Theo báo cáo của Tổng cục Thi hành án dân sự tại Hội nghị, trong 10 tháng năm 2020, các cơ quan Thi hành án dân sự trong toàn Hệ thống đã tiếp tục thực hiện đồng bộ, kịp thời các chỉ đạo của Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp và Chương trình, Kế hoạch công tác năm. Trong bối cảnh hạn hán, xâm ngập mặn xảy ra ở nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ những tháng đầu năm và cả nước tập trung cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là sau khi Chính phủ công bố hết thời gian giãn cách xã hội, Hệ thống Thi hành án dân sự đã chủ động ứng phó, khẩn trương, nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành, đổi mới phương thức tổ chức công việc phù hợp, thực hiện các biện pháp để bảo đảm đạt được các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo kế hoạch công tác. Nhờ đó, kết quả thi hành án vẫn duy trì được nhịp độ, về việc đã thi hành xong là 425.442 việc/645.018 việc có điều kiện thi hành, đạt tỉ lệ 65,96%; về tiền đã thi hành xong là hơn 41.545 tỷ đồng/hơn 159.814 tỷ đồng có điều kiện thi hành, đạt tỉ lệ 26,00%, tuy có giảm về tỷ lệ so với cùng kỳ năm 2019 nhưng không đáng kể (giảm 2,04% về việc và giảm 0,91% về tiền). Việc thi hành các khoản nợ của các tổ chức tín dụng; thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, đặc biệt là các vụ việc được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo được tập trung chỉ đạo quyết liệt đạt kết quả khả quan; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục được quan tâm, nghiêm túc thực hiện, việc chỉ đạo, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài tiếp tục có sự chuyển biến tích cực. Các mặt công tác khác đã được tiếp tục triển khai toàn diện, đồng bộ kịp thời theo Chương trình, Kế hoạch công tác.
|
|
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, qua báo cáo và số liệu thống kê cho thấy một số địa phương có tỷ lệ thi hành xong về việc và tiền đạt thấp, thuộc diện cảnh báo không hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, cụ thể: về việc như: Vĩnh Long, Hậu Giang, Trà Vinh, Đà Nẵng, Bạc Liêu, Bình Phước, Cần Thơ, Tây Ninh…; về tiền như: Hà Giang, Quảng Bình, Hà Nam, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Sơn La, Bình Phước, Đăk Nông, Thái Bình, Hà Nội… Bên cạnh đó, qua công tác kiểm tra cho thấy ở một số địa phương vẫn có sai phạm như chậm xác minh, xác minh lại; một số vụ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa được giải quyết đúng thời hạn; mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế còn thấp; tiến độ thi hành án một số vụ việc còn chậm.
Trên cơ sở nhận diện các khó khăn, tồn tại, phân tích các nguyên nhân, các Cục Thi hành án dân sự địa phương đã nêu lên các nhiệm vụ, giải pháp trong 2 tháng còn lại của năm công tác Thi hành án dân sự. Thông tin về tình hình dịch bệnh tại địa phương, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Đà Nẵng Trần Phước Thu cho biết các cơ quan Thi hành án dân sự đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 cùng các chỉ đạo của Lãnh đạo thành phố, tích cực triển khai hình thức làm việc trực tuyến để ứng phó với dịch bệnh. Tuy nhiên, tác động của dịch bệnh là một trong những yếu tố khiến các chỉ tiêu về việc và về tiền của các cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn còn thấp. Công tác thi hành các vụ án tham nhũng, kinh tế, có giá trị lớn còn rất nhiều khó khăn trong công tác kê biên tài sản, thẩm định giá, giao tài sản… Thời gian tới, Cục sẽ tiến hành rà soát, xây dựng kế hoạch tổ chức thi hành án đối với từng Chi cục đảm bảo phù hợp tình hình địa phương để có thể hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
|
|
Đồng chí Trần Hồng Quang, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố Hải Phòng cho biết, Cục đã tập trung chỉ đạo, đôn đốc tổ chức thi hành án nhất là những vụ việc có giá trị lớn, vụ việc quyết định đến chỉ tiêu công tác của các đơn vị; thông tin kịp thời UBND các quận, huyện để đôn đốc cùng phối hợp thực hiện; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng, ngân hàng trong xử lý tài sản, phối hợp đình chỉ các khoản tiền trong các vụ việc đã xử lý hết tài sản; tăng cường vận động, thuyết phục đương sự trong việc tổ chức thi hành án (trong 47 vụ việc phải cưỡng chế thì có 37 vụ việc cưỡng chế không huy động lực lượng, tác động đương sự qua rất nhiều các kênh tiếp xúc và đang đạt hiệu quả cao); đồng thời, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid -19, Cục sẽ tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo điều hành. Cục Thi hành án dân sự thành phố Hải Phòng tự đánh giá sẽ hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ trong năm 2020.
|
|
Tại điểm cầu Hà Nội, đồng chí Lê Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hà Nội cũng nhấn mạnh đến một số giải pháp nhằm giải quyết khó khăn như: Đôn đốc tổ chức thi hành án, rà soát từng việc, từng Chi cục, phòng Nghiệp vụ, từng Chấp hành viên phải có kế hoạch thực hiện nhiệm vụ; tập trung giải quyết những vụ án có điều kiện, có giá trị lớn ảnh hưởng đến hoàn thành chỉ tiêu, đặc biệt là những vụ án kinh tế, tham nhũng; huy động mọi nguồn lực hỗ trợ trong việc hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ, nhất là hoàn thành chỉ tiêu về tiền…
Đồng chí Vũ Quốc Doanh, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ một số giải pháp đang được áp dụng nhằm khắc phục những khó khăn, cụ thể: Yêu cầu Lãnh đạo Cục trực tiếp làm việc với một số Chi cục có chỉ tiêu thấp để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn; yêu cầu Lãnh đạo Cục, Lãnh đạo các phòng chuyên môn, các Chi cục kiểm tra, theo dõi, đôn đốc tiến độ thi hành án của từng Chấp hành viên để có chỉ đạo kịp thời; tăng cường xác minh, phân loại án; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành, đặc biệt là Tòa án, Viện Kiểm sát; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành; tổ chức cưỡng chế, giao tài sản...
Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Quang Thái, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức trong Hệ thống. Đồng chí Nguyễn Quang Thái đề nghị toàn Hệ thống tập trung, nỗ lực phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao; các đồng chí Thủ trưởng đơn vị tiếp tục nêu cao trách nhiệm nêu gương; khắc phục khó khăn, đưa ra các giải pháp để rà soát, phân loại, tổ chức thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành, các vụ việc có giá trị lớn, những vụ việc liên quan đến tham nhũng, kinh tế và thi hành các quyết định về phá sản; việc xử lý đối với vật chứng, tài sản; đối với các vụ việc thi hành khoản thu liên quan đến tổ chức tín dụng; quan tâm sâu sát, bám sát tình hình cơ sở để hạn chế tối đa việc phải xem xét, xử lý trách nhiệm do sai sót, vi phạm, tiêu cực khi làm nhiệm vụ.
Để tiếp tục nâng cao kết quả công tác, nỗ lực phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, bên cạnh các giải pháp đề ra tại báo cáo, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang có khả năng lan rộng và tiếp tục diễn biến phức tạp, Thứ trưởng Mai Lương Khôi đề nghị các cơ quan Thi hành án dân sự (nhất là các địa bàn có trường hợp bị lây nhiễm) triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, đảm bảo sức khỏe, an toàn cho công chức, người lao động tại cơ quan đơn vị, đồng thời, có các kế hoạch, giải pháp cụ thể để tập trung tổ chức thi hành án, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Thứ trưởng cũng yêu cầu Tổng cục và các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương triển khai, thực hiện nghiêm kết luận, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tại Phiên họp thứ 18. Chỉ đạo thực hiện nghiêm những kết luận đã được các đoàn kiểm tra theo Kế hoạch số 192-KH/BCĐTW của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và các đoàn kiểm tra, thanh tra của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự kết luận. Theo đó, phải thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng; bám sát, theo dõi từng vụ việc để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn. Cùng với đó, triển khai thực hiện nghiêm các nhiệm vụ được giao theo Kế hoạch của Bộ Tư pháp và Tổng cục về triển khai thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Trong đó ưu tiên nguồn lực cho các nhiệm vụ trọng tâm, vừa đảm bảo thực hiện các mục tiêu tiết kiệm kinh phí, ngân sách nhưng vẫn thực hiện hiệu quả các kế hoạch công tác, hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao.
Thứ trưởng cũng yêu cầu Lãnh đạo Tổng cục, Lãnh đạo các Cục, Chi cục phải phát huy tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, sâu sát, quyết liệt trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính; chủ động trong việc tiếp nhận các ý kiến, phản ánh để kịp thời tháo gỡ./.
Theo CTTĐT Tổng cục THADS
Theo cổng thông tin điện tử tổng cục thi hành án dân sự