Sign In

Hiệu quả thi hành án dân sự từ mức độ tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp ở Thái Nguyên

21/06/2021

Hiệu quả thi hành án dân sự từ mức độ tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp ở Thái Nguyên
Ðiều 106 Hiến pháp năm 2013 nước ta khẳng định: Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.
Có thể nói, thi hành án dân sự là quá trình hiện thực hóa các phán quyết của Tòa án trong thực tiễn của cuộc sống, góp phần tích cực trong việc bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, phục vụ tích cực nhiệm vụ chính trị địa phương, tạo cơ sở nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội.
Khi đất nước ta đẩy mạnh công cuộc xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, ở một khía cạnh quan trọng khác, thi hành án dân sự (THADS) được xác định là công cụ hữu hiệu bảo vệ quyền sở hữu tài sản, vốn đầu tư, khai thông nguồn lực tài chính, góp phần cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư và khuyến khích phong trào khởi nghiệp. Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3-6-2017 Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XII) khẳng định các thiết chế giải quyết tranh chấp dân sự, trong đó có THADS, phải được đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, các quy trình, thủ tục đơn giản, công khai, minh bạch, tiết kiệm thời gian, giảm chi phí và không tạo gánh nặng tâm lý để kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.
Có thể nói, quyền sở hữu và bảo vệ quyền sở hữu của các nhà đầu tư luôn là một chế định then chốt trong nền kinh tế thị trường. Một doanh nghiệp khi đầu tư tại một địa phương đều tìm hiểu hiệu lực, hiệu quả, thời gian và chi phí của hoạt động bảo vệ quyền sở hữu tài sản trong trường hợp xảy ra tranh chấp kinh doanh để có thể thu hồi thành công đồng vốn của họ. Mức độ tin tưởng của các doanh nghiệp vào hiệu lực, sự kịp thời và nhanh chóng của hoạt động THADS trong bảo vệ các quyền tài sản luôn là một tiêu chí quan trọng để đo lường và đánh giá mức độ tín nhiệm của nền kinh tế cũng như sự thông thoáng, tin cậy của môi trường đầu tư kinh doanh của mỗi tỉnh, thành phố từ những cảm nhận cụ thể của cộng đồng doanh nghiệp.
Chỉ số PCI là bộ Chỉ số uy tín thể hiện tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp với 10 chỉ số thành phần cơ bản, bao quát những lĩnh vực chính trong điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố liên quan sự phát triển của doanh nghiệp dân doanh, trong đó có chỉ số về "Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự" để đánh giá thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và an ninh được bảo đảm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của doanh nghiệp tại địa phương. Trong các chỉ tiêu đánh giá của Chỉ số này, cộng đồng doanh nghiệp có nhiều ghi nhận, đánh giá đáng khích lệ đối với những nỗ lực, đóng góp của công tác THADS đối với nền kinh tế những năm gần đây, cụ thể là chỉ tiêu "Phán quyết của tòa án được thi hành nhanh chóng", nếu như năm 2016 chỉ có hơn 62% số doanh nghiệp toàn quốc ghi nhận thì đến năm 2020, con số này lên đến hơn 79%.
Những tiến bộ vượt bậc của chỉ số PCI của Thái Nguyên trong những năm qua là một thí dụ điển hình. Từ thứ hạng gần như cuối bảng 57 trong số 63 tỉnh, thành phố năm 2011, đến năm 2019 xếp thứ 11 trong số 63 tỉnh, thành phố. Trên cơ sở đó, Thái Nguyên đã có sự tăng trưởng vượt bậc về phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn nằm vị trí trong nhóm các địa phương có chỉ số tăng cao, môi trường hấp dẫn thu hút nhiều nhà đầu tư. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có hơn 7.000 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký gần 86 nghìn tỷ đồng, 143 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký gần 8,1 tỷ USD. Nhiều tập đoàn lớn, có tiềm lực tài chính đang đầu tư trên địa bàn như: Tập đoàn Samsung, Vingroup, T&T, FLC, Masan… Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 5 năm 2016 - 2020 ước đạt gần 240 nghìn tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2004 - 2018 tăng 12,8%; GRDP bình quân đầu người tăng từ 32,33 triệu đồng/người/năm 2013 lên 83,5 triệu đồng/người/năm 2019; thu ngân sách nhà nước các năm đều tăng cao (năm 2018 tổng thu ngân sách đạt 15.003 tỷ đồng; năm 2019 tổng thu ngân sách đạt 15.328 tỷ đồng).
Riêng đối với chỉ tiêu liên quan trực tiếp đến hoạt động THADS "Phán quyết của Tòa án được thi hành nhanh chóng" những năm gần đây, THADS tỉnh Thái Nguyên luôn nằm trong tốp đầu so với toàn quốc, được sự ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp: Năm 2017 đạt 74% (xếp thứ 10), năm 2018 đạt 84% (xếp thứ 1), năm 2019 đạt 80% (xếp thứ 9)... Các cơ quan THADS trên địa bàn tỉnh có nhiều nỗ lực, cố gắng, thể hiện cụ thể qua việc hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội giao về việc và về tiền. Từ năm 2015-2019, cơ quan THADS thụ lý khoảng 60 nghìn việc, trung bình 12 nghìn việc/năm, tương ứng với số tiền khoảng 3.504 tỷ đồng; thi hành xong gần 40 nghìn việc, tương ứng số tiền khoảng 1.033 tỷ đồng. Ðại diện Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) nhận xét: Việc nỗ lực thi hành án, thu hồi tiền trong các vụ việc cho SEVT thời gian qua, Tập đoàn Samsung luôn ghi nhận và đồng tình, điều đó đã mang lại sự an tâm cho doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Thái Nguyên.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nổi bật đạt được, công tác THADS tỉnh còn một số khó khăn, vướng mắc cần sớm được khắc phục; từ đó nâng cao hơn nữa hiệu quả và rút ngắn thời gian thi hành án trong lĩnh vực dân sự, hành chính, đầu tư, kinh doanh, thương mại và bảo vệ người tiêu dùng. Thực tiễn cho thấy một số vướng mắc trong các quy định về thủ tục THADS còn rườm rà, thiếu tinh gọn; công tác quản lý đất đai, đăng ký tài sản, kê khai tài sản còn nhiều khó khăn cho công tác xác minh, truy tìm tài sản; công tác thẩm định giá, đấu giá tài sản kê biên còn chưa sát với thực tế tình hình kinh tế - xã hội của địa phương. Nhiều trường hợp phải giảm giá nhiều lần, làm tăng chi phí cũng như kéo dài thời gian thi hành án; công tác phối hợp liên ngành có lúc, có nơi hiệu quả chưa cao; việc ứng dụng công nghệ thông tin, công khai, minh bạch các hoạt động THADS hiệu quả chưa cao; năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm của một bộ phận chấp hành viên, công chức còn chưa đáp ứng được yêu cầu, còn một số biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực trong hoạt động THADS.
TS Nguyễn Xuân Tùng
(Cục THADS tỉnh Thái Nguyên)


Theo https://nhandan.vn

Các tin đã đưa ngày: