Sign In

CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ M INH PHẢI HƯỚNG MẠNH VỀ CƠ SỞ

27/12/2017

CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ M INH PHẢI HƯỚNG MẠNH VỀ CƠ SỞ

Sáng 26/12/2017 Tại Nhà Khách Chính Phủ, Thành Phố Hồ Chí Minh, Cục Thi hành án dân sự (THADS) thành phồ Hồ Chí Minh long trọng tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thi hành án dân sự, hành chính năm 2017 và triển khai công tác thi hành án dân sự, hành chính năm 2018. Đồng chí Trần Tiến Dũng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp và đồng chí Huỳnh Cách Mạng, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự  thành phố tham dự Hội nghị.
 

Tham dự Hội nghị còn có đồng chí Mai Lương Khôi, Quyền Tổng cục trưởng, Tổng Cục THADS; Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Cục trưởng Cục công tác phía nam, Bộ Tư pháp. Đại diện Ban Nội Chính thành phố; Đại diện ban pháp chế Hội đồng nhân dân thành phố; Đại diện lãnh đạo khối nội chính; Lãnh đạo UBND các quận, huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự quận, huyện; các đồng chí trong Ban lãnh đạo Cục, lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc Cục, lãnh đạo 24 Chi cục Thi hành án dân sự quận, huyện cùng toàn thể Chấp hành viên, Thẩm tra viên, Kế toán trưởng của các cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn thành phố và Thư ký Thi hành án thuộc Cục THADS Thành phố.
Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm văn hóa – du lịch, giáo dục – khoa học kỹ thuật – y tế của cả nước, là đầu tàu kinh tế phát triển năng động. Theo báo cáo được lãnh đạo Cục THADS thành phố trình bầy tại Hội nghị  về công tác Thi hành án dân sự, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có số lượng việc và tiền phải thi hành hàng năm đứng đầu cả nước, năm 2017 chiếm 13% về việc và 45% về tiền của toàn quốc; đồng thời, là địa phương có lượng án giá trị lớn, phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành. Năm 2017, số thụ lý mới tăng cao so với năm 2016, đặc biệt là về tiền, tổng số việc đã thụ lý là 106.769 việc, tăng 9.129 việc (9,35%); tổng số tiền thụ lý là: 74.520 tỷ đồng, tăng 14.366 tỷ đồng (23,88%), cao nhất từ trước đến nay về tiền. Bình quân năm 2017, mỗi Chấp hành viên phải giải quyết 253 việc tương ứng với 117 tỷ đồng.
Trước những khó khăn, thách thức nêu trên, năm 2017, tập thể Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự thành phố đã đoàn kết, thống nhất, chú trọng đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ, mang tính đột phá với các biện pháp tổ chức thực hiện quyết liệt, bài bản, giải quyết được nhiều vấn đề đạt hiệu quả, các cơ quan Thi hành án dân sự thành phố đã hoàn thành chỉ tiêu được giao về việc và tiền, cụ thể đã thi hành xong 60.244 việc, đạt tỷ lệ 71,11%; đã thi hành xong 18.598 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 47,37% trong số tiền có điều kiện thi hành, tăng 8.475 tỉ đồng (tăng 14,52%) so với năm 2016. Bên cạnh đó, những thiếu sót, vi phạm trong Thi hành án dân sự được tập trung chấn chỉnh, khắc phục; công tác tổ chức cán bộ tiếp tục được củng cố, kiện toàn, thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác theo quy định; công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ tiếp tục được coi trọng (đã hướng dẫn 76/80 việc đạt 95%); một số vụ án lớn, phức tạp đã được tập trung giải quyết thể hiện qua số tiền thi hành xong đối với các khoản thu cho ngân sách (thu được hơn 557 tỷ tương ứng với 47,37%) và các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng (thu hơn 7 nghìn tỷ); công tác phối hợp được tăng cường, các mặt công tác khác cũng được tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả; công tác phối hợp được phát huy và duy trì thường xuyên, đã chủ động  phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thường trực các cấp và Trưởng ban chỉ đạo thi hành án dân sự thành phố, quận/huyện.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác Thi hành án dân sự, hành chính năm 2017 của thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, từ các nguyên nhân như một số vụ việc thi hành án cho các n tổ chức tín dụng, ngân hàng tại Cục THADS TP.HCM và các Chi cục chưa quyết liệt thực hiện theo đúng chỉ đạo của Tổng cục THADS. Vẫn còn nhiều vụ việc chậm giao tài sản bán đấu giá thành cho người mua trúng đấu giá. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính tuy có chuyển biến nhưng chưa đạt được kỳ vọng của lãnh đạo Bộ Tư pháp và Tổng cục. Luật Đấu giá đã có hiệu lực nhưng vẫn chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết nên khi thực hiện các Chấp hành viên vẫn còn lúng túng. Trong đó có công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành cần chủ động, sâu sát, quyết liệt hơn; vẫn còn một bộ phận công chức, người lao động chưa thực sự đề cao ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao.
Phát biểu tại Hội nghị Thứ trưởng Trần Tiến Dũng, thay mặt Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, ghi nhận, biểu dương những kết quả mà các cơ quan Thi hành án dân sự thành phố đã đạt được. Thứ trưởng cũng cảm ơn Lãnh đạo Thành uỷ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Lãnh đạo các sở, ban, ngành của thành phố, Lãnh đạo các quận, huyện của thành phố đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện và phối hợp thực hiện công tác Thi hành án dân sự trên địa bàn thành phố trong thời gian qua và đề nghị Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố và các cấp chính quyền tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm, hỗ trợ cho công tác Thi hành án dân sự trên địa bàn Thành phố, đặc biệt là trong công tác cán bộ và chỉ đạo, phối hợp thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
 
Thứ trưởng cũng yêu cầu Cục Thi hành án dân sự thành phố bám sát Chỉ thị số 05 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác Thi hành án dân sự, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố tập trung triển khai những nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, triển khai nghiêm túc, hiệu quả, bảo đảm đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ thi hành án dân sự, hành chính được Quốc hội, Bộ Tư pháp giao. Nâng cao chất lượng và tính chính xác trong phân loại và tổ chức thi hành án; tập trung, quyết liệt chủ động thi hành án các vụ án tham nhũng; nâng cao hiệu quả thi hành án đối với những vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng. 
Hai là, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của Cục Thi hành án dân sự theo phương châm hướng mạnh về cơ sở, sâu sát, quyết liệt, nâng cao tính nhạy bén và năng lực phản ứng trước các vấn đề phát sinh trong thực tiễn Thi hành án dân sự. Tiếp tục đẩy mạnh kiện toàn tổ chức bộ máy (hiện thiếu 01 Trưởng phòng kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, 01 phó Trưởng phòng thuộc Cục và thiếu 07 Phó Chi cục trưởng các đơn vị quận, huyện).
Ba là, Siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong đơn vị, chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao năng lực trình độ, thái độ phục vụ nhân dân, xây dựng hình ảnh đẹp về người công chức Thi hành án dân sự. Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, ban hành tiêu chí đánh giá hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát đối với cấp cơ sở, đặc biệt là cấp Chi cục (mặc dù công tác kiểm tra của Cục trong thời gian qua đã có nhiều tiến bộ, đã chủ động kiểm tra kịp thời phát hiện và xử lý kỷ luật 02 trường hợp vi phạm). Tích cực, chủ động học tập nghiên cứu các quy định pháp luật nói chung, pháp luật về Thi hành án dân sự nói riêng, nhất là các văn bản mới ban hành để áp dụng thực hiện đúng, đầy đủ, hạn chế sai sót, sai phạm trong quá trình tác nghiệp. Lãnh đạo Cục, Chi cục, Chấp hành viên được cử tham gia các lớp bồi dưỡng của Bộ, Tổng cục Thi hành án dân sự cần thường xuyên trao đổi với đồng nghiệp trong đơn vị các kiến thức được lĩnh hội, đặc biệt là các quy định mới trong Luật đấu giá tài sản, Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và Nghị quyết số 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu.
 Bốn là, Nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo đảm mọi khiếu nại, tố cáo phải được giải quyết với tinh thần trách nhiệm cao, đúng pháp luật và từ cấp cơ sở; người đứng đầu phải trực tiếp tiếp công dân, coi kết quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là tiêu chí đánh giá năng lực, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan Thi hành án dân sự, của người có thẩm quyền và trách nhiệm (năm 2017 vừa qua, tỷ lệ giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đạt thấp, chỉ đạt 88,6%, thấp 5,27% so với năm 2016).
Năm là, Tăng cường công tác cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Thi hành án dân sự, giảm các thủ tục hành chính không cần thiết cho người dân; triển khai đầy đủ cơ chế một cửa, thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến; nghiên cứu, đề xuất những dịch vụ hành chính công có khả năng cung cấp trực tuyến từ mức độ 3 trở lên. Triển khai tổ chức thực hiệnphần mềm quản lý quá trình thụ lý, tổ chức và thống kê thi hành án dân sự. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả và kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí nhằm định hướng dư luận.
Sáu là, Tiếp tục tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự thành phố, phát huy công tác phối hợp liên ngành, nhất là với cơ quan Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát trong thực hiện công tác thi hành án dân sự trên địa bàn.

 
Cũng trong dịp này, Bộ Tư pháp đã trao quyết định bổ nhiệm Cục trưởng Cục THADS cho ông Vũ Quốc Doanh (Quyền Cục trưởng). Ngoài ra, Bộ Tư pháp còn tặng bằng khen cho 5 tập thể gồm Phòng Tổ chức cán bộ, Chi cục THADS quận 7, quận 8, quận 9, quận Bình Thạnh và 14 cá nhân; công nhận danh hiệu tập thể lao động xuất sắc năm 2017 cho các đơn vị gồm Chi cục THADS quận 1, quận 3, quận 5, quận 7, quận 8, quận 9, quận 11, quận Bình Thạnh, quận Phú Nhuận.
 
                                                                                Cẩm Tú

Các tin đã đưa ngày: