Hoàn thiện thể chế, tinh gọn bộ máy
Xác định thể chế về thi hành án dân sự (THADS) là vấn đề quan trọng đảm bảo cho hoạt động này hiệu quả trên thực tiễn, thời gian qua thể chế về THADS tiếp tục được hoàn thiện. Nổi bật trong việc hoàn thiện thể chế từ đầu nhiệm kỳ đến nay là Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với Ban Nội chính Trung ương, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tham mưu, trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng kinh tế và tổ chức triển khai trong toàn hệ thống chính trị; tham mưu sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự tại Luật số 03/2022/QH15. Đến nay có tổng số 56 văn bản trong lĩnh vực THADS đang có hiệu lực pháp luật, gồm 03 Luật, 02 Nghị quyết, 05 Nghị định; 46 Quyết định, Thông tư, Thông tư liên tịch (trong đó có 21 Thông tư do Bộ Quốc phòng ban hành). Ngoài ra, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan tham mưu ban hành nhiều công văn chỉ đạo, hướng dẫn tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật THADS.
Để đáp ứng yêu cầu tinh gọn bộ máy, trên cơ sở đề nghị của Bộ Tư pháp, ngày 02/8/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 19/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định số 61/2014/QĐ-TTg ngày 30/10/2014 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu, tổ chức của Tổng cục THADS trực thuộc Bộ Tư pháp. Theo đó, đã sắp xếp lại tổ chức các đơn vị chuyên môn trực thuộc từ Tổng cục đến Cục THADS cấp tỉnh theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối; hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Cùng với hoàn thiện thể chế, công tác tổ chức bộ máy, đội ngũ công chức Hệ thống THADS thường xuyên được kiện toàn, củng cố, ngày càng hoạt động hiệu lực, hiệu quả, theo hướng chuyên nghiệp; vị thế, vai trò của các cơ quan THADS tiếp tục được nâng lên. Hiện, Tổng cục THADS có Tổng Cục trưởng và 04 Phó Tổng cục trưởng, các đơn vị thực thuộc Tổng cục THADS ở Trung ương (cơ quan Tổng cục) gồm 08 đơn vị (07 tổ chức hành chính và 01 đơn vị sự nghiệp).
Đến ngày 31/7/2023, toàn hệ thống THADS có 3.626 Chấp hành viên; 904 Thẩm tra viên; 1.602 Thư ký, còn lại chuyên viên và các ngạch công chức khác (gồm kế toán, cán sự, văn thư, thủ kho, thủ quỹ và các chức danh khác). Đội ngũ Chấp hành viên, công chức làm công tác THADS thường xuyên được bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như trong quản lý nhà nước để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường. Cùng đó, cơ sở vật chất của hệ thống THADS đã được quan tâm, đảm bảo mục tiêu trang bị một phần các trang thiết bị, phương tiện làm việc đặc thù, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của các cơ quan THADS.
Một trong những giải pháp được ngành Tư pháp quan tâm, chú trọng và đạt được nhiều kết quả tích cực là công tác phối hợp liên ngành. Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, trong công tác THADS tạo ra sự chuyển tích cực về nhận thức của cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể và công dân về công tác THADS. Công tác phối hợp giữa Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp với cấp ủy, chính quyền địa phương (từ công tác đánh giá quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, điều động, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và chính sách đối với cán bộ lãnh đạo cấp trưởng, cấp phó của cơ quan THADS; kiện toàn tổ chức bộ máy đội ngũ cán bộ chủ chốt của cơ quan THADS v.v) ngày càng nhuần nhuyễn và phát huy hiệu quả.
Công tác phối hợp giữa cơ quan THADS với chính quyền địa phương thể hiện rõ nét nhất qua vai trò của Ban Chỉ đạo THADS. Trong thực tiễn thi hành án nói chung và trong việc chỉ đạo thi hành án lớn, phức tạp nói riêng, vị trí, vai trò của Ban Chỉ đạo THADS đã và đang phát huy được tầm quan trọng, thể hiện sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, của các ngành, các cấp chính quyền địa phương.
Công tác phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân, Công an, phối hợp với các cơ quan, đơn vị khác có liên quan như Bảo hiểm xã hội, Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng đăng ký đất đai và một số cơ quan chuyên môn khác…cũng được tăng cường nhằm nâng cao hiệu quả công tác THADS, phát huy thế mạnh của các cơ quan trong hệ thống chính trị trong công tác THADS.
Kết quả thi hành án cao nhất từ trước đến nay
Từ năm 2021 đến nay, Hệ thống THADS trong toàn quốc đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, đề ra những giải pháp nhằm giải quyết, đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản thu hồi tiền cho Nhà nước trong các vụ việc phức tạp, kéo dài, xử lý thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế và án tín dụng, ngân hàng, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Công tác phối hợp liên ngành tiếp tục được thực hiện kịp thời, chặt chẽ, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thi hành án. Nhờ đó, kết quả THADS từ đầu nhiệm kỳ đến nay liên tục tăng và năm 2023 đạt mức cao nhất từ trước đến nay, nhất là thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, cụ thể:
Năm 2023, các cơ quan THADS đã thi hành xong 575.667 việc, tăng 36.377 việc (tăng 6,75%) so với cùng kỳ năm 2022; đạt tỉ lệ 83,24% (tăng 0,74%) so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn 0,74% so với chỉ tiêu được giao. Về tiền: Đã thi hành xong hơn 89.505 tỷ đồng, tăng 14.264 tỷ đồng (tăng 18,96%) so với cùng kỳ năm 2022; đạt tỉ lệ 46,44% (tăng 1,03%) so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn 0,94% so với chỉ tiêu được giao.
Tính riêng kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đã thi hành xong 2.264 việc, tăng 369 việc (tăng 19,47%) so với cùng kỳ năm 2022; đạt tỉ lệ 67,10% (giảm 2,08%) so với cùng kỳ năm 2022. Về tiền đã thi hành xong hơn 20.405 tỷ đồng, tăng 4.415 tỷ đồng (tăng 27,62%) so với cùng kỳ năm 2022; đạt tỉ lệ 41,11% (tăng 4,43%) so với cùng kỳ năm 2022.
Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các cơ quan THADS đã thi hành xong 1.609.462 việc, với trên 211.073 tỷ đồng. Kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế: Đã thi hành xong hơn 6.856 việc, với hơn 40.488 tỷ đồng. Năm 2023, một số địa phương đạt kết quả THADS cao về việc và tiền lớn như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Long An...
Năm 2023, các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước phải thi hành là 1.375 bản án, quyết định (số lượng kỳ trước chuyển sang là 563), tăng 453 bản án, quyết định so với năm 2022; các cơ quan thi hành án đã thi hành xong 582 bản án, quyết định (tăng tới 32% so với năm 2022). Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước phải thi hành 3.311 bản án, quyết định về vụ án hành chính; kết quả, đã thi hành xong 1.456 bản án.
Tập trung chỉ đạo xử lý các vụ việc trọng điểm
Bộ Tư pháp cho biết, năm 2024, các cơ quan THADS sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Quyết định số 17/QĐ-TTg ngày 13/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác THADS đối với các bản án, quyết định kinh doanh, thương mại giai đoạn 2023-2028”. Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS được Quốc hội, Chính phủ giao. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý dứt điểm các việc có điều kiện thi hành án, nhất là các vụ việc trọng điểm, các vụ việc phức tạp, kéo dài, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng; thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Tham mưu giúp Chính phủ thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về THAHC.
Đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về THADS, THAHC, trong đó có tổng kết thi hành Luật THADS, xây dựng Luật THADS sửa đổi. Tiếp tục tham mưu thực hiện tốt công tác theo dõi, quản lý công tác THAHC và chấp hành pháp luật tố tụng hành chính, bảo đảm thực hiện đúng và đầy đủ chức trách nhiệm vụ của Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS và các cơ quan THADS đối với công tác này.
Trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án biên chế tổng thể Hệ thống tổ chức THADS giai đoạn 2023-2026. Tập trung sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan THADS; tổ chức rà soát, chuẩn bị điều kiện cần thiết để thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và việc sắp xếp của TAND cấp huyện theo Đề án của TANDTC được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tổ chức sắp xếp, tuyển dụng, bố trí, sử dụng công chức trên cơ sở sắp xếp về cơ cấu tổ chức, vị trí việc làm và biên chế gắn với củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ Chấp hành viên, công chức làm công tác THADS theo quy định.
Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về THADS, THAHC; Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành từ trung ương đến địa phương bảo đảm xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác THADS, THAHC..
Theo báo pháp luật việt nam