Sign In

Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy

10/12/2020

Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân hoạt động, sinh sống trên lãnh thổ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Theo đó, Nghị định quy định rõ về điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với: cơ sở, khu dân cư, hộ gia đình, phương tiện giao thông cơ giới.

Theo quy định, đối với khu dân cư phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy sau:

Có nội quy về phòng cháy và chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;

Có hệ thống giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, giải pháp chống cháy lan, phương tiện phòng cháy và chữa cháy bảo đảm số lượng và chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;

Có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

Có lực lượng dân phòng được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy và tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ.

Điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy trên phải được Chủ tịch UBND cấp xã tổ chức thực hiện và duy trì trong suốt quá trình hoạt động.

Điều kiện an toàn đối với phương tiện giao thông: Đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ 4 chỗ ngồi trở lên phải bảo đảm điều kiện hoạt động đã được kiểm định; vật tư, hàng hóa bố trí, sắp xếp trên phương tiện phải bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy.

Đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên 9 chỗ ngồi, phương tiện hoạt động trên đường thủy nội địa, phương tiện giao thông đường sắt phải bảo đảm các điều kiện sau:

Có nội quy, biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;

Hệ thống điện, nhiên liệu, vật tư, hàng hóa bố trí, sắp xếp trên phương tiện phải bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy;

Có phương tiện chữa cháy phù hợp với tính chất, đặc điểm hoạt động bảo đảm số lượng, chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;

Có quy định, phân công nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ.

Đối với phương tiện giao thông cơ giới khi vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ trên đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt phải có Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ do cơ quan Công an cấp theo quy định của pháp luật về vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt (trừ các trường hợp thuộc thẩm quyền của Bộ Quốc phòng) và phải bảo đảm, duy trì các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy sau:

Các điều kiện theo quy định ở trên;

Động cơ của phương tiện phải được cách ly với khoang chứa hàng bằng vật liệu không cháy hoặc buồng (khoang) đệm theo quy định;

Ống xả của động cơ phải được che chắn, bảo đảm an toàn về cháy, nổ;

Sàn, kết cấu của khoang chứa hàng và các khu vực khác của phương tiện nằm trong vùng nguy hiểm cháy, nổ phải làm bằng vật liệu không cháy;

Các điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định;

Phải có dây tiếp đất khi phương tiện giao thông đường bộ vận chuyển chất lỏng nguy hiểm về cháy, nổ;

Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ phải có biểu trưng hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ ở kính phía trước; phương tiện giao thông đường sắt phải có biểu trưng hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ ở hai bên thành phương tiện trong suốt quá trình vận chuyển;

Phương tiện thủy nội địa, ban ngày phải cắm cờ báo hiệu chữ “B”, ban đêm phải có đèn báo hiệu phát sáng màu đỏ trong suốt quá trình vận chuyển. Quy cách, tiêu chuẩn cờ, đèn báo hiệu theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định Chế độ, chính sách đối với người tham gia chữa cháy; thành viên đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở và chuyên ngành.

Theo Nghị định, người được điều động, huy động trực tiếp chữa cháy và phục vụ chữa cháy theo lệnh triệu tập, huy động của người có thẩm quyền thì được hưởng chế độ sau:

Nếu thời gian chữa cháy dưới 2 giờ được bồi thường một khoản tiền bằng 0,3 ngày lương tối thiểu vùng;

Nếu thời gian chữa cháy từ 2 giờ đến dưới 4 giờ được bồi thường một khoản tiền bằng 0,45 ngày lương tối thiểu vùng;

Nếu thời gian chữa cháy từ 4 giờ trở lên hoặc chữa cháy nhiều ngày thì cứ 4 giờ được bồi thường một khoản tiền bằng 0,6 ngày lương tối thiểu vùng. Nếu tham gia chữa cháy vào ban đêm từ 22 giờ đến 6 giờ sáng thì được tính gấp 2 lần theo cách tính trên;

Trường hợp bị tai nạn, bị thương được thanh toán tiền khám bệnh, chữa bệnh; bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa thì được xét trợ cấp tùy theo mức độ suy giảm khả năng lao động; bị chết thì được hưởng trợ cấp tiền tuất, tiền mai táng phí. Những khoản chi chế độ nêu trên do tổ chức bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chi trả theo quy định; nếu người đó chưa tham gia bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội thì do ngân sách địa phương hoặc cơ quan, tổ chức quản lý bảo đảm;

Trường hợp bị thương thuộc một trong các trường hợp quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng thì được xét hưởng chính sách thương binh hoặc như thương binh;

Trường hợp bị chết thuộc một trong các trường hợp quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng thì được xét công nhận là liệt sỹ.

Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm trình HĐND cùng cấp quyết định mức hỗ trợ thường xuyên hàng tháng cho các chức danh Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng, mức hỗ trợ căn cứ điều kiện thực tế của từng địa phương nhưng không thấp hơn 15% lương tối thiểu vùng.

Đội trưởng, Đội phó đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở và chuyên ngành hoạt động theo chế độ không chuyên trách ngoài việc được hưởng nguyên lương và các khoản phụ cấp khác (nếu có) còn được hưởng hỗ trợ thường xuyên do cơ quan, tổ chức quản lý chi trả. Căn cứ vào điều kiện thực tế, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định, mức hỗ trợ cho từng chức danh nhưng không thấp hơn hệ số 0,2 lương tối thiểu vùng.

Thành viên đội dân phòng khi tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy, mỗi ngày được hưởng trợ cấp một khoản tiền bằng 0,6 ngày lương tối thiểu vùng; thành viên đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở và chuyên ngành trong thời gian tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương và các khoản phụ cấp khác (nếu có) và mỗi ngày được hưởng một khoản tiền bồi dưỡng bằng 0,3 ngày lương tối thiểu vùng.

Đối tượng trên khi tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy nếu bị tai nạn, tổn hại sức khỏe hoặc bị chết thì được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp tiền tuất, tiền mai táng phí; trường hợp chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì do ngân sách địa phương hoặc cơ quan, tổ chức quản lý bảo đảm.

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/01/2021.

PV

Các tin đã đưa ngày: