; Phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước; phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ; Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ; Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định; Cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ; Tạm dừng việc đóng thầu và các hoạt động có liên quan đến việc đấu thầu; Các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác mà luật có quy định. Đồng thời quy định rõ cơ quan thi hành án dân sự chủ động áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong trường hợp thi hành án chủ động, còn thi hành án theo đơn phải theo yêu cầu của đương sự.
- Để hạn chế việc người yêu cầu cung cấp những thông tin thiếu chính xác về tài sản, tài khoản và các giấy tờ có giá trị của người phải thi hành án, để Chấp hành viên áp dụng biện bảo đảm sai làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người khác thì tương tự như áp dụng biện pháp bảo đảm của Tòa án cần quy định thêm về việc người yêu cầu Chấp hành viên áp dụng biện pháp bảo đảm phải nộp khoản tiền tạm ứng tương đương với phần trăm nhất định của giá trị tài sản bị áp dụng là phù hợp với thực tiễn./.
 Phạm Thị Hiền, Vụ NV1
 

[1] Cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ; Tạm dừng việc đóng thầu và các hoạt động có liên quan đến việc đấu thầu; Cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hóa khác; Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định; Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ…
[2] Quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; thẩm quyền quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời; trách nhiệm áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng…
 


Theo Cổng thông tin điện tử Tổng cục THADS

Các tin khác
Các tin đã đưa ngày: