Tuyên Quang là mảnh đất lịch sử, gắn liền với những sự kiện trọng đại của dân tộc. Trong Cách mạng Tháng Tám, Tuyên Quang là Thủ đô Khu Giải phóng; trong chín năm kháng chiến chống Thực dân Pháp, Tuyên Quang là Thủ đô Kháng chiến; là nơi Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các ban, ngành, cơ quan Trung ương đóng trụ sở. Với Bác Hồ kính yêu, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang luôn có tình cảm sâu sắc, thuỷ chung. Bác Hồ cũng đáp lại tình cảm của Nhân dân Tuyên Quang bằng những lời chân tình "Tôi luôn nhớ đến những ngày công tác ở tỉnh ta. Cùng mấy đồng chí trong tỉnh, trèo đèo lặn suối, ở núi nằm hang, khi thì cùng năm, bảy anh chị em, bí mật tuyên truyền, huấn luyện tổ chức. Khi thì cùng các anh em du kích đánh Nhật, chống Pháp, trừ Việt gian. Anh em no đói có nhau, sướng khổ cùng nhau, một lòng một chí. Do đó mà tạo nên những cán bộ quân sự và chính trị. Tôi không bao giờ quên được, trong những ngày gian nan cực khổ đó, đồng bào tỉnh ta, các cụ già, các chị em phụ nữ, anh em nông dân, các em thanh niên, các cháu nhi đồng ai cũng hăng hái giúp đỡ" (Trích Thư gửi đồng bào các tỉnh Việt Bắc, ngày 2-9-1947)
Những năm tháng sống và làm việc ở Tuyên Quang (khoảng gần 6 năm), mặc dù bận việc nước, Bác Hồ vẫn thường xuyên quan tâm tới Nhân dân Tuyên Quang, Người dành thời gian thăm hỏi, nói chuyện với đồng bào, tặng quà các cháu thiếu nhi, các cụ cao tuổi. Người quan tâm đến đời sống Nhân dân, chú ý đến từng bữa ăn, khiến cho đồng bào luôn cảm động và đó cũng chính là động lực thôi thúc người dân Tuyên Quang sống, làm việc và học tập theo tấm gương vĩ đại của Người.
50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống cho Nhân dân, Đảng bộ và Nhân dân Tuyên Quang đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Trong Kháng chiến chống Mỹ, mặc dù bị ảnh hưởng của hai lần chiến tranh phá hoại miền Bắc của Đế quốc Mỹ, nhưng Đảng bộ, chính quyền tỉnh vẫn vừa chiến đấu, tiếp viện cho miền Nam, vừa chăm lo cho đời sống của Nhân dân trong tỉnh được ổn định sản xuất để có thể tiếp tục đóng góp cho cuộc Kháng chiến Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau khi cuộc Kháng chiến chống Mỹ kết thúc, tỉnh Tuyên Quang đã vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, vượt qua đói, nghèo, đời sống của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh được cải thiện rõ rệt.
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Tuyên Quang đã vận dụng sáng tạo những quan điểm chỉ đạo chung của Đảng để chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, theo đó, sản xuất nông nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển sang hướng sản xuất hàng hóa; nông nghiệp được quan tâm đầu tư thích đáng bằng chương trình kiên cố hóa kênh mương, đưa khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; công tác bảo vệ và phát triển rừng được chú trọng… Ở Tuyên Quang, điện, đường đã về tới tận thôn, bản xa xôi; trẻ em được chăm lo, học hành và có cơ hội phát triển, không ai bị bỏ lại phía sau. Kết quả năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Tuyên Quang đạt 8,04%, tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng, đến năm 2020, Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc.
Cũng từ Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ Đảng và chính quyền các cấp xác định: Phải chăm lo cho dân đủ ăn, đủ mặc thì những chủ trương của cấp ủy và chính quyền đưa ra sẽ dễ dàng thực hiện. Nếu để dân đói, rét, dốt, bệnh thì chủ trương có hay đến mấy cũng không thực hiện được. Tại Kế hoạch số 250-KH/TU ngày 21/01/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang đã đề ra nội dung đột phá về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong năm 2019 là "Phát huy dân chủ, nâng cao tinh thàn trách nhiệm, vì nhân dân phục vụ".
50 năm Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn sáng mãi đối với Đảng bộ và Nhân dân Tuyên Quang, tư tưởng của Người về chăm lo đời sống cho Nhân dân chính là chỉ dẫn để thực hiện mục tiêu mà toàn Đảng ta đang hướng tới "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Nguyễn Thị Mai Lan
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Nguồn: tuyenquang.gov.vn