Sign In

Tinh thần "Thủ đô kháng chiến" giúp Tuyên Quang thêm vững trước COVID-19

11/08/2021

Tinh thần
Kỷ luật, quyết liệt, nghiêm túc, linh hoạt, đồng lòng, sẻ chia... những giá trị cốt lõi của quê hương cách mạng Tuyên Quang đã giúp tỉnh này cho đến thời điểm hiện tại vẫn là "vùng xanh" an toàn trên bản đồ phòng, chống COVID-19.
 

Tinh thần "Thủ đô kháng chiến" giúp chúng tôi thêm vững trước "giặc" COVID-19.

Quyết tâm cao nhất ngay từ đầu

Dù đã là cuối giờ chiều và sau một ngày dài với lịch làm việc dày đặc, nhưng chất lửa vẫn nguyên vẹn trong từng lời chia sẻ của ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Tuyên Quang.

Ông chủ động mở đầu câu chuyện với Lao Động bằng một lợi thế thú vị mà ông tin rằng, không phải tỉnh nào cũng may mắn có được: "Trong Ban Chỉ đạo, chúng tôi có một Phó Chủ tịch tỉnh vốn là bác sĩ chuyên khoa 2, rất giỏi chuyên môn. Do đó, ngay từ những ngày đầu, các quyết sách mang tính chuyên môn được tập thể Ban Chỉ đạo tỉnh đưa ra rất nhanh, hiệu quả và sát thực tế, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân".

Trong suốt cuộc trao đổi, cụm từ "quê hương cách mạng" được vị chủ tịch nhắc tới nhiều lần với niềm tin mãnh liệt rằng, chính những giá trị cốt lõi truyền thống đã góp phần giúp Tuyên Quang thêm vững vàng trước đại dịch.

Sự đồng lòng của những con người sinh ra lớn lên trên mảnh đất từng là "Thủ đô kháng chiến" được ông Sơn thể hiện sinh động qua từng câu chuyện dung dị.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang (giữa) - kiểm tra công tác

phòng chống dịch COVID-19 tại một khu cách ly của huyện Sơn Dương. Ảnh: Việt Hoà

Ông kể, Tuyên Quang đã sớm chủ động triển khai các biện pháp chống dịch đồng bộ.

"Từ Bí thư Tỉnh uỷ tới Ban Thường vụ rất quan tâm và thường xuyên có những chỉ đạo sát sao tới công tác chống dịch. Đặc biệt, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đến kiểm tra, động viên công tác chống dịch tại các chốt kiểm soát gần như hàng ngày" - ông Nguyễn Văn Sơn nói.

Đối với bên trong, mục tiêu "giữ sạch bằng được địa bàn" được đặt lên hàng đầu với nòng cốt là những tổ COVID-19 cộng đồng đang phát huy vai trò hiệu quả. Phần lớn họ đều là những người dân thôn dã, tình nguyện tham gia công tác.

Ngoài thực hiện công tác tuyên truyền, những người trong tổ còn có nhiệm vụ giám sát địa bàn. Bất cứ người lạ nào về thôn, bản, xã, tổ dân phố sẽ được báo cáo ngay để đánh giá mức độ nguy cơ, từ đó áp dụng những biện pháp phù hợp.

Kiểm soát chặt chẽ các khu vực giáp ranh cùng với phát huy vai trò của tổ COVID-19

cộng đồng đã giúp Tuyên Quang giữ sạch được địa bàn từ bên trong.

Mặc dù quyết liệt, không có ngoại lệ nhưng trong chống dịch vẫn phải có sự linh hoạt và mềm dẻo, ông Sơn đưa ra một ví dụ cụ thể: "Đối với trường hợp là công nhân đi làm hàng ngày qua chốt, nếu yêu cầu họ phải có đủ giấy xét nghiệm PCR thời hạn 3 ngày thì thực sự không hợp lý trong khi chi phí xét nghiệm đã là gần 800.000 đồng/lần, như vậy có khi hết lương của người công nhân".

Do đó, Ban Chỉ đạo đã có chính sách riêng với công nhân đi lại trong ngày phải có cam kết tuyệt đối tuân thủ 5K, không đi vào vùng dịch.

Những trường hợp ốm đau, cấp cứu thực sự thì đương nhiên là được tạo điều kiện qua chốt ngay không phải làm các xét nghiệm… đó là những phương án xử lý tình huống tại các chốt thực hiện rất tốt.

Phát huy truyền thống

Truyền thống đùm bọc, sẻ chia của quê hương cách mạng còn được được minh họa qua câu chuyện về những y bác sĩ tình nguyện lên đường vào Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch.

Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang chia sẻ: "Trước khi lên đường, anh em cũng lo chứ. Không phải lo sợ dịch bệnh mà lo ở đây là có đáp ứng được yêu cầu công việc trong một môi trường khắc nghiệt và căng thẳng của tâm dịch hay không. Tôi vẫn động viên anh em sức đến đâu làm đến đó, cái mình có lớn nhất chính là quyết tâm và sự chia sẻ với thành phố đầu tàu của cả nước".

Đoàn cán bộ, y bác sĩ của tỉnh Tuyên Quang lên đường hỗ trợ

Thành phố Hồ Chí Minh phòng chống dịch COVID-19.

Cuối tháng 7, Chủ tịch UBND tỉnh đã gửi thư tới công dân Tuyên Quang đang sinh sống, làm việc tại các tỉnh thành trên cả nước thể hiện sự cảm thông và chia sẻ với những khó khăn mà người lao động xa quê đang phải đối mặt giữa đại dịch.

Không dừng lại ở đó, để giảm bớt phần nào đối với những người dân xa quê có hoàn cảnh khó khăn thật sự và thực hiện đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng "ai ở đâu thì ở đó", tỉnh Tuyên Quang đã lên kế hỗ trợ trực tiếp tới những đối tượng này.

Với những người dân bắt buộc phải về quê bởi những lý do đặc biệt, bất khả kháng tỉnh Tuyên Quang sẽ tổ chức đón, có thể là tập hợp đi máy bay, tàu hoả về tới Hà Nội sau đó có xe của địa phương đón về đi cách ly ngay. Số này không nhiều, bởi đa số lao động xã quê đang có ý thức tốt chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng.

Thư của Chủ tịch UBND tỉnh gửi tới công dân Tuyên Quang sinh sống làm việc trên cả nước

đã thể hiện sự quan tâm chia sẻ của quê hương đối với những người con xa xứ.

"Sự đồng lòng của người dân quê hương cách mạng cao lắm. Hàng ngày, người dân cũng thấy được những nỗ lực chống dịch của cả nước nên bản thân họ tự cảm thấy sự đóng góp của từng cá nhân là có ý nghĩa rất lớn. Đây cũng là điều mà lãnh đạo tỉnh cảm thấy rất yên tâm trong công tác phòng chống dịch" - Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Sơn cũng cho hay, mặc dù đây là điều không ai mong muốn nhưng tỉnh Tuyên Quang đã có 1 kịch bản liên quan đến từng số lượng người mắc COVID-19 cụ thể trong tình huống dịch bệnh xảy ra trên diện rộng.

Ngay trong công tác chống dịch thường ngày, Tuyên Quang đã làm quyết liệt, cao hơn thực tế để toàn hệ thống gần như được tập dượt thường xuyên và sẵn sàng đáp ứng ngay yêu cầu trong các tình huống xấu có thể xảy ra.

Bệnh viện Phổi Tuyên Quang được xác định là cơ sở điều trị chủ lực trong

tình huống dịch bệnh COVID-19 diễn biến không thuận lợi trên địa bàn. Ảnh: Việt Hoà

Bệnh viện Phổi Tuyên Quang được xác định là bệnh viện dã chiến để phục vụ chống dịch.

Ở đây, các thiết bị y tế phục vụ cho công tác điều trị như máy thở, phòng cách ly, phòng áp lực âm... luôn sẵn sàng cho việc cấp cứu điều trị bệnh nhân nặng. Vừa qua, Tuyên Quang đã điều trị rất hiệu quả cho một số bệnh nhân đã khỏi bệnh ở các địa phương khác nhưng về Tuyên Quang thì dương tính trở lại.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang: "Địa phương xác định ngay từ đầu là hoàn toàn chủ động theo các phương án tại chỗ và sẵn sàng kích hoạt những kịch bản đã được xây dựng trong tình hướng dịch bệnh có diễn biến không thuận lợi trên địa bàn. Nhưng tôi mong rằng, Tuyên Quang sẽ không phải dùng đến những kịch bản đó".

Quyết liệt thực hiện mục tiêu kép

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, khi dịch bệnh bùng phát mạnh, Tuyên Quang sẵn sàng đưa mục tiêu chống dịch lên hàng đầu. Nhưng do khi dịch bệnh trên địa bàn vẫn đang trong tầm kiểm soát nên vẫn phải ưu tiên phát triển kinh tế.

"Qua 6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế của Tuyên Quang là 6,79% có giảm hơn mục tiêu đặt ra là 8% mặc dù thu ngân sách vẫn đạt hơn 55% nhưng một số giá trị trong ngành công nghiệp dịch vụ bị thiệt hại do dịch bệnh" - vị chủ tịch tỉnh thông tin.

Theo laodong.vn

Các tin đã đưa ngày: