Sign In

Nhiều “Điểm nghẽn” cần tháo gỡ trong thi hành án dân sự

26/04/2018

Sáu tháng đầu năm 2018, tổng số thụ lý về tiền là gần 163 nghìn tỷ đồng, tăng gần 23 nghìn tỷ đồng (16,30%) so với cùng kỳ năm 2017. Tổng số phải thi hành là gần 159 nghìn tỷ đồng, trong đó: số có điều kiện thi hành là gần 92 nghìn tỷ đồng (58,37%); số chưa có điều kiện thi hành là gần 66 nghìn tỷ đồng (41,63%). Kết quả thi hành xong trên 12 nghìn tỷ đồng, giảm gần 5 nghìn tỷ đồng (giảm 5,20%) so với cùng kỳ năm 2017. Hội nghị sơ kết công tác thi hành án dân sự 06 tháng đầu năm 2018 vừa qua đánh giá kết quả về tiền đạt thấp và giảm sâu so với cùng kỳ năm 2017 là vấn đề đáng quan ngại và việc hoàn thành các chỉ tiêu về tiền trong 06 tháng cuối năm 2018 là hết sức thách thức. Vì vậy, việc nhận diện và kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong công tác thi hành án là vấn đề hết sức cấp bách.
Một số khó khăn vướng mắc cơ bản còn kéo dài trong thời gian qua như: (1) Nhiều vụ việc trọng điểm, phức tạp đã kéo dài nhiều năm trong khi điều kiện kinh tế, xã hội và các quy định của pháp luật liên quan có nhiều thay đổi so với thời điểm giải quyết vụ việc, cần phải có sự phối hợp, chỉ đạo thống nhất của nhiều cấp, nhiều ngành, (2) Điều kiện thi hành án trong những vụ án tham nhũng, kinh tế lớn còn gặp nhiều khó khăn do giá trị phải thi hành án lớn nhưng đa phần tài sản đã bị che giấu, hợp lý hóa hoặc cố tình tẩu tán nên giá trị tài sản bảo đảm rất nhỏ hoặc thậm chí không có tài sản để thi hành án; đương sự đang phải chấp hành án phạt tù không có tài sản để thi hành án; nhiều vụ án tài sản phân tán ở nhiều địa phương khác nhau, tình trạng pháp lý không rõ ràng, khiến cho việc thi hành gặp rất nhiều khó khăn (như Vụ Vinashine, Vinaline, vụ Huỳnh Thị Huyền Như, vụ Nguyễn Đức Kiên). Mặt khác, cơ chế quản lý, kiểm soát thu nhập cá nhân còn chưa hoàn thiện, việc sử dụng tiền mặt còn khá phổ biến khiến cho việc xác minh, nắm bắt thông tin về tài sản, thu nhập của người phải thi hành án gặp nhiều khó khăn.
06 tháng đầu năm 2018, về kết quả thi hành đối với các khoản nợ của tổ chức tín dụng, tổng số việc phải thi hành loại này là gần 21 nghìn việc, tương ứng với số tiền là gần 95 nghìn tỷ đồng, tương ứng với 3,42% về việc nhưng chiếm tới 59,95% về tiền so với tổng số việc và tiền phải thi hành của toàn quốc. Kết quả: Thi hành xong: 1.676 việc, thu được số tiền là 10.708 tỷ 654 triệu 166 nghìn đồng, đạt tỷ lệ 7,79% về việc và 11,28% về tiền, tăng so với cùng kỳ năm 2017 về giá trị tuyệt đối (tăng 22 việc và tăng 184 tỷ 183 triệu 767 nghìn đồng), nhưng giảm về tỷ lệ (giảm 0,99% về việc và giảm 2,16% về tiền). Việc thi hành án loại này hiện đang có một số khó khăn cần tập trung tháo gỡ: (1) Trong giai đoạn thẩm định cho vay, các tổ chức tín dụng chưa chặt chẽ trong việc xác định ranh giới đất, định giá chênh lệch nhiều so với giá thẩm định lúc cho vay dẫn đến cơ quan THADS kê biên thường có khiếu nại, khởi kiện tranh chấp tài sản (như Vụ Công ty TNHH chế biến lâm sản xuất khẩu Hồng Phước phải trả cho Ngân hàng Liên doanh Việt Thái - Đà Nẵng 3 tỷ 850 triệu 135 ngàn đồng, vụ bà Trần Thị Sáu phải trả cho Ngân hàng Quốc tế Quảng Ngãi 420 triệu 630 ngàn đồng; Vụ ông Nguyễn Hồng Quân phải trả cho Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển - Quảng Ngãi 613 triệu 662 ngàn đồng)  hoặc bán đấu giá tài sản nhiều lần nhưng không có người mua (như Vụ Công ty TNHH Chế biến và xuất khẩu thủy sản Cam Ranh được được vay hơn 63 tỷ đồng, nhưng khi kê biên, thẩm định giá, tài sản thế chấp chỉ 3,9 tỷ đồng - Cục THADS tỉnh Khánh Hòa; vụ Công ty TNHH TM Hiệp Long phải trả nợ cho Ngân hàng phát triển Việt Nam 186 tỷ 388 triệu 084 ngàn đồng, nhưng khi kê biên, thẩm định giá thì giá trị tài sản thế chấp chỉ còn là 61 tỷ 427 triệu 900 ngàn đồng, đã hạ giá lần thứ 17, nhưng chỉ bán được một số tài sản thu 23 tỷ 414 triệu đồng, tài sản còn lại có giá trị 01 tỷ 855 triệu 786 ngàn đồng chưa bán được - Cục THADS tỉnh Quảng Ngãi). Một số Ngân hàng có tâm lý bảo vệ khách hàng, ngại cung cấp tài khoản, tài sản thế chấp của người phải thi hành án, dẫn đến một số vụ việc tồn đọng chưa có hướng giải quyết; (2) Việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng qua gần 01 năm thực hiện đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc chậm được tháo gỡ như chưa có sự thống nhất thực hiện thứ tự ưu tiên thanh toán theo quy định tại Điều 12 và Điều 15 Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 và Điều 47 Luật THADS; chưa có hướng dẫn về các khoản thuế, phí mà người phải thi hành án còn nợ, các khoản thuế (thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp...) liên quan đến chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản chưa được thanh toán; nhiều vụ việc (từ ngày 15/8/2017) cơ quan THADS phải chờ kết quả bán nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14 của các tổ chức tín dụng.
Đấu giá tài sản kê bên cũng còn là điểm nghẽn, nhiều tài sản kê biên, bán đấu giá nhiều lần vẫn không bán được dẫn đến thời gian thi hành án kéo dài. 6 tháng đầu năm 2018, toàn quốc có 5.603 việc tương ứng với số tiền là 7.144 tỷ 138 triệu 714 nghìn đồng đã kê biên, định giá, nhưng chưa xử lý được, chiếm 1,22% về việc và 7,73% về tiền trong tổng số việc và tiền có điều kiện giải quyết của toàn quốc, trong đó số việc bán đấu giá từ 3 lần trở lên là 3.911 việc, tương ứng với số tiền là 4.855 tỷ 316 triệu 615 nghìn đồng. Một số địa phương có số vụ việc bán đấu giá 03 lần trở lên chiếm tỷ lệ lớn như Trà Vinh (450 việc); Sóc Trăng (346); Hà Nội (297 việc); Long An (239 việc); Kiên Giang (235 việc); Hậu Giang (231 việc).... Cá biệt có một số trường hợp thông báo bán đấu giá 23 lần (Vụ Công ty TNHH Hoàn Hảo - Khánh Hòa), 15 lần (Vụ Công ty TNHH Hoàng Hà - Khánh Hòa), 8 lần (Vụ Công ty CP Bao bì Việt Phú - Quảng Ngãi) nhưng không có người mua. Nhiều vụ việc đã bán đấu giá thành nhưng chưa giao được tài sản nên chưa thể xử lý dứt điểm vụ việc. 06 tháng đầu năm 2018, toàn quốc còn 628 vụ việc bán đấu giá thành tương ứng với số tiền trên 1.466 tỷ đồng nhưng chưa giao được tài sản cho người trúng đấu giá. Một số địa phương có nhiều vụ việc loại này là: Hà Nội (173 vụ tương ứng với trên 221 tỷ đồng); TP. Hồ Chí Minh (84 vụ tương ứng với trên 526 tỷ đồng); An Giang (46 vụ tương ứng với trên 29 tỷ đồng); Long An (27 vụ tương ứng với trên 22 tỷ đồng); Tây Ninh (20 vụ tương ứng với trên 38 tỷ đồng). Một số trường hợp đương sự chống đối quyết liệt, đặc biệt là trong quá trình cưỡng chế giao tài sản trúng đấu giá. Trong 6 tháng đầu năm 2018, các cơ quan THADS đã ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với 4.288 trường hợp, giảm 713 trường hợp (14,26%) so với cùng kỳ năm 2017. Trong số các trường hợp đã ra quyết định cưỡng chế, có 2.412 trường hợp cưỡng chế không huy động lực lượng (giảm 112 trường hợp so với cùng kỳ) và 1.872 trường hợp cưỡng chế có huy động lực lượng (tăng 605 trường hợp so với cùng kỳ). Sau khi ra Quyết định cưỡng chế có 356 trường hợp đương sự đã tự nguyện thi hành án (giảm 183 trường hợp so với cùng kỳ, giảm 33,95%).
Ý thức chấp hành pháp luật của người phải thi hành án còn chưa cao, phần lớn người phải thi hành án thường tìm cách trì hoãn, kéo dài việc thi hành án, thậm chí có những trường hợp chống đối quyết liệt việc thi hành án nhưng chế tài hành chính, hình sự chưa đủ mạnh để để răn đe đối với các trường hợp này (như Vụ Công ty Hiệp Lợi - Cục THADS tỉnh Bình Dương; vụ việc cưỡng chế đối với bà Phạm Thị Đoàn và các thành viên trong hộ tại huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre).
Nhiều trường hợp đương sự lợi dụng quyền công dân, phương tiện thông tin đại chúng để khiếu nại nhiều lần, khiếu nại vượt cấp, gửi đơn đến nhiều cơ quan, ban ngành với nội dung không chính xác để kéo dài tiến độ giải quyết án, trong khi chưa có cơ chế chấm dứt giải quyết, gây dư luận không tốt trong xã hội. Trong tổng số 1.334 vụ việc thuộc thẩm quyền của các cơ quan THADS địa phương, số khiếu nại, tố cáo đúng toàn bộ chỉ chiếm 6,59%; đúng một phần chỉ chiếm 6,07%; sai toàn bộ là 55,54% (đình chỉ 23,01% và chưa giải quyết, chuyển kỳ sau 8,77%).
Một số vụ việc chưa thể thi hành do trong quá trình tổ chức thi hành án, các cơ quan THADS nhận thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc đang kiến nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với Bản án, có Quyết định hủy toàn bộ bản án phúc thẩm, sơ thẩm đang trong quá trình chờ xét xử lại, khó khăn trong quá trình liên quan đến ủy thác tư pháp cho đương sự đang cư trú ở nước ngoài dẫn đến kéo dài thời gian thi hành án (Vụ Công ty Cổ phần Ngọc Sương; vụ Lương Duy Hà và Lê Thị Duyên; vụ Võ Quang Thiện và Võ Thị Tư; vụ Đặng Thị Kiều Oanh và vụ Võ Thị Lan Huệ - Cục THADS tỉnh Khánh Hòa). Một số vụ việc Tòa án tuyên bên vay phải tiếp tục thế chấp các tài sản khác (tài sản hình thành trong tương lai) để đảm bảo nghĩa vụ vay theo hợp đồng tín dụng, cơ quan Thi hành án đã yêu cầu đương sự cung cấp tài sản hình thành trong tương lai để có cơ sở giải quyết (như Vụ Công ty CP Huyền Trang - Cục THADS tỉnh Quảng Ngãi) nhưng các bên không thực hiện.
Cũng có nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả thi hành án dân sự thấp như (1)  Năng lực quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo một số đơn vị còn chưa theo kịp yêu cầu, chậm đổi mới, chưa thực sự quyết liệt, thiếu sâu sát, kiểm tra, giám sát, thậm chí buông lỏng quản lý. Nhiều địa phương còn thiếu chủ động, để vụ việc kéo dài, không kịp thời báo cáo, tranh thủ sự phối hợp của liên ngành, của Ban chỉ đạo THADS. Một số công chức, Chấp hành viên chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trước nhiệm vụ được giao, chưa tích cực, chủ động học tập nghiên cứu các văn bản pháp luật về THADS và liên quan đến THADS dẫn đến việc vận dụng, áp dụng trong thực tiễn còn lúng túng, sai sót. Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ, nội quy, quy chế cơ quan của một bộ phận công chức còn chưa nghiêm.
Công tác phối hợp giữa các cơ quan trong THADS một số trường hợp hiệu quả chưa kịp thời hoặc hiệu quả chưa cao như phối hợp với Tòa án nhân dân trong giải thích án tuyên không rõ, có sai sót (6 tháng đầu năm 2018 các cơ quan THADS đã có văn bản yêu cầu đính chính, giải thích đối với 280 việc với số tiền 158 tỷ 699 triệu 419 nghìn đồng và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với 111 việc với số tiền 205 tỷ 575 triệu 214 nghìn đồng. Kết quả: 82 việc Tòa án có văn bản trả lời, 41 việc Tòa án đã có văn bản trả lời nhưng chưa rõ, còn 157 việc Tòa án chưa có văn bản trả lời; đã kháng nghị đối với 19 việc tương ứng với 8 tỷ 92 triệu 830 nghìn đồng, số còn lại chưa có ý kiến); chậm giải quyết việc xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung (Khoản 2 Điều 74 Luật THADS); Phối hợp trong việc tham gia cưỡng chế thi hành án và phối hợp trong thi hành án đối với người phải thi hành án đang chấp hành án phạt tù thu các khoản tiền, tài sản mà người phải thi hành án, thân nhân của người phải thi hành án nộp để thi hành án; Phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tăng cường kiểm sát việc chấp hành án của người phải thi hành án, xử lý nghiêm các trường hợp chống đối, không chấp hành bản án. Ngoài ra, cũng phải kể đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo điều hành và chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt là tại một số Chi cục còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.Việc thực hiện cơ chế một cửa và hỗ trợ nộp đơn yêu cầu thi hành án trực tuyến còn chưa mang lại hiệu quả rõ rệt, chưa tạo được sự quan tâm của người dân và doanh nghiệp.
Về khách quan, kết quả thi hành án dân sự 06 tháng đầu năm 2018 còn thấp là do số việc và tiền thụ lý ngày càng nhiều và tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ năm 2017, cụ thể 06 tháng đầu năm 2018 tăng 51.457 việc (8,82%) và gần 23.000 tỷ đồng (16,30%) so với cùng kỳ năm 2017, tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp, đặc biệt là trong các vụ án kinh tế - tham nhũng lớn. Bên cạnh đó, còn hơn 170 nghìn việc với gần 66.000 tỷ đồng chưa có điều kiện thi hành, phải đôn đốc, xác minh theo định kỳ. Nhiều vụ việc phải thi hành có giá trị lớn gặp nhiều khó khăn do tài sản kê biên nằm trong quy hoạch, ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị của địa phương (như Vụ Tráng A Tàng phải thi hành án truy thu sung công và tiền phạt với số tiền gần 13 tỷ - Cục THADS tỉnh Sơn La); chờ kết quả giải quyết của Tòa án, cơ quan có liên quan (Vụ Công ty xi măng Chiềng Sinh phải thi hành gần 53 tỷ đồng - Cục THADS tỉnh Sơn La).
Nhiều trường hợp người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù không có tài sản hoặc thu nhập để thực hiện nghĩa vụ thi hành án. Quy trình, thủ tục thi hành án còn chưa thực sự được tinh gọn, Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc cần tập trung hướng dẫn, tháo gỡ. Bên cạnh đó, biên chế của cơ quan THADS còn chưa tương xứng với khối lượng công việc, nhất là trong bối cảnh khối lượng việc và tiền phải thi hành án ngày càng tăng (06 tháng đầu năm 2018 tăng 8,82% về việc và 16,30% về tiền) và thực hiện chủ trương cắt giảm biên chế (năm 2018, toàn Hệ thống cắt giảm 169 biên chế (1,75%) so với năm 2017), gây áp lực không nhỏ cho hoạt động THADS. 06 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh bình quân mỗi Chấp hành viên phải giải quyết 312 việc tương ứng với số tiền trên 31 tỷ đồng; tỉnh Long An mỗi Chấp hành viên giải quyết 289 việc tương ứng với trên 60 tỷ đồng; tỉnh Bình Dương mỗi Chấp hành viên giải quyết 288 việc tương ứng với  trên 76 tỷ đồng; tỉnh Tiền Giang mỗi Chấp hành viên giải quyết 248 việc tương ứng với trên 23 tỷ đồng. Còn chưa có cơ chế bảo vệ Chấp hành viên trong khi tính rủi ro nghề nghiệp ngày càng cao, một số trường hợp đương sự chống đối quyết liệt, lợi dụng khiếu nại, tố cáo để xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của Chấp hành viên. Ngoài ra, các quy định về thống kê kết quả thi hành án chưa phản ánh kịp thời, đầy đủ lao động thi hành án, một số chỉ tiêu như tạm hoãn, tạm đình chỉ do kiến nghị, kháng nghị giám đốc thẩm, những vụ việc có giá trị thi hành lớn nhưng giá trị tài sản bảo đảm thấp (Vụ Phạm Thị Bích Lương phải thi hành gần 2.000 tỷ nhưng tài sản bảo đảm chỉ có 1 chiếc xe ô tô Tòa án tuyên tiếp tục phong tỏa tài khoản để bảo đảm thi hành án hơn 1 tỷ đồng) hay những vụ việc thụ lý vào cuối năm nhưng chưa đủ thời gian để triển khai công tác nghiệp vụ còn tạo tâm lý băn khoăn, không yên tâm trong đội ngũ công chức THADS.
Thế Minh

 


Theo cổng thông tin điện tử Tổng cục Thi hành án dân sự

Các tin đã đưa ngày: