Căn cứ Quy chế phối hợp số 41/QCLN/CTHADS-NHNN ngày 25/5/2015 giữa Cục Thi hành án dân sự và Ngân hàng nhà nước Chi nhánh tỉnh trong công tác thi hành án dân sự. Ngày 14 tháng 5 năm 2020, Cục Thi hành án dân sự và Ngân hàng nhà nước tổ chức Hội nghị sơ kết công tác phối hợp 6 tháng đầu năm 2020. Dự Hội nghị có ông Võ Thành Đông, Phó Cục trưởng; trưởng các phòng chuyên môn, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện, thành phố. Về phía Ngân hàng nhà nước Chi nhánh tỉnh có ông Mai Tấn Niên, Phó Giám đốc; tham dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các Ngân hàng trên địa bàn tỉnh.
Hội nghị đã thông qua báo cáo kết quả công tác phối hợp 06 tháng đầu năm 2020.Về việc: tổng thụ lý 437 việc (chiếm 3,07% số việc thụ lý toàn tỉnh). So với cùng kỳ năm 2019, số thụ lý án TDNH tăng 107 việc. Trong đó, số việc có điều kiện thi hành án là 332 việc (chiếm 75,97%), số việc chưa có điều kiện thi hành là 105 việc (chiếm 24,03%); Đã giải quyết xong 53 việc đạt tỷ lệ 12,13% (tăng 15 việc, cao hơn 0,61% so với cùng kỳ năm 2019). Về tiền: Tổng thụ lý là 284 tỷ 398 triệu 833 nghìn đồng (chiếm 24,01% số tiền thụ lý toàn tỉnh). So với cùng kỳ năm 2019, số thụ lý án TDNH tăng 63 tỷ 595 triệu 067 nghìn đồng. Trong đó, số tiền có điều kiện thi hành án là 232 tỷ 782 triệu 865 nghìn đồng (chiếm 81,85%), số tiền chưa có điều kiện thi hành là 51 tỷ 615 triệu 967 nghìn đồng (chiếm 18,15%); Đã giải quyết xong 51 tỷ 022 triệu 037 nghìn đồng, đạt tỷ lệ 17,94% (giảm 583 triệu 762 nghìn đồng, thấp hơn 5.43% so với cùng kỳ năm 2019). Còn phải tiếp tục thi hành: 384 việc với số tiền 233 tỷ 376 triệu 796 đồng. Trong đó: (Có điều kiện thi hành là 279 việc với số tiền 184 tỷ 522 triệu 102 nghìn đồng; chưa có điều kiện 105 việc, với số tiền 48 tỷ 854 triệu 693 nghìn đồng. Trong số có điều kiện thi hành: Hoãn thi hành án 4 việc, với số tiền 1 tỷ 836 triệu 932 nghìn đồng; Đã áp dụng biện pháp cưỡng chế trừ vào thu nhập 07 việc, với số tiền 229 triệu 586 nghìn đồng; Đã tổ chức cưỡng chế kê biên là 66 việc, với số tiền 104 tỷ 971 triệu 304 nghìn đồng và đã đưa ra bán đấu giá 30 việc, với số tiền 37 tỷ 931 triệu 715 nghìn đồng; Số còn lại chưa cưỡng chế kê biên là 202 việc, với số tiền 77 tỷ 484 triệu 279 nghìn đồng, lý do: Các đương sự đang thỏa thuận trả dần 51 việc, với số tiền 7 tỷ 683 triệu 691 nghìn đồng; Chấp hành viên đang tiến hành động viên đương sự tự nguyện nộp 17 việc, với số tiền 2 tỷ 524 triệu 257 nghìn đồng; Chấp hành viên đang tiến hành xác minh lại, làm rõ tài sản để xử lý theo quy định 134 việc, với số tiền 67 tỷ 276 triệu 330 nghìn đồng).
Tại Hội nghị các đại biểu tham dự đã trao đổi, đánh giá ưu điểm, nêu lên những tồn tại, hạn chế nguyên nhân và thống nhất các giải pháp thực hiện công tác phối hợp trong thời gian tới. Cụ thể:
Đối với Cục Thi hành án dân sự
1. Chỉ đạo hệ thống Thi hành án dân sự trong tỉnh thực hiện nghiêm túc các văn bản quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự về công tác thi hành án tín dụng ngân hàng. Tích cực phối hợp thực hiện tốt Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác Thi hành án dân sự. Tiếp tục phối hợp nghiên cứu để có chỉ đạo thực hiện một cách thống nhất từng vụ việc thi hành án cụ thể, phải được mỗi bên phân công cán bộ theo dõi sát để phối hợp xử lý đồng bộ theo trách nhiệm.
2. Tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo Phòng chuyên môn nghiệp vụ và Chi cục Thi hành án dân sự trực thuộc phải thường xuyên rà soát, phân loại các việc thi hành án liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng. Đối với các vụ việc có điều kiện thi hành án phải chỉ đạo Chấp hành viên và Chi cục Thi hành án dân sự xây dựng kế hoạch chi tiết, đề ra các giải pháp cụ thể để giải quyết có hiệu quả và sớm tổ chức thi hành án dứt điểm.
3. Chỉ đạo Chấp hành viên thi hành việc án của ngân hàng, tăng cường công tác phối hợp và chủ động phối hợp thường xuyên với các tổ chức tín dụng, ngân hàng và mời đại diện các tổ chức tín dụng, ngân hàng tham gia ngay từ khi tiến hành xác minh, xác định thực tế tính pháp lý, vị trí, diện tích, giá trị tài sản thế chấp tại thời điểm thi hành án, để kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh nếu có; Chấp hành viên thi hành việc án chủ động mời đại diện các tổ chức tín dụng, ngân hàng tham gia vận động giáo dục thuyết phục, thỏa thuận thi hành án theo quy định và làm công tác dân vận liên tục từ khi thụ lý đến khi thi hành án xong, kể cả các việc án đang áp dụng biện pháp cưỡng chế, bán đấu giá tài sản.
4. Đối với từng vấn đề còn vướng mắc liên quan đến giải quyết án của các tổ chức tín dụng, Cục Thi hành án dân sự chủ động phối hợp với Ngân hàng nhà nước tỉnh trao đổi, thống nhất nội dung, giải pháp xử lý vướng mắc; từ đó mỗi ngành sẽ có chỉ đạo tổ chức thực hiện theo hệ thống ngành; kịp thời chấn chỉnh, tháo gỡ khó khăn vướng mắc phát sinh để tập trung chỉ đạo thi hành có hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Đối với Ngân hàng nhà nước Chi nhánh tỉnh
1. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng, Ngân hàng thực hiện đúng trình tự, thủ tục thẩm định tài sản trước khi cho khách hàng vay theo quy định pháp luật và quy định nội bộ. Chỉ đạo các Chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt việc phối hợp với cơ quan Thi hành án dân sự trong việc cung cấp các thông tin liên quan phục vụ cho việc thi hành án, xác định nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội khi cơ quan Thi hành án dân sự khi có yêu cầu; đối với những trường hợp Ngân hàng là người được thi hành án thì cần thường xuyên phối hợp cử cán bộ kết hợp với Chấp hành viên trong giải quyết án; phối hợp thực hiện nghiêm Điều 90 Luật Thi hành án dân sự về kê biên, xử lý tài sản đang thế chấp.
2. Đối với những trường hợp người phải thi hành án đã thi hành xong phần nợ gốc, còn lại phần lãi chậm thi hành án, hoặc đã xử lý hết tài sản thế chấp, nhưng người phải thi hành án không còn tài sản và cơ quan Thi hành án dân sự đã xác định việc án chưa đủ điều kiện thi hành theo Điều 44a Luật Thi hành án dân sự, Ngân hàng nhà nước tỉnh chỉ đạo các ngân hàng xem xét miễn, giảm lãi để cơ quan Thi hành án dân sự sớm kết thúc việc án.
3. Kịp thời phản ánh, kiến nghị đến người và tổ chức có thẩm quyền giải quyết những vấn đề còn hạn chế, thiếu sót, vi phạm pháp luật của cá nhân, tổ chức khác trong quá trình phối hợp thực hiện thủ tục thi hành án tín dụng ngân hàng.
Đối với các tổ chức tín dụng
1. Chấp hành và tuân thủ đầy đủ các qui định của pháp luật về thi hành án dân sự; phối hợp tốt với Chấp hành viên và Cơ quan thi hành án dân sự, kịp thời phản ánh những vấn đề còn hạn chế, thiếu sót của Chấp hành viên, Cơ quan Thi hành án dân sự về Cục Thi hành án dân sự để giải quyết và lãnh chỉ đạo kịp thời.
2. Khi lập hồ sơ cho vay vốn, tổ chức tín dụng cần tổ chức thẩm định hồ sơ chặt chẽ về tình trạng tài sản thế chấp, bảo lãnh, thẩm định giá theo đúng giá trị thực tế và đánh giá tác động về biến động giá trị của tài sản bảo đảm.
3. Trong giai đoạn tổ chức thi hành án, tổ chức tín dụng cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thi hành án dân sự trong công tác xác minh, giải quyết việc thi hành án, kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản...Trường hợp tài sản không bán được, Ngân hàng và các tổ chức tín dụng tiếp tục phối hợp tốt trong công tác thỏa thuận thi hành án, vận động giáo dục thuyết phục thi hành án nhất là tìm đối tác mua tài sản đã cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản thế chấp theo Điều 90 Luật Thi hành án dân sự , nhằm góp phần cùng cơ quan Thi hành án dân sự sớm kết thúc việc án; Cần có cơ chế quản lý chặt chẽ trong thủ tục cho vay như thẩm định giá, nhận thế chấp tài sản, khảo sát tài sản trước khi cho thế chấp, kiểm tra việc quản lý và sử dụng vốn vay cũng như tài sản bảo đảm để đảm bảo khả năng xử lý tài sản thu hồi nợ; Quản lý chặt chẽ, tránh trường hợp đương sự thực hiện các giao dịch quyền tài sản nhằm tẩu tán tài sản.
Phạm Tấn Khánh-Văn phòng Cục