Sign In

NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN HOẰNG HÓA

09/07/2015

NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN HOẰNG HÓA
Những năm gần đây, tập thể Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hoằng Hóa luôn đoàn kết, phấn đấu, vượt qua khó khăn, tạo được sự chuyển biến cơ bản, tích cực trong công tác. 
Từ  năm 2010-2014, kết quả thi hành án dân sự của đơn vị năm sau luôn cao hơn năm trước, đã giải quyết xong 1.872 việc tương ứng với số tiền 28 tỷ 684 triệu 026 nghìn đồng, tỷ lệ giải quyết trung bình hàng năm, đạt 90,4% về việc, 80,6% về tiền cùng với tỷ lệ giảm việc tồn chuyển kỳ sau đều vượt chỉ tiêu của Bộ Tư pháp giao. Các mặt công tác khác triển khai thực hiện đảm bảo chất lượng, bước đầu đạt được thành tích đáng khích lệ. Do đó, đơn vị đã được lãnh đạo Huyện, lãnh đạo Cục ghi nhận, tin tưởng, được cấp có thẩm quyền biểu dương, khen thưởng kịp thời. Từ thực tiễn của đơn vị, chúng tôi xin rút ra một số kinh nghiệm sau:
1. Chủ động tham mưu và tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác thi hành án dân sự
 Chi ủy, lãnh đạo Chi cục thường xuyên tham mưu và tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, làm cho các cấp, các ngành, cán bộ và nhân dân trên địa bàn huyện hiểu rõ hơn về công tác thi hành án dân sự, xem đây là nhiệm vụ quan trọng của hệ thống chính trị. Chi cục là một trong những đơn vị đầu tiên trong tỉnh đã tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Chỉ thị số 21/CT-HU ngày 17/4/2014 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác thi hành án dân sự trên địa bàn huyện Hoằng Hóa. Trên cơ sở đó, Chi cục đã báo cáo với Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự huyện, tích cực phối hợp với các cơ quan nội chính và các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện Chỉ thị. Qua đó, nâng cao nhận thức về trách nhiệm và ý thức phối hợp trong công tác thi hành án dân sự của các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan thi hành án giải quyết dứt điểm những vụ việc khó khăn, phức tạp, hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
 

Đ/c Trương Tuấn An - P.Bí thư thường trực Huyện ủy, Đ/c Lê Bá Ngàn - P.Cục trưởng (đứng thứ 5,6 từ phải sang) và đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành dự Lễ ký Qui chế phối hợp.
 
2. Tham mưu nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự
Là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo, đơn vị đã luôn chủ động, tích cực tham mưu cho Ban chỉ đạo thi hành án huyện Hoằng Hóa kiện toàn về tổ chức, thể chế hoạt động; xây dựng và thực hiện Chương trình, Kế hoạch công tác đảm bảo theo quy định. Bám sát, tham mưu cho Ban Chỉ đạo huyện chỉ đạo giải quyết những vụ việc lớn, khó khăn, phức tạp, kéo dài, nhất là những việc phải cưỡng chế thi hành án. Công tác tham mưu có sự nghiên cứu, chuẩn bị kỹ, lập kế hoạch, đưa ra các phương án xử lý cụ thể; chuẩn bị hồ sơ, sơ đồ, hình ảnh minh họa, báo cáo có tính thuyết phục, tạo được sự thống nhất cao trong Ban Chỉ đạo. Hàng năm, Chi cục tham mưu cho đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo ban hành văn bản yêu cầu các cơ quan có liên quan trên địa bàn huyện tăng cường phối hợp thực hiện nhiệm vụ thi hành án dân sự; trực tiếp chỉ đạo thi hành dứt điểm những vụ việc khó khăn, gây bức xúc lớn trong nhân dân.
 

Đồng chí Lê Văn Nhuần - Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự huyện Hoằng Hoá (Đứng thứ 4 từ phải sang) dự và chỉ đạo hội nghị.
 
3. Phối hợp với cấp ủy, chính quyền cơ sở thường xuyên, chặt chẽ, hiệu quả
Chi cục luôn xác định việc phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn trong huyện là nhiệm vụ hàng đầu, có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác thi hành án dân sự. Vì vậy, lãnh đạo Chi cục thường xuyên, chủ động phối hợp với lãnh đạo các xã, thị trấn. Chấp hành viên, cán bộ của Chi cục phải chú trọng và thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp với cán bộ xã, trực tiếp phối hợp với các Trưởng thôn, Công an viên tiến hành các biện pháp nghiệp vụ. Hàng tháng, đơn vị lập danh sách những người phải thi hành án thông báo cho các Trưởng thôn, Công an viên nắm được để phối hợp đôn đốc, thuyết phục thi hành án. Vào những dịp xét đặc xá, cán bộ thi hành án cùng với Trưởng thôn đến từng gia đình người đang chấp hành hình phạt tù động viên, thuyết phục thân nhân thay họ thực hiện nghĩa vụ thi hành án dân sự để có cơ sở xét đặc xá.
4. Lãnh đạo đơn vị tăng cường kiểm tra, chỉ đạo thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự
Lãnh đạo Chi cục tổ chức họp giao ban hàng tuần trực tiếp phổ biến các văn bản pháp luật và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ; nghe các Chấp hành viên báo cáo kết quả giải quyết án trong tuần; kịp thời biểu dương những cá nhân có thành tích cao, đồng thời xem xét, tìm ra nguyên nhân, giải pháp chỉ đạo các Chấp hành viên khắc phục hạn chế, nâng cao chất lượng công tác chuyên môn. Yêu cầu các Chấp hành viên rà soát, phân loại án chính xác, xây dựng phương án, kế hoạch thi hành cụ thể đối với từng vụ việc có điều kiện; theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự hàng tháng của từng Chấp hành viên.
5. Tích cực hưởng ứng, tổ chức các phong trào thi đua
Các phong trào thi đua của Ngành, của địa phương đều được triển khai tới toàn thể cán bộ, công chức, người lao động trong đơn vị. Lãnh đạo Chi cục tập trung phát động những nội dung thi đua trọng tâm, thiết thực nên thu hút được toàn thể đơn vị hưởng ứng, đăng ký thi đua, hăng hái thực hiện. Ngoài việc thi đua thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, Chi cục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phong trào thi đua “Chung sức, chung lòng, chung tay xây dựng nông thôn mới”. Trong tổng kết, bình xét thi đua, Chi cục thực hiện phương châm khen thưởng phải đúng người, đúng thành tích, đúng thời hạn; tiến hành phân tích, đánh giá thận trọng, khách quan, minh bạch, không có sự nể nang, bình quân. Do vậy, đã tạo niềm tin và động lực cho cán bộ, công chức phấn đấu trong công việc.
6. Nâng cao hiệu quả của công tác tiếp dân.
Trong việc tiếp công dân, cán bộ và Chấp hành viên của Chi cục luôn có thái độ hòa nhã, đúng mực, luôn giải thích và chỉ dẫn cụ thể, nhiệt tình, đúng pháp luật, tạo tâm lý thoải mái, tin tưởng cho những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến các việc thi hành án dân sự. Qua việc tiếp dân, có nhiều vụ việc thi hành án dân sự đã được thỏa thuận thi hành; nhiều đương sự tự nguyện rút đơn yêu cầu, khiếu nại, kiến nghị; nhiều việc mâu thuẫn trong thi hành án dân sự đã được hóa giải, hàn gắn. Thực hiện tốt việc tiếp dân, còn có ý nghĩa quan trọng  trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thi hành án dân sự đến từng người dân trong huyện.
7. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thi hành án dân sự
Chi cục thi hành án dân sự phối hợp với Phòng Tư pháp, Đài phát thanh, truyền hình của huyện, hệ thống truyền thanh các xã, thị trấn xây dựng chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật thi hành án dân sự; thực hiện thông báo về thi hành án... Trong đó, tập trung tuyên truyền về quyền và nghĩa vụ của cơ quan Thi hành án dân sự, Chấp hành viên; quyền và nghĩa vụ của các bên đương sự, trách nhiệm phối hợp của tổ chức, cá nhân trong thi hành án dân sự, đặc biệt là nhiệm vụ của Chủ tịch ủy ban nhân dân các các xã, thị trấn trong phối hợp giải quyết các vụ việc thi hành án trên địa bàn…

                                                                                                                  Trần Văn Thắng 
                                                                                         Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hoằng Hóa
 
 
 
 
                                                                                                                                            

Tác giả ảnh: Chi cục THADS huyện Hoằng Hóa

Các tin đã đưa ngày: