Sign In

Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự năm 2018

30/01/2018

 
          Thi hành án dân sự giữ vai trò quan trọng trong hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung và trong hoạt động tư pháp nói riêng, đây là giai đoạn cuối cùng của quá trình tố tụng, là hoạt động thực thi phán quyết của Tòa án liên quan đến các vấn đề về tài sản trong các bản án hình sự, dân sự, lao động, hành chính, kinh tế, hôn nhân và gia đình..., bảo đảm cho quyết định của Tòa án được chấp hành, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước. Trong những năm qua, Phòng Nghiệp vụ và tổ chức thi hành án thuộc Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã làm tốt công tác tham mưu lãnh đạo theo dõi, chỉ đạo giải quyết những khó khăn vướng mắc phát sinh trong công tác giải quyết án, các đơn vị đã tích cực tập trung vào công tác tổ chức thi hành án, xác minh, phân loại án đúng quy định, những vụ việc có điều kiện đã được quan tâm giải quyết, góp phần tích cực vào việc hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ chung của ngành.
          1. Kết quả giải quyết án năm 2017
          Năm 2017 toàn tỉnh thụ lý 18.868 việc với số tiền 914,4 tỷ (tăng 0,18% về việc và 28,45% về tiền), kết quả giải quyết đạt 77,5% về việc và 37,5% về tiền; kéo giảm 1,09% về việc, nhưng tăng 20,07% về tiền chuyển kỳ sau. Trong đó, có 01 đơn vị đạt 04 chỉ tiêu là Chợ Lách (85,1% về việc, 52,6% về tiền; kéo giảm 10,4% về việc và 31,915% về tiền chuyển kỳ sau); 04 đơn vị đạt 03 chỉ tiêu là Phòng Nghiệp vụ (80,8% về việc, 33,56% về tiền; kéo giảm 28,6% về tiền chuyển kỳ sau); Mỏ Cày Nam (71,9% về việc, 37,81% về tiền; kéo giảm 17,26% về việc); Giồng Trôm (76,14% về việc, 39,73% về tiền; kéo giảm 14,15% về việc); Mỏ Cày Bắc (84,57% về việc, 46,85% về tiền; kéo giảm 8,40% về việc). các đơn vị còn lại cơ bản đạt hai chỉ tiêu, các chỉ tiêu còn lại chưa đạt. Về tình hình giải quyết các vụ việc án thi hành cho ngân hàng: Tính đến ngày 30/9/2017, toàn tỉnh Bến Tre phải thi hành cho các Ngân hàng 273 việc với số tiền là 243,7 tỷ, đã giải quyết xong 37 việc, số tiền là 70.5 tỷ (đạt tỷ lệ 13,55% về việc và 28,93% về tiền trên tổng số phải thi hành, giảm 01 việc và tăng 19.545.519.548đ so cùng kỳ) còn phải tiếp tục thi hành 236 việc với số tiền 173.2 tỷ. Nhìn chung, kết quả tỷ lệ giải quyết án toàn tỉnh năm 2017 là chưa đạt yêu cầu, chỉ tiêu đề ra.
          2. Những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân:
          a. Hạn chế: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong năm qua công tác THADS trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đề ra, số lượng việc, tiền có điều kiện thi hành nhưng chưa giải quyết xong còn nhiều (đến 30/9/2017 toàn tỉnh còn 3.542 việc tương ứng số tiền 406,6 tỷ đồng có điều kiện nhưng chưa thi hành xong), tổng sô án chuyển năm sau tiếp tục tăng (6423 việc tương ứng số tiền 635,3 tỷ đồng), chưa kéo giảm số việc, tiền có điều kiện chuyển kỳ sau theo chỉ tiêu được giao; một số án vẫn còn tồn đọng kéo dài ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự; kết quả tỷ lệ thi hành án cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng còn thấp.
          b. Nguyên nhân:
          * Nguyên nhân khách quan:
          Số việc, số tiền thụ lý mới của toàn tỉnh tăng so với năm 2016 (tăng 33 việc (0,18%), 202.5 tỷ (28,45%)); một số vụ việc có số tiền phải thi hành nhỏ nhưng người phải thi hành án chỉ có tài sản duy nhất tài sản nhà đất có giá trị quá lớn so với số tiền phải thi hành; nhiều việc án, Chấp hành viên đã kê biên, thẩm định giá, bán đấu theo quy định nhưng qua nhiều lần giảm giá, thông báo bán đấu giá vẫn chưa có người đăng ký mua; số việc phải thi hành án cho ngân sách nhà nước như các khoản án phí, tiền phạt, tịch thu sung quỹ nhà nước chiếm số lượng lớn nhưng người phải thi hành án không có tài sản, thu nhập, đang chấp hành án phạt tù hoặc khi mãn hạn tù không về địa phương nên khó thi hành án; Nhiều vụ việc, người phải thi hành án có tài sản nhưng không tự nguyện thi hành , họ luôn tìm mọi cách để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ hoặc khiếu nại làm kéo dài thời gian thi hành, khi Chấp hành viên tiếp xúc làm việc thì họ không hợp tác..đã gây nhiều khó khăn cho Chấp hành viên trong quá trình tác nghiệp; một số quy định của pháp luật thi hành án chưa cụ thể rõ ràng, còn chồng chéo dẫn đến nhiều quan điểm cách hiểu khác nhau gây khó khăn trong quá trình áp dụng, Chấp hành viên, cơ quan thi hành án phải báo cáo xin ý kiến….
          b. Nguyên nhân chủ quan:
          Lãnh đạo một số đơn vị chưa thực sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thi hành án, một số ít chấp hành viên còn thụ động, năng lực hạn chế nên hiệu quả công tác chưa cao. Trong công tác giải quyết án, Chấp hành viên, cán bộ nghiệp vụ chưa thực hiện đúng trình tự thủ tục thi hành án, công tác xác minh phân loại án chưa đảm bảo chính xác kịp thời; Chấp hành viên chưa kiên quyết áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với những trường hợp người phải thi hành án có điều kiện nhưng cố tình không thi hành; Việc vận dụng, áp dụng pháp luật trong quá trình tổ chức thi hành án chưa thống nhất, còn nhiều quan điểm khác nhau, phát sinh khiếu nại của đương sự, làm kéo dài thời gian thi hành án. Công tác phối hợp trong thi hành án ở một số đơn vị chưa thật sự tốt; nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của nhiều cá nhân phải thi hành án còn thấp.
          3. Đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự  trong thời gian tới
          a. Đối với Cục Thi hành án dân sự tỉnh
          - Cần đổi mới, tăng cường hoạt động kiểm tra theo hướng bảo đảm chất lượng, hiệu quả; kiểm tra đột xuất để kịp thời phát hiện những sai sót, từ đó có biện pháp chấn chỉnh, xử lý; qua công tác kiểm tra, có biện pháp bồi dưỡng, khen thưởng kịp thời những cá nhân, tổ chức có thành tích, đồng thời kiểm điểm, xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức vi phạm.
          - Phòng nghiệp vụ tham mưu lãnh đạo Cục THADS tỉnh theo dõi, kiểm tra tiến độ kết quả thi hành án toàn tỉnh, kịp thời báo cáo đề xuất giải pháp nhằm nâng cao kết quả tỷ lệ giải quyết án. Kịp thời tham mưu Cục trưởng cho ý kiến hướng dẫn chỉ đạo nghiệp vụ khi Chi cục, Chấp hành viên có báo cáo xin hướng dẫn nghiệp vụ theo quy trình xin hướng dẫn nghiệp vụ trong nội bộ ngành.
          - Phối hợp Công an, Tòa án, Viện kiểm sát, Sở Tài nguyên môi trường, Ngân hàng Nhà nước thực hiện quy chế phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự, kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc phát sinh, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình tổ chức thi hành án.
          - Tăng cường hoạt động của Tổ chỉ đạo thi hành án cho Ngân hàng, định kỳ hàng quí phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tỉnh xây dựng kế hoạch làm việc tại từng Chi cục Thi hành án để đẩy nhanh tiến độ thi hành án ngân hàng.
          - Thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ, các buổi tọa đàm trao đổi giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh trong công tác giải quyết thi hành án, nhằm nâng cao nhận thức kỹ năng nghiệp vụ của Chấp hành viên.
          b. Đối với Chi cục THADS các huyện, thành phố và Chấp hành viên
          - Đối với Lãnh đạo Chi cục:
          + Tăng cường tự kiểm tra, giám sát hoạt động thi hành án tại Chi cục, chỉ đạo tăng cường công tác rà soát, xác minh phân loại án, đây là công việc có ý nghĩa to lớn, thúc đẩy hoặc kìm hãm việc thi hành án dân sự. Chính vì vậy, các cơ quan THADS cần thường xuyên làm tốt công tác rà soát, phân loại án để có biện pháp thi hành đạt hiệu quả. Khi tiến hành công tác rà soát, phân loại hồ sơ thi hành án cần lưu ý: Phải rà soát, sàng lọc án bằng hình thức phân loại theo mức độ và tính chất phức tạp để tính toán các biện pháp, tập trung sự chỉ đạo, tổ chức thi hành án cho từng loại án, từ kết quả sàng lọc để có phương án tối ưu và kịp thời thi hành dứt điểm vụ việc; Việc sắp xếp, phân loại án khoa học sẽ không để lọt, không quên, không sót việc và sắp xếp không được chồng chéo để luôn đáp ứng khi có yêu cầu phát sinh, kể cả phục vụ công tác phối hợp với cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án trong quá trình thi hành công vụ; chủ động ra quân tổ chức các đợt thi hành án. Tổ chức các biện pháp phối hợp, huy động mọi lực lượng cùng tham gia thi hành án; lấy phương châm giáo dục thuyết phục là chính nhưng cũng sẵn sàng áp dụng biện pháp cưỡng chế khi cần thiết; thực hiện tốt công tác tự kiểm tra tại đơn vị; thường xuyên theo dõi tiến độ, kết quả tỷ lệ giải quyết án của các Chấp hành viên để có giải pháp chỉ đạo thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả thi hành án.
          + Thường xuyên phối hợp với các cơ quan liên quan, các ngành chức năng và chính quyền địa phương trong công tác thi hành án, chủ động xây dựng quy chế phối hợp.
          + Tham mưu Ban chỉ đạo thi hành án dân sự cùng cấp họp thống nhất cho ý kiến tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong công tác phối hợp, những vấn đề còn nhiều quan điểm khác nhau. Đối với những vụ việc án khó khăn vướng mắc cần thực hiện đúng quy trình xin hướng dẫn nghiệp vụ.
          - Đối với Chấp hành viên:
          + Thực hiện việc xác minh, phân loại án có điều kiện, chưa có điều kiện chặt chẽ, chính xác để có căn cứ giải quyết tiếp theo. Thường xuyên thực hiện công tác vận động, giáo dục thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành, tạo điều kiện thuận lợi cho các bên đương sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan thỏa thuận phương thức thi hành án đúng quy định pháp luật. Đối với những trường hợp, đã qua vận động thuyết phục nhưng người phải thi hành án cố tình không thi hành thì phải kiên quyết áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành; đối với những việc án thi hành cho Ngân hàng, nếu người phải thi hành án không thực hiện đúng cam kết thỏa thuận thì Chấp hành viên nhanh chóng xác minh làm rõ tài sản thế chấp, áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản để xử lý thi hành án.
          + Đối với những vụ việc án có phát sinh khó khăn vướng mắc, Chấp hành viên phải kịp thời báo cáo xin ý kiến hướng dẫn của lãnh đạo để xử lý, không để việc án tồn đọng chậm giải quyết dẫn đến khiếu nại.
          + Xây dựng kế hoạch giải quyết án cụ thể rõ ràng, đề ra chỉ tiêu giải quyết hàng tháng để trên cơ sở đó thực hiện; dành thời gian nghiên cứu văn bản pháp luật hiện hành, không chỉ văn bản pháp luật về THADS mà còn phải chú ý nghiên cứu, cập nhật các văn bản pháp luật chuyên ngành khác, đặc biệt là những lĩnh vực thường xuyên áp dụng như: Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Doanh nghiệp ... Quá trình tổ chức thi hành án, Chấp hành viên phải thực hiện các thủ tục thi hành án đúng theo luật định, không để việc án chậm tổ chức thi hành do lỗi chủ quan của Chấp hành viên, dẫn đến phát sinh các khiếu nại của đương sự.
Trên đây là một số giải pháp điển hình về nâng cao hiệu quả thi hành án năm 2018 và những năm tiếp theo; trong thực tế còn rất nhiều các giải pháp mà mỗi đơn vị, mỗi công chức sáng tạo vận dụng kịp thời và linh hoạt nhằm mục tiêu đem lại hiệu quả cao nhất cho công tác thi hành án dân sự, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên trong thi hành án; điều đặc biệt hơn nữa đó là sự quyết tâm cao của mỗi công chức, mỗi đơn vị trong việc thực hiện các giải pháp đúng đắn thì những giải pháp đó mới đem lại hiệu quả.
          4. Kiến nghị
Đối với những sáng kiến, giải pháp hiệu quả trong công tác thi hành án đã được Hội đồng sáng kiến công nhận, kiến nghị Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh cho triển khai áp dụng trong phạm vi toàn tỉnh, nhằm nâng cao hiệu quả công tác, góp phần thực hiện hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ được giao.
 
                                                                                              Nguyễn Văn Tấn      

Các tin đã đưa ngày: