Sign In

NHÌN LẠI QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN NGÀNH THI HÀNH ÁN DÂN SỰ SAU 73 NĂM (19/7/1946 – 19/7/2019).

18/07/2019

NHÌN LẠI QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN NGÀNH THI HÀNH ÁN DÂN SỰ SAU 73 NĂM (19/7/1946 – 19/7/2019).
           Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, công tác Thi hành án dân sự (THADS) được chính quyền cách mạng đặc biệt quan tâm, các cơ quan THADS đã từng bước khẳng định vị trí và vai trò ngày càng quan trọng trong hệ thống chính trị của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Trong 73 năm qua với biết bao thăng trầm và biến động, các cơ quan THADS đã từng bước vượt qua những khó khăn, thử thách đã có những đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhìn lại quá trình lịch sử hình thành và phát triển, các cơ quan THADS có thể chia ra làm 03 (ba) giai đoạn với những dấu mốc son quan trọng sau:
            * Giai đoạn từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến trước năm 1993:
            Sau ngày Cách mạng tháng 8 thành công, để khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác xét xử và THADS, ngày 24/01/1946, sau năm tháng khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 13/SL quy định về tổ chức các Tòa án và các ngạch Thẩm phán, trong đó khoản 3, Điều 3 của Sắc lệnh quy định: Ban Tư pháp xã có quyền “Thi hành những mệnh lệnh của Thẩm phán cấp trên”. Đây chính là văn bản pháp lý đầu tiên đánh dấu mốc quan trọng sự ra đời về tổ chức và hoạt động của các cơ quan THADS. Tiếp đến ngày 19/7/1946 Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 130/SL quy định về thể thức thi hành mệnh lệnh hoặc bản án của Tòa án. Có thể nói đây là văn bản đấu tiên quy định riêng về công tác THA, thẩm quyền và thể thức thi hành bản án.
            Theo quy định tại các văn bản trên, từ năm 1946 đến năm 1950 hoạt động THADS đã trở thành một lĩnh vực công tác của ngành Tư pháp, do Thừa Phát Lại và Ban Tư pháp xã – một đơn vị, tổ chức của chính quyền cách mạng, gắn liền với Tòa án và hoạt động xét xử thực hiện. Việc THADS thể hiện quyền lực của nhà nước và được bảo đảm bằng sức mạnh cưỡng chế.
            Từ năm 1950 đến năm 1960, công tác THADS có một sự thay đổi lớn về cơ chế quản lý và tổ chức hoạt động, Cụ thể vào ngày 22/5/1950 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 85/SL về “ Cải cách bộ máy Tư pháp và luật tố tụng “. Điều 19 của Sắc lệnh quy định: “Thẩm phán huyện dưới sự kiểm soát của biện lý có nhiệm vụ đem chấp hành các án hình về khoản bồi thường hay bồi hoàn và các án hộ, mà chính Tòa án huyện hay Tòa án cấp trên đã tuyên”. Theo quy định này thì việc THADS do Thừa Phát Lại và Ban Tư pháp xã thực hiện trước đây giao cho Thẩm phán huyện thực hiện dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chánh án. Sắc lệnh này đã giao nhiệm vụ tổ chức THADS cho một cơ quan cấp huyện thay vì cơ quan cấp xã như trước đây, cho thấy vai trò và vị trí của công tác THADS từng bước được phát triển nâng cao trong chế độ chính trị và đời sống xã hội.
            Cụ thể trên cơ sở Hiến Pháp năm 1959, năm 1960 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân được Quốc hội thông qua và ban hành, tại Điều 24 LTCTAND đã quy định: “Tại các Tòa án nhân dân địa phương có nhân viên chấp hành án làm nhiệm vụ thi hành những bản án và quyết định dân sự, về những khoản bồi thường và tài sản trong các bản án, quyết định hình sự”. Trước đây quy định Thẩm phán vừa thực hiện công tác xét xử vừa kiêm nhiệm công tác THADS, nhưng theo quy định mới thì tại các Tòa án đã có nhân viên chấp hành án chuyên trách thực hiện nhiệm vụ THADS, cũng trên cơ sở đó ngày 14/11/1974 TAND TC tiếp tục ban hành quyết định thành lập Phòng chỉ đạo THA, hoạt động dưới sự chỉ đạo của Chánh án TAND TC. Các cơ quan của nhà nước và TAND TC đã ban hành các quy định khá cụ thể về nguyên tắc, trình tự, thủ tục về THADS và được áp dụng thống nhất trong cả nước. TAND TC và TAND cấp tỉnh đã tổ chức, bồi dưỡng cho CHV và nhân viên THA về lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ, tăng cường đầu tư trang thiết bị phương tiện phục vụ công tác cho CHV và nhân viên THA, đồng thời với việc ra đời chức danh CHV và sự phát triển đội ngũ CHV trong ngành TAND các cấp đã góp phần bảo đảm lợi ích của nhà nước, của tập thể, lợi ích hợp pháp của công dân được tăng cường và pháp chế XHCN được bảo vệ. Cho thấy công tác THA ngày càng được Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm, củng cố và phát triển lên tầng cao mới.
            * Giai đoạn từ năm 1981 đến năm 1993:
            Đặc biệt, ngày 18/12/1980 sau khi Quốc hội nước CHXHCN VN thông qua và ban hành bản Hiến pháp năm 1980, đây là bản Hiến pháp đầu tiên sau khi miền nam được giải phóng thống nhất đất nước. Đã đánh một dấu son quan trọng đưa đất nước ta chuyển sang giai đoạn mới, từ thời kỳ quá độ lên CNXH. Hiến pháp đã ghi nhận và đặt ra yêu cầu quản lý xã hội bằng pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế XHCN (Điều 12). Trên tinh thần thượng tôn pháp luật và lần đầu tiên Hiến pháp đã ghi nhận thành nguyên tắc hiến định về giá trị thi hành của các bản án, quyết định. Các bản án và quyết định của TAND đã có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và mọi công dân tôn trọng và nghiêm túc chấp hành. Đây chính là những cơ sở pháp lý quan trọng giúp cơ quan THADS có những chuyển biến tích cực quan trọng trong lịch sử phát triển của mình trong giai đoạn 1981 – 1989.
            Cụ thể hóa Hiến pháp ngày 28/8/1989 Pháp lệnh THADS đầu tiên được ban hành, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc tăng cường, hoàn thiện tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan THADS, trên cơ sở đó Quy chế Chấp hành viên cũng đã được ban hành kèm theo Nghị định số 68/HĐBT ngày 06/3/1990 của HĐBT, theo đó Chấp hành viên là người được Nhà nước giao trách nhiệm thi hành các bản án, quyết định của Tòa án (trước đây ngoài Chấp hành viên còn có thể do cán bộ THA thực hiện), Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định số lượng Chấp hành viên, cán bộ thi hành án cho từng Tòa án địa phương, việc bổ nhiệm, miễn nhiệm do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định theo đề nghị của Chánh án Tòa án địa phương.
            Trong bối cảnh cơ chế THA từng bước được hoàn thiện, đội ngủ làm công tác này được củng cố, tăng cường, nhưng sự điều hành công tác vẫn chưa thay đổi cho phù hợp, cơ quan THA, CHV do Tòa án trực tiếp chỉ đạo về mặt nghiệp vụ, Bộ Tư pháp quản lý về mặt con người, tổ chức, vấn đề đặt ra là cần phải tập trung vào một đầu mối để xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về công tác THADS.  
            Qua tổng kết và đánh giá thực tiễn đến tháng 6 năm 1993 Đảng, Nhà nước thống nhất tách công tác THADS ra khỏi Tòa án nhân dân giao lại cho ngành Tư pháp quản lý.
  •   Giai đoạn 1993 cho đến nay
          Điểm nổi bật và quan trọng nhất sau khi Quốc Hội sửa đổi bổ sung Hiến pháp năm 1992 trong kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XII đã thống nhất thông qua Luật THADS ngày 14/11/2008. Đây cũng là bước ngoặc quan trọng, chứng minh cho quá trình phấn đấu xây dựng và trưởng thành của Ngành THADS được Hiến Pháp ghi nhận và cụ thể hóa thành Luật. Cho thấy vai trò, chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của ngành THADS được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm chú trọng phát triển ở tầng cao mới trong hệ thống chính trị. Đặc biệt là đưa ngành THADS vào cơ chế giám sát tối cao của Quốc hội, quyền chất vấn của Đại biểu (theo quy định tại khoản 1 điều 6 và khoản 1, điều 32 Luật Tổ Quốc hội) Cơ quan THADS phải báo cáo trong từng kỳ họp của Quốc hội và trả lời chất vấn của ĐBQH và HĐND các cấp.        
            Cùng với lịch sử hình thành và phát triển ngành THADS An Giang trước đây là Phòng THA thuộc TAND 2 cấp tỉnh và huyện, được tách ra vào năm 1993 với nhiều khó khăn về con người cũng như cơ sở vật chất. Thời điểm đó bình quân mỗi đơn vị chỉ có từ 3 đến 4 đồng chí, trụ sở làm việc chung với cơ quan Tư pháp, số lượng CHV chỉ trên 20 đồng chí, số việc phải đưa ra thi hành bình quân từ 2.000 việc mỗi năm. Đến nay tổng biên chế đã lên đến 152/150 người, với 62 CHV sơ cấp, 14 CHV trung cấp, 9 Thẩm tra viên, trụ sở làm việc Cục, các Chi cục được cất mới, trang thiết bị phục vụ công tác được đảm bảo, Số việc phải đưa ra thi hành bình quân mỗi năm khoản 16.000 vụ việc ( tỉ lệ năm sau cao hơn năm trước ), và kết quả THA cũng tăng theo tỉ lệ thuận với chỉ tiêu kế hoạch Tổng cục giao. Xuất phát từ thực tiễn đòi hỏi đội ngủ cán bộ, công chức, Chấp hành viên ngày càng được cấp ủy, thủ trưởng cơ quan quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao về trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ tăng cả về số lượng lẫn chất lượng; trong đó, đặc nhất là đội ngũ cán bộ nữ chiếm trên 1/3 biên chế và có những đồng chí giữ các chức danh lãnh đạo quản lý. Qua các đợt thi đua hàng năm cán bộ, công chức ngành THADS tỉnh An Giang đã từng bước thể hiện được bản lĩnh chính trị, vững vàng, tin thông về nghiệp vụ, nâng cao được chất lượng hiệu quả hoạt động, góp phần vào việc thực hiện thắng nhiệm vụ chính trị mà Nghị quyết, chương trình kế hoạch công tác của tỉnh đề ra, thúc đẩy kinh tế phát triển, an ninh trật tự xã hội của tỉnh được giữ vững ổn định.
Thời gian qua các cơ quan THADS trong tỉnh đã tích cực phấn đấu đạt nhiều thành tích và được khen thưởng bằng nhiều danh hiệu cao quý như Huân chương lao động hạng ba (Chợ Mới, Châu Thành); Cờ thi đua Chính Phủ (Cục THA tỉnh); Cờ thi đua Bộ Tư pháp (nhiều đơn vị), nhiều cá nhân đạt chiến sĩ thi đua ngành Tư pháp…Những đồng chí trong ngành có người được Đảng, Nhà nước giao những công việc với những vị trí và trọng trách cao hơn như Đ/c Nguyễn Văn Lực – Nguyên Trưởng phòng THADS tỉnh, Cục trưởng Cục THADS TP Hồ Chí Minh, hiện là Phó Tổng cục trưởng Tổng cụcTHADS- Bộ Tư pháp; Đ/c Trần Hoàng Kiếm – Nguyên Phó Cục trưởng, nay là Phó Vụ trưởng vụ 8 Ban Nội Chính TW.
Nhìn lại chặng đường lịch sử hình thành và phát triển của ngành THADS nói chung và THADS tỉnh An Giang nói riêng, cho thấy được sự tự nổ lực, phấn đấu không ngừng của từng cá nhân, từng tập thể trong suốt thời gian qua, Có những đồng chí do nhu cầu công tác phải đi làm xa nhà vài chục cây số, sinh hoạt thiếu thốn, địa hình công tác vùng biên giới hiểm trở, xa xôi, nhưng với lòng yêu nghề và nhiệt huyết trong công việc các đồng chí đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. 
Song, bên cạnh đó từng lúc, từng nơi vẫn còn những hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm, thậm chí vi phạm pháp luật nghiêm trọng bị xử lý hình sự của một số cá nhân làm giảm xúc niềm tin đối với Đảng, Nhà nước, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, danh dự của ngành và hình ảnh của người CHV trong mắt nhân dân. Chúng ta cũng thẳng thắng nhìn nhận đôi lúc trong quản lý, điều hành, trong kiểm tra, giám sát ở một số nơi còn buông lõng, chưa thật sự sâu sát chặt chẻ, ý thức tự giác rèn luyện chuẩn mực đạo đức, lối sống trong mỗi cá nhân chưa cao.
 Điển hình thông tin về vi phạm pháp luật nghiêm trọng của Chấp hành viên tỉnh Bắc Kạn “ do thua bạc cướp và cưỡng đoạt tài sản ” bị khởi tố hình sự. Mặc dù cuộc sống hiện tại của chúng ta còn nhiều khó khăn, nhưng chúng ta phải hết sức cố gắng vun vén trong chi tiêu và phải chấp nhận với những gì mình hiện có, chớ đừng gì một chút lợi ích vật chất mà hủy hoại cả sự nghiệp chính trị, tương lai và nhân cách của chính mình.
Qua ôn lại truyền thống đáng tự hào của ngành và thấy được những hạn chế, khiếm khuyết đã mắc phải. Chúng ta cần phải suy ngẫm và nghiêm túc khắc phục ngay để tự hoàn thiện mình trong tương lai. Với niềm tin sâu sắc và quyết tâm chính trị cao.
            Ban Lãnh đạo Cục THADS tha thiết kêu gọi tất cả các đồng chí, đồng nghiệp trong ngành THADS tỉnh. Nhất là vai trò của các đồng chí Chi cục trưởng trong việc tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, thường xuyên kiểm tra, giám sát, động viên nhau trong cuộc sống.
Với niềm tự hào qua 73 năm xây dựng và trưởng thành, quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt trọng trách Đảng, Nhà nước và ngành giao cho, không ngừng phấn đấu rèn luyện học tập, nghiên cứu nâng cao bản lĩnh chính trị, chuẩn mực đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm, tính kỷ luật, kỷ cương của đội ngũ CHV, công chức, viên chức người lao động trong ngành THADS tỉnh, đề cao hơn nữa tính chủ động sáng tạo, tinh thần đoàn kết, phát huy trí tuệ tập thể và lấy chất lượng hiệu quả hoạt động làm thước đo, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh và của ngành. Nhất là phải phấn đấu rèn luyện học tập theo 5 chuẩn mực đạo đức mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, kiên quyết đấu tranh với tham nhũng, lãng phí để lấy lại niềm tin, uy tín của ngành và hình ảnh, niềm tự hào, kêu hảnh của người cán bộ, công chức, viên chức THA, góp phần xây dựng ngành THADS nói chung và THADS tỉnh An Giang nói riêng ngày càng trong sạch vững mạnh, xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho.

Tác giả ảnh: Đặng Quang Vinh

Các tin đã đưa ngày: