Đình Tân Trào. Ảnh: Ngọc Chiến
Tại Khuổi Nậm, Pác Bó (Cao Bằng), tháng 5 năm 1941, Bác Hồ triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ 8 của Đảng. Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh); ra tờ báo Việt Nam Độc lập. Lúc này, Mặt trận Việt Minh dưới sự lãnh đạo của Đảng là tổ chức lãnh đạo và chỉ đạo, lôi cuốn, tập hợp quần chúng đứng lên làm cách mạng giải phóng.
Trong thời gian ở Pác Bó, Bác Hồ viết nhiều tác phẩm kêu gọi toàn dân đoàn kết một lòng, tuyên truyền, cổ vũ mọi tầng lớp, giai cấp chờ thời cơ đứng lên đánh giặc cứu Tổ quốc, như: Mười chính sách của Việt Minh, Dân cày, Phụ nữ, Công nhân... Đặc biệt là tác phẩm: Lịch sử nước ta (tháng 2/1942), Bác Hồ đã đưa ra một dự đoán thời gian nước nhà độc lập “Việt Nam độc lập: 1945”. Thực tế lịch sử đã chứng minh đúng sự thiên tài này của Người - ngày 2/9, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra đời. Kính cáo đồng bào (Thư kêu gọi đồng bào cả nước, tháng 6/1941), thể hiện rất rõ tư tưởng về giải phóng dân tộc: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa bỏng... Việc cứu quốc là việc chung, ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm: người có tiền góp tiền, người có của góp của, người có sức góp sức, người có tài năng góp tài năng. Riêng phần tôi, xin đem hết tâm lực đi cùng các bạn, vì đồng bào mưu giành tự do độc lập, dẫu phải hy sinh tính mệnh cũng không nề”.
Để chuẩn bị lực lượng cho cuộc cách mạng giải phóng, năm 1941, Bác Hồ viết tác phẩm “Cách đánh du kích”. Tác phẩm đã góp phần quan trọng giáo dục lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết chiến đấu cho đảng viên và quần chúng cách mạng, đồng thời giới thiệu kinh nghiệm lịch sử và bước đầu nêu lên một số vấn đề về đường lối quân sự, chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa vũ trang. Cùng với việc chuẩn bị tài liệu cho huấn luyện, Bác Hồ cho mở lớp quân sự đầu tiên tại Pác Bó. Bác gọi đây là lớp “Tổ du kích Pác Bó”. Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập theo chỉ thị của Bác Hồ. Đây là tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam hùng mạnh, mang bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, góp sức cùng dân tộc bách chiến, bách thắng mọi kẻ thù xâm lược, giành độc lập, xây dưng và bảo vệ nền hòa bình, độc lập tự do.
Bác Hồ đã dạy: “Làm cách mạng phải biết dựa vào thời cơ và phải nhìn chung phong trào mọi nơi, mọi chốn mới chiến thắng”, nên khi chiến tranh thế giới thứ II chuyển biến có lợi cho phe Đồng minh, Bác đã xác định nhiệm vụ cho cách mạng nước ta: “Phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt. Các Đồng minh quốc sắp tranh được sự thắng lợi cuối cùng. Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm, hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp, ta phải làm nhanh”.
Đêm 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp độc chiếm Đông Dương, ngày 12/3/1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thỉ “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, phát động cao trào kháng Nhật, cứu nước. Ngày 10/3/1945, dưới sự lãnh đạo của Phân khu ủy Phân khu Nguyễn Huệ, cuộc khởi nghĩa Thanh La (nay là xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương) giành thắng lợi, thừa thắng tiến lên, Phân khu quyết định giải phóng huyện lỵ Sơn Dương và các xã lận cận, thành lập châu Tự Do, bao gồm các xã vùng thượng huyện Sơn Dương. Trước tình hình mới, để có điều kiện thuận lợi chỉ đạo kịp thời phong trào cách mạng đang lên cao trong cả nước, ngày 4/5/1945, Bác Hồ rời Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) cùng Trung ương Đảng xây dựng trung tâm lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Ngày 21/5/1945, Bác Hồ đến Tân Trào, ở và làm việc tại nhà ông Nguyễn Tiến Sự, Chủ nhiệm Việt Minh xã. Sau đó khoảng một tuần Bác chuyển ra ở và làm việc tại căn lán dưới chân núi Nà Lưa - lán Nà Nưa (Nà Lừa). Tại căn lán nhỏ đơn sơ trong khu rừng Nà Lừa, với những nhận định đúng đắn, những quyết sách kịp thời, táo bạo về thời cơ cách mạng, Bác Hồ đã chỉ đường cho toàn dân vươn tới một bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử vĩ đại - dân tộc Việt Nam chấm dứt những ngày tháng nô lệ, lầm than, bước sang kỷ nguyên độc lập, tự do. Tại đây, thực hiện chỉ thị của Bác Hồ, ngày 4/6/1945, Tổng bộ Việt Minh triệu tập Hội nghị cán bộ quyết định chính thức thành lập Khu giải phóng (gồm 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang), lấy Tân Trào (Tuyên Quang) làm trung tâm Khu giải phóng - hình ảnh một nước Việt Nam mới cho thế trận tổng khởi nghĩa.
Cuối tháng 7, đầu tháng 8 năm 1945, do điều kiện làm việc hết sức gian khổ và thiếu thốn, cộng với tình hình sức khỏe đã giảm sút nhiều trong thời gian bị giam cầm ở nhà tù đế quốc, Bác Hồ bị ốm nặng, lúc tỉnh lúc mê...Một đêm, tỉnh lại sau cơn sốt, biết tin phát xít Đức đầu hàng Liên Xô, Bác Hồ nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Những lời dặn dò của Người, khẳng định quyết tâm và tấm lòng khao khát giành độc lập dân tộc khi thời cơ chín muồi. Đó là kết tinh ý chí của toàn Đảng và khát vọng độc lập của cả dân tộc.
Ngày 13/8/1945, có tin Nhật đầu hàng Đồng minh, mặc dù còn yếu mệt, nhưng Bác Hồ đã chỉ thị Mệnh lệnh khởi nghĩa “cần phải tranh thủ từng giây, từng phút, tình hình sẽ chuyể biến nhanh chóng, không thể để lỡ cơ hội” và triệu tập Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng, tại một căn lán nhỏ, cách lán Nà Nưa, nơi Người ở khoảng 20 mét. Hội nghị quyết định phải kịp thời phát động và lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc; Bộ Tư lệnh giải phóng quân Việt Nam. 23 giờ ngày 13/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc ra bản Quân lệnh số 1, hạ lệnh tổng khởi nghĩa trong toàn quốc.
Theo sáng kiến của Bác Hồ (được hình thành từ Hội nghị Trung ương lần thứ 8 - tháng 5/1941: Phát động phong trào giải phóng dân tộc, thành lập Mặt trận Việt Minh để đánh đuổi Nhật - Pháp “lập lên một Chính phủ cách mạng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa theo tinh thần dân chủ, Chính phủ đó do Quốc dân Đại hội cử lên”), ngày 16/8/1945, Quốc dân Đại hội Tân Trào diễn ra tại đình Tân Trào. Mặc dù sức khỏe còn yếu do vừa trải qua cơn ốm nặng nhưng Bác Hồ vẫn đến dự và chỉ đạo Đại hội. Đây là lần đầu tiên sau khi về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng, Người ra mắt đại biểu cả nước với tên gọi Hồ Chí Minh. Đại hội đã nhiệt liệt tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng và Tổng bộ Việt Minh. Đại hội quyết định toàn dân đoàn kết đứng lên vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền; thông qua Mười chính sách lớn của Việt Minh; bầu Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch; thống nhất quy định Quốc hiệu, Quốc kỳ, Quốc ca của nước Việt Nam mới. Thay mặt Ủy ban dân tộc giải phóng Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi đồng bào toàn quốc trước giờ tổng khởi nghĩa: “Hỡi đồng bào yêu quý! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta... Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”.
Quốc dân Đại hội Tân Trào đã hoàn thành nhiệm vụ như một Quốc hội dân cử. Đại hội thể hiện sự đoàn kết nhất trí của toàn thể dân tộc Việt Nam trong Mặt trận Việt Minh, biểu thị lòng tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh; biểu thị ý chí và quyết tâm đưa cuộc tổng khởi nghĩa đến thắng lợi hoàn toàn vào ngày 19/8/1945 để ngày 2/9/1945, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 trong không khí toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang ra sức thi đua lập thành tích chào mừng đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chúng ta càng hiểu rõ hơn sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn và công lao to lớn của Bác Hồ với Cách mạng Tháng Tám. Công lao đó luôn trường tồn cùng lịch sử dân tộc, sống mãi trong lòng nhân dân ta, đã, đang và sẽ là những chỉ dẫn quan trọng cho sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước ta hiện nay.
Việt Thanh
(Theo: Hồ Chí Minh với văn hóa-thông tin và các tư liệu lịch sử)