Sign In

Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi của người có nghĩa vụ thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định

08/02/2017

Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi của người có nghĩa vụ thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định
Trong thời gian vừa qua, trên cơ sở kết quả rà soát, tổng hợp, Tổng cục Thi hành án dân sự nhận được một số công văn và nhiều ý kiến của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương về thẩm quyền ra quyết định phạt tiền đối với hành vi của người có nghĩa vụ thực hiện công việc nhất định theo bản án, quyết định mà không thực hiện hoặc không chấm dứt việc thực hiện công việc không được làm theo bản án, quyết định của Tòa án.
Trên thực tế, cơ quan thi hành án dân sự phải tổ chức thi hành các vụ việc buộc  thực hiện công việc nhất định hoặc không được thực hiện công việc nhất định như buộc dỡ nhà xây dựng trái phép, ngăn chia ranh giới đất, mở lối đi, bịt cửa sổ, chấm dứt hành vi gây ô nhiễm môi trường, công khai xin lỗi người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm, nhận người lao động trở lại làm việc, giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng... Trong quá trình tổ chức thực hiện, các cơ quan thi hành án dân sự đã gặp một số khó khăn vướng mắc khi áp dụng quy định về thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Ví dụ: Bản án tuyên: Giao cho ông  Nguyễn Văn A diện tích 100m2 đất. Ông Nguyễn Văn B có nghĩa vụ tháo dỡ căn nhà xây trái phép trên diện tích đất được giao cho ông A để trả lại diện tích đất cho ông A.
Quá trình giải quyết thi hành án, do ông B không tự nguyện thi hành án nên Chấp hành viên ra quyết định cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 71, 117, 118 Luật Thi hành án dân sự: “Cưỡng chế thi hành nghĩa vụ buộc phải thực hiện một công việc nhất định” đối với ông B và yêu cầu ông B thực hiện nghĩa vụ tháo dỡ căn nhà xây trái phép trên diện tích đất được giao nhưng ông B không thực hiện. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 118 Luật Thi hành án dân sự thì “Trường hợp thi hành nghĩa vụ buộc thực hiện công việc nhất định theo bản án, quyết định mà người phải thi hành án không thực hiện thì Chấp hành viên quyết định phạt tiền và ấn định thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định phạt tiền để người đó thực hiện nghĩa vụ thi hành án” và Điểm a, khoản 1 Điều 163 Luật Thi hành án dân sự (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định về thẩm quyền xử phạt là “Chấp hành viên đang giải quyết việc thi hành án”. Theo đó, Chấp hành viên có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền đối với ông B. Tuy nhiên, trong thực tế Chấp hành viên không thực hiện được quyền trên vì vướng mắc khi áp dụng quy định phạt tiền tại Nghị định 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ  quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự. Cụ thể:
Căn cứ quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan thi hành án dân sự thì Chấp hành viên thi hành án dân sự đang thi hành công vụ có thẩm quyền phạt tiền đến 500.000 đồng. Tuy nhiên, theo quy định tại điểm a, khoản 3 Điều 52 Nghị định 110/2013/NĐ-CP thì đối với hành vi vi phạm hành chính không thực hiện công việc phải làm, không chấm dứt thực hiện công việc không được làm theo bản án, quyết định thì bị phạt tiền ở mức từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng; mà mức phạt tiền này theo điểm b, khoản 4 Điều 68 Nghị định 110/2013/NĐ-CP thuộc thẩm quyền của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự, không phải thẩm quyền của Chấp hành viên và Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự.
Như vậy, xét về nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 110/2013/NĐ-CP  nói trên thì trường hợp này mặc dù có hành vi vi phạm hành chính nhưng Chấp hành viên không thể ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính được vì mức phạt có khung trên 500.000 đồng, vượt thẩm quyền được quy định. Trong thực tế có rất nhiều vụ việc bắt buộc Chấp hành viên phải xử phạt vi phạm hành chính để có cơ sở thực hiện các thủ tục tiếp theo nhưng Chấp hành viên không xử lý được do vượt quá thẩm quyền. Từ việc tổng hợp vướng mắc nêu trên, trước mắt, để có căn cứ cho Chấp hành viên thực hiện các bước tổ chức thi hành án tiếp theo, trên cơ sở quy định của pháp luật về hành vi vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự, thẩm quyền và mức phạt như trên, Tổng cục Thi hành án dân sự đã có văn bản hướng dẫn các cơ quan thi hành án dân sự địa phương giải quyết như sau: Theo Luật Thi hành án dân sự, trong trường hợp người có nghĩa vụ thực hiện công việc nhất định hoặc không được làm công việc nhất định theo bản án, quyết định mà không thực hiện thì Chấp hành viên quyết định phạt tiền. Tuy nhiên, theo quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 52 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính thì hành vi không thực hiện công việc nhất định của người phải thi hành án bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Trong khi đó, theo quy định tại điểm b, Khoản 1 Điều 68 Nghị định 110/2013/NĐ-CP nói trên, thẩm quyền Chấp hành viên chỉ được phạt đến 500.000 đồng. Để việc xử phạt đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật, Chi cục Thi hành án dân sự cần lập hồ sơ đề nghị Cục trưởng xem xét, ra quyết định phạt tiền đối với hành vi không thực hiện công việc nhất định của người phải thi hành án quy định tại các Điều 118, 119 của Luật Thi hành án dân sự với mức xử phạt từ 3.000.000đ đến 5.000.000đ.
Về lâu dài, việc xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự là một trong những công tác quan trọng, nhằm đấu tranh, phòng ngừa, răn đe để người phải thi hành án, người được thi hành án và các bên có liên quan chấp hành đầy đủ, đúng các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự trong quá trình thi hành án, góp phần đưa các bản án, quyết định đã có hiệu lực của Toà án được thực thi trên thực tế, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, do đó, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các quy định về mức phạt, hành vi và thẩm quyền xử phạt của Chấp hành viên, nhằm đảm bảo cho việc xử lý thuận lợi, nhanh chóng, hiệu quả, tránh tình trạng kéo dài thời gian do phải đề nghị cấp trên quyết định xử phạt, nhằm đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ thi hành án dân sự.
Cụ thể, cần sửa đổi, bổ sung Nghị định 110/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự, như sau:
Thứ nhất, sửa đổi Điều 68 Nghị định 110/2013/NĐ-CP  về thẩm quyền xử phạt của Chấp hành viên, đảm bảo Chấp hành viên có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính của đương sự theo đúng thẩm quyền quy định tại Luật Thi hành án dân sự. Việc sửa đổi có thể là tăng thẩm quyền xử phạt của Chấp hành viên đến 5.000.000 đồng để đảm bảo thống nhất giữa thẩm quyền của Chấp hành viên và hành vi vi phạm vi phạm hành chính bị xử phạt. Cũng có thể nghiên cứu tăng thẩm quyền cho Chi cục trưởng để đảm bảo Chấp hành viên thuộc Chi cục có thể trình Chi cục trưởng xử phạt, đảm bảo việc rút ngắn thời gian. Bên cạnh đó, có thể tính toán lại, cân đối giữa quy định về thẩm quyền và hành vi bị xử phạt quy định tại Điều 52 của Nghị định 110/2013/NĐ-CP.
Thứ hai, theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 62/2015/NĐ-CP thì trong trường hợp người phải thi hành án không kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án thì tùy theo mức độ vi phạm, Chấp hành viên có thể xử phạt hoặc đề nghị người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính; đồng thời, tại Khoản 6 Điều 162 Luật Thi hành án dân sự đã quy định hành vi vi phạm hành chính “Không thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên về việc cung cấp thông tin, giao giấy tờ liên quan đến tài sản bị xử lý để thi hành án mà không có lý do chính đáng”. Đối với các hành vi vi phạm hành chính nói trên, tại Nghị định 67/2015/NĐ-CP ngày 14/8/2015 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã đã sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 52 Nghị định 110/NĐ-CP  như sau:
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:                              
a) Không cung cấp thông tin, không giao giấy tờ liên quan đến tài sản bị xử lý để thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền thi hành án mà không có lý do chính đáng;
b) Không thông báo cho cơ quan thi hành án khi có thay đổi về địa chỉ và nơi cưtrú;
c) Không kê khai trung thực tài sản, điều kiện thi hành án.
Tuy nhiên, theo quy định về thẩm quyền để xử phạt đối với hành vi này thì với mức phạt từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng cũng không thuộc thẩm quyền của Chấp hành viên được quy định tại Nghị định 110/NĐ-CP. Do đó, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền xử phạt của Chấp hành viên, tăng thẩm quyền xử phạt của Chấp hành viên để đảm bảo thống nhất giữa thẩm quyền của Chấp hành viên và hành vi vi phạm vi phạm hành chính cũng như tăng thẩm quyền xử phạt của Chi cục trưởng, Cục trưởng, đảm bảo phù hợp với Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng cục Thi hành án dân sự

 

 

 

Các tin đã đưa ngày: