Sign In

NHỮNG VƯỚNG MẮC TRONG CƯỠNG CHẾ THI HÀNH ÁN

20/05/2020

NHỮNG VƯỚNG MẮC TRONG CƯỠNG CHẾ THI HÀNH ÁN
Cưỡng chế thi hành án dân sự là biện pháp cưỡng bức bắt buộc của cơ quan thi hành án nhằm buộc đương sự (người phải thi hành án) phải thực hiện những hành vi hoặc nghĩa vụ về tài sản theo bản án, quyết định của Tòa án, được áp dụng trong trường hợp người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành trong thời hạn ấn định hoặc trong trường hợp cần ngăn chặn người phải thi hành án tầu tán, hủy hoại tài sản.
          Việc thực hiện cưỡng chế thi hành án cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan hữu quan và chính quyền địa phương, trong đó quan trọng nhất là sự phối hợp chặt chẽ, trung thực của các bên đương sự và người có quyền nghĩa vụ liên quan, nếu một trong các bên không phối hợp sẽ dẫn đến việc cưỡng chế thi hành án bị vướng mắc, khó khăn, không đạt hiệu quả. Như, theo Quyết định thỏa thuận của các bên đương sự số 01/KDTM ngày 09/3/2017 của Tòa án nhân dân TP Thái Nguyên giữa Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) với Công ty Cổ phần xây lắp A trong đó Công ty CP xây lắp A phải thi hành khoản trả cho ngân hàng VP Bank số tiền 4.916.066.000đ, tài sản đảm bảo khoản vay là 03 quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (là tài sản bảo lãnh của bên thứ ba). Tháng 11/2017 Ngân hàng VP Bank có Đơn yêu cầu thi hành án (tài liệu kèm theo là 01 Hợp đồng thế chấp tài sản đảm bảo đứng tên bà Trần Thị Oanh) yêu cầu cơ quan thi hành án thi hành khoản tiền trên.
Cơ quan thi hành án đã ra Quyết định thi hành án theo yêu cầu và tổ chức thi hành án. Quá trình giải quyết án, Chấp hành viên tiến hành các bước xác minh tài sản của Công ty CP Xây lắp A được biết tài sản của công ty đã bị các ngân hàng khác xử lý thu hồi nợ, công ty không còn tài sản nào để thi hành án. Chấp hành viên đã tiến hành các bước xử lý tài sản bảo lãnh để đảm bảo thi hành án theo quy định. Gia đình bà Oanh chống đối quyết liệt, không chấp nhận thi hành bản án với lí do, bà chỉ thi hành khoản tiền gốc và phần lãi trên đúng giá trị tài sản mà bà bảo lãnh cho công ty, số tiền lãi còn lại phải chia cho hai tài sản lảo lãnh theo gói Hợp đồng tín dụng của ngân hàng nếu các bên thỏa thuận được.
Cơ quan thi hành án đã yêu cầu Ngân hàng phối hợp cùng gia đình bà Oanh để giải quyết và cung cấp giá trị hợp đồng của hai tài sản còn lại trong trong gói hợp đồng tín dụng nhưng ngân hàng đã giải chấp đối với 2 tài sản trong gói hợp đồng tín dụng có 3 tài sản bảo lãnh trên và yêu cầu tiếp tục thi hành bản án của Tòa án. Việc thi hành quyết định của Tòa án bế tắc, khó khăn trong việc xử lý tài sản bảo lãnh của gia đình bà Oanh. Nguyên nhân: (i) việc ra quyết định thỏa thuận của Tòa án đối với các tài sản là bất động sản thế chấp tại Ngân hàng để đảm bảo cho quan hệ tín dụng không dựa trên xác minh thực tế nội dung Hợp đồng, chỉ căn cứ vào thông tin ngân hàng cung cấp chưa đầy đủ, chính xác, chưa làm rõ giá trị từng tài sản, ra Quyết định không cụ thể, rõ ràng vì vậy khi thi hành trong thực tế phát sinh nhiều bất cập, vướng mắc, đương sự phản ứng, không hợp tác vì quyền lợi bị xâm hại. (ii) việc phối hợp, cung cấp thông tin về Hợp đồng tín dụng không đầy đủ chính xác của ngân hàng dẫn đến thi hành án của chấp hành viên bị vướng mắc.
Đề xuất phương án giải quyết: (i) khi giải quyết tranh chấp, Tòa án cần kiểm tra, xác minh trên thực tế những căn cứ trong Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng thế chấp tài sản, xác định giá trị khoản vay trên từng tài sản thế chấp, phần lãi xuất tương ứng giá trị của tưng tài sản. Nếu không đảm bảo các nội dung trên, cơ quan thi hành án có ý kiến đề nghị tòa án giải thích Quyết định trên. Nếu không được giải thích phù hợp đối với Quyết định trên cơ quan thi hành án sẽ có văn bản với tòa án cấp trên có thẩm quyền xem xét lại quyết định trên. (ii) đối với Ngân hàng: Khi làm đơn yêu cầu thi hành án cần cung cấp cho cơ quan thi hành án đầy đủ Hợp đồng tín dụng của các tài sản bảo đảm khoản vay. Trong trường hợp cụ thể trên, Ngân hàng chỉ cung cấp Hợp đồng tín dụng  một tài sản bảo lãnh là tài sản của gia đình bà Oanh là chưa đầy đủ dẫn đến bà Oanh phải chịu khoản lãi xuất của hai tài sản mà ngân hàng đã giải chấp là không phù hợp, làm thiệt hại đến quyền lợi của gia đình bà Oanh. Đề giải quyết vấn đề này, các bên đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Ngân hàng VP Bank, công ty A và gia đình bà Oanh cùng chấp hành viên bàn bạc, thỏa thuận để đưa ra phương án giải quyết.
Từ những vướng mắc nêu trên cho thấy việc thi hành các bản án dân sự, kinh doanh thương mại liên quan đến bất động sản đang thực sự là một thách thức rất lớn đối với cơ quan THADS và các chấp hành viên. Để bản án đã có hiệu lực của tòa án được thi hành dứt điểm, đúng pháp luật và bảo đảm quyền lợi của người được thi hành án, đòi hỏi các cơ quan thi hành án và các chấp hành viên phải thực sự khách quan, công tâm và có đủ bản lĩnh trong quá trình thực thi công vụ. Bên cạnh đó, các thẩm phán trong quá trình xét xử các vụ án cũng cần sự cẩn trọng, tỉ mỉ hơn trong việc xác minh tài sản, xác minh những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để đảm bảo bản án được tuyên một cách rõ ràng, đầy đủ nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thi hành án. Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức liên quan và chính quyền địa phương cũng cần chủ động, tích cực và phối hợp một cách chặt chẽ, hiệu quả hơn đối với các cơ quan thi hành án trong quá trình tổ chức cưỡng chế thi hành các bản án đã có hiệu lực pháp luật.


Theo Chi cục THADS TP Thái Nguyên

Các tin đã đưa ngày: