Sign In

Những khó khăn trong việc xử lý tài sản không có người tham gia đấu giá, bán đấu giá tài sản không thành của Chi cục THADS thành phố Sông Công

06/10/2020

Tính đến hết ngày 30/9/2020, tổng số việc bán đấu giá chưa thành của Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) thành phố Sông Công là 08 việc, tương ứng với số tiền phải thi hành án 32.761.227.000,đ. Trong đó, việc cũ chuyển sang là 06 việc, mới thụ lý 02 việc. Số việc bán đấu giá trên 10 lần là 01 việc (vụ Chu Thị Minh Hằng, Nguyễn Bá Nghị - phường Lương Sơn, TP Sông Công), số việc bán đấu giá trên 02 lần là 07 việc, chiếm 0,17% tổng số việc có điều kiện thi hành. Trong đó, có 01 việc đương sự đã tự thỏa thuận thi hành xong, còn 07 việc tiếp tục giảm giá, thông báo bán đấu giá.
Các tài sản bán đấu giá nhiều lần không thành đều là bất động sản (QSDĐ và tài sản trên đất) đa số thuộc khu vực phường Phố Cò, Lương Sơn; thông báo bán đấu giá, giảm giá nhiều lần vẫn không có người đăng ký tham gia đấu giá, trả giá, có việc bán đấu giá trên 10 lần vẫn không bán được tài sản dẫn đến việc thi hành án bị kéo dài và gây tốn kém, lãng phí. Hệ quả là, có điều kiện nhưng trên thực tế vẫn không thi hành án được gây áp lực cho cơ quan thi hành án.
Nguyên nhân bán đấu giá không thành:
- Thứ nhất, các tài sản kê biên bán đấu giá có giá trị lớn (đất thổ cư mặt đường, tài sản trên đất là nhà xây 02,03 tầng, nhà xưởng) trong khi thị trường bất động sản tại thành phố Sông Công chưa hồi phục và phát triển sôi động do hệ quả của khủng hoảng kinh tế những năm gần đây.
- Thứ hai, đó là quy định về bảo quản tài sản thi hành án sau khi kê biên.
Cụ thể, một trong những hình thức bảo quản tài sản thi hành án được Luật quy định và Chi cục áp dụng là giao tài sản sau khi kê biên cho người phải thi hành án, người thân thích của người phải thi hành án, người đang sử dụng, bảo quản. Quy định này là có thuận lợi trong việc bảo quản, trông coi, khai thác lợi ích từ tài sản; việc kê biên tài sản sẽ ít gặp phải sự chống đối của người có tài sản vì tâm lý chưa bị mất ngay tài sản; có thêm thời gian để các cơ quan chức năng tìm kiếm chỗ ở cho người có tài sản...
Tuy nhiên, thực tế, đây lại là nguyên nhân dẫn đến khó khăn, phức tạp cho quá trình bán đấu giá tài sản trong THADS. Việc giao này khiến quá trình bán đấu giá tài sản không phản ánh trung thực giá trị của tài sản đưa ra bán đấu giá do người phải thi hành án đang quản lý tài sản. Trong khi đó họ đang mang tâm lý bị ép buộc, cưỡng chế, nên thường chây ì, cố tình gây khó khăn, cản trở, không tạo điều kiện cho người có nhu cầu mua tài sản, xem tài sản, chưa kể họ còn tìm cách thông tin không đúng sự thật về tài sản, làm cho người có nhu cầu mua không muốn mua hoặc nếu mua thì không trả giá đúng với giá trị thực của tài sản.
Mặt khác, việc bàn giao tài sản cho người mua được tài sản đấu giá còn gặp rất nhiều khó khăn; nhiều trường hợp người mua được tài sản đấu giá ngay tình chịu nhiều rủi ro, quyền lợi hợp pháp bị ảnh hưởng dẫn đến tâm lý e ngại khi tham gia đấu giá, khiến tài sản THADS dù được định giá rẻ hơn giá thị trường, nhưng vẫn chưa thu hút được người mua tài sản đấu giá, tài sản được bán nhiều lần không thành, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích của các tổ chức, cá nhân và Nhà nước.
Do đó, trong thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ quan THADS trong xử lý tài sản không có người tham gia đấu giá, bán đấu giá tài sản không thành, nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác THADS và quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.


Theo Chi cục THADS TP Sông Công

Các tin đã đưa ngày: