Bác Hồ thăm đình Tân Trào (3-1961). Ảnh tư liệu
Lịch sử mãi mãi ghi nhớ cái Tết Tân Tỵ - ngày 28/01/1941, sau 30 năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài, tìm được con đường cứu nước, cứu dân đúng đắn, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Bác Hồ trở về Tổ quốc, tại cột mốc 108 biên giới Cao Bằng của Việt Nam và Trung Quốc, để trực tiếp lãnh đạo sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta, trong tình cảm:
Bác đã về đây Tổ quốc ơi,
Nhớ thương hòn đất ấm hơi Người,
Ba mươi năm ấy chân không nghỉ,
Mà đến bây giờ mới tới nơi.
(Tố Hữu).
Tháng 5 năm 1941, tại khu rừng Khuổi Nậm, Pác Bó (Cao Bằng), Bác Hồ triệu tập, chủ trì Hội nghị lần thứ 8 của Đảng. Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh); ra tờ báo Việt Nam Độc lập để tuyên truyền chủ trương của Mặt trận, giác ngộ, cổ vũ quần chúng làm cách mạng... Lúc này, Mặt trận Việt Minh dưới sự lãnh đạo của Đảng là tổ chức lãnh đạo và chỉ đạo, lôi cuốn, tập hợp quần chúng đứng lên làm cách mạng giải phóng...
Đêm 09/3/1945, Nhật đảo chính Pháp độc chiếm Đông Dương. Ngày 12/3/1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thỉ “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, phát động cao trào kháng Nhật, cứu nước. Trước đó, ngày 10/3/1945, dưới sự lãnh đạo “nhạy bén, kiên quyết, kịp thời, sáng tạo” của Phân khu ủy Phân khu Nguyễn Huệ, cuộc khởi nghĩa Thanh La (nay là xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) giành thắng lợi nhanh gọn. Thừa thắng tiến lên, Phân khu quyết định giải phóng huyện lỵ Sơn Dương và các xã lận cận, thành lập châu Tự Do và Ủy ban cách mạng lâm thời châu Tự Do bao gồm các xã vùng thượng huyện Sơn Dương. Cuộc khởi nghĩa đã mở đầu cho tiến trình khởi nghĩa cục bộ từng phần ở châu Sơn Dương, các xã trong vùng Phân khu của tỉnh Tuyên Quang và các tỉnh trong khu vực phía đông bắc Việt Nam; tạo đà giành chính quyền cấp xã, cấp châu/huyện trong toàn khu vực, hình thành nên vùng giải phóng rộng lớn, căn cứ địa vững chắc - điều kiện quan trọng nhất và tiên quyết để Tân Trào (Tuyên Quang) trở thành Thủ đô khu giải phóng, với vai trò là vị trí trung tâm.
Trước tình hình mới, để có điều kiện thuận lợi chỉ đạo kịp thời phong trào cách mạng đang lên cao trong cả nước, Bác Hồ giao đồng chí Võ Nguyên Giáp “mở một con đường Nam tiến” phát triển phong trào cách mạng từ Pác Bó (Cao Bằng) về Chợ Chu (Thái Nguyên) và Tuyên Quang. Nhận thấy Tân Trào hội đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, ngày 04/5/1945, Bác Hồ rời Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) cùng Trung ương Đảng xây dựng trung tâm căn cứ địa cách mạng lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Ngày 21/5/1945, Bác Hồ đến Tân Trào. Bản làng nhỏ Kim Long (thôn Tân Lập ngày nay) với hơn chục nóc nhà sàn của đồng bào Tày, ẩn mình dưới chân dãy núi Hồng hùng vĩ, vinh dự đươc đón khách quý - cán bộ “Thượng cấp” (người dân quen gọi là Ông Ké) về ở và làm việc tại nhà ông Nguyễn Tiến Sự, Chủ nhiệm Việt Minh xã. Sau đó khoảng một tuần Bác chuyển ra ở và làm việc tại căn lán Nà Lừa - lán Nà Nưa. Tại căn lán nhỏ đơn sơ trong khu rừng Nà Lừa, với những nhận định đúng đắn, những quyết sách kịp thời, táo bạo về thời cơ cách mạng, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng đã chỉ đường cho toàn dân vươn tới một bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử vĩ đại - dân tộc Việt Nam chấm dứt những ngày tháng nô lệ, lầm than, bước sang kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Tại đây, thực hiện chỉ thị của Bác Hồ, ngày 04/6/1945, Tổng bộ Việt Minh triệu tập Hội nghị cán bộ quyết định chính thức thành lập Khu giải phóng (gồm 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang), lấy Tân Trào (Tuyên Quang) làm trung tâm Khu giải phóng - hình ảnh một nước Việt Nam mới cho thế trận tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Đình Tân Trào nơi họp Quốc dân Đại hội
Cuối tháng 7, đầu tháng 8 năm 1945, do điều kiện làm việc hết sức gian khổ và thiếu thốn, cộng với tình hình sức khỏe đã giảm sút nhiều trong thời gian bị giam cầm ở nhà tù đế quốc, Bác Hồ bị ốm nặng,... Một đêm, tỉnh lại sau cơn sốt, biết tin phát xít Đức đầu hàng Hồng quân Liên Xô, Bác Hồ nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Những lời dặn dò của Người, khẳng định quyết tâm và tấm lòng khao khát giành độc lập dân tộc khi thời cơ chín muồi. Đó là kết tinh ý chí của toàn Đảng và khát vọng độc lập tự do của cả dân tộc.
Ngày 13/8/1945, có tin Nhật đầu hàng Đồng minh, mặc dù còn yếu mệt, nhưng Bác Hồ đã chỉ thị “cần phải tranh thủ từng giây, từng phút, tình hình sẽ chuyển biến nhanh chóng, không thể để lỡ cơ hội” và triệu tập Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng (từ ngày 13 đến 15/8). Hội nghị quyết định phải kịp thời phát động và lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền, bảo đảm 3 nguyên tắc chỉ đạo là: Tập trung, thống nhất, kịp thời (tập trung mọi lực lượng vào nhiệm vụ giành độc lập, giành chính quyền; thống nhất về quân sự, chính trị, hành động và chỉ huy; kịp thời hành động không bỏ lỡ cơ hội) và thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, Bộ Tư lệnh giải phóng quân Việt Nam. 23 giờ ngày 13/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc ra bản Quân lệnh số 1, hạ lệnh tổng khởi nghĩa trong toàn quốc.
Theo sáng kiến của Bác Hồ (được hình thành từ Hội nghị Trung ương lần thứ 8 - tháng 5/1941: Phát động phong trào giải phóng dân tộc, thành lập Mặt trận Việt Minh để đánh đuổi Nhật - Pháp “lập nên một Chính phủ cách mạng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa theo tinh thần dân chủ, Chính phủ đó do Quốc dân Đại hội cử lên”). Ngày 16/8/1945, Quốc dân Đại hội Tân Trào được tổ chức tại đình Tân Trào. Đây là lần đầu tiên sau khi về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng, Bác Hồ ra mắt đại biểu cả nước với tên gọi Hồ Chí Minh. Đại hội đã nhiệt liệt tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng và Tổng bộ Việt Minh. Đại hội quyết định toàn dân đoàn kết đứng lên vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền; thông qua Mười chính sách lớn của Việt Minh; bầu Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch; thống nhất quy định Quốc hiệu, Quốc kỳ, Quốc ca của nước Việt Nam mới. Thay mặt Ủy ban dân tộc giải phóng Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi đồng bào toàn quốc trước giờ tổng khởi nghĩa: “Hỡi đồng bào yêu quý! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta... Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”.
Quốc dân Đại hội Tân Trào đã hoàn thành nhiệm vụ như một Quốc hội dân cử. Đại hội thể hiện sự đoàn kết nhất trí của toàn thể dân tộc Việt Nam trong Mặt trận Việt Minh, tin tưởng tuyệt đối sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh; biểu thị ý chí và quyết tâm đưa cuộc tổng khởi nghĩa đến thắng lợi hoàn toàn vào ngày 19/8/1945 để ngày 2/9/1945, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: “... Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Các nhà khoa học và nghiên cứu lịch sử đều thống nhất nhận định: Thủ đô khu giải phóng, mà Tân Trào là trung tâm đóng vai trò hết sức to lớn vào thành công của Cách mạng Tháng Tám, là trung tâm chỉ đạo Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi trong phạm vi cả nước.
Khái quát ý nghĩa thắng lợi lịch sử của Cách mạng Tháng Tám, Bác Hồ khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.
Bảy mươi sáu năm đã qua kể từ ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, không khí bừng bừng khí thế cách mạng trào dâng vẫn như vẹn nguyên mỗi khi mùa Thu tháng Tám tràn về Tân Trào. Bởi hơn ai hết trong mỗi chúng ta - những người con dân đất Việt đều thấm đậm tình cảm và thấu hiểu sâu sắc sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình, đúng đắn và công lao to lớn của Đảng, Bác Hồ với Cách mạng Tháng Tám. Công lao và giá trị tư tưởng đó luôn trường tồn cùng lịch sử dân tộc, sống mãi trong lòng nhân dân ta, đã, đang và sẽ là những chỉ đường dẫn lối quan trọng cho sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ta, đặc biệt là đối với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang.
Việt Thanh