Trong thời gian qua, công tác thi hành án dân sự đã có chuyển biến tích cực, tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng. Công tác xây dựng thể chế, tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc ngày càng được quan tâm; kết quả công tác năm sau cao hơn năm trước, cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ do Quốc hội, Chính phủ giao, góp phần vào sự phát triển kinh tế và đảm bảo trật tự an toàn xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thi hành án dân sự vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định: Số lượng việc và tiền chuyển kỳ sau còn lớn; một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm; tình trạng công chức vi phạm pháp luật, đương sự chống đối việc thi hành án vẫn còn xảy ra.
Để phát huy kết quả đã đạt được, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong công tác thi hành án dân sự, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, ngày 16/2/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị tăng cường công tác THADS. Theo đó Chỉ thị giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị, cụ thể như sau:
Đối với Bộ Tư pháp: Cần xác định rõ định hướng phát triển hoạt động thi hành án dân sự phải gắn liền với yêu cầu xây dựng nền tư pháp nhân dân trong sạch vững mạnh, phù hợp với quan điểm của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 về xây dựng Chính phủ “kiến tạo, phát triển, liêm chính và phục vụ nhân dân”. Hệ thống thi hành án dân sự cần quyết liệt đổi mới, trong đó, đặc biệt quan tâm đến những đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém. Thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chấp hành viên đảm bảo phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy cho người dân và doanh nghiệp.
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về thi hành án dân sự.
Thực hiện tốt phương châm “hướng về cơ sở”; kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành, đặc biệt là các vụ việc trọng điểm, giá trị lớn, phức tạp; các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng và các vụ án về tham nhũng; chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế giao tài sản cho người mua trúng đấu giá.
Tăng cường công tác kiểm tra theo thẩm quyền, kịp thời phát hiện, khắc phục và hạn chế đến mức thấp nhất các vi phạm, nhất là vi phạm trong kê biên, xử lý tài sản để thi hành án. Xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực, tham nhũng, vi phạm pháp luật. Nâng cao hiệu quả, chất lượng, kỹ năng dân vận trong công tác thi hành án và tiếp công dân; đẩy nhanh tiến độ, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo bức xúc, kéo dài.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phối hợp liên ngành, đặc biệt là phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong hoạt động thi hành án dân sự; kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Tập trung triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo điều hành và tổ chức thi hành án, coi đây là giải pháp đột phá trong công tác thi hành án dân sự. Xây dựng cơ sở dữ liệu, đầu tư hạ tầng kỹ thuật về công nghệ thông tin trong toàn Hệ thống; thực hiện công khai kịp thời, đầy đủ thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành. Đẩy mạnh cải cách hành chính, triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến, cơ chế một cửa trong thi hành án dân sự.
Đối với Bộ Quốc phòng: Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành và nâng cao chất lượng, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ làm công tác thi hành án dân sự trong Quân đội; nâng cao ý thức, trách nhiệm, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, không để xảy ra vi phạm, thiếu sót; giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo. Tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra; đảm bảo việc tổ chức thi hành án đúng trình tự, thủ tục luật định.
Chỉ đạo liên ngành tư pháp trong Quân đội phối hợp thực hiện có hiệu quả công tác thi hành án dân sự.
Đối với Bộ Công an: Chỉ đạo cơ quan điều tra Công an các cấp kịp thời xác minh, truy tìm tài sản, áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại tài sản của bị can và các đối tượng có liên quan trong các vụ án tham nhũng để đảm bảo tổ chức thi hành án có hiệu quả.
Chỉ đạo cơ quan Công an các cấp phối hợp chặt chẽ với cơ quan thi hành án dân sự tổ chức bảo vệ an ninh, trật tự, đảm bảo cưỡng chế thi hành án hiệu quả, kịp thời chấn chỉnh các cơ quan công an thiếu tinh thần phối hợp; kiên quyết xử lý hình sự đối với những trường hợp cản trở, chống đối việc thi hành án, cố ý chây ỳ, không chấp hành án theo quy định của pháp luật; chuyển giao vật chứng, tài sản, giấy tờ tạm giữ cho cơ quan thi hành án dân sự đúng thời hạn.
Chỉ đạo trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự thực hiện tốt việc thông báo, giao trả giấy tờ, tài sản, xử lý tiền, tài sản thi hành án tồn đọng; thu tiền, tài sản đối với các đương sự đang chấp hành hình phạt tù liên quan đến thi hành án dân sự.
Đối với Bộ Tài chính: Bảo đảm kinh phí cho hoạt động thi hành án dân sự theo quy định, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ: Tổ chức xác minh, cưỡng chế xử lý tài sản; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ; ứng dụng công nghệ thông tin; công tác bồi thường và bảo đảm tài chính trong thi hành án dân sự.
Bảo đảm nguồn vốn đầu tư trang thiết bị, phương tiện làm việc cho các cơ quan thi hành án dân sự theo Quyết định số 77/QĐ-TTg ngày 11 tháng 01 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư trang thiết bị, phương tiện làm việc cho các cơ quan thi hành án dân sự giai đoạn 2016 - 2020”.
Chỉ đạo việc tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức thẩm định giá tài sản để thi hành án, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có vi phạm.
Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Thẩm định, trình cấp có thẩm quyền bố trí đủ nguồn vốn đầu tư công phù hợp với khả năng cân đối vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước trung hạn, hàng năm để đáp ứng nhu cầu về cơ sở vật chất, đặc biệt là trụ sở, kho vật chứng cho các cơ quan thi hành án dân sự theo các mục tiêu của Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Nghị quyết số 111/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2016 và các năm tiếp theo đã đề ra.
Đối với Bộ Nội vụ: Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp hoàn thiện các quy định pháp luật về công tác tổ chức cán bộ trong Hệ thống thi hành án dân sự; bố trí, sử dụng có hiệu quả biên chế được giao; đảm bảo biên chế hiện có nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc xây dựng và triển khai chương trình đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ thi hành án dân sự.
Phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan trong việc bố trí kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ công chức, viên chức làm công tác thi hành án dân sự theo thẩm quyền.
Đối với Bộ Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo các cơ quan báo chí, phương tiện thông tin đại chúng thực hiện việc đưa tin, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, pháp luật về khiếu nại, tố cáo và pháp luật liên quan; phản ánh kịp thời, chính xác, trung thực, khách quan về hoạt động thi hành án dân sự, đặc biệt là đối với những vụ việc phức tạp, được xã hội quan tâm.
Đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện chặt chẽ khâu thẩm định tài sản bảo đảm để cho vay; phối hợp hiệu quả với các cơ quan thi hành án dân sự trong tổ chức thi hành các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng; nghiên cứu cơ chế để tổ chức tín dụng được nhận tài sản đã bán đấu giá nhiều lần nhưng không có người mua; kịp thời cung cấp thông tin về tài khoản, nghiêm túc thực hiện các quyết định về phong tỏa, khấu trừ tiền trong tài khoản theo quy định của pháp luật; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Đối với Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp tỉnh: Tiếp tục tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng để thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ trong việc chỉ đạo công tác thi hành án dân sự tại địa phương.
Phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, kịp thời chỉ đạo Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp huyện và các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện tốt công tác phối hợp, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong việc phối hợp cũng như trong hoạt động tổ chức thi hành án trên địa bàn. Tập trung chỉ đạo việc phối hợp tổ chức cưỡng chế thi hành án, đặc biệt là cưỡng chế giao tài sản đã bán đấu giá thành cho người mua, người nhận tài sản để thi hành án; giải quyết dứt điểm các vụ việc trọng điểm, giá trị lớn, phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, các vụ án về tham nhũng và các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng; xử lý nghiêm các trường hợp chây ỳ, trốn tránh, cố ý không chấp hành án.
Chỉ đạo Sở Tài chính, Sở Tư pháp tăng cường thanh tra, kiểm tra các tổ chức thẩm định giá, tổ chức bán đấu giá tài sản liên quan đến thi hành án; phối hợp chặt chẽ với cơ quan thi hành án dân sự kịp thời xử lý các tài sản tịch thu sung công theo quy định của pháp luật.
Chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường thanh tra, kiểm tra và có biện pháp ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, đặc biệt là các trường hợp tẩu tán tài sản nhằm trốn tránh việc thi hành án; chỉ đạo Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất kịp thời cung cấp thông tin, thu hồi, hủy bỏ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất liên quan đến việc thi hành án dân sự. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Căn cứ điều kiện ngân sách của địa phương, quyết định mức hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn.
Đề nghị Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình quan tâm, giám sát, kiểm tra, tạo điều kiện để việc thực hiện các nội dung của Chỉ thị đạt hiệu quả cao.
Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao: Phối hợp với Bộ Tư pháp và Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoàn thiện thể chế, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thi hành án dân sự.
Chỉ đạo Tòa án nhân dân các cấp kịp thời áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong quá trình giải quyết vụ án; chuyển giao bản án, quyết định cho cơ quan thi hành án dân sự theo quy định; nhanh chóng giải quyết đối với các tranh chấp, yêu cầu về xác định phần sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong tài sản chung của hộ gia đình; giải quyết đúng thời hạn đối với các kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự; kịp thời giải thích bản án, quyết định tuyên không rõ, đảm bảo tính khả thi; xem xét giải quyết tổng thể kết quả của việc thi hành án trong quá trình xem xét lại bản án, quyết định đã thi hành.
Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao: Tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát; phối hợp với Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao hoàn thiện thể chế, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thi hành án dân sự.
Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và Viện kiểm sát nhân dân các cấp kịp thời phối hợp giải quyết đối với các đề nghị, kiến nghị của Bộ Tư pháp và các cơ quan thi hành án dân sự. Quan tâm kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các đối tượng là tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình tổ chức thi hành án, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự./.
Hà nguyên- Cục THADS tỉnh Vĩnh Phúc