. TỔNG QUAN NGHỊ ĐỊNH SỐ 29/2024/NĐ-CP
Nghị định số 29/2024/NĐ-CP gồm 03 Chương 35 Điều. Chương I về quy định chung; Chương II về tiêu chuẩn đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý (gồm mục 1 - tiêu chuẩn chung áp dụng đối với các chức danh công chức lãnh đạo, quản lý; mục 2 - tiêu chuẩn đối với từng chức danh công chức lãnh đạo, quản lý thuộc Bộ; mục 3 - tiêu chuẩn đối với từng chức danh công chức lãnh đạo, quản lý thuộc Tổng cục; mục 4 - tiêu chuẩn đối với từng chức danh công chức lãnh đạo, quản lý của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện); Chương III về điều khoản thi hành.
Quy định tiêu chuẩn chung áp dụng đối với các chức danh công chức lãnh đạo, quản lý bao gồm các tiêu chuẩn: về chính trị tư tưởng (Điều 4), về đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật (Điều 5), về trình độ (Điều 6), về năng lực, uy tín (Điều 7), về sức khỏe, độ tuổi, kinh nghiệm công tác (Điều 8).
II. MỘT SỐ LƯU Ý QUY ĐỊNH TIÊU CHUẨN CHỨC DANH LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ HỆ THỐNG THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
1. Về trình độ, Nghị định quy định tiêu chuẩn chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước và ngoại ngữ; không quy định tiêu chuẩn về bồi dưỡng năng lực, kỹ năng lãnh đạo quản lý (cấp Vụ/cấp Phòng), tiêu chuẩn về bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh (đối tượng 1/đối tượng 2/đối tượng 3), tiêu chuẩn về trình độ tin học; cụ thể:
a) Trình độ chuyên môn: Tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với ngành, lĩnh vực công tác theo quy định của cấp có thẩm quyền.
b) Trình độ lý luận chính trị:
- Có bằng tốt nghiệp cử nhân chính trị hoặc cao cấp lý luận chính trị hoặc cao cấp lý luận chính trị - hành chính hoặc có giấy xác nhận tương đương trình độ cao cấp lý luận chính trị của cơ quan có thẩm quyền: áp dụng đối với chức danh Tổng Cục trưởng; Phó Tổng Cục trưởng; Vụ trưởng và tương đương thuộc Tổng cục (Vụ trưởng, Cục trưởng, Chánh Văn phòng Tổng cục).
- Có bằng tốt nghiệp trung cấp lý luận chính trị trở lên hoặc có giấy xác nhận tương đương trình độ trung cấp lý luận chính trị của cơ quan có thẩm quyền: áp dụng đối với chức danh Phó Vụ trưởng và tương đương thuộc Tổng cục (Phó Vụ trưởng, Phó Cục trưởng, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục); Trưởng phòng và tương đương thuộc Tổng cục (Trưởng phòng thuộc Cục, Chánh Văn phòng Cục thuộc Tổng cục, Chi cục trưởng thuộc Cục thuộc Tổng cục); Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Tổng cục (Phó Trưởng phòng thuộc Cục, Phó Chánh Văn phòng Cục thuộc Tổng cục, Phó Chi cục trưởng thuộc Cục thuộc Tổng cục).
c) Trình độ quản lý nhà nước:
- Có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với công chức ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương: áp dụng đối với chức danh Tổng Cục trưởng; Phó Tổng Cục trưởng; Vụ trưởng và tương đương thuộc Tổng cục.
- Có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với công chức ngạch chuyên viên chính và tương đương: áp dụng đối với chức danh Phó Vụ trưởng và tương đương thuộc Tổng cục.
- Có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với công chức ngạch chuyên viên và tương đương: áp dụng đối với chức danh Trưởng phòng và tương đương thuộc Tổng cục; Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Tổng cục.
d) Trình độ ngoại ngữ: Có trình độ ngoại ngữ phù hợp với vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý theo quy định của bộ, ngành, địa phương nơi công tác hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với trường hợp vị trí việc làm liên quan trực tiếp đến người dân tộc thiểu số hoặc vị trí việc làm công tác tại vùng dân tộc thiểu số. Việc xác định trình độ ngoại ngữ và các trường hợp có văn bằng, chứng chỉ được xác định tương đương thực hiện theo quy định của pháp luật.
Các tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý hệ thống Thi hành án dân sự về trình độ theo quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Quyết định số 1162/QĐ-BTP ngày 24/7/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt Bản mô tả công việc, Khung năng lực vị trí việc làm của Tổng cục Thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định số 1787/QĐ-BTP ngày 21/8/2020; Quyết định số 1542/QĐ-BTP ngày 14/10/2021(sau đây gọi tắt là quy định hiện hành) cơ bản tương đồng, không thấp hơn quy định về trình độ tại Nghị định số 29/2024/NĐ-CP, trừ tiêu chuẩn về trình độ quản lý nhà nước đối với chức danh Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự (có bảng so sánh kèm theo).
2. Về kinh nghiệm công tác
a) Về thành tích, kết quả và sản phẩm cụ thể trong quá trình công tác
Khoản 3 Điều 8 Nghị định quy định một trong những tiêu chuẩn bổ nhiệm là tiêu chuẩn có thành tích, kết quả và sản phẩm cụ thể trong quá trình công tác; trường hợp bổ nhiệm nhân sự từ nguồn bên ngoài thì thành tích, kết quả, sản phẩm cụ thể phải bảo đảm phù hợp với tiêu chuẩn chức vụ, chức danh dự kiến bổ nhiệm.
b) Về kinh nghiệm thực tiễn, thời gian công tác phù hợp
Khoản 4 Điều 8 Nghị định quy định cụ thể về tiêu chuẩn kinh nghiệm thực tiễn và thời gian công tác đối với từng trường hợp:
- Trường hợp bổ nhiệm từ nguồn nhân sự tại chỗ
+ Trường hợp cơ quan, tổ chức đang công tác có đơn vị cấu thành: Bảo đảm đã kinh qua chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý của đơn vị cấu thành; thời gian giữ chức vụ, chức danh đang đảm nhiệm hoặc chức vụ, chức danh tương đương liền kề với chức vụ, chức danh dự kiến bổ nhiệm tối thiểu là 02 năm (24 tháng), nếu không liên tục thì được cộng dồn (chỉ cộng dồn đối với thời gian giữ chức vụ, chức danh tương đương);
+ Trường hợp cơ quan, tổ chức đang công tác không có đơn vị cấu thành: Bảo đảm thời gian công tác liên tục trong ngành, lĩnh vực tương ứng với từng chức vụ, chức danh сụ thể theo quy định.
- Trường hợp bổ nhiệm nhân sự từ nguồn bên ngoài
+ Trường hợp cơ quan, tổ chức đang công tác không có đơn vị cấu thành: Bảo đảm thời gian công tác liên tục trong ngành, lĩnh vực tương ứng với từng chức vụ, chức danh сụ thể theo quy định;
+ Trường hợp cơ quan, tổ chức đang công tác có đơn vị cấu thành và dự kiến bổ nhiệm tại cơ quan, tổ chức không có đơn vị cấu thành: Bảo đảm thời gian giữ chức vụ, chức danh tương đương liền kề với chức vụ, chức danh dự kiến bổ nhiệm tối thiểu là 02 năm (24 tháng), nếu không liên tục thì được cộng dồn (chỉ cộng dồn đối với thời gian giữ chức vụ, chức danh tương đương);
+ Trường hợp cơ quan, tổ chức đang công tác có đơn vị cấu thành và dự kiến bổ nhiệm tại cơ quan, tổ chức có đơn vị cấu thành: Bảo đảm thời gian giữ chức vụ, chức danh tương đương liền kề với chức vụ, chức danh dự kiến bổ nhiệm tối thiểu là 02 năm (24 tháng), nếu không liên tục thì được cộng dồn (chỉ cộng dồn đối với thời gian giữ chức vụ, chức danh tương đương) hoặc bảo đảm thời gian công tác liên tục trong ngành, lĩnh vực tương ứng với từng chức vụ, chức danh cụ thể theo quy định;
- Trường hợp trước khi bổ nhiệm đã có thời gian giữ chức vụ, chức danh được xác định là chức vụ, chức danh bằng, tương đương hoặc cao hơn chức vụ, chức danh dự kiến bổ nhiệm thì thời gian đó được tính vào thời gian giữ chức vụ, chức danh tương đương để cộng dồn; không áp dụng đối với trường hợp bị cách chức, giáng chức.
Trường hợp bổ nhiệm lần đầu tại cơ quan, tổ chức có đơn vị cấu thành mà trước đó đã có thời gian công tác tại đơn vị cấu thành thì thời gian công tác tại đơn vị cấu thành được tính vào thời gian công tác liên tục trong ngành, lĩnh vực, bảo đảm tổng thời gian công tác không thấp hơn tổng thời gian tối thiểu giữ các chức vụ, chức danh dưới chức vụ, chức danh dự kiến bổ nhiệm.
- Đối với chức danh Tổng Cục trưởng: yêu cầu đang giữ chức vụ Vụ trưởng và tương đương thuộc Bộ hoặc Phó Tổng Cục trưởng và tương đương (Điều 17).
- Đối với chức danh Phó Tổng Cục trưởng: yêu cầu đang giữ chức vụ Vụ trưởng và tương đương thuộc Bộ hoặc Vụ trưởng và tương đương thuộc Tổng cục (Điều 18).
- Đối với chức danh Vụ trưởng và tương đương thuộc Tổng cục: yêu cầu đang giữ chức vụ Phó Vụ trưởng và tương đương thuộc Bộ hoặc Phó Vụ trưởng và tương đương thuộc Tổng cục (Điều 19).
- Đối với chức danh Phó Vụ trưởng và tương đương thuộc Tổng cục: yêu cầu đang giữ chức vụ Trưởng phòng và tương đương thuộc Bộ hoặc Trưởng phòng và tương đương thuộc Tổng cục. Trường hợp không giữ chức vụ thì phải có thời gian công tác liên tục trong ngành, lĩnh vực từ đủ 07 năm trở lên, không kể thời gian tập sự, thử việc (Điều 20).
- Đối với chức danh Trưởng phòng và tương đương thuộc Tổng cục: yêu cầu đang giữ chức vụ Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Bộ hoặc Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Tổng cục. Trường hợp không giữ chức vụ thì phải có thời gian công tác liên tục trong ngành, lĩnh vực từ đủ 05 năm trở lên, không kể thời gian tập sự, thử việc (Điều 21).
- Đối với chức danh Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Tổng cục: yêu cầu đang giữ chức vụ Trưởng phòng và tương đương thuộc Chi cục thuộc Cục thuộc Bộ hoặc Trưởng phòng và tương đương thuộc Chi cục thuộc Cục thuộc Tổng cục. Trường hợp không giữ chức vụ thì phải có thời gian công tác liên tục trong ngành, lĩnh vực từ đủ 03 năm trở lên, không kể thời gian tập sự, thử việc (Điều 22).
Khoản 4 Điều 8 Nghị định quy định: Trường hợp đặc biệt (về độ tuổi, kinh nghiệm thực tiễn, bổ nhiệm vượt cấp, quy hoạch) do cấp có thẩm quyền bổ nhiệm theo phân cấp quản lý xem xét, quyết định.
Quy định này đã thể chế quy định về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm chức vụ cao hơn tại khoản 3 Điều 18 Quy định số 80-QĐ/TW ngày 18/8/2022 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ, ứng cử: Có thời gian giữ chức vụ đang đảm nhiệm hoặc chức vụ tương đương ít nhất là 2 năm. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Các tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý hệ thống Thi hành án dân sự về kinh nghiệm công tác theo quy định hiện hành cơ bản thấp hơn so với quy định tại khoản 4 Điều 8, Điều 17, Điều 18, Điều 19, Điều 20 và Điều 21 Nghị định số 29/2024/NĐ-CP (có bảng so sánh kèm theo).
3. Về việc tổ chức thực hiện
3.1. Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ Nghị định này có trách nhiệm quy định hoặc phân cấp quy định cụ thể tiêu chuẩn của từng chức vụ, chức danh công chức lãnh đạo, quản lý thuộc thẩm quyền quản lý bảo đảm phù hợp với cấp, bậc của từng chức vụ, chức danh theo quy định và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, đặc điểm của bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị nhưng không được thấp hơn quy định tại Nghị định này. Trường hợp không yêu cầu tiêu chuẩn cao hơn thì không phải ban hành quy định và áp dụng trực tiếp quy định tại Nghị định này (điểm a, khoản 2 Điều 33).
3.2. Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ Nghị định này có trách nhiệm quy định hoặc phân cấp quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện về thành tích, kết quả và sản phẩm cụ thể phù hợp với tiêu chuẩn chức vụ, chức danh dự kiến bổ nhiệm trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực (kể từ ngày 01/5/2024), bảo đảm đủ cơ sở lựa chọn đúng người có năng lực để bổ nhiệm (điểm b khoản 2 Điều 33). Trong thời gian chưa có văn bản hướng dẫn, cấp có thẩm quyền bổ nhiệm quyết định tiêu chuẩn, điều kiện về thành tích, kết quả và sản phẩm cụ thể phù hợp để thực hiện việc bổ nhiệm (khoản 5 Điều 34).
Như vậy, một số nội dung liên quan đến tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý hệ thống Thi hành án dân sự cần rà soát, đề xuất xem xét điều chỉnh để bảo đảm quy định tại Nghị định số 29/2024/NĐ-CP và Quy định số 80-QĐ/TW, cụ thể: tiêu chuẩn về quản lý nhà nước đối với chức danh Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự, chức danh Trưởng phòng và tương đương thuộc Cục Thi Hành án dân sự; tiêu chuẩn về lý luận chính trị đối với chức danh Phó Vụ trưởng và tương đương thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự và Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự; tiêu chuẩn về kinh nghiệm công tác đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý hệ thống Thi hành án dân sự.
Tiêu chuẩn, điều kiện về thành tích, kết quả và sản phẩm cụ thể đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý hệ thống Thi hành án dân sự cần được xem xét quy định cụ thể trong thời gian 12 tháng kể từ ngày 01/5/2024.
4. Về thời hạn hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh
Người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý chưa đáp ứng tiêu chuẩn về lý luận chính trị theo quy định tại Nghị định này thì phải hoàn thiện trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực (kể từ ngày 01/5/2024), trừ trường hợp: tính đến tháng đủ tuổi nghỉ hưu còn dưới 36 tháng thì không bắt buộc phải hoàn thiện tiêu chuẩn về lý luận chính trị (điểm a, khoản 1 Điều 34).
Người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý chưa đáp ứng tiêu chuẩn về quản lý nhà nước theo quy định tại Nghị định này thì phải hoàn thiện trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực (kể từ ngày 01/5/2024), trừ trường hợp: tính đến tháng đủ tuổi nghỉ hưu còn dưới 24 tháng thì không bắt buộc phải hoàn thiện tiêu chuẩn về quản lý nhà nước (điểm b, khoản 1 Điều 34).
Trường hợp hết thời hạn để hoàn thiện tiêu chuẩn nêu trên mà chưa đáp ứng tiêu chuẩn về lý luận chính trị, tiêu chuẩn về quản lý nhà nước thì cấp có thẩm quyền xem xét, thu hồi quyết định bổ nhiệm và bố trí công việc chuyên môn phù hợp (khoản 4 Điều 34).
5. Về trường hợp đã thực hiện quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại
Trường hợp đã thực hiện quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức vụ lãnh đạo, quản lý theo quy định của Đảng và pháp luật tại thời điểm thực hiện quy trình nhưng chưa có quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại thì tiếp tục thực hiện quy trình và phải hoàn thiện tiêu chuẩn về lý luận chính trị, tiêu chuẩn về quản lý nhà nước theo quy định nêu trên (khoản 2 Điều 34).
Trên đây là một số điểm lưu ý liên quan đến tiêu chuẩn bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức danh lãnh đạo, quản lý hệ thống Thi hành án dân sự khi Nghị định số 29/2024/NĐ-CP ngày 06/3/2024 của Chính phủ chính thức có hiệu lực (kể từ ngày 01/5/2024)./.
Lê Thị Thu Thảo, Vụ TCCB
Theo Cổng thông tin điện tử Tổng cục THADS