Sign In

Bảo đảm quyền yêu cầu thi hành án dân sự - Góc nhìn từ thực tiễn

01/07/2024

Quyền yêu cầu thi hành án là một quyền cơ bản và quan trọng của người được thi hành án, người phải thi hành án. Thực hiện tốt quyền yêu cầu thi hành án không chỉ bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự mà còn góp phần khẳng định tính nghiêm minh của pháp luật. Trong phạm vi bài viết, tác giả phân tích một số vấn đề pháp lý liên quan đến quyền yêu cầu thi hành án và thực tiễn thực hiện quyền yêu cầu thi hành án, từ đó đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật liên quan đến vấn đề này

1. Quyền yêu cầu thi hành án

Quyền yêu cầu thi hành án cũng thuộc nội hàm các quyền cơ bản của công dân được quy định tại Hiến pháp, được thể hiện dưới hình thức các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội như: Quyền có nơi ở hợp pháp, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, quyền sở hữu về tài sản hợp pháp[1]... Các quyền này được Nhà nước công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật[2]. Theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì quyết định của Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật là một trong những căn cứ xác lập quyền dân sự. Do đó, để khôi phục lại quyền dân sự đã bị xâm hại, trên cơ sở phán quyết của Tòa án, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu thi hành án để bảo vệ quyền dân sự của mình[3].

Theo Điều 26 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, được sửa đổi, bổ sung các năm 2014, 2018, 2020, 2022 (Luật Thi hành án dân sự), khi ra bản án, quyết định thì Tòa án, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, Trọng tài thương mại phải “giải thích” cho đương sự, đồng thời “ghi rõ” trong bản án, quyết định về quyền yêu cầu thi hành án, nghĩa vụ thi hành án, thời hiệu yêu cầu thi hành án. Quy định này cũng tương đồng với quy định tại Điều 483 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015: Trường hợp trong bản án, quyết định của Tòa án có quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 482 của Bộ luật này thì trong phần quyết định của bản án, quyết định của Tòa án phải ghi rõ nội dung về quyền yêu cầu thi hành án, nghĩa vụ thi hành án, thời hiệu yêu cầu thi hành án. Khi ra bản án, quyết định, Tòa án phải giải thích rõ cho đương sự biết về quyền yêu cầu thi hành án, nghĩa vụ thi hành án, thời hiệu yêu cầu thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.

Quy định về trách nhiệm hướng dẫn quyền yêu cầu thi hành án dân sự của các cơ quan ban hành phán quyết là rất quan trọng và cần thiết, góp phần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền ban hành bản án, quyết định, giúp đương sự hiểu rõ và thực hiện đúng các quyền, nghĩa vụ của mình trong giai đoạn thi hành án dân sự. Trong thực tiễn, đã có những trường hợp quyền yêu cầu thi hành án bị ảnh hưởng, thậm chí là không được thực hiện chỉ vì đương sự không biết về quyền yêu cầu thi hành án của mình. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, có thể do lỗi của Tòa án đã ra bản án, quyết định không giải thích cho đương sự về quyền yêu cầu thi hành án; cũng có thể do nhận thức hạn chế, đương sự không biết đến quyền yêu cầu thi hành án vì cho rằng bản án, quyết định tự động sẽ được thi hành trên thực tế hoặc người được thi hành án đợi người phải thi hành án chấp hành xong hình phạt tù thì mới yêu cầu thi hành án… dẫn đến hết thời hiệu yêu cầu thi hành án mà không có căn cứ nào để chứng minh được là do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng dẫn đến không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn[4].

Tuy nhiên, quy định về trách nhiệm hướng dẫn quyền yêu cầu thi hành án vẫn còn một số điểm chưa thống nhất với những quy định pháp luật có liên quan. Cụ thể như:

Theo quy định tại Điều 61 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 thì nội dung của phán quyết trọng tài chỉ ghi “thời hạn thi hành phán quyết” mà không quy định phải ghi rõ về quyền yêu cầu thi hành phán quyết. Do đó, cần xem xét bổ sung quy định trọng tài thương mại phải “giải thích” đồng thời phải “ghi rõ” trong phán quyết của trọng tài thương mại về quyền yêu cầu thi hành phán quyết, nghĩa vụ thi hành phán quyết, thời hiệu yêu cầu thi hành phán quyết của bên được thi hành phán quyết, bên phải thi hành phán quyết để thống nhất với các quy định của Luật Thi hành án dân sự.

Đối với quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, Điều 94 Luật Cạnh tranh năm 2018 quy định về các nội dung chính của quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh lại không quy định việc ghi rõ trong quyết định về quyền yêu cầu thi hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, nghĩa vụ thi hành, thời hiệu yêu cầu thi hành như Luật Thi hành án dân sự đã quy định. Do đó, cần xem xét bổ sung quy định trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh trong việc giải thích cho đương sự về quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền thi hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, nghĩa vụ thi hành án, thời hiệu yêu cầu thi hành án để phù hợp với các quy định tại Bộ luật Dân sự và Luật Thi hành án dân sự. Đối với trường hợp quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản của bên phải thi hành thì phải giải thích rõ về thẩm quyền thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự.

2. Thời hiệu yêu cầu thi hành án

Thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định[5]. Nhằm bảo đảm tính ổn định của các quan hệ xã hội, đồng thời bảo đảm tính khả thi và hiệu quả trong hoạt động thi hành án, ngay từ Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993 (Điều 21), Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 (Điều 25) đã có quy định về thời hiệu yêu cầu thi hành án. Theo khoản 5 Điều 3 Luật Thi hành án dân sự thì thời hiệu yêu cầu thi hành án là thời hạn mà người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án; hết thời hạn đó thì mất quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự. 

Khoản 1 Điều 30 Luật Thi hành án dân sự quy định: “Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án”. Theo đó, thời điểm bắt đầu thực hiện quyền yêu cầu thi hành án dân sự của đương sự được bắt đầu từ khi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, việc quy định quyền yêu cầu thi hành án chỉ đặt ra khi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật là chưa đầy đủ và chưa thống nhất với quy định của Luật Thi hành án dân sự.

Khoản 2 Điều 2 Luật Thi hành án dân sự quy định về những bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm được thi hành ngay, mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị[6]. Theo đó, đương sự có thể yêu cầu thi hành án đối với các trường hợp này không cần bản án, quyết định phát sinh hiệu lực pháp luật. Việc chỉ quy định thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự được tính từ thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật là chưa đầy đủ. Do đó, cần bổ sung quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự trường hợp ngoại lệ đối với các bản án, quyết định được thi hành ngay mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị (bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật) để tương tích với các quy định pháp luật khác có liên quan.

Đối với trường hợp người phải thi hành án là phạm nhân, khoản 6 Điều 4 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự quy định về trường hợp phạm nhân là người phải thi hành án, thân nhân của họ hoặc người được họ ủy quyền yêu cầu thi hành án tự nguyện nộp tiền, tài sản thi hành án khi đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án. Đây là một quy định rất tiến bộ, tạo điều kiện cho người phải thi hành án thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của mình và có cơ hội được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước trong các đợt xét giảm án hình sự. Tuy nhiên, ngoài các trường hợp người phải thi hành án là phạm nhân, cũng có những trường hợp người phải thi hành án vì những lý do khác nhau muốn thi hành nghĩa vụ thi hành án của mình sau khi hết thời hiệu yêu cầu thi hành án, thì pháp luật thi hành án dân sự lại chưa có quy định cụ thể.

Theo tác giả, việc quy định thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự là cần thiết, tuy nhiên, thời hiệu này chỉ nên áp dụng đối với người được thi hành án, còn đối với nguời phải thi hành án thì không nên quy định thời hiệu.

Trên tinh thần tôn trọng nguyên tắc tự nguyện, tự do thỏa thuận của đương sự và khuyến khích đương sự tự nguyện thi hành án[7], đồng thời nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành án, có thể xem xét tách riêng quy định về thời hiệu yêu cầu thi hành án của người phải thi hành án và người được thi hành án. Đối với người được thi hành án có thể quy định giữ nguyên thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự là 05 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật[8]; còn đối với người phải thi hành án có thể xem xét không quy định thời hiệu yêu cầu thi hành án. Bởi vì quy định này không chỉ làm lợi cho người được thi hành án, người phải thi hành án, mà còn giúp bản án, quyết định được thi hành một cách triệt để, bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.

3. Thủ tục yêu cầu thi hành án

Một là, về ủy quyền yêu cầu thi hành án.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật Thi hành án dân sự, bên cạnh cách thức quan trọng là tự mình thực hiện quyền yêu cầu thi hành án, đương sự còn có thể thực hiện quyền yêu cầu thi hành án thông qua việc ủy quyền. Cá nhân, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có thể ủy quyền cho người khác thực hiện việc yêu cầu thi hành án. Việc ủy quyền thi hành án được thực hiện theo các quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015. Tuy nhiên, hiện nay, Luật Thi hành án dân sự không có quy định cụ thể về hình thức ủy quyền trong thi hành án dân sự. Để có căn cứ giải quyết quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự, nhằm tránh khiếu nại và có căn cứ lưu vào hồ sơ thi hành án, cần quy định rõ ràng về hình thức và nội dung ủy quyền trong thi hành án dân sự.

Hai là, về cách thức yêu cầu thi hành án.

Khoản 1, khoản 3 Điều 31 Luật Thi hành án dân sự quy định đương sự hoặc người được đương sự ủy quyền yêu cầu thi hành án có thể thực hiện quyền yêu cầu thi hành án bằng một trong các cách thức sau: (i) Đến cơ quan thi hành án dân sự để trực tiếp nộp đơn yêu cầu thi hành án bằng văn bản (ii) Trình bày yêu cầu thi hành án bằng lời nói; (iii) Gửi đơn qua bưu điện. Việc lựa chọn cách thức nào trong ba cách trên là do đương sự quyết định phù hợp với ý chí của mình mà không bị ràng buộc bởi điều kiện cụ thể nào.

Trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, cần xem xét bổ sung quy định chính thức về các hình thức yêu cầu thi hành án trực tuyến thông qua mạng internet, cho phép sử dụng chữ ký số, fax, thư điện tử gửi kèm các tài liệu có liên quan khi yêu cầu thi hành án… Việc thể chế hóa các hình thức yêu cầu thi hành án này là cần thiết và phù hợp với xu thế hội nhập hiện nay.  

Ba là, về tài liệu kèm theo yêu cầu thi hành án.

Khoản 1 Điều 31 Luật Thi hành án dân sự quy định: “Người yêu cầu phải nộp bản án, quyết định, tài liệu khác có liên quan”. Về các tài liệu có liên quan, hiện nay Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có quy định cụ thể đó là những tài liệu gì. Trên thực tế, các tài liệu khác mà đương sự hoặc người được ủy quyền phải cung cấp có thể là: Giấy tờ tùy thân (căn cước công dân nếu là cá nhân, giấy chứng minh là người có thẩm quyền đại diện cho tổ chức), Giấy ủy quyền (nếu có sự ủy quyền)...

Đối với các tài liệu kèm theo khi yêu cầu thi hành phán quyết của trọng tài thương mại[9], theo Điều 66 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, hết thời hạn thi hành phán quyết trọng tài mà bên phải thi hành phán quyết không tự nguyện thi hành và cũng không yêu cầu hủy phán quyết trọng tài theo quy định tại Điều 69 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, bên được thi hành phán quyết có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành. Đối với phán quyết của trọng tài vụ việc, bên được thi hành có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài sau khi phán quyết được đăng ký tại Tòa án theo quy định tại Điều 62 Luật Trọng tài thương mại năm 2010. Như vậy, khi nộp đơn yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài, người yêu cầu phải chứng minh tình trạng pháp lý của phán quyết, tuy nhiên, việc xác định tình trạng pháp lý của phán quyết trọng tài là trách nhiệm của cơ quan thi hành án dân sự hay của đương sự lại chưa được quy định rõ.

Đối với quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, theo quy định của Luật Thi hành án dân sự thì đối tượng được tổ chức thi hành án là quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh khi đáp ứng đủ điều kiện: Sau 30 ngày, kể từ ngày quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có hiệu lực pháp luật mà đương sự không tự nguyện thi hành, không khởi kiện tại Tòa án. Tuy nhiên, Luật Thi hành án dân sự cũng chưa quy định cụ thể trách nhiệm chứng minh việc quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có bị khởi kiện tại Tòa án là trách nhiệm của đương sự hay của cơ quan thi hành án dân sự. Do đó, khi yêu cầu thi hành án đối với phán quyết trọng tài và quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh vẫn còn có nhiều quan điểm khác nhau về các tài liệu nộp kèm theo khi yêu cầu thi hành án.

Về hình thức của các loại giấy tờ kèm theo yêu cầu thi hành án, hiện nay, Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn cũng chưa quy định các tài liệu này bắt buộc phải là “bản chính” hay có thể chỉ là “bản sao” và bản sao thì cơ quan nào thực hiện việc chứng thực bản sao được công nhận, gây ra khó khăn cho đương sự khi yêu cầu thi hành án và việc áp dụng pháp luật tại các cơ quan thi hành án dân sự cũng chưa thống nhất.

 ThS. Hoàng Thị Thanh Hoa

Khoa Đào tạo các chức danh thi hành án dân sự, Học viện Tư pháp

NCS. Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội

Ảnh: internet

 


[1] Khoản 1, khoản 2 Điều 32 Hiến pháp năm 2013.

[2] Khoản 1 Điều 14 Hiến pháp năm 2013.

[3] ThS. Hoàng Thị Thanh Hoa; Hồ Quân Chính, Nguyễn Văn Nghĩa, sách “Bình luận Luật Thi hành án dân sự”, Nxb. Tư pháp, 2019.

[4] Lê Anh Thọ, Bàn về quyền yêu cầu thi hành án và thời hiệu yêu cầu thi hành án của người phải thi hành án dân sự, http://tks.edu.vn/thong-tin-khoa-hoc/chi-tiet/81/534, truy cập ngày 20/4/2024.

[5] Điều 149 Bộ luật Dân sự năm 2015.

[6] Bao gồm: Bản án, quyết định về cấp dưỡng, trả lương, trả công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất về tinh thần, nhận người lao động trở lại làm việc; quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

[7] Điều 9 Luật Thi hành án dân sự.

[8] Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

[9] Hoàng Thị Thanh Hoa, tài liệu kèm theo yêu cầu thi hành án dân sự: Cần hướng dẫn cụ thể, http://baophapluat.vn/hoi-dap-phap-luat/tai-lieu-kem-theo-yeu-cau-thi-hanh-an-dan-su-can-huong-dan-cu-the-398282.html, đăng ngày 18/6/2018.


Theo tạp chí dân chủ và pháp luật

Các tin khác
Các tin đã đưa ngày: