Xử lý khó khăn, vướng mắc về thứ tự thanh toán tiền và một số vấn đề khác trong thi hành án dân sự

27/03/2018
Khó khăn, vướng mắc về thứ tự thanh toán tiền và một số vấn đề khác trong thi hành án dân sự cần lưu ý theo phương án xử lý tài liệu Hội thảo về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn do Bộ Tư pháp tổ chức tập trung ở thành phố Hải Phòng ngày 26/01/2018 như sau:
 


1. Về thứ tự thanh toán tiền thi hành án
(i) Điểm a, khoản 1 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự quy định tiền cấp dưỡng được ưu tiên thanh toán trước, do đó, nhiều trường hợp khi cơ quan thi hành án tiến hành kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án thì họ đã yêu cầu Tòa án công nhận sự thỏa thuận về việc họ thực hiện cấp dưỡng nuôi con một lần với số tiền lớn hơn rất nhiều giá trị tài sản của họ để trốn tránh nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định đang có hiệu lực.
Phương án xử lý:
Về quy định ưu tiên thanh toán tiền cấp dưỡng nuôi con là mang tính nhân văn và bảo đảm cuộc sống cho người được cấp dưỡng. Tuy nhiên, trường hợp các đương sự thỏa thuận với nhau về mức cấp dưỡng vượt quá khả năng về tài chính của người phải thi hành án và làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án khác thì cơ quan thi hành án dân sự cần có văn bản đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét lại nội dung quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.
(ii) Quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự là chưa phù hợp với nguyên tắc việc thi hành án phải dựa trên đơn yêu cầu thi hành án. Mặt khác quy định tại khoản 1 Điều 49 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành điểm b khoản 2 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự là chưa phù hợp,  gây khó khăn trong việc áp dụng.
Phương án xử lý:        
Theo quy định tại khoản 2 Điều 156 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn” . Như vậy, trong trường hợp có sự khác nhau giữa Luật và Nghị định thì áp dụng quy định của Luật để thực hiện thanh toán.
(iii) Điều 12 của Nghị quyết số 42/2017QH14 quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là chưa phù hợp trong trường hợp kê biên, xử lý tài sản là ở duy nhất của người phải thi hành án, đồng thời việc Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa có hướng dẫn xử lý về các khoản thuế liên quan đến việc chuyển nhượng tài sản bảo đảm cũng như các khoản thuế (liên quan đến tài sản bảo đảm) mà người phải thi hành án đang nợ làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người mua trúng đấu giá[1].
- Theo quy định tại Điều 168 Luật đất đai thì trường hợp người sử dụng đất được chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc được ghi nợ nghĩa vụ tài chính thì phải thực hiện xong nghĩa vụ tài chính trước khi thực hiện các quyền chuyển nhượng, chuyển đổi. Điều 194 Luật đất đai quy định: Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô sau khi đã hoàn thành đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và nghĩa vụ tài chính về đất đai. Như vậy, người sử dụng đất được thực hiện quyền chuyển nhượng thì phải thực hiện xong nghĩa vụ tài chính. Tuy nhiên, Điều 47 Luật Thi hành án dân sự chưa quy định sau khi bán tài sản đấu giá thì phải trừ nghĩa vụ tài chính, còn lại mới thực hiện đến nghĩa vụ thi hành án dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện[2].
Phương án xử lý:
Đây là vấn đề vướng mắc phát sinh trong thực tế kể từ ngày Nghị quyết số 42 có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, tại Nghị quyết có quy định cụ thể rõ ràng về việc THADS chưa xong thì phải áp dụng đúng quy định Nghị quyết. Do vậy, trước mắt các cơ quan thi hành án dân sự cần thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết.
2. Về tư cách của người thứ ba thế chấp tài sản để bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ người phải thi hành án trong trường hợp cơ quan thi hành án xử lý tài sản của họ[3].
Phương án xử lý:
Hiện nay pháp luật về thi hành án dân sự không quy định cụ thể tư cách của bên thứ ba dùng tài sản của mình để bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ của người phải thi hành án. Tuy nhiên, tại khoản 3 Điều 3 Luật Thi hành án dân sự quy định người phải thi hành án là cá nhân, cơ quan, tổ chức phải thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định được thi hành án. Do đó, trong trường hợp này “người thứ ba” khi thực hiện nghĩa vụ thay người phải thi hành án thì họ có thể được xem là người phải thi hành án. Vì vậy, họ có quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 7a Luật Thi hành án dân sự tương ứng với phần nghĩa vụ họ phải thi hành.
3. Về trường hợp Tòa án chấp nhận kháng cáo quá hạn trong khi cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định thi hành án và tổ chức thi hành án đối với bản án sơ thẩm[4].
Phương án xử lý:
Trường hợp, Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định bản án không có kháng cáo, kháng nghị nhưng sau đó Tòa án cấp trên lại chấp nhận kháng cáo của các đương sự, cơ quan thi hành án dân sự phải có văn bản thông báo cho Tòa án xét xử phúc thẩm biết về kết quả thi hành án để Tòa án xem xét giải quyết. Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm không giải quyết hậu quả của việc thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự cần kiến nghị xem xét lại bản án.
4. Thế nào là vật tươi sống, mau hỏng
Điểm b khoản 3 Điều 98 Luật Thi hành án dân sự quy định Chấp hành viên xác định giá đối với tài sản kê biên thuộc loại tươi sống, mau hỏng. Tuy nhiên, hiện nay pháp luật thi hành án dân sự chưa quy định thế nào là tươi sống, mau hỏng.
Phương án xử lý:
Về ngữ nghĩa của cụm từ “tài sản tươi sống, mau hỏng” được hiểu theo tiếng Việt và xuất phát từ các từ “tài sản”, “tươi”, “sống” và “mau hỏng”. Theo nghĩa thông thường thì tài sản tươi sống, mau hỏng là các loại tài sản đặc biệt mà trạng thái hoặc tính chất ban đầu có thể bị hư hỏng khi chịu tác động của sự thay đổi quá mức về nhiệt độ, độ ẩm, thời gian hoặc các điều kiện khách quan khác. Các loại tài sản tươi sống, mau hỏng thường gặp có thể bao gồm các loại sau đây: Thịt, cá, hải sản, rau quả tươi hoặc đông lạnh, trứng ấp, cá, cua, tôm sống (đã đánh bắt, dùng để ăn)...
5. Về miễn giảm nghĩa vụ thi hành án
Điều kiện miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước được quy định tại khoản 1, Điều 61 Luật Thi hành án dân sự và Điều 2 của Thông tư liên tịch số 12/2015/TTLT-BTP-BTC-TANDTC-VKSNDTC. Thực tiễn hiện nay, nhiều bản án tuyên phần lãi suất chậm thi hành án đối với người phải thi hành án và sau 05 năm khoản tiền lãi chậm thi hành án của khoản tiền phải thu nộp ngân sách với số tiền rất lớn, do đó, không thỏa mãn điều kiện (số tiền dưới 2 triệu đồng) và trong thời hạn 5 năm để được xét miễn.
6. Về giao tài sản cho người mua trúng đấu giá trong trường hợp bản án, quyết định của Tòa án đã bị hủy
Về giao tài sản cho người mua trúng đấu giá theo quy định tại khoản 2 Điều 103 Luật Thi hành án dân sự, khi áp dụng vào thực tế thì quy trình tổ chức cưỡng chế để giao tài sản cho người mua trúng đấu giá có những điều kiện chưa phù hợp với lý luận và thực tiễn.
Phương án xử lý:
Thứ nhất, trường hợp đã bán đấu giá thành tài sản, người mua tài sản đã nộp đủ tiền, đủ điều kiện nhận tài sản mới nhận được thông báo thụ lý của Tòa án để giải quyết các tranh chấp liên quan đến tài sản bán đấu giá theo quy định tại Điều 74, Điều 75 Luật Thi hành án dân sự thì cơ quan thi hành án dân sự vẫn giao tài sản cho người mua trúng đấu giá ngay tình theo quy định tại Điều 103 Luật Thi hành án dân sự, khoản 2,3 Điều 7 Luật đấu giá tài sản 2016, theo đó: “2. Trường hợp có người thứ ba tranh chấp về quyền sở hữu đối với tài sản đấu giá thì quyền sở hữu vẫn thuộc về người mua được tài sản đấu giá ngay tình. 3. Trường hợp có bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sửa đổi một phần hoặc hủy bỏ toàn bộ các quyết định liên quan đến tài sản đấu giá trước khi tài sản được đưa ra đấu giá nhưng trình tự, thủ tục đấu giá tài sản bảo đảm tuân theo quy định của Luật này thì tài sản đó vẫn thuộc quyền sở hữu của người mua được tài sản đấu giá ngay tình, trừ trường hợp kết quả đấu giá tài sản bị hủy theo quy định tại Điều 72 của Luật này”.
Thứ hai, trường hợp đã bán đấu giá thành tài sản, người mua tài sản đã nộp đủ tiền, đủ điều kiện nhận tài sản, cơ quan thi hành án dân sự mới nhận được thông báo thụ lý của Tòa án giải quyết yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá, hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá thì cần sửa đổi, bổ sung Điều 48 và Điều 103 Luật Thi hành án dân sự theo hướng phải ra quyết định hoãn thi hành án, chờ kết quả giải quyết của Tòa án.
7. Về đăng ký, chuyển quyền sở hữu theo khoản 3 Điều 106 Luật Thi hành án dân sự
Việc thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp và cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được quy định tại Điều 106 Luật Đất đai năm 2013 và Điều 87 Nghị định 43/2014/NĐ-CP. Tại hai điều luật này đã không quy định về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong THADS trường hợp quy định theo khoản 4 Điều 106 Luật Thi hành án dân sự, theo đó: “4. Trường hợp tài sản là quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất mà không có hoặc không thu hồi được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận theo quy định của Chính phủ. 5. Đối với tài sản không thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này mà không có giấy tờ đăng ký hoặc không thu hồi được giấy tờ đăng ký thì cơ quan có thẩm quyền đăng ký có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản”; khoản 3 Điều 116 Luật Thi hành án dân sự quy định về cưỡng chế giao, trả giấy tờ, theo đó: “3. Trường hợp không thu hồi được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và giấy tờ về tài sản khác thì thực hiện theo quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 106 của Luật này”; khoản 2,3 Điều 28 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, theo đó: “2. Trường hợp tài sản là quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất mà không thu hồi được Giấy chứng nhận thì thực hiện như sau: a) Cơ quan thi hành án dân sự gửi văn bản nêu rõ lý do không thu hồi được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đến Văn phòng đăng ký đất đai nơi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; b) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của cơ quan thi hành án dân sự, Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm báo cáo cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để quyết định hủy Giấy chứng nhận đã cấp và cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai. 3. Trường hợp tài sản là quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất mà không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận thì cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở ” nên chưa tạo ra sự đồng bộ trong pháp luật về đất đai.
 Các quy định về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người nhận chuyển nhượng theo Luật Thi hành án dân sự là phù hợp với thực tiễn và bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Vướng mắc trên đã gây khó khăn cho cả cơ quan có thẩm quyền cấp, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng như cơ quan thi hành án dân sự và ảnh hưởng đến quyền lợi của người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong trường hợp cơ quan thi hành án dân sự không thu hồi được giấy chứng nhận. Do vậy, pháp luật về đất đai cần sớm bổ sung các căn cứ để thu hồi, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người được thi hành án, người mua trúng đấu giá, người nhận quyền sử dụng đất để thi hành án để đảm bảo sự tương thích giữa hai ngành luật và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Cụ thể, cần sửa đổi bổ sung Điều 87, Nghị định 43/2014/NĐ-CP, ngày 15/5/2014 của Chính phủ theo hướng bổ sung căn cứ tại khoản 6 như sau: “6. Việc thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 106 của Luật Đất đai chỉ được thực hiện khi có bản án, quyết định của Tòa án nhân dân đã được thi hành hoặc yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự đối với tài sản thi hành án.
8. Về tài sản không còn giá trị sử dụng
Tại khoản 3 Điều 126 Luật Thi hành án dân sự chưa có hướng dẫn cụ thể như thế nào là tài sản không còn giá trị sử dụng để ra quyết định tiêu hủy và tổ chức tiêu hủy tài sản.
Phương án xử lý:
Hiện nay, chưa có quy định rõ như thế nào là tài sản không còn giá trị sử dụng. Liên quan đến nội dung này thì tại Khoản 1 Điều 82 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định đối với tài sản không còn giá trị sử dụng:  “e) Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu nhưng không còn giá trị sử dụng hoặc không bán đấu giá được thì cơ quan của người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu phải lập hội đồng xử lý gồm đại diện các cơ quan nhà nước hữu quan. Việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu phải được lập thành biên bản có chữ ký của các thành viên hội đồng xử lý. Phương thức, trình tự, thủ tục xử lý tài sản thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước”. Đồng thời, theo Quyết định số 57/1999/QĐ-TĐC ngày 11/03/1999 của Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng đã đưa ra phần trăm chất lượng tài sản còn lại được đánh giá nhỏ hơn hoặc bằng 30% giá trị là thiết bị cũ đã qua sử dụng, hư hỏng hoàn toàn; không còn khả năng phục hồi, chỉ thích hợp cho việc tháo dỡ để lấy lại một số bộ phận còn sử dụng được.... Do đó, để xác định tài sản không còn giá trị sử dụng cơ quan thi hành án dân sự cần vận dụng quy định pháp luật đã viện dẫn trên để thành lập Hội đồng gồm đại diện các cơ quan chuyên môn (liên quan đến loại tài sản) tại địa phương để xác định tài sản đó có còn giá trị sử dụng hay không để có biện pháp xử lý cho phù hợp.
9. Về hình thức cưỡng chế khai thác tài sản
Tại khoản 1 Điều 108 Luật Thi hành án dân sự quy định: Chấp hành viên chỉ có thể yêu cầu người phải thi hành án ký hợp đồng khai thác tài sản với tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác tài sản. Trong trường hợp người phải thi hành án không ký hợp đồng thì, chấp hành viên ban hành Quyết định cưỡng chế khai thác tài sản, trong thời hạn 30 ngày. Tuy nhiên, chưa quy định ai là người ký hợp đồng trong trường hợp này.
Phương án xử lý:
Sau khi yêu cầu mà người phải thi hành án không ký hợp đồng khai thác thì Chấp hành viên có quyền ký hợp đồng khai thác tài sản đối với cá nhân, tổ chức có nhu cầu để thu tiền thi hành án.
 
[1] Đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm có hướng dân về việc xử lý số tiền thuế liên quan đến chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo Chỉ thị số 32 của Thủ tướng
[2] Kiến nghị sửa đổi, bổ sung khoản , Điều 47 Luật Thi hành án dân sự đó là: “1. Số tiền thi hành án, sau khi trừ các chi phí thi hành án, các nghĩa vụ tài chính với nhà nước của chủ cũ và khoản tiền quy định tại khoản 5 Điều 115 của Luật này thì được thanh toán theo thứ tự sau đây:”; tại khoản 3 Điều 47 cần bổ sung là: "… sau khi trừ chi phí cưỡng chế, nghĩa vụ tài chính liên quan đến tài sản của chủ cũ, án phí của bản án, quyết định đó và khoản tiền quy định tại khoản 5 Điều 115 của Luật này"
[3] Đề nghị bổ sung quy định tư cách người thứ ba bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ  của người phải thi hành án
[4] Kiến nghị sửa quy định tại Điều 135 Luật Thi hành án dân sự