Sign In

Cưỡng chế kê biên tài sản thi hành án: Kiên quyết ngay từ đầu năm

22/01/2019

Thực hiện nhiệm vụ năm 2019, ngay từ những tháng đầu năm, cơ quan thi hành án dân sự tỉnh Bắc Giang đã vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt thi hành những án có đủ điều kiện, án tồn đọng kéo dài, số tiền lớn và liên quan đến tín dụng ngân hàng.
Chú trọng bản án có số tiền thi hành lớn
Giữa tháng 1-2019, Cục thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Bắc Giang cưỡng chế kê biên tài sản thi hành án của doanh nghiệp tư nhân Hữu Tuyên do ông Nguyễn Hữu Tuyên ở thôn Non Giếng, xã Khám Lạng (Lục Nam) làm chủ. Cách đây vài năm, ông Tuyên vay gần 4 tỷ đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT chi nhánh Bắc Giang II và một số cá nhân khác. Vì nhiều nguyên nhân, ông không trả số tiền đã vay cộng lãi suất phát sinh đúng thời gian quy định nên bị khởi kiện ra tòa. Túng quẫn cùng lo sợ, từ năm 2015 đến nay, ông Tuyên bỏ trốn khỏi địa phương.
 

Các thành viên đoàn cưỡng chế kê biên tài sản thi hành án tại xã  Tân Thanh (Lạng Giang) ký vào biên bản.
 
Hết thời gian tự nguyện, Cục THADS tỉnh đã làm việc với bố mẹ đẻ, vợ con của ông Tuyên về nghĩa vụ phải thi hành án và ra kế hoạch cưỡng chế. Quá trình làm việc, cơ quan chức năng kê biên xử lý tài sản của ông Tuyên gồm quyền sử dụng và tài sản trên nhiều mảnh đất ở các xã: Nghĩa Phương, Cẩm Lý, Khám Lạng (Lục Nam), xã Tân Thanh (Lạng Giang), tổng diện tích hơn 2 nghìn m2 (gồm cả đất vườn và đất ở). Ông Nguyễn Thế Hùng, chấp hành viên (Cục THADS tỉnh) phụ trách trực tiếp vụ việc cho biết: “Tài sản của ông Tuyên nằm rải rác ở nhiều nơi, gần quốc lộ. Hơn nữa, sinh sống gần đó có đông họ hàng, làng xóm nên khi tổ chức kê biên có nhiều người hiếu kỳ, tụ tập đến xem dễ gây ùn tắc giao thông, có thể có sự kích động, chống đối người thi hành công vụ”. Do nhận định tình hình cụ thể nên đoàn cưỡng chế bảo đảm đủ thành phần, các thành viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, linh hoạt trong xử lý mọi tình huống. Trước tinh thần làm việc nghiêm túc và được giải thích rõ ràng, thân nhân của ông Tuyên đều nhất trí với quyết định cưỡng chế thi hành án.
Thực hiện đúng chủ trương chung, Cục THADS tỉnh và Chi cục THADS các huyện, TP đều tập trung giải quyết những bản án liên quan đến tín dụng ngân hàng và có số tiền phải thi hành lớn. Đơn cử như vụ việc Công ty TNHH Ngọc Khánh ở thôn Thanh Lương, xã Quang Thịnh (Lạng Giang) do ông Dương Đại Kỳ làm Giám đốc vay gần 32 tỷ đồng từ Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, chi nhánh Bắc Giang. Việc làm ăn không như ý muốn, ông Kỳ không thể trả đủ số tiền gốc và lãi phát sinh. Ban đầu, ông không tự nguyện thi hành án dù đủ điều kiện. Các chấp hành viên cương quyết, thực thi đúng pháp luật nên đã cưỡng chế kê biên xong nhiều tài sản của ông Kỳ với giá thẩm định khoảng 31 tỷ đồng, bảo đảm bản án của TAND TP Bắc Giang có hiệu lực thi hành.
Ở Chi cục THADS TP Bắc Giang, triển khai nhiệm vụ quý I năm 2019, đơn vị đã thực hiện xong 20 quyết định cưỡng chế kê biên tài sản; đạt 14,2% về tiền; 58% về việc (vượt 18,8% về tiền và 15% về việc). Trong số đó có trường hợp vợ chồng ông Nguyễn Văn Tráng, ở phường Hoàng Văn Thụ luôn cố tình chống đối người thi hành công vụ, đồng thời liên tục gửi đơn thư khiếu nại. Năm 2017, vợ chồng ông tranh chấp gần 400 m2 đất ở với bố mẹ đẻ. Cha con kiện nhau ra tòa, khi bản án có hiệu lực, Chi cục THADS TP Bắc Giang tổ chức cưỡng chế. Ông Nguyễn Thành Bắc, Chi Cục trưởng cho hay: “Bằng sự cương quyết, khéo léo, sau hai tháng, cơ quan chức năng đã thuyết phục, tổ chức cưỡng chế an toàn đồng thời nhanh chóng bàn giao tài sản cho các bên liên quan”.
Bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật
Ở những vụ việc mà sau khi được vận động, thuyết phục, các đương sự vẫn không hợp tác, tự nguyện thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự bắt buộc phải cưỡng chế để bảo đảm bản án của tòa án được thực thi, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.
Để làm được điều này, chấp hành viên của các cơ quan thi hành án hai cấp đã rà soát kỹ hồ sơ, nắm chắc trình tự, thủ tục cưỡng chế. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên quan, chính quyền địa phương, lực lượng bảo vệ để thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả. Nhiều vụ việc được giải quyết nhanh chóng, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, tạo niềm tin trong nhân dân và giảm lượng án tồn chuyển kỳ sau.
Bà Nguyễn Thị Bích Tần, Cục trưởng Cục THADS tỉnh cho biết, năm 2019, công tác cưỡng chế kê biên tài sản thi hành án có nhiều điểm mới. Cụ thể như người đứng đầu đơn vị phải trực tiếp kiểm tra các hồ sơ. Quá trình cưỡng chế kê biên tài sản sẽ liên quan đến thẩm định giá, bán đấu giá, các chấp hành viên sau khi ký hợp đồng với đơn vị thẩm định giá phải tiếp tục giám sát, kịp thời phát hiện sai phạm, nếu nhẹ thì yêu cầu đơn vị thẩm định giá khắc phục, nặng thì đề nghị hủy kết quả thẩm định giá.
Khi thực hiện bản án của tòa án, cưỡng chế kê biên tài sản chỉ là biện pháp cuối cùng. Các chấp hành viên luôn chú trọng tuyên truyền, thuyết phục, vận động đương sự tự nguyện thi hành án./.
Sưu tầm


Theo baobacgiang.com.vn

Các tin đã đưa ngày: