Sign In

Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự

13/07/2016

Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự
          Hiện nay công tác thi hành án dân sự nói chung còn gặp nhiều khó khăn, trong đó việc đưa ra thi hành xong bản án, quyết định của Tòa án để bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức là đều rất khó trên thực tế, đòi hỏi cán bộ, công chức, chấp hành viên ngành Thi hành án dân sự phải có nhiều tâm huyết và công sức từ nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật và việc áp dụng nó vào thực tiễn, đến các kỹ năng, kinh nghiệm trong tác nghiệp. Vì vậy Chấp hành viên, người làm công tác thi hành án dân sự cần phải rèn luyện, học tập thường xuyên để nâng cao trình độ chuyên môn và  phải giữ được chuẩn mực đạo đức chấp hành viên trong sáng, thì mới có khả năng đảm đương được nhiệm vụ được giao trong tình hình mới
          Từ tình hình đó, trong công tác thi hành án dân sự cần có những giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả trong việc tổ chức thi hành án bản án, quyết định của Tòa án. Từ thực tiễn công tác giải quyết thi hành án, việc “dân vận khéo trong công tác thi hành án dân sự” hết sức quan trọng quyết định hiệu quả công tác thi hành án dân sự tránh việc khiếu nại của các bên đương sự.

          Để thực hiện tốt “Dân vận khéo trong công tác thi hành án dân sự”  trước hết Chấp hành viên, cán bộ thi hành án cần nguyên cứu kỹ bản án, quyết định của Tòa án, khai thác các thông tin có được trong bản án, đồng thời xác minh rõ các vấn đề về nhân thân, tài sản và các mối quan hệ mâu thuẫn của các bên đương sự, nơi cư trú,… để tìm ra biện pháp thỏa thuận thi hành án phù hợp, tránh tình trạng phải tổ chức cưỡng chế kéo dài thời gian, và có thể xảy ra các tình huống phức tạp khác. Thường xuyên đến cơ sở, nơi cư trú của đương sự để tác nghiệp thi hành án, từ đó mới nắm bắt kịp thời các tình huống phát sinh liên quan đến việc thi hành án để có biện pháp xử lý kịp thời. Đối với loại việc thi hành án chủ động thì kiên trì vận động người thân của đương sự để nộp các khoản thi hành án đạt hiệu quả, trong đó chú trọng việc giải thích các quyền và nghĩa vụ của đương sự để họ thấy được trách nhiệm cần phải thi hành án (giải thích việc nộp án phí để được xét giảm án phạt tù, được xóa án tích theo quy định). Thông báo danh sách người phải thi hành án đến cơ quan Công an và Tư pháp xã để nơi đây hỗ trợ, vận động đương sự thực hiện nghĩa vụ thi hành án khi đương sự yêu cầu công chứng, chứng thực các giấy tờ hành chính hoặc xác nhận các giấy tờ về nhân thân.

          Trong phối hợp với cán bộ địa phương, tranh thủ thời gian tuyên truyền về những vướng mắc thường hay phát sinh đối với nhân dân trong các giao dịch dân sự, các quan hệ về đất đai, hôn nhân gia đình, quan hệ về hụi, vay mượn tiền, tài sản diễn ra không lành mạnh xảy ra nhiều tranh tranh chấp và dẫn đến lượng án Tòa án giải quyết ngày càng nhiều. Vì vậy, cán bộ Thi hành án cần tuyên truyền đến cán bộ cơ sở, tổ chức chính trị- xã hội ở địa phương ( Nếu có thời gian, tranh thủ trong việc phối hợp xác minh, giải quyết thi hành án ở cơ sở) để họ tuyên truyền, vận động nhân dân ở địa phương chấp hành tốt các quy định của Nhà nước về thực hiện thủ tục chuyển dịch đất đai, các quan hệ dân sự nêu trên, nhằm hạn chế các tranh chấp dân sự, giảm lượng án phải thụ lý thi hành. Thực tế cho thấy ở nơi nào cán bộ thi hành án phối hợp tốt với chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động thuyết phục nhân dân hạn chế các giao dịch dân sự chưa lành mạnh và những hậu quả phát sinh của các giao dịch đó, thì ở những nơi các tranh chấp dân sự giảm đáng kể, giảm lượng việc hòa giải ở cơ sở và giảm lượng án phải thụ lý giải quyết ở Tòa án và Thi hành án dân sự.  
Để làm tốt nhiệm vụ chuyên môn Chi cục Thi hành án dân sự huyện đã quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện, lấy công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục thuyết phục làm biện pháp thi hành án chủ đạo. Trong năm qua Chi cục Thi hành án dân sự huyện phối hợp tốt với các cơ quan bảo vệ pháp luật, các cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân, các tổ chức đoàn thể, mặt trận tổ quốc và đặc biệt là cán bộ, chấp hành viên luôn đi sâu đi sát cơ sở phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở, Trưởng ấp, Tổ hòa giải, những người có uy tín đối với người phải thi hành án (kể cả các chức sắc tôn giáo) để tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước bằng nhiều biện pháp tác động về mặt tinh thần, tư tưởng, nhằm nêu cao ý thức chấp hành pháp luật làm cho đương sự, gia đình và người thân đương sự nhận thức được quyền nghĩa vụ của mình và tự nguyện thi hành án.

          Công tác dân vận luôn có vị trí quan trọng trong việc vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nói chung vào thực tiễn công tác thi hành án dân sự nói riêng. Lúc sinh thời Bác Hồ đã dạy “Lực lượng của dân là rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. 
          
CHI CỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ HUYỆN VŨNG LIÊM
 

Các tin đã đưa ngày: