Thực hiện quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Luật số 63/2020/QH14 ngày 18/6/2020 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Quyết định số 655/QĐ-BTP ngày 14/4/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc Phê duyệt Chương trình xây dựng văn bản, đề án thuộc thẩm quyền ban hành hoặc liên tịch ban hành của Bộ trưởng Bộ Tư pháp năm 2022, trong đó giao Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) xây dựng Thông tư thay thế Thông tư số 06/2019/TT-BTP ngày 21/11/2019 của Bộ Tư pháp quy định Chế độ báo cáo thống kê THADS, theo dõi Thi hành án hành chính (THAHC) (sau đây gọi tắt là Thông tư số 06) với các nội dung cơ bản sau:
I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG THÔNG TƯ
Thống kê THADS giúp các cơ quan có thẩm quyền kịp thời nắm bắt thông tin, tình huống phát sinh trong THADS, theo dõi THAHC, từ đó đưa ra những quyết định quản lý, điều hành phù hợp. Trong nhiều năm qua, Bộ Tư pháp đã ban hành nhiều văn bản nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động thống kê và chỉ đạo hoạt động thống kê THADS
[1]. Do đó, công tác thống kê THADS ngày càng nề nếp, phản ánh cơ bản kịp thời, chính xác, đầy đủ, toàn diện kết quả công tác THADS, theo dõi THAHC. Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện, Chế độ báo cáo thống kê THADS hiện hành tiếp tục bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập trước những yêu cầu thay đổi về thể chế và thực tiễn THADS như: Một số chỉ tiêu, biểu mẫu bộc lộ hạn chế, không còn cần thiết; một số khái niệm, phân tổ không còn phù hợp với tình hình mới; một số vấn đề mới phát sinh mang tính thời sự như: phản ánh việc thi hành liên quan đến các khoản thu trong các bản án, quyết định về thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; bồi thường nhà nước, theo dõi THAHC... chưa kịp thời, gây khó khăn cho các cơ quan THADS trong tổ chức thực hiện.
Do đó, xây dựng và ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 06/2019/TT-BTP quy định Chế độ báo cáo thống kê THADS, theo dõi THAHC ngày 21/11/2019 để phù hợp với quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS, Luật Thống kê sửa đổi, Nghị định số 98/2022/NĐ-CP ngày 29/11/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp... và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn là cần thiết.
1. Căn cứ chính trị, pháp lý
Ngày 12/11/2021, Quốc hội thông qua Luật số 01/2021/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều và phụ lục danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê số 89/2015/QH13; ngày 07/11/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94/2022/NĐ-CP quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã bổ sung
kết quả THAHC là chỉ tiêu thống kê quốc gia.
Ngày 11/01/2022, Quốc Hội thông qua Luật số 03/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung 09 luật, trong đó có Luật THADS đã quy định việc ủy thác xử lý tài sản trong THADS, cần được xây dựng chỉ tiêu thống kê để quản lý.
Ngày 29/11/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 98/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp làm thay đổi căn cứ ban hành Thông tư số 06/2019/TT-BTP, đồng thời làm thay đổi một số nội dung liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp trong THAHC (Điều 14). Bên cạnh đó, Quốc hội, Chính phủ cũng có nhiều văn bản kiến nghị, chỉ đạo Bộ Tư pháp thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến quản lý nhà nước về công tác THAHC và chấp hành pháp luật TTHC của UBND và Chủ tịch UBND
[2].
2. Căn cứ thực tiễn
Quá trình thực hiện Thông tư số 06/2019/TT-BTP cho thấy, một số nội dung của Thông tư phát sinh những khó khăn, bất cập làm hạn chế hiệu quả công tác thống kê THADS, cụ thể:
- Nội dung chỉ tiêu thống kê chưa phản ánh đúng thực tiễn THADS, theo dõi THAHC (chỉ tiêu có điều kiện, chưa có điều kiện); chưa có các chỉ tiêu để quản lý đầy đủ tình hình theo dõi THAHC và các chỉ tiêu liên quan đến thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, công tác kiểm tra, áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế THADS; một số chỉ tiêu phân tích chi tiết không còn phù hợp, làm phát sinh công việc cho người thực hiện.
- Hệ thống biểu mẫu báo cáo thống kê chưa khoa học, chưa đáp ứng được yêu cầu của tin học hóa, gây khó khăn trong quá trình chuyển đổi số.
II. MỤC ĐÍCH, QUAN ĐIỂM SỬA ĐỔI THÔNG TƯ
1. Mục đích
Việc sửa đổi Thông tư quy định Chế độ báo cáo thống kê THADS, THAHC nhằm thực hiện Luật sửa đổi Luật thống kê năm 2021, Luật sửa đổi, bổ sung Luật THADS năm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành, tiếp tục hoàn thiện thể chế về THADS, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động thống kê, giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về THADS, THAHC.
2. Quan điểm chỉ đạo
- Đảm bảo khoa học, phản ánh đầy đủ, chính xác, toàn diện kết quả THADS, THAHC;
- Đảm bảo phục vụ tốt các yêu cầu quản lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động THADS, THAHC và đáp ứng các yêu cầu của chuyển đổi số trong tình hình mới.
III. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG DỰ THẢO THÔNG TƯ
- Chỉ đạo các cơ quan THADS địa phương rà soát, đánh giá về những khó khăn, vướng mắc và thuận lợi trong việc áp dụng Thông tư 06/2019/TT-BTP
[3]; xây dựng báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ về việc nghiên cứu, sửa đổi Thông tư đảm bảo phù hợp thực tiễn và yêu cầu quản lý, điều hành công tác THADS, THAHC trong tình hình mới và đã được Bộ trưởng cho ý kiến
“nhất trí với ý kiến của Thứ trưởng phụ trách về việc nghiên cứu, định hướng để sửa đổi toàn diện Thông tư 06/2019/TT-BTP”
Phối hợp với Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch & Đầu tư rà soát, bổ sung kết quả THAHC vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê năm 2021; Phối hợp với Cục Kế hoạch - Tài chính của Bộ đề xuất sửa đổi Nghị định 60/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ quy định chi tiết nội dung Chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia; phối hợp với Vụ Pháp luật hình sự - hành chính đề xuất sửa đổi Nghị định số 97/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia. Tham mưu cho Lãnh đạo Bộ ban hành Quyết định số 752/QĐ-BTP ngày 05/5/2022 thành lập Tổ soạn thảo Thông tư và ban hành Kế hoạch số 1644/KH-TST soạn thảo Thông tư thay thế Thông tư số 06/2019/TT-BTP quy định Chế độ báo cáo thống kê THADS, theo dõi THAHC.
- Đăng tải lấy ý kiến của các Bộ, ban, ngành, các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng, các đơn vị thuộc Tổng cục THADS, các Cục THADS địa phương (đăng tải từ 07/11/2022 đến hết 07/01/2023) theo quy định; xin ý kiến thẩm định về chuyên môn của Tổng cục Thống kê – Bộ Kế hoạch và đầu tư; xin ý kiến thành viên Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp; xin ý kiến thẩm định của Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Báo cáo thẩm định số 42/BC-VĐCXDPL ngày 23/8/2023). Sau khi tiếp thu ý kiến thẩm định, ngày 19/9/2023, Tổng cục THADS tiếp tục có Công văn số 3473/TCTHADS-TKDLCN gửi Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật về việc đề nghị thẩm tra . Ngày 30/10/2023, Tổng cục THADSTHADS nhận được Công văn số 984/KTrVB-NC ngày 26/10/2023 của Cục Kiểm tra văn bản QPPL và Cục Kiểm tra văn bản QPPL tiếp tục có ý kiến tại phiếu trình ngày 26/12/2023.
Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, Tổng cục THADS nghiên cứu tiếp thu, giải trình, chỉnh sửa kỹ thuật, rà soát, hoàn thiện ; xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý và Hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền thẩm định trước khi trình Bộ trưởng ký ban hành.
Ngày 10/6/2024, Thông tư đã được Lãnh đạo Bộ Tư pháp ký ban hành (Thông tư số 05/2024/TT-BTP quy định Chế độ báo cáo thống kê THADS, theo dõi THAHC).
IV. BỐ CỤC, NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA DỰ THẢO THÔNG TƯ
Thông tư được xây dựng gồm 3 phần: (i) Phần quy định; (ii) Hệ thống biểu mẫu thống kê; (iii) giải thích biểu mẫu và hướng dẫn cách tính, ghi chép chỉ tiêu THADS, theo dõi THAHC, cụ thể:
1. Phần quy định
Phần quy định gồm 3 chương, 17 điều, trong đó:
- Chương 1: Quy định chung, bao gồm 7 điều, quy định về: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng (Điều 1); Hệ thống biểu mẫu thống kê (Điều 2); Cơ quan, cá nhân thực hiện biểu mẫu thống kê và trách nhiệm thực hiện biểu mẫu thống kê (Điều 3); Cơ quan nhận báo cáo thống kê (Điều 4); Kỳ báo cáo thống kê (Điều 5); Giá trị pháp lý của số liệu thống kê (Điều 6); Phương pháp tính trong báo cáo thống kê (Điều 7).
- Chương 2: Trình tự thực hiện Chế độ báo cáo thống kê THADS, gồm 7 điều quy định về: Lập báo cáo thống kê (Điều 8); Hình thức báo cáo và phương thức gửi báo cáo thống kê (Điều 9); Trình tự, thời hạn gửi báo cáo thống kê (Điều 10); Chỉnh sửa số liệu báo cáo thống kê (Điều 11); Kiểm tra, thẩm tra thống kê (Điều 12); Thẩm quyền công bố và phổ biến thông tin thống kê (Điều 13); Sử dụng số liệu, thông tin trong báo cáo thống kê (Điều 14).
- Chương 3: Tổ chức thực hiện gồm 3 điều, quy định về: Trách nhiệm thực hiện Chế độ báo cáo thống kê (Điều 15); Khen thưởng và xử lý vi phạm (Điều 16); Hiệu lực thi hành (Điều 17).
2. Hệ thống biểu mẫu thống kê
Hệ thống biểu mẫu thống kê THADS, THAHC bao gồm 12 biểu:
1. Kết quả thi hành án dân sự tính bằng việc.
2. Kết quả thi hành án dân sự tính bằng tiền.
3. Kết quả thi hành các khoản thu cho ngân sách Nhà nước.
4. Kết quả thi hành án dân sự tính bằng việc chia theo cơ quan thi hành án dân sự và Chấp hành viên.
5. Kết quả thi hành án dân sự tính bằng tiền chia theo cơ quan thi hành án dân sự và Chấp hành viên.
6. Kết quả đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự.
7. Áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế trong thi hành án dân sự.
8. Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về thi hành án dân sự.
9. Kết quả tiếp công dân trong thi hành án dân sự.
10. Kết quả giám sát, kiểm sát, kiểm tra thi hành án dân sự.
11. Kết quả bồi thường Nhà nước trong thi hành án dân sự.
12.
Kết quả theo dõi thi hành án hành chính.
3. Giải thích biểu mẫu
Bao gồm 12 bản giải thích được ban hành kèm theo mỗi biểu mẫu thống kê cụ thể, có 5 mục: Nội dung (Mục 1); giải thích một số chỉ tiêu (Mục 2); đơn vị tính (Mục 3); nguồn số liệu thống kê (Mục 4); phương pháp tính toán trong biểu mẫu và cách ghi biểu mẫu (Mục 5).
V. VỀ CHI PHÍ TUÂN THỦ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH; LỒNG GHÉP VẤN ĐỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI, NGUỒN TÀI CHÍNH, NHÂN LỰC ĐỂ THỰC HIỆN THÔNG TƯ
- Thông tư không quy định về thủ tục hành chính hoặc làm phát sinh thủ tục hành chính theo Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07/8/2017) của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính và Thông tư số 03/2022/TT-BTP ngày 10/02/2022 của Bộ Tư pháp hướng dẫn đánh giá tác động của thủ tục hành chính trong lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và soạn thảo dự án, sự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
- Các quy định của Thông tư không làm phát sinh nguy cơ bất bình đẳng giới. Việc tổ chức thực hiện Thông tư dựa trên cơ sở bộ máy tổ chức, nhân lực, tài chính sẵn có đang được thực hiện trong thực tiễn, nên không làm phát sinh thêm bộ máy, tổ chức, nhân lực và tài chính.
Theo: https://thads.moj.gov.vn/noidung/tintuc/Lists/VanBanChinhSachMoi/View_Detail.aspx?ItemID=3547