Sign In

Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự

17/01/2024

Thời gian qua, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt đối với công tác thi hành án dân sự (THADS), xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Ngành. Nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn thiếu sót, vi phạm phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành án, Bộ Tư pháp thường xuyên chỉ đạo toàn Hệ thống THADS chú trọng công tác tự kiểm tra, kiểm tra, thanh tra và triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa vi phạm, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác THADS.
Trong đó, xác định trọng tâm kiểm tra, thanh tra những lĩnh vực dễ sai phạm, tham nhũng, tiêu cực, cụ thể: đưa tài sản thi hành án ra bán đấu giá; quản lý thu, chi tiền thi hành án; quản lý biên lai, vật chứng; tập trung giải quyết dứt điểm những vụ việc THADS có điều kiện trên 01 năm chưa thi hành xong; tăng cường công tác kiểm tra thực hiện kết luận kiểm tra, thanh tra; tổng hợp các dạng vi phạm, tổ chức rút kinh nghiệm thường xuyên trong toàn Hệ thống bằng nhiều hình thức.
Tuy nhiên, so với yêu cầu, công tác THADS ở một số cơ quan THADS vẫn còn hạn chế, yếu kém. Qua kiểm tra thanh tra, kiểm tra, kiểm sát tại một số cơ quan THADS cho thấy nhiều nơi còn để xảy ra vi phạm, công chức bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có nguyên nhân là do công tác quản lý, điều hành; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; công tác tự kiểm tra, kiểm tra của nhiều cơ quan THADS chưa đáp ứng yêu cầu: việc tự kiểm tra còn hình thức; nhiều cuộc kiểm tra của cấp trên với cấp dưới chưa kịp thời phát hiện vi phạm; kết luận kiểm tra chưa đánh giá đầy đủ về mức độ vi phạm để kiến nghị xem xét, xử lý; việc xử lý trách nhiệm chưa được thực hiện nghiêm, kịp thời. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác THADS, ngày 11/01/2024 Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp ban hành Văn bản 693-CV/BCSĐ yêu cầu Tổng cục Thi hành án dân sự và Cục THADS tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
1. Tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm trong toàn Hệ thống THADS về những tồn tại, hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra trong các kết luận kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ủy ban Kiểm tra cấp tỉnh, kết luận kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân, kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ, kết luận kiểm tra của Tổng cục THADS, Cục THADS. Cấp ủy, Thủ trưởng các đơn vị từ Tổng cục THADS, Cục THADS, Chi cục THADS tiếp tục thực hiện hiệu quả các văn bản, Nghị quyết, Chương trình hành động của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp, Nghị quyết của Đảng ủy Tổng cục THADS, trong đó triển khai thực hiện nghiêm Chương trình hành động số 87-CTr/BCSĐ ngày 28/6/2023 của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong THADS giai đoạn 2023-2026.
Thường xuyên quán triệt nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, công tác tự kiểm tra, kiểm tra trong cấp ủy, Lãnh đạo cơ quan, đơn vị để đánh giá, giám sát kết quả thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ. Chú trọng bố trí lực lượng làm công tác kiểm tra có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức, trách nhiệm, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác kiểm tra.
2. Tổng cục THADS tăng cường công tác kiểm tra đối với công tác THADS, THAHC theo hướng sâu sát, chất lượng, hiệu quả, đúng quy định; rà soát các quy trình, quy chế nội bộ, quy chế kiểm tra, chủ động sửa đổi, bổ sung đảm bảo tính khả thi, đồng bộ; chỉ đạo xây dựng, tổ chức thực hiện Kế hoạch kiểm tra hàng năm trong Hệ thống THADS có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng tự kiểm tra, kiểm tra đột xuất, kiểm tra công vụ; kiểm tra công tác tổ chức cán bộ, công tác tài chính; kiểm tra địa bàn, lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực; tăng cường kiểm tra công tác phân loại án, công tác đưa tài sản thi hành án ra định giá, bán đấu giá, việc tổ chức thi hành các vụ việc liên quan đến thu hồi tài sản cho Nhà nước trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, nhất là các vụ việc do Ban chỉ đạo Trung ương và địa phương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi. Xử lý nghiêm các vi phạm, trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì chuyển cơ quan điều tra để xử lý.
Chủ động thực hiện kiểm tra đối với Cục THADS cấp tỉnh; có biện pháp chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm người đứng đầu Cục THADS thực hiện không hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương, đơn vị mình phụ trách, công tác kiểm tra, tự kiểm tra; chỉ đạo, yêu cầu các Cục THADS thực hiện biện pháp khắc phục vi phạm, xử lý nghiêm các trường hợp phát hiện sau kiểm tra.
3. Tổng cục THADS chỉ đạo các Cơ quan THADS tổ chức kiểm tra toàn diện các mặt công tác giai đoạn từ năm 2016 đến ngày 30/9/2023, gửi về Tổng cục THADS trước ngày 30/3/2024 để tổng hợp báo cáo Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp. Việc thực hiện tự kiểm tra phải Kết luận theo đúng mẫu của Quy chế kiểm tra trong THADS ban hành kèm theo Quyết định số 196/QĐ-TCTHADS ngày 03/3/2021 của Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS. Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS, Cục trưởng Cục THADS chịu trách nhiệm trước Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ, trước pháp luật về kết quả kiểm tra của các cơ quan, đơn vị quản lý theo thẩm quyền. Trường hợp qua kiểm tra, kết luận không phát hiện sai phạm mà các đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm sát kiểm tra lại phát hiện sai phạm thì sẽ xem xét trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị. Trên cơ sở báo cáo tổng hợp của Tổng cục THADS, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp sẽ chỉ đạo thành lập các đoàn kiểm tra kết quả tự kiểm tra của địa phương./.
Lê Anh


Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp

Các tin đã đưa ngày: