Trên cơ sở báo cáo của địa phương và qua quá trình chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn nghiệp vụ, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quá trình thực hiện Luật Thi hành án dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành, vướng mắc xảy ra trong toàn bộ quá trình thực hiện trình tự, thủ tục tổ chức thi hành án đã được dự kiến phương án xử lý tại Hội thảo về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn do Bộ Tư pháp tổ chức tập trung ở thành phố Hải Phòng ngày 26/01/2018.
1. Về bổ nhiệm Chấp hành viên
Một số địa phương đề xuất bổ sung thêm đối tượng Thanh tra viên, Kiểm tra viên được bổ nhiệm Chấp hành viên ở ngạch tương đương không qua thi tuyển quy định tại khoản 6 Ðiều 18 Luật Thi hành án dân sự.
Tuy nhiên, đề xuất trên là không phù hợp, bởi vì các đối tượng này không phải là chức danh tư pháp; do đó, cần giữ nguyên quy định tại khoản 6 Ðiều 18 Luật Thi hành án dân sự.
2. Về bổ nhiệm chức danh Lãnh đạo
Một số địa phương đề xuất bổ sung thêm đối tượng là Thẩm tra viên để bổ nhiệm Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật Thi hành án dân sự.
Tuy nhiên, đề xuất trên là không cần thiết, vì tại khoản 7 Điều 18 Luật Thi hành án dân sự đã quy định trường hợp đặc biệt do nhu cầu bổ nhiệm Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự nếu có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định thì có thể được bổ nhiệm làm Chấp hành viên trung cấp hoặc cao cấp mà không phải qua thi tuyển.
3. Về nhận đơn và ra quyết định thi hành án
3.1 Về quyền yêu cầu thi hành án và từ chối nhận đơn yêu cầu thi hành án.
Điều 26 Luật Thi hành án dân sự quy định:
Khi ra bản án, quyết định, Toà án, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, Trọng tài thương mại phải giải thích cho đương sự, đồng thời ghi rõ trong bản án, quyết định về quyền yêu cầu thi hành án, nghĩa vụ thi hành án, thời hiệu yêu cầu thi hành án.
Khoản 4 Điều 7 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định:
Cơ quan thi hành án dân sự từ chối yêu cầu thi hành án theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 31 Luật Thi hành án dân sự trong trường hợp bản án, quyết định không xác định cụ thể người phải thi hành án và nghĩa vụ phải thi hành án.[1]
Như vậy, có thể hiểu căn cứ để cơ quan thi hành án dân sự từ chối yêu cầu thi hành án khi bản án, quyết định của Tòa án không ghi nhận quyền yêu cầu thi hành án, nghĩa vụ thi hành án.
Phương án xử lý:
Trong trường hợp bản án, quyết định của Tòa án không tuyên quyền yêu cầu thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự từ chối nhận đơn yêu cầu thi hành án. Tuy nhiên, trước khi có thông báo từ chối nhận đơn, cơ quan thi hành án dân sự cân nhắc có văn bản đề nghị Tòa án giải thích rõ về quyền làm đơn yêu cầu thi hành án và nghĩa vụ thi hành án.
3.2. Thẩm quyền ra quyết định thi hành án
Tại điểm i khoản 2 Điều 35 Luật Thi hành án dân sự quy định: Cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh có thẩm quyền thi hành các bản án, quyết định sau đây:
Bản án, quyết định quy định tại khoản 1 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp về thi hành án.
Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án sơ thẩm cấp huyện xét xử đối với các vụ việc liên quan đến Công ty của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam hoặc người Việt Nam đang cư trú tại nước ngoài thì cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện khi nhận được bản án, quyết định do Tòa án chuyển sang thì có ra quyết định thi hành án đối với các khoản chủ động hay không?
Phương án xử lý:
Thứ nhất, tại khoản 3 Điều 35 và điểm c khoản 1 Điều 36 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về thẩm quyền giải quyết đối với những tranh chấp, yêu cầu mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Vì vậy, trong những trường hợp mà đương sự ở nước ngoài thì cơ quan thi hành án dân sự cần có văn bản đề nghị Tòa án xem xét xác định đương sự ở nước ngoài hay ở Việt Nam. Trường hợp Tòa án vẫn xác định đương sự đang ở Việt Nam thì cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện ra quyết định thi hành án. Trường hợp đương sự ở nước ngoài thì cơ quan thi hành án chuyển hồ sơ để Cục Thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án và tổ chức thi hành.
Thứ hai, đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được thành lập và hoạt động tại Việt Nam (mặc dù đại diện theo pháp luật là người nước ngoài) thì vẫn được coi là doanh nghiệp Việt Nam và thuộc thẩm quyền thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện.
3.3. Ra quyết định thi hành án trong trường bản án của Tòa án tuyên bồi thường cho ngân hàng 100% vốn nhà nước.
Theo điểm c, khoản 2, Điều 36 Luật Thi hành án dân sự thì cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án đối với “…
khoản thu khác cho nhà nước” và khoản 3, Điều 6, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP thì các khoản thu khác cho Nhà nước thuộc diện chủ động ra quyết định thi hành án gồm: “…
các khoản bồi thường trong các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng thuộc loại đặc biệt nghiêm trọng, các khoản thu khác nộp trực tiếp vào ngân sách nhà nước”.
Đối với các bản án hình sự Tòa án tuyên buộc cá nhân, tổ chức bồi thường một khoản tiền cho Ngân hàng có 100% vốn nhà nước hoặc các Công ty TNHH Một thành viên có đại diện phần vốn góp của Nhà nước thì ra quyết định thi hành án chủ động hay theo đơn.
Phương án xử lý:
Tại khoản 3, Điều 3 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP đã quy định:
“Hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được thi hành án đối với khoản tiền, tài sản thuộc sở hữu nhà nước không yêu cầu thi hành án thì cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó có trách nhiệm chỉ đạo việc yêu cầu thi hành án” nên trong trường hợp này Ngân hàng, các Doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước vẫn phải làm đơn yêu cầu thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.
3.4. Ra quyết định thi hành án cấp dưỡng theo định kỳ
Trường hợp ủy thác việc thi hành án cấp dưỡng theo định kỳ thì cơ quan thi hành án dân sự nơi nhận ủy thác hay cơ quan thi hành án dân sự nơi đã thực hiện ủy thác ra quyết định đối với các nghĩa vụ thi hành án của các năm tiếp theo?
Phương án xử lý:
Về nguyên tắc ra quyết định thi hành án đối với bản án, quyết định tuyên thực hiện nghĩa vụ thi hành án theo định kỳ, thời hạn khác nhau, khoản 6 Điều 1 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 01/8/2016 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quy định
“Đối với bản án, quyết định về cấp dưỡng theo định kỳ hàng tháng thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra một quyết định thi hành án đối với những nghĩa vụ đã đến hạn hoặc sẽ đến hạn trong năm thi hành án”.
Đồng thời, pháp luật về thi hành án dân sự cũng đã có những quy định, hướng dẫn về ủy thác thi hành án nhằm xử lý những trường hợp ủy thác khi chưa ra quyết định thi hành án và ủy thác khi đã ra quyết định thi hành án. Mặt khác, để hướng dẫn ra quyết định thi hành án theo định kỳ trong trường hợp đã ủy thác thi hành án, sau khi trao đổi, thống nhất với Vụ 11 - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các đơn vị chức năng thuộc Bộ, Tổng cục Thi hành án dân sự đã ban hành Công văn số 1103/TCTHADS-NV1 ngày 30/03/2017, theo đó hướng dẫn
“trường hợp cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền đã ủy thác toàn bộ các nghĩa vụ theo các kỳ hạn mà bản án, quyết định đã tuyên thì cơ quan thi hành án dân sự nơi nhận ủy thác có thẩm quyền ra quyết định thi hành án và tổ chức thi hành”.