Sign In

Thi hành án dân sự: Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp ngay từ đầu năm

01/12/2023

(Chinhphu.vn) - Sáng 01/12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác thi hành án dân sự (THADS), thi hành án hành chính (THAHC) năm 2024. Bộ trưởng Lê Thành Long, Thứ trưởng Mai Lương Khôi và Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Quang Thái chủ trì Hội nghị.

 
01/12/2023   13:55
Thi hành án dân sự: Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp ngay từ đầu năm- Ảnh 1.

Công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế tiếp tục được tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, đạt nhiều kết quả tích cực - Ảnh: VGP/LS

Thu hồi hơn 20 nghìn tỷ trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế

Báo cáo kết quả công tác THADS, theo dõi THAHC năm 2023, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Thắng Lợi cho biết, với sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, sự nỗ lực, quyết tâm của toàn Hệ thống THADS, công tác THADS về cơ bản đã đạt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Cụ thể, các cơ quan THADS đã thi hành xong 574.819 việc, đạt tỷ lệ 83.25% (tăng 0.75% so với năm 2022). Về tiền, đã thi hành xong 89.412 tỷ 138 triệu 998 nghìn đồng, đạt tỷ lệ 46,78% (tăng 1,24% so với năm 2022).

Công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế tiếp tục được tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, đạt nhiều kết quả tích cực, được các cơ quan có thẩm quyền đánh giá, ghi nhận, cụ thể, đã thi hành xong 2.264 việc tương ứng với 20.405 tỷ 278 triệu 948 nghìn đồng.

Về kết quả thu hồi các khoản nợ cho các tổ chức tín dụng, tổng số phải thi hành là 39.710 việc, tương ứng với 153.681 tỷ 889 triệu đồng. Đã thi hành xong 4.963 việc, tương ứng với số tiền 21.264 tỷ 978 triệu 924 nghìn đồng.

Năm 2023, tổng số bản án, quyết định về vụ án hành chính có nội dung phải thi hành là 1.375 bản án (kỳ trước chuyển sang là 563 bản án), tăng 453 bản án so với năm 2022. Số bản án Tòa án đã ra quyết định buộc THAHC là 571 bản án. Kết quả, các cơ quan hành chính nhà nước đã thi hành xong 582/1.375 bản án (tăng 153 bản án so với năm 2022), đang tiếp tục thi hành 776 bản án, chủ yếu là các bản án mới phát sinh trong năm 2022 và năm 2023.

Về công tác theo dõi THAHC, các cơ quan THADS đã thực hiện theo dõi 1.388 bản án. Đã ban hành văn bản thông báo tự nguyện thi hành án đối với 769 vụ việc; tổ chức làm việc với người phải thi hành án trong 718 vụ việc; đăng tải công khai 553 quyết định buộc THAHC của Tòa án; có văn bản kiến nghị người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với 135 vụ việc.

Tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Quang Thái đã quán triệt các nội dung của Quy định số 132-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Phát biểu tại Hội nghị, Cục trưởng Cục THADS thành phố Hà Nội Phạm Văn Dũng cho biết năm 2023 mặc dù lượng việc, lượng tiền phải thụ lý của thành phố tăng cao so với năm 2022 nhưng các cơ quan THADS đã nỗ lực thi hành xong đạt 82,97% việc; 46,08% tiền, vượt chỉ tiêu được giao. Nêu lên một số đặc thù của địa phương như án kinh tế tham nhũng tăng cao, lượng đơn thư khiếu nại chiếm 25% của cả nước, số vụ việc phải tiến hành cưỡng chế nhiều… Lãnh đạo Cục THADS Hà Nội chia sẻ một số kinh nghiệm đó là làm tốt công tác tham mưu, báo cáo cấp uỷ địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tiến hành xếp hạng các cơ quan THADS toàn thành phố; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan, nhất là khâu thụ lý, xác minh; lãnh đạo sâu sát, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, phát huy tính gương mẫu đi đầu, đoàn kết nội bộ…

Đồng thời Lãnh đạo Cục THADS Hà Nội cũng nêu lên một số kiến nghị về biên chế, quan tâm xây dựng, nâng cấp kho vật chứng và đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với VKSNDTC để thống nhất giải quyết các kháng nghị, kiến nghị.

Là địa bàn có nhiều vụ việc phức tạp, trong đó lượng án tham nhũng kinh tế chiếm tỷ trọng lớn (năm 2023 là 18 nghìn tỷ đồng), nhưng năm vừa qua cục THADS TP HCM vẫn hoàn thành nhiệm vụ. Theo Cục trưởng Nguyễn Văn Hoà, đó là nhờ sự đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo; tranh thủ sự phối hợp, sự quan tâm của Thành uỷ, UBND Thành phố đã chỉ đạo sở ban ngành; chú trọng công tác kiểm tra, tự kiểm tra… thời gian tới, Cục sẽ phát huy tính chủ động trong dự báo các vấn đề liên quan đến các vụ việc lớn, phức tạp; tăng cường truyền thông; siết chặt kỷ luật, kỷ cương…

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi yêu cầu toàn Hệ thống THADS cả nước tiếp tục triển khai các nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2024; quán triệt triển khai Quy định 132 của Bộ Chính trị; tiếp thu và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ trưởng đối với công tác THADS.

Trước yêu cầu và thực tiễn, thách thức công tác THADS, Thứ trưởng đề nghị cần tập trung phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, chỉ đạo, điều hành đảm bảo sâu sát. Tăng cường tự kiểm tra, rà soát, khắc phục tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra tại các cuộc kiểm tra, giám sát, các kiến nghị, kháng nghị của Viện Kiểm sát các cấp, kết luận thanh tra của các đoàn kiểm tra. Nhất là tranh thủ sự lãnh đạo chỉ đạo của cấp uỷ, nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành từ trung ương đến địa phương, từ Tổng cục đến các cục. Đặc biệt lưu ý đến công tác cán bộ phải luôn xác định là yếu tố quyết định đối với công tác.

Thi hành án dân sự: Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp ngay từ đầu năm- Ảnh 2.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thứ trưởng Mai Lương Khôi trao Huân chương Lao động cho các cá nhân có thành tích xuất sắc - Ảnh: VGP/LS

Triển khai kịp thời, đồng bộ, nhiều giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh: Những năm qua, công tác THADS, THAHC ngày càng nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và cấp uỷ, chính quyền địa phương; sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành Trung ương.

Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ luôn đặc biệt quan tâm, dành nhiều thời gian lãnh đạo, chỉ đạo công tác này như: ban hành một Nghị quyết riêng của Ban Cán sự đảng về lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm THADS giai đoạn 2022 – 2026, tổ chức nhiều cuộc họp giao ban, làm việc để cho ý kiến đối với các mặt công tác cụ thể trong lĩnh vực THADS.

Bộ trưởng nêu rõ, trong năm 2023, các cơ quan THADS đã nỗ lực triển khai kịp thời đồng bộ, nhiều giải pháp, bám sát các chỉ đạo của Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, đạt được nhiều kết quả tích cực, nổi bật như quản lý, chỉ đạo, điều hành được chú trọng, đổi mới, hướng về cơ sở; tập trung hướng dẫn áp dụng pháp luật, chuyên môn, nghiệp vụ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn tổ chức THA.

Kết quả THA về việc và tiền đều vượt các chỉ tiêu được Quốc hội giao, trong đó tổng số tiền thi hành xong đạt gần 90 nghìn tỷ đồng. Công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế được tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt đạt nhiều chuyển biến tích cực, thi hành xong trên 20 nghìn tỷ đồng, tăng gần 28% so với năm 2022.

Công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính tiếp tục được tập trung triển khai thực hiện, số bản án, quyết định thi hành án hành chính thi hành xong tăng 32% so với năm 2022.

Công tác xây dựng hệ thống tiếp tục được quan tâm, củng cố, kiện toàn; công tác đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục chính trị, tư tưởng, chuyên môn nghiệp vụ được tăng cường.

Những kết quả nêu trên đã đóng góp quan trọng, tích cực vào kết quả chung của Bộ, ngành Tư pháp, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phục hồi, phát triển KT-XH của đất nước và của từng địa phương, được Chính phủ, Quốc hội ghi nhận.

Thi hành án dân sự: Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp ngay từ đầu năm- Ảnh 3.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Cục trưởng Nguyễn Quang Thái trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác - Ảnh: VGP/LS

Toàn hệ thống nghiêm túc quán triệt, thực hiện Quy định 132 của Bộ Chính trị

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Lê Thành Long cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác THADS cần khắc phục trong thời gian tới.

Đó là, số việc chưa thi hành xong chuyển kỳ sau còn nhiều, kết quả THA tín dụng ngân hàng còn thấp; còn nhiều bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính chưa được các cơ quan, UBND các cấp tổ chức thi hành nghiêm.

Công tác hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ trong một số trường hợp chưa bảo đảm yêu cầu về tiến độ, chất lượng; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tại một số cơ quan thi hành án địa phương còn chưa hiệu quả dẫn đến nhiều vụ việc bị kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh trách nhiệm bồi thường nhà nước.

Công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông, xử lý thông tin báo chí về THADS vẫn còn thiếu chủ động, lúng túng chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh hiện nay.

Đặc biệt, Bộ trưởng lưu ý, toàn Hệ thống THADS cần quán triệt, thực hiện nghiêm Quy định số 132-QĐ/TW của Bộ Chính trị, ngày 27/10/2023 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án tiếp tục đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với công tác THA.

Thi hành án dân sự: Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp ngay từ đầu năm- Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị - Ảnh: VGP/LS

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phát huy vai trò người đứng đầu

Để thực hiện tốt công tác THADS, THAHC trong năm 2024 và các năm tiếp theo, Bộ trưởng yêu cầu toàn Hệ thống THADS thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để triển khai tổ chức thi hành án ngay từ đầu năm công tác nhằm phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao theo đúng yêu cầu Nghị quyết số 96 của Quốc hội, Chỉ thị 04 của Ban Bí Thư; nâng cao kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, tín dụng, ngân hàng, nhất là các vụ việc Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn đề xuất sửa đổi Luật THADS và các văn bản pháp pháp luật liên quan bảo đảm phù hợp với thực tiễn, bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, nhà nước về công tác THADS, nhất là Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành TW và Quy định số 132-QĐ/TW của Bộ Chính trị để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác THADS, THAHC.

Nâng cao chất lượng công tác quản lý, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ bảo đảm tính kịp thời, đánh giá, lựa chọn chính xác cán bộ quản lý đủ điều kiện, tiêu chuẩn chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Kịp thời kiện toàn đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý các cơ quan THADS, tập trung vào những địa bàn, đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém, để xảy ra nhiều vi phạm. Tăng cường công tác tự kiểm tra, kiểm tra; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm những vi phạm, hành vi tiêu cực, tham nhũng trong THADS.

Thực hiện kịp thời, đầy đủ các kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán; nghiêm túc khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra trong hoạt động THADS, đặc biệt là các sai phạm trong hoạt động định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án.

Quan tâm thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo từ cấp cơ sở, hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo vượt cấp; chủ động tham mưu đề xuất các giải pháp để giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài.

Tiếp tục chú trọng công tác phối hợp liên ngành từ trung ương đến địa phương. Tổng cục, các cơ quan THADS cần chủ động, tích cực tham mưu, đề xuất, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban chỉ đạo THADS các cấp nhằm kịp thời nắm bắt tình hình, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các mặt công tác THADS.

Đội ngũ cán bộ chủ chốt của Tổng cục và các cơ quan THADS tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm, nêu gương trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, bám sát tình hình thực tiễn; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng CNTT để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trong cơ quan, đơn vị.

Lãnh đạo các đơn vị phải thực sự phát huy vai trò Thủ trưởng cơ quan THADS trong các mặt công tác, giữ vững bản lĩnh chính trị, không ngừng nâng cao năng lực quản lý, điều hành, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Lê Sơn


Theo chinhphu.vn

Các tin đã đưa ngày: