Sign In

Khó khăn trong việc xác định tiền lãi suất đối với khoản tiền nộp ngân sách nhà nước theo nội dung bản án, quyết định của Tòa án

21/03/2024

        Theo quy định tại Điều 36 luật thi hành án dân sự 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2014, thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án theo đơn khi có yêu cầu thi hành án của đương sự và có thẩm quyền chủ động ra quyết định thi hành án đối với các khoản: Hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, lệ phí Tòa án; Trả lại tiền, tài sản cho đương sự; Tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu hủy vật chứng, tài sản; các khoản thu khác cho Nhà nước; Thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ nhà nước; Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; Quyết định của Tòa án giải quyết phá sản. Như vậy, theo điều luật này, thì án phí là một khoản cơ quan thi hành án dân sự phải chủ động ra quyết định thi hành án trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án, trừ trường hợp Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải ra ngay quyết định thi hành án và đối với Quyết định của Tòa án giải quyết phá sản thì phải ra quyết định thi hành án trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định.

        Để làm sáng tỏ nội dung của bài viết này, trước tiên chúng ta cần phải hiểu “án phí” là gì. Theo pháp luật hiện nay xác định án phí là Khoản chi phí về xét xử một vụ án mà đương sự phải nộp trong mỗi vụ án do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Án phí có nhiều loại như án phí hình sự, án phí dân sự, án phí kinh tế, án phí lao động, án phí hành chính… Đây là số tiền thu theo quy định của pháp luật trong mỗi vụ án mà tòa án giải quyết để nộp vào ngân sách nhà nước. Pháp luật quy định mức án phí cụ thể đối với từng loại án và tuỳ theo cấp xét xử sơ thẩm, phúc thẩm.

        Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thi hành án, các cơ quan thi hành án dân sự khó khăn trong việc xác định bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật khi nào, nên không có căn cứ để tính số tiền lãi của khoản án phí. Tôi xin nêu một số trường hợp cụ thể như sau:

        Tại mục 7.1 của Bản án hình sự sơ thẩm số:197/2023/HS-ST ngày 22-12-2023  và tại mục 3.1 của Bản án dân sự sơ thẩm số: 11/2024/DS-ST ngày 16-01-2024 của Tòa án nhân dân thành phố Q, tỉnh B có nội dung: “Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của bộ luật Dân sự năm 2015”.

        Như vậy, theo nội dung của các bản án nêu trên thì khoản án phí phải chịu lãi suất kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, vì án phí là khoản cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án. Tuy nhiên, để xác định ngày bản án, quyết định có hiệu lực để bắt đầu tính tiền lãi suất là hết sức khó khăn và phức tạp cho cơ quan thi hành án. Bởi vì để xác định bản án có hiệu lực pháp luật khi nào, trước tiên cần xác định đó là bản án thuộc lĩnh vực nào (hình sự, dân sự, kinh doanh thương mại…) và cấp xét xử của bản án đó là cấp nào. Chẳng hạn như theo quy định tại Khoản 2, Điều 282 Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015 quy định Bản án Dân sự có hiệu lực pháp luật khi: “Bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc những phần bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị”. Theo quy định tại khoản 1, Điều 280 BLTTDS, thì thời hạn kháng nghị đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 01 tháng, kể từ ngày tuyên án. Trường hợp Kiểm sát viên không tham gia phiên tòa thì thời hạn kháng nghị tính từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được bản án.

        Đồng thời căn cứ khoản 1 Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, thì thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.

        Đối với trường hợp đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày tuyên án.
Theo quy định tại khoản 2, Điều 482 BLTTDS năm 2015, thì những bản án, quyết định sau đây của Tòa án cấp sơ thẩm được thi hành ngay mặc dù có thể bị kháng cáo, khiếu nại, kháng nghị, kiến nghị: Bản án, quyết định về cấp dưỡng, trả công lao động, nhận người lao động trở lại làm việc, trả lương, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp mất việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất tinh thần của công dân; quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công; Quyết định về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.


        Đối với bản án phúc thẩm thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (Điều 313 BLTTDS 2015)

        Cách xác định bản án hình sự sơ thẩm có hiệu luật pháp luật, thì theo quy định tại Điều 343 BLTTHS 2015 thì bản án, quyết định và những phần của bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án không bị kháng cáo, kháng nghị thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị, mà theo quy định tại Điều 333 BLTTHS 2015, thì thời hạn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đối với bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật; thời hạn kháng cáo đối với quyết định sơ thẩm là 07 ngày kể từ ngày người có quyền kháng cáo nhận được quyết định.

        Cũng theo điều luật này, thì ngày kháng cáo được xác định như sau: Trường hợp đơn kháng cáo gửi qua dịch vụ bưu chính thì ngày kháng cáo là ngày theo dấu bưu chính nơi gửi; trường hợp đơn kháng cáo gửi qua Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ thì ngày kháng cáo là ngày Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ nhận được đơn. Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ phải ghi rõ ngày nhận đơn và ký xác nhận vào đơn; trường hợp người kháng cáo nộp đơn kháng cáo tại Tòa án thì ngày kháng cáo là ngày Tòa án nhận đơn. Trường hợp người kháng cáo trình bày trực tiếp với Tòa án thì ngày kháng cáo là ngày Tòa án lập biên bản về việc kháng cáo.

        Theo quy định tại Điều 337 BLTTHS năm 2015, thì thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp đối với bản án hình sự của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 30 ngày kể từ ngày Tòa án tuyên án; thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp đối với quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 15 ngày kể từ ngày Tòa án ra quyết định.

        Đối với bản án hình sự phúc thẩm, thì theo Khoản 2 Điều 355 BLTTHS thì bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
        

        Từ những quy định của pháp luật tố tụng dân sự và tố tụng hình sự nói trên, việc xác định thời điểm bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật khi nào để cơ quan thi hành án dân sự thu tiền lãi suất của khoản tiền án phí là hết sức khó khăn và phức tạp.
        
        Để giảm thiểu án tồn hàng năm và phù hợp với thực tế, thiết nghĩ trong thời gian đến cấp có thẩm quyền xem xét hướng dẫn Tòa án nhân dân các cấp tuyên người có nghĩa vụ nộp các khoản thu cho ngân sách Nhà nước không phải chịu khoản tiền lãi suất phát sinh kể từ ngày bản án, quyết định của có hiệu lực pháp luật như hiện nay./.

 
(ThS. Nguyễn Trọng Tài – Chi cục Thi hành án dân sự TP. Quy Nhơn)

Các tin đã đưa ngày: