Sign In

Chi cục Thi hành án dân sự huyện Nhà Bè duy trì chào cờ và sinh hoạt tư tưởng Hồ Chí Minh vào sáng thứ 2 hàng tuần tại trụ sở cơ quan.

08/01/2024

Chi cục Thi hành án dân sự huyện Nhà Bè duy trì chào cờ và sinh hoạt tư tưởng Hồ Chí Minh vào sáng thứ 2 hàng tuần tại trụ sở cơ quan.
Sáng ngày 08/01/2024, Chi cục Thi hành án huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh chào cờ và thực hiện kể chuyện về Bác, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với bài viết “Làm việc nước nặng nề, khó khăn nên phải hết sức cẩn thận” – Đó là lời dặn dò của Bác Hồ trong một câu chuyện cụ thể nhưng lại mang tính khái quát cao, hết sức tinh tế và sâu sắc. Có thể xem đó là một định hướng vô cùng quan trọng cho mỗi người đảng viên, công chức dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Hồi Bác Hồ ở Pác Bó, để giữ bí mật, nước sinh hoạt được chứa trong những ống dài để trong hang. Trừ những khi ốm hoặc đi công tác, sáng nào Bác cũng đi lấy nước. Ống nước làm bằng ống tre rừng, đục thông các “mắt”, dùng dây thừng hay mây buộc lại đầu trên và dưới, để gánh bằng đòn. Có ống không cần buộc dây, để vác thẳng lên vai. Một sáng sớm, Bác và đồng chí bảo vệ mỗi người hai ống ra suối lấy nước. Bác đặt chân nhẹ nhàng lên các hòn đá, vục ống xuống suối lấy nước, dựng vào một hòn đá, khỏa nước rửa chân tay... Đồng chí bảo vệ tuy là người địa phương nhưng không quen làm việc này nên bước đi không vững, trên vai lại hai ống nước nặng, đặt ống không thăng bằng, nên vấp đá, chẳng may trượt ngã. Bác đến nâng đồng chí dậy, chỉ cách đặt, cách vác ống nước, cách đi trên đá… rồi hai bác cháu ra về. Lên bờ, Bác nói: “Làm việc nước nặng nề, khó khăn nên phải hết sức cẩn thận cháu ạ!”.
Việc liên quan đến nước, như gánh nước, xách nước, khơi dòng nước, thoát nước…, thường không dễ dàng, bởi nước thường không có trạng thái, hình dạng nhất định (tùy theo vật chứa) và không phải lúc nào cũng “tuân theo” ý muốn của người muốn thực hiện. Chẳng hạn, xách một thùng nước mà không khéo thì nước trong thùng sẽ sánh ra ngoài; gánh đôi ống nước mà đặt không cân bằng thì vừa nặng vừa khó đi; nước đang mùa lũ mà không có cách tiêu thoát hợp lý thì sẽ tràn bờ; nước vào mùa khô tháng cạn thì phải khơi, dẫn, tát, bơm… mới có thể đến nơi cần dùng; vào đợt hạn mặn thì phải đào giếng cho sâu, phải mang từ nơi này đến nơi khác mới có nước dùng… Và đương nhiên, phải có đủ cả kỹ năng và kinh nghiệm; kỹ năng thì phải học, tự học hoặc qua hướng dẫn của người khác; kinh nghiệm thì phải tự tích lũy trong hoạt động thực tiễn và đúc rút từ cách làm của người khác.

 
Nhưng dù sao việc nước đó cũng còn dễ hơn việc liên quan đến quốc gia, đến nhân dân… Bởi muôn việc gắn với vận mệnh của dân tộc, của đất nước hay liên quan đến lợi ích của người dân đều rất quan trọng và vì thế lại càng nặng nề, khó khăn. Người gánh các công việc của đất nước đương nhiên càng phải cẩn thận, phải nỗ lực, thậm chí phải xả thân, phải hy sinh. Người đảm nhận các công việc này bên cạnh những chuẩn chất cần thiết theo quy định còn phải luôn phấn đấu, luôn rèn luyện phẩm chất, đạo đức để đáp ứng ngày càng cao các yêu cầu, nhiệm vụ trong thực tiễn.
Trong dịch Covid-19, gần như toàn hệ thống chính trị của cả nước đã liên tục nỗ lực; mỗi người ở những vị trí, trách nhiệm, vai trò của mình đã không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, đã cố gắng đáp ứng tốt nhất yêu cầu nhiệm vụ của mình. Một số người đã phải hy sinh đời sống cá nhân như các mối tình cảm gia đình, các sinh hoạt thường nhật, các lợi ích cụ thể… để bám trụ với công việc khi bản thân vẫn còn có thể hoàn thành được. Một số khác thậm chí còn kém may mắn hơn, khi không thể tận mắt thấy được những thành quả của mình trong ngày đẩy lùi được dịch bệnh… Chúng ta trân trọng sự cống hiến của tất cả họ và nhờ có họ, chúng ta không chỉ được chăm sóc, được bảo vệ mà còn được truyền động lực, truyền cảm hứng để chung tay chiến đấu với dịch bệnh.

 
Dẫu vậy, đó đây cũng có những người không xác định được tâm thế làm việc nước là nặng nề, là khó khăn nên bản thân không cẩn thận đúng mức. Trong việc thực hiện các giải pháp, các quy định phòng chống dịch, có người còn lơ là, chủ quan, còn vì lợi ích riêng một cách ích kỷ… Như có người không nắm chắc tình hình dịch bệnh của địa phương, tình hình đời sống của người dân trên địa bàn; không thực hiện đầy đủ các công việc theo chức trách, nhiệm vụ được giao; có hành vi gian dối để trục lợi một cách sai trái… Hay cũng có một số người còn bất cẩn trong thực hiện nhiệm vụ và vai trò của mình. Chẳng hạn, chưa gương mẫu trong việc chấp hành các quy định phòng chống dịch; thiếu nghiêm túc để người thân có hành vi chưa đúng mực trong việc nhận các gói hỗ trợ; có phát ngôn, hành động thiếu cân nhắc với người dân; thiếu kiểm tra, đôn đốc các hoạt động dẫn đến cấp dưới có các biểu hiện chưa phù hợp…
Những biểu hiện đó có thể không tác động nhiều đến kết quả phòng chống dịch nhưng đã để lại hình ảnh, dư luận không tốt, ít nhiều ảnh hưởng uy tín của đảng viên, cán bộ công chức trong các hoạt động nói chung và trong hoạt động phòng chống dịch nói riêng.
Từ đó, lời dạy của Bác Hồ còn có thể hiểu rộng hơn là: “Làm việc nước càng nặng nề, càng khó khăn thì phải càng hết sức cẩn thận”, đồng thời, “Chức vụ càng cao, trách nhiệm càng lớn thì phải càng hết sức cẩn thận”.
Trong vô số lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ, đảng viên, có nhiều câu rất ngắn gọn mà vô cùng sâu sắc, rất cụ thể mà giàu tính khái quát, rất thực tiễn mà cũng vươn tới tầm cao lý luận. Và lời dạy trên đây của Người thực sự vượt thời gian và thực sự có ý nghĩa đối với việc xây dựng tâm thế hành động cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong công tác phòng chống dịch hiện nay./.
                                                                                                              Thu Cúc - Chi cục Nhà Bè
 

Các tin đã đưa ngày: