Năm 2016 là năm đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng thay đổi toàn diện các mặt công tác của Ngành Thi hành án dân sự tỉnh Cao Bằng, đặc biệt là về công tác tổ chức cán bộ. Có thể nói, năm 2016 là năm "về công tác tổ chức cán bộ" của Ngành. Đây là lần đầu tiên sau hơn 5 năm kể từ ngày được thành lập Cục theo Luật Thi hành án dân sự năm 2008, bộ máy lãnh đạo Cục được kiện toàn đủ theo quy định. Từ tháng 5/2016, đồng chí Nông Văn Huyền - Cục trưởng được nghỉ hưu theo chế độ, đồng chí Đặng Văn Huy - Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Thi hành án dân sự được điều động và bổ nhiệm giữ chức vụ Quyền Cục trưởng. Đến tháng 8/2016, Tổng cục trưởng quyết định bổ nhiệm thêm 02 Phó Cục trưởng. Việc kiện toàn đủ bộ máy lãnh đạo Cục đã tạo thuận lợi cơ bản trong việc lãnh đạo, chỉ đạo toàn Ngành đi vào hoạt động có hiệu quả, chuyên nghiệp và bài bản hơn.
Ảnh: Lễ công bố Quyết định bổ nhiệm Lãnh đạo Cục THADS
Trong năm, Lãnh đạo và công chức, người lao động của Ngành đã phát huy nội lực, thực hiện có hiệu quả trên toàn diện các mặt công tác, tạo sự chuyển biến tích cực trong toàn Ngành, cơ bản trên một số mặt công tác sau:
Xây dựng và hoàn thiện thể chế, tăng cường kỷ cương hành chính, kỷ luật lao động: Cục Thi hành án dân sự đã rà soát và hoàn thiện cơ bản các văn bản quản lý nội bộ phục vụ hoạt động cơ quan. Trên cơ sở hoạt động của những năm trước, Cục đã ban hành mới Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ của các Phòng chuyên môn; Quyết định phân công nhiệm vụ lãnh đạo Cục; Quy chế làm việc; Quy chế tiếp công dân ... Tại các văn bản đã phân định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của các đơn vị, cá nhân, cách thức giải quyết công việc, mối quan hệ giải quyết công việc…Tạo thuận lợi cho công chức, người lao động trong việc xác định nhiệm vụ, thẩm quyền giải quyết công việc, phát huy được tính chủ động, khắc phục được tình trạng chồng chéo, thụ động theo sự phân công của cấp trên, từ đó đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả công việc. Kỷ cương hành chính, kỷ luật lao động được siết chặt và tăng cường, hoạt động của cơ quan đi vào nề nếp, khoa học. Việc xây dựng Kế hoạch và Lịch làm việc cũng đã làm thay đổi đáng kể nề nếp làm việc của Cục, giúp các đơn vị, cá nhân nắm rõ hoạt động của Cục, khắc phục được tình trạng xa rời hoạt động giữa các phòng với nhau hoặc không thống nhất trong hoạt động.
Việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và mối quan hệ phối hợp giữa Cục và các Ngành hữu quan được đẩy mạnh và tăng cường. Lãnh đạo Cục đã giữ mối liên hệ chặt chẽ với Thường trực Tỉnh ủy, Lãnh đạo UBND tỉnh trong công tác Thi hành án dân sự, thường xuyên báo cáo, xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, từ đó đã tranh thủ được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác Thi hành án dân sự. Đặc biệt, Lãnh đạo Cục đã trực tiếp làm việc và duy trì mối quan hệ phối hợp với Thường trực huyện ủy, UBND các huyện, thành phố trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và trong việc thực hiện công tác tổ chức cán bộ đối với các Chi cục trực thuộc. Thực hiện quy định của Thông tư liên tịch số 05 giữa Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Cục Thi hành án dân sự đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự; chỉ đạo 13 Chi cục Thi hành án dân sự huyện, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo, đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ đẩy mạnh hoạt động của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự. Cục cũng chủ động đề nghị đưa vào Chương trình công tác năm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành án dân sự. Sự tích cực, chủ động khẳng định mình của Cục Thi hành án dân sự đã được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao sau nhiều năm vẫn còn "rụt rè, tự ti" và có phần "đơn độc" trong hệ thống chính trị chung của tỉnh.
|
|
|
Ảnh: Lãnh đạo Cục làm việc tại một số địa phương
Về kết quả thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ Thi hành án dân sự:
Với nhiệm vụ trọng tâm là phải tổ chức thi hành có hiệu quả các vụ việc thi hành án theo chỉ tiêu nhiệm vụ được Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự giao (năm 2016, Ngành Thi hành án dân sự tỉnh Cao Bằng được giao thi hành xong 74% về việc, 34% về tiền; giảm 7% về việc, 2% về tiền có điều kiện thi hành chuyển sang năm sau). Việc thực hiện chỉ tiêu này cùng với việc xác định kết quả thi hành án theo quy định của Thông tư 08 của Bộ Tư pháp là một thách thức đối với toàn Ngành. Nhận thức được khó khăn đó, ngay từ đầu năm, công tác chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ đã được quan tâm thực hiện, lãnh đạo Cục trực tiếp làm việc với các đơn vị có lượng án lớn, trực tiếp nghiên cứu và có ý kiến đối với các hồ sơ thi hành án. Hàng tuần, hàng tháng đều nắm bắt tình hình, kết quả tại các đơn vị và có ý kiến chỉ đạo cụ thể. Tăng cường họp Hội đồng Chấp hành viên trao đổi thống nhất về chuyên môn nghiệp vụ. Cục đã phát huy tốt vai trò là cơ quan quản lý cấp trên, là chỗ dựa cho các Chi cục. Công tác kiểm tra của Cục đối với các Chi cục trực thuộc cũng có nhiều chuyển biến tích cực, đi vào thực chất và có chiều sâu hơn. Cục đã thực hiện kiểm tra 13/13 Chi cục trực thuộc, qua công tác kiểm tra đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và ấn định thời gian cụ thể để các Chi cục khắc phục; công tác phúc tra sau kiểm tra được thực hiện nghiêm túc, do đó những sai phạm được khắc phục triệt để, hoạt động của các Chi cục từng bước đi vào nề nếp, kỷ cương hành chính, kỷ luật lao động được tăng cường.
Ảnh: Cục Thi hành án dân sự thực hiện công tác kiểm tra tại các Chi cục trực thuộc
Kết thúc năm công tác, toàn Ngành đã hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu thi hành xong về việc và về tiền (Về việc đã giải quyết xong 1.269/1.539 việc có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 79.7% vượt 5.7% so với chỉ tiêu được giao; về tiền đã giải quyết xong 9 tỷ 939 triệu 055 nghìn đồng/27 tỷ 305 triệu 684 nghìn đồng có điều kiện giải quyết, đạt tỷ lệ 36.4%, vượt 2,4% so với chỉ tiêu được giao). Đây là sự cố gắng, nỗ lực của toàn Ngành trong điều kiện kinh tế xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, thách thức.
Bên cạnh việc triển khai thực hiện đồng bộ các mặt công tác, Lãnh đạo Cục đã quan tâm phát động và duy trì hoạt động Văn nghệ - Thể thao rộng khắp trong toàn Ngành. Trong năm, đã tổ chức nhiều hoạt động phong trào sôi nổi và có ý nghĩa thiết thực tạo nên môi trường làm việc năng động, nghiêm túc nhưng rất vui tươi, phấn khởi. Trong đó phải kể đến chuỗi hoạt động rất thành công chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Thi hành án dân sự như: Giải thi đấu thể thao toàn Ngành; Thi đấu bóng đá giao hữu các cơ quan Khối Nội chính; tổ chức Hội thi Chấp hành viên giỏi vòng 1 và tham gia Hội thi Chấp hành viên giỏi khu vực Miền núi phía Bắc…đặc biệt việc tổ chức thành công Lễ Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống với sự tham dự đông đảo các thành phần gồm: đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, của các ban, ngành trong tỉnh và đại diện Thường trực huyện ủy, UBND 13 huyện, thành phố đã tạo được ấn tượng rất tốt đẹp về Ngành, góp phần xây dựng hình ảnh và nâng cao vị thế của Ngành tại địa phương.
Ảnh: Một số hoạt động văn nghệ - thể thao của Ngành
Một năm là khoảng thời gian không dài, nhưng tập thể Lãnh đạo, công chức, người lao động của Ngành đã đạt được những kết quả đáng kể trên các mặt công tác. Nhìn lại chặng đường một năm qua, tập thể công chức, người lao động của Ngành có quyền tự hào vì những nỗ lực, tâm huyết đã thu được những thành quả xứng đáng. Những kết quả đó là rất tích cực tuy nhiên đây mới là những thành quả bước đầu và còn rất khiêm tốn so với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay. Yêu cầu xây dựng Ngành Thi hành án dân sự “đoàn kết, kỷ cương, trách nhiệm, thực thi pháp luật nghiêm minh” như nội dung Bức trướng mà Tỉnh ủy -HĐND-UBND-UBMTTQ trao tặng cho Ngành; Yêu cầu chung của Ngành trong việc xây dựng và phát triển các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương và yêu cầu tăng cường pháp chế trong bối cảnh nước ta đang từng bước xây dựng Nhà nước pháp quyền thì nhiệm vụ và thách thức đặt ra đối với công tác Thi hành án dân sự nói chung và với Ngành Thi hành án dân sự tỉnh Cao Bằng nói riêng còn rất nặng nề. Lãnh đạo và toàn thể công chức, người lao động của Ngành phải nỗ lực hơn nữa, xác định rõ nhiệm vụ, mục tiêu, hướng đi, cách làm, đồng thuận quyết tâm thực hiện đồng bộ các biện pháp, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác của đơn vị, của Ngành trong những năm tiếp theo.
Phấn đấu thực hiện hoàn thành nhiệm vụ công tác năm 2017, tại Hội nghị triển khai công tác Thi hành án dân sự, toàn Ngành đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể:
Một là: Tiếp tục tăng cường kỷ cương hành chính, kỷ luật lao động; tuân thủ tính thứ bậc, mối quan hệ chấp hành và điều hành trong mỗi đơn vị, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Xây dựng tác phong làm việc chuyên nghiệp, khoa học. Nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý, điều hành của Lãnh đạo Cục và Lãnh đạo các Chi cục theo hướng sâu sát, kiên quyết, phân công nhiệm vụ rõ người, rõ việc và thời gian hoàn thành. Thủ trưởng các đơn vị phải chịu trách nhiệm về kết quả của đơn vị, lĩnh vực được giao phụ trách.
Hai là: Tổ chức thi hành có hiệu quả các vụ việc thi hành án thuộc thẩm quyền theo đúng trình tự, thủ tục thi hành án dân sự. Trong đó tập trung tổ chức thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện, đối với những vụ việc có điều kiện nhưng đương sự cố tình chây ỳ, trốn tránh nghĩa vụ thi hành án cần kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án. Với mục tiêu đảm bảo thực hiện hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2017 được Bộ Tư pháp -Tổng cục Thi hành án dân sự giao cho Ngành (giải quyết xong 74% về việc, 34% về tiền; giảm 10% việc, 6% về tiền chuyển kỳ sau so với số việc, tiền có điều kiện thi hành).
Ba là: Các cơ quan Thi hành án dân sự trong toàn tỉnh phải phát huy tốt hơn nữa vai trò tham mưu cho Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự trong việc chỉ đạo giải quyết đối với những vụ việc phức tạp trên địa bàn; Tham mưu cho UBND cùng cấp trong việc quản lý, chỉ đạo về công tác Thi hành án dân sự tại địa phương. Phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành hữu quan, tạo sự đồng thuận và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác Thi hành án dân sự, làm cho công tác Thi hành án dân sự trở thành nhiệm vụ chính trị chung của nhiều Ngành, nhiều cấp, từ đó đẩy nhanh được tiến độ và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự.
Bốn là: Cục Thi hành án dân sự phải tiếp tục chủ động thực hiện tốt công tác chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ đối với các đơn vị trực thuộc theo hướng sâu sát, cụ thể, phải thật sự là chỗ dựa cho các Chi cục, sâu sát và nắm chắc tình hình tại các Chi cục để kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ. Tăng cường thực hiện công tác kiểm tra và “hậu kiểm tra”, kịp thời ngăn ngừa, phát hiện, chấn chỉnh và khắc phục triệt để những sai sót, tồn tại, đảm bảo công tác thi hành án dân sự thực chất, bền vững.
Năm là: Tập trung kiện toàn bộ máy Lãnh đạo các cơ quan thi hành án dân sự từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực hoạt động của các tổ chức đảng, đoàn thể của các đơn vị. Tăng cường thực hiện công tác giáo dục tư tưởng chính trị cho đội ngũ công chức, đặc biệt là Chấp hành viên; gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện nghiêm Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp, xây dựng nền nếp, tác phong làm việc của công chức, người lao động các cơ quan Thi hành án dân sự theo hướng chuyên nghiệp hiện đại.
Một năm mới đã đến, trong những vận hội và thử thách, toàn Ngành Thi hành án dân sự tỉnh Cao Bằng sẽ tiếp tục đoàn kết, tập trung triển khai thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác theo chỉ tiêu nhiệm vụ được giao, tạo những chuyển biến trong công tác Thi hành án dân sự ngày càng thực chất, bền vững; xây dựng Ngành trong sạch, vững mạnh; từng bước nâng cao vị thế, vai trò của công tác Thi hành án dân sự trong hệ thống chính trị chung của tỉnh, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế tại địa phương./.
Văn phòng Cục Thi hành án dân sự