Theo báo cáo của Cục Thi hành án dân sự tỉnh, tổng số việc phải thụ lý trong 6 tháng công tác (từ tháng 10-2016 đến hết tháng 3-2017) là 3.706 việc, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, năm trước chuyển sang 1.425 việc, thụ lý mới 2.281 việc, đã ủy thác thi hành 34 việc, thi hành xong trên 1.900 việc, đạt tỷ lệ 75% trên số có điều kiện thi hành (vượt 2% so với chỉ tiêu năm 2017). Kết quả thi hành án về tiền được hơn 9,6 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 14% trên số có điều kiện thi hành (bằng 43% kế hoạch năm 2017). Bên cạnh những kết quả đạt được thì còn rất nhiều khó khăn trong công tác thi hành án dân sự; án tín dụng ngân hàng với số việc rất ít nhưng số tiền cao.
Đồng chí Nguyễn Tuyên, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả thi hành án về tiền chưa cao, trong đó phần lớn do khách quan. Nhiều tài sản kê biên nhưng vẫn chưa bán đấu giá được. Khi giải quyết các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng có giá trị phải thi hành lớn, nhưng khi cơ quan thi hành án dân sự tiến hành kê biên tài sản cầm cố, thế chấp để đưa ra thẩm định giá thì giá trị tài sản rất thấp so với lúc cho vay, chưa tính quá trình bán đấu giá còn phải giảm nhiều lần. Ví dụ như vụ Nguyễn Tiến Đức ở Hải Phòng, tài sản ở huyện Hàm Yên phải thi hành án về tiền là 9 tỷ đồng, nhưng cơ quan thi hành án xác minh chỉ 4 tỷ đồng, đã tổ chức bán đấu giá hàng chục phiên, giá trị tài sản xuống đến 2 tỷ đồng vẫn không bán được.
Cán bộ công an, kiểm sát, thi hành án dân sự tỉnh trao đổi công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ.
Với chủ trương “hướng về cơ sở”, lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã chỉ đạo các chấp hành viên của Cục tăng cường bám sát địa bàn để cùng các chi cục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là đối với những đơn vị kết quả còn đạt thấp. Những vụ việc có tính chất phức tạp, Cục Thi hành án dân sự tỉnh trực tiếp tham gia cùng các chi cục thực hiện cưỡng chế, đảm bảo không để xảy ra sai sót. Khi có ý kiến kiến nghị của công dân liên quan đến hoạt động thi hành án, Cục sẽ giải thích kịp thời theo các quy định của pháp luật. Cục phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh kịp thời xử lý những vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án và bàn biện pháp giải quyết các vụ việc thi hành án dân sự có khó khăn, phức tạp như: Phối hợp lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm các khoản phải thi hành nộp ngân sách Nhà nước theo quy định pháp luật; phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh kịp thời sửa chữa, bổ sung, giải thích bản án, quyết định và trả lời kiến nghị theo yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự; hướng dẫn và tạo điều kiện cho bị cáo hoặc gia đình bị cáo đến cơ quan thi hành án dân sự tự nguyện nộp tiền, tài sản, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra…
Năm 2017, Cục Thi hành án dân sự tỉnh đặt mục tiêu thi hành xong 73% vụ việc, 32% về tiền. Để đạt được mục tiêu đề ra, thời gian tới, Cục Thi hành án dân sự tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác tổ chức thi hành án, nhất là những vụ việc có số tiền phải thi hành án lớn liên quan đến tổ chức tín dụng ngân hàng; đồng thời giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đúng thời hạn, đúng quy trình, thủ tục theo quy định. Bên cạnh đó, nhằm thực hiện nghiêm nhiệm vụ quản lý Nhà nước về thi hành án hành chính và theo dõi án hành chính, Cục Thi hành án dân sự tỉnh thực hiện nghiêm kỷ luật, chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực nghề nghiệp cán bộ ngành tư pháp; phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với các cơ quan chức năng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong công tác thi hành án dân sự.
Theo Báo Tuyên Quang điện tử