Thi hành án dân sự (THADS) vốn là công việc khó khăn bởi động chạm đến quyền lợi của nhiều người liên quan. Chi cục THADS huyện Phú Bình có lượng việc lớn, trong đó nhiều vụ việc phức tạp, nhân sự mỏng, áp lực quá tải nhưng với sự quyết tâm cao của tập thể và nỗ lực của từng cá nhân, đơn vị luôn hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Những năm gần đây, Phú Bình có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, các khu công nghiệp được hình thành, thu hút nhiều lao động từ địa phương khác đến làm việc.
Huyện cũng đang phấn đấu trở thành thị xã (giai đoạn 2025-2030) nên nhiều khu dân cư được hình thành và mở rộng… Đi kèm với đó là các vấn đề xã hội phát sinh, nhất là việc tranh chấp đất đai phải đưa ra tòa án xét xử có chiều hướng gia tăng. Án tín dụng, ngân hàng ngày một nhiều, tính chất các vụ việc cũng phức tạp hơn.
Bên cạnh đó, trong quá trình giải quyết, cơ quan chức năng thường gặp phải sự chống đối quyết liệt của đương sự và người thân, ảnh hưởng đến hiệu quả thi hành án và an ninh trật tự tại địa phương. Trong khi đó, nhân lực của Chi cục THADS huyện lại mỏng nên đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của tập thể và từng cá nhân.
Bà Lê Thị Luyến, Chi cục trưởng THADS huyện Phú Bình, chia sẻ: Chi cục được giao 10 biên chế và 4 hợp đồng lao động. Tuy nhiên từ ngày 1/3/2023, 1 công chức xin thôi việc nên lực lượng lại thêm mỏng. Trong khi đó, lượng án mới thụ lý năm 2023 của Chi cục tăng cao nên đơn vị rất khó khăn, thiếu người làm, dẫn đến tình trạng quá tải. Cụ thể, tính từ tháng 10-2022 đến tháng 6-2023, Chi cục phải thi hành 1.080 việc với số tiền trên 42 tỷ đồng (đứng thứ 3 toàn tỉnh về việc). Tuy nhiên đến nay, đơn vị đã thi hành xong 645 việc (đạt tỷ lệ 79,53%), với số tiền trên 9,36 tỷ đồng (50,69%), trong tổng số việc và tiền có điều kiện thi hành.
Đặc biệt, một số vụ việc khó khăn, phức tạp, kéo dài nhiều năm qua đến nay đã được đơn vị giải quyết xong. Điển hình như vụ Nguyễn Thị Hoà (ở tổ dân phố Đông, thị trấn Hương Sơn) phải thi hành trả nợ cho bà Nguyễn Thị Thuý (tổ dân phố 1, thị trấn Hương Sơn) số tiền 3,1 tỷ đồng.
Hay như vụ Dương Thị Vân (ở xã Xuân Phương) với số tiền phải thi hành 200 triệu đồng... Sau nhiều lần tuyên truyền, vận động đương sự không tự nguyện thi hành, Chi cục đã phải tiến hành kê biên tài sản, chuẩn bị thực hiện biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật thì các đương sự mới chấp thuận (tự nguyện) thi hành.
Theo bà Lê Thị Luyến, để đạt được những kết quả trên, Chi cục đã tranh thủ sự quan tâm của lãnh đạo Cục THADS tỉnh, Ban Chỉ đạo THADS huyện, cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành liên quan trong quá trình giải quyết các vụ việc, nhất là đối với những việc phức tạp, kéo dài.
Bên cạnh đó là nỗ lực, phấn đấu, quyết tâm ngay từ những tháng đầu năm của tập thể công chức, người lao động trong đơn vị. Trong quá trình tổ chức thi hành, chấp hành viên nghiên cứu kỹ bản án, quyết định của tòa án, tìm hiểu thông tin, nhân thân và các mối quan hệ của đương sự… Từ đó phân tích, đánh giá tình hình, tìm ra giải pháp, hướng thi hành phù hợp, hiệu quả, hạn chế áp dụng các biện pháp cưỡng chế làm phát sinh phức tạp hoặc đơn thư kéo dài.
Với những nỗ lực và kết quả thời gian qua, Chi cục THADS huyện Phú Bình quyết tâm phấn đấu hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2023. Để làm được điều này, đơn vị tập trung vào những nhiêm vụ trọng tâm: Bám sát kế hoạch công tác, các chỉ đạo, kết luận của cấp trên; đảm bảo kiểm soát chặt chẽ, phân loại rõ từ việc nhận đơn, nhận án đến việc ra quyết định cũng như kết quả thi hành; làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Đối với những vụ việc lớn, phức tạp, bên cạnh nỗ lực của chấp hành viên, phát huy trí tuệ tập thể, đơn vị cũng tranh thủ sự định hướng, chỉ đạo của Cục THADS tỉnh, Ban Chỉ đạo cấp huyện cũng như tăng cường sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị có liên quan… Đơn vị cũng sẽ kiên quyết tổ chức cưỡng chế thi hành án đối với những vụ việc có điều kiện thi hành nhưng đương sự không tự nguyện thi hành, cố tình chây ỳ, chống đối, kéo dài việc thi hành án.
Theo https://baothainguyen.vn