Một số khó khăn, vướng mắc về xác minh, phân loại án, hoãn, đình chỉ thi hành án dân sự và phương án xử lý

18/03/2018
Một số khó khăn, vướng mắc về xác minh, phân loại án, hoãn, tạm đình chỉ thi hành án dân sự đã được được ra phương án xử lý theo tài liệu Hội thảo về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn do Bộ Tư pháp tổ chức tập trung ở thành phố Hải Phòng ngày 26/01/2018.


1. Về xác minh, phân loại án
1.1. Về thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng
Tại khoản 1 Điều 43 Luật Thi hành án dân sự quy định: Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng chỉ được thực hiện khi pháp luật có quy định hoặc khi đương sự có yêu cầu.
Tuy nhiên, các văn bản pháp luật về thi hành án chưa có quy định về các trường hợp phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng[1].
Phương án xử lý:
Pháp luật về thi hành án dân sự không quy định các trường hợp phải thực hiện thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, Luật Đấu giá tài sản có quy định về thông báo công khai việc đấu giá tài sản trên phương tiện thông tin đại chúng. Do đó, Chấp hành viên không phải thực hiện thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng trừ trường hợp thông báo đấu giá tài sản thi hành án hoặc đương sự có yêu cầu.
1.2. Về thời hạn xác minh
Theo khoản 1 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự quy định: Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì Chấp hành viên tiến hành xác minh; trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải tiến hành xác minh ngay.
Việc quy định trong thời hạn 10 ngày nhưng trên thực tế Chấp hành viên chỉ có khoảng từ 6 đến 8 ngày làm việc, cho nên gây bất lợi cho Chấp hành viên trong trường hợp cùng một lúc nhận nhiều hồ sơ thi hành án hoặc hồ sơ thi hành án có nhiều người phải thi hành án hoặc địa điểm xác minh cách xa trụ sở làm việc[2].
Phương án xử lý:
Khoản 1 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự chỉ quy định là trong thời hạn 10 kể từ thời điểm hết thời hạn tự nguyện thi hành thì Chấp hành viên tiến hành xác minh mà không buộc trong thời hạn đó Chấp hành viên phải xác minh xong. Do đó, trường hợp Chấp hành viên nhận nhiều hồ sơ cùng một lúc thì Chấp hành viên phải sắp xếp, xây dựng kế hoạch để đảm bảo không vi phạm về thời hạn thực hiện xác minh lần đầu.
Đối với trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời Chấp hành viên phải thực hiện việc xác minh ngay. Do đó, trong trường hợp đã có kế hoạch công tác khác thì Chấp hành viên phải báo cáo Thủ trưởng đơn vị để có sự bố trí, sắp xếp cho phù hợp với nhiệm vụ.
1.3. Về xác định án chưa có điều kiện
Quy định về các căn cứ để xác định việc chưa có điều kiện tại Điều 44a là chưa phù hợp. Ví dụ:
- Trường hợp người phải thi hành án có nghĩa vụ thi hành số tiền rất lớn nhưng tài sản của họ có giá trị rất nhỏ (kể cả trong trường hợp xử lý tài sản thế chấp) nhưng vẫn phải chờ xử lý xong tài sản mới được xếp vào diện chưa có điều kiện thi hành là bất hợp lý[3].
- Đối với việc thi hành án khoản án phí trong các vụ việc liên quan đến khoản nợ xấu và xử lý tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu thì không được ưu tiên thanh toán nhưng cũng không được xếp vào diện chưa có điều kiện thi hành án[4].
- Trường hợp trả vật đặc định nhưng vật đặc định không còn. Vật đặc định ở đây chính là đối tượng thi hành án, như vậy khi đối tượng thi hành án không còn thì xếp vào trường hợp chưa có điều kiện thi hành án cũng không giải quyết được vấn đề mà chỉ tăng lượng án tồn đọng [5].
Phương án xử lý:
Về nguyên tắc khi chưa bán (xử lý) xong tài sản thì không xác định được chính xác số tiền thi hành án mà cơ quan thi hành án thu được nên quy định trên là phù hợp. Tuy nhiên, đối với ví dụ thứ nhất và thứ hai thì Tổng cục sẽ tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật.
Đối với trường hợp vật đặc định không còn mà các bên không thỏa thuận được phương thức thi hành án thay thế thì nội dung bản án, quyết định của Tòa án vẫn chưa được thi hành nên không có căn cứ đình chỉ thi hành án như đề nghị của một số địa phương.
1.4. Về chuyển sang sổ theo dõi riêng
Việc chuyển sang sổ theo dõi riêng theo quy định tại khoản 5 Điều 9 của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP là còn có quan điểm chưa thống nhất đối với trường hợp thi hành án chủ động.
Phương án xử lý:
Theo Khoản 5 Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định “Cơ quan thi hành án dân sự chuyển sang sổ theo dõi riêng đối với việc chưa có điều kiện thi hành án trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ khi có đủ các điều kiện sau: a) Đã hết thời hạn 02 năm, kể từ ngày ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án đối với trường hợp người đang chấp hành hình phạt tù mà thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại từ 02 năm trở lên hoặc không xác định được địa chỉ, nơi cư trú mới của người phải thi hành án hoặc đã hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án; b) Đã xác minh ít nhất hai lần theo quy định tại Khoản 2 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự; c) Không có thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án”. Theo đó, không quy định là chuyển sang sổ theo dõi riêng đối với quyết định thi hành án chủ động hay quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu chưa có điều kiện thi hành án.
Mặt khác, tại biểu mẫu số 21, phụ lục I, Thông tư  số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của  Bộ Tư pháp quy định mẫu “Sổ theo dõi việc chưa có điều kiện thi hành án” chỉ bao gồm các tiêu chí: Ngày, tháng, năm chuyển sang sổ theo dõi việc chưa có điều kiện; Căn cứ chuyển sổ; Quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án; Quyết định thi hành án; Bản án, quyết định; Người phải thi hành án; Người được thi hành án; Các khoản chưa có điều kiện; Quyết định tiếp tục thi hành án mà không quy định cụ thể quyết định thi hành án theo yêu cầu hay quyết định thi hành án chủ động. Do vậy, trường hợp hồ sơ thi hành án có đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 5 Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ - CP thì cơ quan thi hành án chuyển sang sổ theo dõi riêng mà không phân biệt đó là quyết định thi hành án chủ động hay quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu.
2. Về hoãn thi hành án
2.1. Hoãn thi hành án trong trường hợp chưa xác định được người thừa kế
Tại điểm g khoản 1 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự quy định về hoãn thi hành án trong trường hợp: Việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án theo quy định tại Điều 54 của Luật này chưa thực hiện được vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan.
Tại khoản 2 Điều 54 Luật Thi hành án dân sự quy đinh: Trường hợp người được thi hành án, người phải thi hành án là cá nhân chết thì quyền, nghĩa vụ thi hành án được chuyển giao cho người khác theo quy định của pháp luật về thừa kế.
Tại điểm a khoản 3 Điều 4 của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan bao gồm: đương sự chết mà chưa xác định được người thừa kế.
Tại điểm b khoản 1 Điều 15 của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định: Trường hợp chưa xác định được người thừa kế thì cơ quan thi hành án dân sự thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết tại nơi có tài sản, trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có tài sản trong thời gian 03 tháng, kể từ ngày thông báo, niêm yết để người thừa kế biết, liên hệ và thực hiện nghĩa vụ thi hành án của người phải thi hành án để lại; hết thời hạn này mà không có người khai nhận thừa kế thì cơ quan thi hành án dân sự xử lý tài sản để thi hành án.
Như vậy, các quy định của pháp luật trong trường hợp này là chưa thống nhất với nhau, cơ quan thi hành án dân sự phải hoãn thi hành án hay tiếp tục xử lý tài sản trong trường hợp chưa xác định được người thừa kế?[6].
Phương án xử lý:
Trong trường hợp chưa xác định được người thừa kế thì cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành theo điểm g khoản 1 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự vì trong trường hợp không xác định được người thừa kế thì cơ quan thi hành án dân sự không thể chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án, nếu phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thì trên thực tế không thể áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với người đã chết.
2.2. Hoãn thi hành án trong trường hợp Tòa án thụ lý giải quyết theo Điều 75 Luật Thi hành án dân sự
- Tài sản thế chấp đã được bản án, quyết định của Tòa án tuyên xử lý để đảm bảo việc thi hành án, Tòa án thụ lý yêu cầu của người thứ ba khởi kiện tranh chấp về quyền sở hữu tài sản thì có hoãn thi hành án hay không?
- Tài sản được xác định của người phải thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự đã thực hiện việc kê biên, bán đấu giá thành, Tòa án thụ lý yêu cầu của người thứ ba khởi kiện tranh chấp về quyền sở hữu tài sản thì có hoãn giao tài sản cho người mua trúng đấu giá hay không?[7]
Phương án xử lý:
Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án tuyên xử lý tài sản thế chấp để đảm bảo việc thi hành án nhưng trong quá trình tổ chức thi hành án nếu có người thứ ba tranh chấp về quyền sở hữu, sử dụng tài sản thì cơ quan thi hành án dân sự không hoãn thi hành án (việc xử lý tài sản trong trường hợp này được thực hiện theo phán quyết của Tòa án) do đó cơ quan thi hành án dân sự chỉ hoãn việc thi hành án trong trường hợp có Tòa án có yêu cầu.
Trường hợp thứ hai, theo quy định tại khoản 3 Điều 71 Luật Thi hành án dân sự thì Chấp hành viên chỉ tiến hành kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án. Do đó, về nguyên tắc cơ quan thi hành án dân sự chỉ tiến hành kê biên khi có căn cứ pháp luật (như giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản) xác định hoặc chứng minh tài sản đó là của người phải thi hành án. Do đó, theo quy định của Điều 75 Luật Thi hành án dân sự nếu có tranh chấp về quyền sở hữu thì cơ quan thi hành án dân sự thông báo cho người đó tranh chấp biết trong thời hạn 30 ngày để khởi kiện ra Tòa án. Hết thời hạn nếu không có ai khởi kiện thì Chấp hành viên tiếp tục xử lý tài sản.
Trong quá trình cơ quan thi hành án dân sự xử lý tài sản nếu Tòa án thụ lý tranh chấp liên quan đến tài sản cưỡng chế thì cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án theo quy định tài điểm d khoản 1 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự.
Trường hợp tài sản đã bán đấu giá thành Tòa án mới thụ lý việc tranh chấp quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản đã bán đấu giá thành thì cơ quan thi hành án dân sự không hoãn thi hành án và tiếp tục tổ chức giao tài sản cho người mua trúng đấu giá theo quy định tại Điều 103 Luật Thi hành án dân sự, Điều 113 Bộ luật dân sự và Điều 7 Luật đấu giá.
3. Về đình chỉ thi hành án
Pháp luật về thi hành án dân sự bỏ chế định trả đơn yêu cầu thi hành án, cho nên khi người được thi hành hoặc các đương sự thỏa thuận việc rút đơn yêu cầu thi hành án để tự thi hành án hoặc yêu cầu Văn phòng Thừa phát lại tổ chức thi hành án thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự lúng túng trong việc giải quyết vì:[8]
- Trường hợp áp dụng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 Luật Thi hành án dân sự thì đương nhiên kết thúc việc thi hành án và có khả năng làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án bởi vì khoản 2 Điều 52 quy định việc thi hành án đương nhiên kết thúc khi có quyết định đình chỉ thi hành án.
- Trường hợp áp dụng quy định tại Điều 37 Luật Thi hành án dân sự để thu hồi quyết định thi hành án thì kết quả thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự trước đó mặc dù thực hiện đúng trình tự thủ tục thi hành án nhưng không được công nhận.
Phương án xử lý:
Trong khi chờ sửa các quy định pháp luật cho phù hợp thì khi người được thi hành án rút đơn yêu cầu thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự cần làm rõ nội dung yêu cầu của người được thi hành án nếu họ yêu cầu đình chỉ thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự mới thực hiện việc đình chỉ việc thi hành án.
4. Về ủy thác thi hành án
- Tại khoản 1, Điều 57 Luật Thi hành án dân sự quy định thì trước khi ủy thác, cơ quan thi hành án dân sự phải xử lý xong tài sản tạm giữ, thu giữ, tài sản kê biên tại địa bàn có liên quan đến khoản uỷ thác. Quy định này đã kéo dài việc thi hành án đối với các vụ việc có tài sản ở nhiều địa phương khác nhau và có nguy cơ tài sản bị thay đổi hiện trạng hoặc bị chiếm dụng trái phép[9].
- Tại Điểm c khoản 2 Điều 16 của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định:  Trường hợp tài sản không đủ để thi hành án thì ủy thác đến nơi có tài sản giá trị lớn nhất, nơi có nhiều tài sản nhất. Quy định này rất bất cập vì trước khi ủy thác cơ quan thi hành án dân sự không có cơ sở để xác định đâu là tài sản có giá trị lớn nhất. Mặt khác, tại khoản 2 Điều 9 của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP chỉ quy định về việc ủy thác xác minh thông tin về tài sản của người phải thi hành án. Do đó, nếu cơ quan thi hành án dân sự nơi có tài sản ký hợp đồng thẩm định giá để xác định giá trị tài sản thì chi phí do ai chịu và khi thực hiện kê biên thì có phải tiến hành thẩm định giá lại không.
Phương án xử lý:
Về bất cập trong việc ủy thác thi hành án, Tổng cục đang nghiên cứu và phối hợp với các cơ quan liên quan để giải quyết những vấn đề bất cập trong ủy thác thi hành án. Theo đó, đối với các nghĩa vụ THADS không liên quan đến tài sản tại địa phương nơi cơ quan thi hành án dân sự đang xử lý thì có thế ủy thác thi hành án dân sự đến nơi có tài sản của người phải thi hành án. Trong khi chờ các cơ quan trung ương thống nhất hoặc chờ sửa quy định pháp luật thì về nguyên tắc cơ quan thi hành án dân sự vẫn phải tuân thủ các quy định trên.
                                               
 

[1] Có địa phương kiến nghị cần bổ sung quy định tại Khoản 1, Điều 43 Luật Thi hành án dân sự theo hướng: Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng chỉ được thực hiện khi pháp luật có quy định hoặc khi đương sự có yêu cầu, hoặc có căn cứ xác định việc niêm yết công khai không đảm bảo cho người được thông báo nhận được thông tin về văn bản cần được thông báo.
[2] Có ý kiến cho rằng cần sửa đổi khoản 1 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự theo hướng tăng thời hạn xác minh điều kiện thi hành án từ 10 ngày lên 15 ngày.
[3] Kiến nghị đối bổ sung trong trường hợp này cũng được xếp vào diện chưa có điều kiện thi hành án,
[4] Có ý kiến cho rằng nếu không trừ tiền án phí trước thì phải xếp vào diện chưa có điều kiện thi hành án vì trên thực tế khi xử lý tài sản bảo đảm thì đa số chưa đủ đảm bảo việc thanh toán các nghĩa vụ cho tổ chức tín dụng (gốc và lãi phát sinh)
[5] Một số địa phương cho rằng: khi đối tượng thi hành án không còn thì đã xác định được khả năng để thi hành nghĩa vụ đó trên thực tế không còn mà theo điểm b khoản 1 Điều 44a Luật Thi hành án dân sự xếp vụ việc đưa vào diện chưa có điều kiện thi hành án sẽ làm tăng lượng án tồn đọng kéo dài, không phù hợp với điều kiện thực tế. Về vấn đề này, theo quy định tại Điều 372 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì căn cứ chấm dứt nghĩa vụ là “bên có quyền và bên có nghĩa vụ hòa nhập làm một” và “vật đặc định là đối tượng của nghĩa vụ không còn và được thay thế bằng nghĩa vụ khác”. Như vậy, xét về mặt lôgic nên bỏ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 44a về xác định việc chưa có điều kiện thi hành án và bổ sung nội dung quy định này tại khoản 1 Điều 50 Luật Thi hành án dân sự thành căn cứ để đình chỉ thi hành án là phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự
[6] Có địa phương đề nghị bổ sung quy định trường hợp người thứ ba bảo lãnh chết nhưng chưa xác định được người thừa kế
[7] Một số địa phương đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định tại điêm d khoản 1 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự
[8] Còn có ý kiến cho rằng chưa quy định việc người được thi hành án không có quyền yêu cầu thi hành án trở lại khi ra Quyết định đình chỉ theo quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 50 Luật mà mới thể hiện trong biểu mẫu, do đó, cần quy định bổ sung vào Điều luật
[9] Kiến nghị sửa đổi quy định tại khoản 1 điều 57 Luật Thi hành án dân sự.